Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 5 Mùa Chay, Năm A
“THẦY LÀ SỰ SỐNG LẠI VÀ LÀ SỰ SỐNG”
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay liên kết với nhau một cách chặt chẽ vì đều nói đến sự tái sinh vào đời sống mới. Bài đọc 1 trích từ sách ngôn sứ Êdêkien tiếp tục thị kiến về các bộ xương khô được hồi sinh; Bài đọc 2 nói đến đời sống mới được Thần Khí tác sinh; Bài Tin mừng thuật lại phép lạ Chúa cho anh Lazarô sống lại.
BÀI ĐỌC 1: Ed 37,12-14
Thị kiến ghê rợn về thung lũng đầy xương khô mô tả trong Êdêkien (37, 1-11) được dùng làm bối cảnh cho Bài đọc 1 hôm nay. Hình ảnh đó có lẽ xuất phát từ một bãi chiến trường khốc liệt đã xảy ra, có thể đó là trận chiến sau khi Nabucôđônôsor vua Babylon phá hủy Giêrusalem năm 586 trước Công nguyên. Sau một ít năm, những người lính Babylon áp giải nhiều người dân Chúa, đưa họ sang Babylon để làm nô lệ, cách quê hương họ khoảng 750 dặm (1200 km). Đây là sự khởi đầu cho thời kỳ được gọi là Lưu đày Babylon, hay đơn giản là Lưu đày. Êdêkien là một tư tế của Đền thờ Giêrusalem cho tới năm 597 BC, ông bị đưa sang Babylon cùng với vua Giêhoiakin và là những người lưu vong đầu tiên. Theo thị kiến của ông, việc giải phóng những người Do Thái khỏi cảnh giam cầm và nô lệ tại Babylon được mô tả như một sự trỗi dậy từ các huyệt mộ để trở về một cuộc sống mới trên chính quê hương họ. Qua vị ngôn sứ, Đức Chúa bảo đảm cho những người lưu vong rằng họ sẽ sống lại. Họ sẽ được sống lại từ cõi chết và đón nhận tràn đầy sự sống. Họ sẽ trải nghiệm sự sống mới, sự sống bắt nguồn từ thần khí của Đức Chúa. Vị ngôn sứ mời gọi mọi người dân của mình trong quê hương đã bị tàn phá hãy hướng tầm nhìn xa hơn thảm họa lưu đày, đến một tương lai mà Đức Chúa hứa hồi phục qua thần khí của Ngài.
ĐÁP CA: Tv 130,1-2, 3-4, 5-6, 7-8
Chủ đề của Thánh vịnh 130 là ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thánh vịnh này là một trong những “Ca khúc lên đền” mà những người hành hương đã hát khi tiến lên Đền thờ của Đức Chúa ở thành thánh Giêrusalem. Đây cũng là Thánh vịnh thứ sáu trong bảy thánh vịnh thống hối theo truyền thống phụng vụ Kitô giáo, bày tỏ mong muốn sám hối và hoán cải (x. Tv 6, 32, 38, 51, 102, 130 và 147).
Với một tâm hồn thống hối, tác giả Thánh vịnh kêu lên với Chúa: “Từ vực thẳm con kêu lên Ngài, lạy Chúa”. Do đó, tên gọi Thánh vịnh nổi tiếng này trong tiếng Latinh là “De profundis”.“Vực thẳm” trong câu này có thể nói đến cái chết (Tv 18, 4; 69, 2), hoặc ám chỉ về chiều sâu của ý thức con người. Khi cầu nguyện, chúng ta không thể đến với Chúa từ tầm cao của sự tự mãn, mà từ sâu thẳm của một tâm hồn khiêm tốn và thống hối. Như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Người: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14). Do vậy, khiêm tốn là nền tảng của cầu nguyện.
Sau khi kêu lên với Chúa, tác giả thừa nhận rằng mỗi con người là một tội nhân và khi Chúa tha thứ tội lỗi, Ngài thể hiện lòng thương xót lớn lao của Ngài đối với nhân loại (cc. 3-4). Tác giả Thánh vịnh ca ngợi lòng nhân từ của Chúa và bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn vào lòng thương xót của Ngài (cc. 5-6). Ông giữ vững niềm tin rằng Chúa luôn trung thành với lời của Chúa nói (c. 5) và cậy trong vào ơn tha thứ của Chúa, như người gác đêm tin chắc rằng bình minh sẽ đến (c. 6b). Trong câu 7b, lý do cho niềm hy vọng của ông là lòng nhân từ của Chúa (trong tiếng Hípri, hesed có nghĩa là tình yêu giao ước). Trong Ngài ơn cứu chuộc sẽ được mở rộng chứa chan cho toàn dân giao ước, vì Ngài sẽ cứu chuộc Israel khỏi mọi tội lỗi của họ (cc. 7- 8).
Tên Chúa Giêsu trong tiếng Hípri, Yahshua, có nghĩa là “Thiên Chúa cứu chuộc”. Đó là một cái tên mang theo lời hứa rằng Thiên Chúa sẽ cứu chuộc dân Ngài khỏi tội lỗi của họ (Mt 1,21; Lc 1,68). Giáo hội khuyến khích các tín hữu luôn cầu nguyện với một thánh vịnh sám hối (Tv 6, 32, 38, 51, 102, 130 và 147) trước Thánh lễ để giục lòng tin vào ơn tha thứ. Tâm tình thống hối giúp chúng ta thanh tẩy tâm hồn trước khi đến với Chúa trong Bí tích Thánh Thể.
