Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 22 Thường Niên, Năm A
Tuần này các chủ đề Kitô học được tiếp tục khai triển. Trong Tin Mừng tuần trước ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Messia và Người đã tuyên bố thiết lập Hội Thánh trên nền đá tảng Phêrô. Tiếp nối ý tưởng đó, hôm nay Chúa cho biết Đấng Messia ấy là Đấng Messia chịu đau khổ.
BÀI ĐỌC 1: Gr 20,7-9
Ngôn sứ Giêrêmia tâm sự với Chúa
Như chúng ta đã thấy cách đây ít tuần (Chúa nhật mười hai trong năm), Giêrêmia đã gặp khó khăn khi phải nói với dân chúng ở Giêrusalem rằng thành phố của họ sẽ bị bao vây và phá hủy, và chính họ cũng sẽ bị bắt đi lưu đày. Vị ngôn sứ cố gắng tránh sứ vụ thông báo sứ điệp thảm khốc này, nhưng Chúa không cho ông được bình an, cho dù ông có cố gắng xua đuổi công việc này ra khỏi tâm trí mình bao nhiêu. Vì vậy, Thiên Chúa khuất phục hoặc dụ dỗ vị ngôn sứ và buộc ông phải công bố sứ điệp của Ngài. Cả hai hình ảnh này đều quan trọng vì nó là một khó khăn, thách đố nhưng đồng thời là một sự cưỡng buộc sẵn sàng và vui vẻ. Giêrêmia gần như có mối quan hệ yêu-ghét với Chúa. Một cách tương tự, Phaolô nói rằng ngài không có lựa chọn nào khác ngoài việc loan báo sứ điệp của Chúa Kitô. Trong bài Tin Mừng, ông Phêrô gợi ý với Chúa Giêsu rằng Người nên tránh con đường đau khổ, nhưng Chúa Giêsu đã từ chối, không chọn con đường trốn thoát nào khác. Trong tất cả những trường hợp này, khuynh hướng tự nhiên của con người là muốn đi con đường dễ dàng hơn, muốn đâm thẳng vào bức tường đá theo ý của Thiên Chúa. Chúng ta luôn ngần ngại trong việc chấp nhận con đường đau khổ. Trong Tin Mừng, mỗi lần Chúa Giêsu dạy rằng Người chỉ có thể đạt được vinh quang qua đau khổ, các môn đồ dường như không chịu lắng nghe.
ĐÁP CA: Tv 63:2-6, 8-9
Tâm hồn khao khát Chúa
Giống Thánh vịnh 61, Thánh vịnh này cũng gồm những lời van xin (cc. 3-4 và 10-11), lời tạ ơn (cc. 4-6), và tâm tình tín thác (cc. 7-9). Hoàn cảnh của thánh vịnh gia có thể giải thích tại sao những tâm tình khác nhau như thế lại đan kết với nhau để làm nên một thánh vịnh: ông bị quân thù và kẻ gian ác vây bủa (cc. 10, 12b) nên ông tìm kiếm Chúa (c. 2) trong đền thờ như một nơi trú ẩn an toàn hầu có thể thoát mọi hiểm nguy rình rập và đe dọa (cc. 3 và 8). Ông có thể cư ngụ cả đêm trong thánh điện (cc. 7-8) để cầu tìm một tâm thái an ổn. Con người bị hiểm nguy đe dọa ấy đã đến một nơi có sự hiện diện của Chúa là thánh điện, ở đó ông được quyền năng Chúa che chở gìn giữ, để rồi ông có thể cầu nguyện cho công lí được soi xét đối với kẻ gian ác. Lưu ý là trong lời cầu xin của Đavít, chúng ta thấy ông không kêu trách Chúa vì những đau khổ xảy đến cho mình, như ngôn sứ Giêrêmia. Thay vì vậy, ông hoàn toàn tín thác vào Chúa, Đấng hướng dẫn cuộc đời ông và ông đặt trọn số phận mình trong bàn tay Chúa.
