Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 3 Thường Niên, Năm B

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 3 Thường Niên, Năm B

Khoảng thời gian Mùa Thường Niên này thực sự là một giao điểm giữa các mùa. Giáng Sinh đã ở phía sau, và vài tuần nữa chúng ta sẽ bước vào Mùa Chay. Đôi khi chúng ta cũng muốn hướng cái nhìn thoáng qua về phía trước. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, các bài đọc mời gọi chúng ta suy niệm về những khía cạnh khác nhau của đời người môn đệ. Sau khi tìm hiểu ơn gọi làm môn đệ tuần trước, hôm nay chúng ta suy nghĩ về trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất của ơn gọi này, đó là loan báo Tin Mừng, mà mục tiêu là công bố triều đại Thiên Chúa. Đặc tính của triều đại Thiên Chúa không được mô tả vào Chúa nhật này, nhưng nhấn mạnh đến việc chúng ta phải mau mắn đón nhận thực tại mới.

 

BÀI ĐỌC 1: Gn 3,1-5,10

Dân Ninivê thay đổi đời sống

Câu chuyện về ngôn sứ Giôna không đặt nặng yếu tố lịch sử. Bởi vì, có lẽ chỉ mất khoảng 30 phút người ta có thể đi bộ quanh tàn tích của thành Ninivê. Câu chuyện có thể là một lời nhắc nhở của những người Do Thái cho những người đồng hương của mình vốn nghĩ rằng chỉ họ mới được cứu rỗi. Chúng ta có thể để ý đến những chi tiết được làm nổi bật qúa mức trong trình thuật, người ta có thể gọi đó là sự cường điệu: Thứ nhất, đó là việc Thiên Chúa quan tâm cứu độ một dân tộc khác Israel, mà nó từng đối xử độc ác với Israel. Điều này nói lên lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa có tính phổ quát. Thứ hai, thành phố Ninivê nổi tiếng hung dữ đã thực hành sám hối ngay khi nó nhận được sứ điệp của một ngôn sứ của một đất nước mà nó từng đàn áp. Lời của một vị ngôn sứ tầm thường của một đất nước tầm thường đã được mau mắn lắng nghe- ngay cả những con vật cũng mang vải thô để tỏ lòng thống hối! Thứ ba, tinh thần sám hối bao trùm cả một thành rộng lớn, tác động đến cả người lớn cũng như trẻ nhỏ. Bài đọc kết thúc với việc mô tả một sự đảo ngược: Dân thành Ninivê bỏ đường tội lỗi mà họ đang sống để trở về với Thiên Chúa; và Ngài cũng rút lại lệnh trừng phạt đã dành cho họ. Thái độ thống hối mau mắn của dân thành đáng ghét này làm chứng tác động mạnh mẽ của ơn Chúa, và quyền năng biến đổi của Lời Chúa. Một tội nhân xấu xa nhất cũng có thể sám hối và được đổi mới.

ĐÁP CA: Tv 25,4-5, 6-7, 8-9

Nẻo đường của Chúa

Thánh vịnh 25, được cho là của Đavít, là một lời than vãn, trong đó mỗi câu bắt đầu bằng một chữ trong bảng chữ cái tiếng Hípri. Thánh vịnh pha trộn những lời cầu xin chân thành với những lời bày tỏ sự tin tưởng nơi Thiên Chúa, Đấng luôn thương xót, sẽ tha thứ và hướng dẫn những người khiêm nhường và thống hối.

Trong cc. 4-5, tác giả cầu xin Chúa ban cho ông giáo huấn và hướng dẫn ông đi trong chân lí; ông thừa nhận rằng ơn cứu rỗi đến từ Thiên Chúa. Trong cc. 6-7, tác giả cầu xin Chúa nhớ đến ông và tha thứ những lỗi lầm theo cùng một lòng trắc ẩn, tình yêu thương và sự tốt lành mà Ngài đã trải rộng cho dân giao ước của Ngài ngay từ đầu mối tương giao của Ngài với Israel. Trong các câu 8-9, tác giả đặt cả tội nhân và kẻ nghèo hèn trong cùng một lời cầu xin, vì chính người khiêm nhường sẽ nhìn nhận tội lỗi mình và ăn năn thống hối.

Lời thỉnh cầu của tác giả Thánh Vịnh tìm được sự đáp ứng nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng dẫn dắt các tín hữu đi trên con đường dẫn đến ơn cứu độ đời đời (Ga 10,1-18). Thiên Chúa bày tỏ lẽ thật về hậu quả bi thảm của tội lỗi và bày tỏ lòng thương xót của Ngài cho những ai khiêm nhường thống hối và quay trở lại giao hòa với Ngài. Thiên Chúa xét xử việc làm của mọi người: việc công chính cũng như việc  gian ác (Mt 25,31-46). Đây là “những đường lối của Thiên Chúa được thể hiện nơi Chúa Giêsu: con đường của lòng thương xót và con đường của sự xét xử” (Thánh Augustinô, Enarrationes in Psalmos, 24, 10).

BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 7,29-31

Thế gian đang qua đi

Các Kitô hữu đầu tiên ý thức rất rõ rằng biến cố Chúa Phục sinh đã mở ra thời kỳ cuối cùng cho thế giới. Với sự hoàn thành lời Thiên Chúa hứa qua cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu, một cột mốc quan trọng đã diễn ra. Sự kết thúc thời gian sắp xảy ra, và tất cả mọi người cần khẩn trương chuẩn bị. Quả thật Phaolô đang nói về thời sau cùng. Nhưng chúng ta cần phân biệt hai phạm trù thời gian: thời gian diễn ra trong dòng chảy lịch sử (chronos) và thời gian cứu thế (kairos), là thời gian mang ý nghĩa thần học. Đó là thời gian mà Thiên Chúa can thiệp qua các biến cố của Ngài. Thời gian này thường nói về sự hoàn tất lời hứa, hành động mặc khải. Nó cũng diễn tả những thời khắc quyết định trong cuộc đời Chúa Giêsu: khai mở Nước Trời, cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh, ngày quang lâm vào thời sau cùng. Các chuẩn giá trị cũng như những kỳ vọng của thời sẽ tới khác với những giá trị của thời hiện tại chúng ta đang sống. Những thực tại xã hội bao trùm đời sống chúng ta có thể vẫn thế. Nhưng thái độ của người Kitô hữu phải đổi khác. Những thái độ và hành động chúng ta ứng xử với trật tự cũ phải mang một ý nghĩa mới khi thời gian cứu thế đã đến. Phaolô muốn khuyến cáo các Kitô hữu phải sống thái độ này trong thời gian kairos, thời gian Chúa Kitô sắp trở lại. Quả thật, mỗi quyết định đều có giá trị của nó; mỗi bước đi sẽ đưa người ta đi theo hướng này hay hướng khác.

TIN MỪNG: Mc 1,14-20

Hãy theo tôi

Sứ vụ công khai của Chúa Giêsu bắt đầu sau khi Gioan Tẩy Giả bị bắt. Mối quan hệ về thời gian giữa sứ vụ của ông Gioan và của Chúa Giêsu không được nói tới trong đoạn văn này. Trọng tâm ở đây là hoạt động của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, việc đề cập đến sự kiện Gioan bị bắt có thể là cách tác giả lưu ý chúng ta về mối nguy hiểm đi kèm theo bất kỳ hành vi hoặc lời giảng dạy nào có tính cách ngôn sứ. Cách sống của Chúa Giêsu vẫn rất bình thường. Người thường đi đến các làng mạc và thị trấn miền Galilê hơn là đến vùng sa mạc Giuđê. Tuy nhiên, sứ điệp của Người lại gây sửng sốt. Đó là Phúc Âm, hay Tin Mừng về Nước Trời.

Cụm từ này, “Nước Trời” rất giàu ý nghĩa thần học. Theo những truyền thống sớm nhất, nó được đồng hóa với dân Israel và mang ý nghĩa chính trị rất rõ ràng. Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ chế độ quân chủ của Israel, Thiên Chúa được nhìn nhận là Đấng thực sự lãnh đạo dân, còn quốc vương chỉ là người quản trị thay cho Đức Chúa. Sự thất bại của chế độ quân chủ đã thúc đẩy dân chúng nhìn về tương lai, đến một thời kỳ mà một vị vua khác, một người hoàn toàn trung thành với Thiên Chúa, sẽ thiết lập một vương quốc thực sự là vương quốc của Thiên Chúa. Đây chắc chắn là thời điểm mà tất cả mọi người sẽ kiên định trong sự cam kết của họ đối với Thiên Chúa. Trải qua nhiều thời đại, các ngôn sứ đã mong đợi thời gian tương lai này. Họ thúc giục dân chúng từ bỏ đời sống tội lỗi để một lần nữa dấn thân cho triều đại của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của mình với lời tuyên bố mạnh mẽ này: “Triều đại của Thiên Chúa đã đến gần” Đây là thời gian đặc biệt (kairos), thời điểm hoàn thành mọi kỳ vọng. Sau lời công bố ban đầu, Chúa Giêsu kêu gọi người ta sám hối. Cũng giống như các vị ngôn sứ thời xưa, Người kêu gọi thực hiện một cuộc metanoia – một sự thay đổi con tim, một cuộc trở về với Chúa. Người cũng kêu gọi mọi người tin vào lẽ thật của lời tuyên bố rằng Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.

Sau khi tường thuật lời công bố về Tin mừng, thì tiếp theo là lời kêu gọi các ngư dân Simôn, Anrê, Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu chọn gọi họ đi theo Người; có một cách sắp xếp hình ảnh thật thú vị giữa việc quăng lưới bắt cá với việc giăng lưới để thu nạp những môn đệ khác. Cần lưu ý một số khía cạnh về khung cảnh mang nhiều ý nghĩa này. Thứ nhất, không giống như các môn đệ của các giáo sĩ Do Thái nổi tiếng cũng như các tôn sư Hy Lạp khác, những môn đệ này được gọi để cùng làm việc với Chúa Giêsu, chứ không chỉ đơn thuần là học những gì Người dạy. Thứ hai, trong khi bài đọc này không nói gì về trách nhiệm gia đình của hai anh em Simôn và Anrê, thì lại cho biết rằng Giacôbê và Gioan còn có những liên hệ với gia đình. Trong một xã hội phụ hệ, việc một người bỏ lại cha của mình là mắc lỗi trong mối quan hệ họ hàng căn bản.

Việc những người này mau mắn từ bỏ cuộc sống quen thuộc và tất cả các mối quan hệ và những ràng buộc gắn liền với nó là dấu chỉ quyết định về tính chất triệt để của cuộc sống trong triều đại của Thiên Chúa. Đây thực sự là một lối sống mới cho một thế giới mới.

—-

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG  51-64: Kế hoạch Mặc Khải của Thiên Chúa

+  GLHTCG  1427-1433: Việc hoán cải nội tâm liên lỉ

+  GLHTCG  1886-1889: Sự hoán cải và xã hội

Lm. Giuse Ngô Quang Trung