Đối với Kitô hữu, những hình ảnh nổi bật trong Thánh vịnh này: thánh điện, sự khao khát, nước, dự tiệc (x. Ga 6,55), vinh quang (x. 2 Cr 3,18), tình yêu, mạng sống (x. Ga 6,54, 57)…được kết tụ lại nơi Chúa Kitô Đấng ban sự sống thiêng liêng (x. Ga 4,34) và trở nên bánh cho kẻ đói nghèo (x. Ga 6,35) (xem thêm GLHTCG 1088, 1621).
BÀI ĐỌC 2: Rm 12,1-2
Dân mới của Thiên Chúa
Phaolô đã kết thúc lời tường thuật của mình về công trình cứu chuộc của Chúa Kitô và hiệu quả của nó đối với dân Israel. Bây giờ ngài tiếp tục trình bày chi tiết một số tác động của hồng ân đó đối với đời sống Kitô hữu nói chung. Một phác thảo tổng thể là: đời sống của Kitô hữu phải hoàn toàn khác với các giá trị của thế gian này, vì Kitô hữu là một công trình sáng tạo mới với một khung giá trị mới. Hai khía cạnh nổi bật nhất trong đoạn giới thiệu này: thứ nhất, đó là tính mới mẻ; thứ hai, động lực. Trong Chương 8 về Thần Khí, Phaolô nhiều lần nhấn mạnh rằng không chỉ các Kitô hữu mà toàn thể tạo vật đang rên xiết mong ngóng được giải thoát khỏi ách nô lệ dẫn đến hư hoại. Sự hiện diện của Thần Khí Chúa Kitô làm cho mọi sự trở nên mới: đó là một thế giới hoàn toàn đổi mới. Trong đoạn văn hôm nay, một lần nữa ngài nhấn mạnh đến việc đổi mới tâm thần trong mỗi người. Thứ hai, Phaolô nhấn mạnh rằng động lực xuất phát từ bên trong: vấn đề không còn là sự ép buộc bên ngoài từ Luật pháp, mà là sự tuân phục nội tâm, vì Kitô hữu đã trở thành của lễ sống động hiến dâng cho Thiên Chúa với tâm trí được biến đổi. Họ phải sáng suốt phân định theo ý muốn của Thiên Chúa và hành động dựa trên sự biện phân này. Đây là trách nhiệm cá nhân của mỗi Kitô hữu: chúng ta phải “tự mình phân biệt đâu là ý Thiên Chúa: cái gì tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”.
TIN MỪNG: Mt.16,21-27
Điều kiện làm người môn đệ
Hai đoạn riêng biệt nhưng có liên quan với nhau tạo nên bài đọc Tin Mừng hôm nay: Chúa Giêsu tiên báo về sự đau khổ, cái chết và sự phục sinh của Người, và sau đó Người cho các môn đệ biết sự cần thiết phải chấp nhận những đau khổ của chính mình để có thể theo Người. Cả hai phần đều phụ thuộc vào lời dạy của Chúa Giêsu về sự đau khổ sắp xảy đến với Người.
Người nhấn mạnh sự cần thiết ấy (Hi Lạp: dei) và nó phải diễn ra ở Giêrusalem, trung tâm của đời sống tôn giáo và chính trị Do Thái.
Đề cập đến các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư là rất đáng chú ý. Đây là ba nhóm tạo nên Thượng Hội đồng, tòa án cao nhất của quốc gia Do Thái. Nó được sự chấp thuận của Rôma và được phép thực hiện thẩm quyền tôn giáo. Chúng ta phải cẩn thận khi giải thích đoạn văn này. Sự chống đối của những người này đối với Chúa Giêsu quá thường xuyên đã khiến các Kitô hữu có thái độ chống/bài Do Thái giáo. Thay vào đó, chúng ta nên nhìn nhận ở đây cách tác giả Tin Mừng cho thấy rằng Chúa Giêsu đã bị chối bỏ vì lý do tôn giáo cũng như chính trị. Tình trạng bất ổn mà Người gây ra có thể là một mối đe dọa chính trị đối với Rôma, và những tuyên bố táo bạo mà Người đưa ra đã gây khó khăn rất lớn cho các nhà lãnh đạo tôn giáo.
Trước sự kinh hãi của Phêrô, Chúa Giêsu nói rằng Người sẽ bị chối bỏ, sẽ chịu đau khổ và chịu chết, nhưng sẽ sống lại. Nhìn nhận này về Đấng Messia dường như không phù hợp với kỳ vọng của dân chúng, ít nhất là không theo ý của Phêrô. Sự nhấn mạnh của Chúa Giêsu đối với thực tế bi thảm này có thể làm cho dân chúng không chấp nhận Người. Lời quở trách Phêrô thể hiện điều này. Nguyên văn tiếng Hy Lạp là câu: “Xin Chúa ban nhiều ơn lành cho Thầy” (Xin Chúa tránh cho Thầy số phận này). Theo quan điểm con người, việc ông Phêrô quan tâm đến số phận của thầy mình là điều đương nhiên. Nhưng theo Chúa Giêsu, đó lại chính là vấn đề của Phêrô. Ông đang nói từ quan điểm của con người chứ không phải từ cái nhìn của Chúa. Sử dụng ngôn ngữ rất mạnh mẽ, Chúa Giêsu chỉ ra cho ông điều này. Người gọi Phêrô là Satan, kẻ hành động như một chướng ngại vật (skandalon) đối với việc tỏ lộ ý muốn của Thiên Chúa. Phêrô có thể đã công nhận Chúa Giêsu là Đấng Messia (x. Mt 16,13-20, Chúa nhật hai mươi mốt), nhưng ông vẫn chưa biết Chúa Giêsu sẽ thực hiện vai trò này như thế nào.
Quay sang các môn đệ khác, Chúa Giêsu đưa ra cho họ một bài học khác về ơn gọi làm người môn đệ. Những ai muốn theo Người, trở nên giống Người, phải từ chối tư lợi và thực hiện bản thân theo đường lối thế gian. Những người chấp nhận vác thập giá phải chấp nhận rằng số phận của họ đã được niêm ấn, bởi vì người ta không bao giờ đặt thập giá xuống nữa. Có một cách chơi chữ: “cứu mạng” và “mất mạng” ở đây. Những ai ích kỷ tự cứu mình khỏi những đau khổ thập giá lại thật sự “mất” trong viễn cảnh của cuộc phán xét cánh chung, trong khi những ai tự hiến mình một cách không ích kỷ sẽ “được” cứu khỏi cuộc phán xét này. Đây là tất cả ý nghĩa của việc dấn thân bước theo Chúa Giêsu. Sự nghiêm túc của việc lựa chọn này thể hiện ở chỗ nó sẽ quyết định phán quyết cuối cùng của một người. Khi tự xưng mình là Con Người, Chúa Giêsu nhắc nhớ đến hình ảnh khải huyền của nhân vật bí ẩn này xuất hiện trên mây trời vào cuối thời gian (x. Đn 7,13-14). Các môn đệ có thể không hiểu hết những gì Chúa Giêsu vừa nói với họ, nhưng cả số phận của Người và của họ đã được bày ra trước mắt họ.
—
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 618: Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ vác thập giá và đi theo Người
+ GLHTCG 555, 1460, 2100: Thánh giá trên con đường đi đến vinh quang của Chúa Cứu Thế
+ GLHTCG 2015: Đường nên hoàn thiện là đường Thánh giá
+ GLHTCG 2427: Vác thánh giá mình hàng ngày
Lm. Giuse Ngô Quang Trung