BÀI ĐỌC 2: Rm 8,8-11
Trong thư Rôma 8, 1-13 thánh Phaolô viết cho cộng đoàn Kitô hữu ở Rôma rằng Chúa Giêsu Kitô có thể làm cho chúng ta sống theo Thần Khí. Trong Rm 8, 9 ngài đưa ra lời tuyên bố mạnh mẽ: “Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô.” Quan điểm của Phaolô là chỉ những ai được tái sinh trong Thần Khí của Thiên Chúa qua Bí tích Rửa tội mới có thể thực sự thuộc về Thiên Chúa và có quyền được gọi là con trong gia đình của Ngài (Ga 3, 3, 5).
Trong câu 10, Phaolô viết rằng: với tác động của Thần Khí, Đức Kitô vẫn ở trong chúng ta ngay cả khi thân xác chúng ta chết cái chết thể xác (x. Ep 2,1-6). Thực tế là mỗi ngày, dù sống trong cơ thể vật lý này, chúng ta vẫn tiến đến cái chết thể xác. Dẫu chúng ta có “đầu tư” bao nhiêu chuyện vào cuộc sống trần gian này, thì đó chỉ là một khoản đầu tư ngắn hạn. Do ảnh hưởng của tội lỗi, con người phải chết về mặt thể xác và rất có thể trở thành một công cụ của cái chết thiêng liêng. Tuy nhiên, qua dòng nước tái sinh của bí tích rửa tội, chúng ta được sống trong Thần Khí của Chúa Kitô. Ngài làm cho người tín hữu nên công chính trước mắt Thiên Chúa và chúng ta mong chờ được sống lại vào thời gian sau cùng khi chúng ta nhận được một thân xác bất hoại.
Trong câu 11, Phaolô viết rằng sống theo Thần Khí Chúa Kitô giúp cho các Kitô hữu ý thức rằng đời sống hiện tại trong thân xác chỉ là một giai đoạn của đời sống vĩnh cửu. Sống trong Thần Khí là một nỗ lực “đầu tư” dài hạn để có thể gặt hái những lợi ích thiêng liêng phong phú, bởi vì có Chúa trợ giúp mọi nỗ lực vươn lên của chúng ta.
TIN MỪNG: Ga 11,1-45
Cái chết và sự sống lại của anh Lazarô báo trước cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, cũng như của tất cả những ai tin vào Người. Tên Lazarô là một dạng rút gọn của Eleazar, có nghĩa là “Chúa cứu giúp”, một cái tên báo trước các sự kiện sẽ diễn ra. Các khía cạnh khác nhau của chủ đề sống-và-chết chạy xuyên suốt qua từng khung cảnh của sự kiện được kể lại một cách đầy kịch tính, cho thấy nội dung mang nhiều ý nghĩa khác nhau.
Rõ ràng là một căn bệnh đã làm cho Lazarô tử vong. Biết được điều này, Chúa Giêsu tuyên bố điều đáng quan tâm của biến cố này không phải là cái chết của Lazarô mà là dịp để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa và quyền năng của Con Thiên Chúa. Người chờ đợi cho đến khi tình trạng của cái chết là chắc chắn, không thể đảo ngược được nữa, thì đây thực sự sẽ là điều kiện để Chúa mặc khải Người là sự sống lại và là sự sống. Khi Chúa quyết định trở lại miền Giuđê, các môn đệ nhắc nhớ Người về sự nguy hiểm đe dọa mạng sống của chính Người và chắc chắn cả họ nữa. Cái chết của Người có thể là cái giá phải trả cho sự sống của Lazarô.
Trước những lời can gián của các môn đệ, Chúa Giêsu đưa ra lời giải thích mang ý nghĩa ẩn dụ về đêm-ngày, có thể được hiểu theo ít nhất ba cách. Trước tiên, đó là ý nghĩa hiển nhiên hoặc nghĩa đen: ban ngày chúng ta mới định hướng được nơi chúng ta đi đến; còn ban đêm thì không thấy rõ và dễ dàng vấp ngã. Thứ hai, chủ ý muốn nói tới ánh sáng nội tâm, một thứ ánh sáng không ở bên ngoài mà ở bên trong mỗi người. Đó là ánh sáng của ý thức, của lương tâm hướng dẫn, điều khiển toàn bộ ý chí con người, chứ không phải ánh sáng vật lí. Một người vấp ngã trong đời sống là khi anh ta không có ánh sáng nội tâm soi dẫn. Cuối cùng, ánh sáng chỉ về Chúa Giêsu. Giải thích này sẽ có nghĩa là các môn đệ sẽ được an toàn bao lâu họ vẫn còn kết hợp với Chúa Giêsu. Nếu họ chối bỏ Người, họ có nguy cơ vấp ngã trong bóng tối.
Dù các môn đệ có hiểu những lời Chúa Giêsu hay không, thì chỉ đến khi Người nói rõ về cái chết của Lazarô, họ mới biết Chúa Giêsu đã nói một cách ẩn dụ. Họ không có ý tưởng gì về sự châm biếm trong lời nói ấy (bởi vì sothésetai vừa có nghĩa là “sẽ phục hồi” vừa có nghĩa “sẽ được cứu”). Các môn đệ nghĩ rằng Lazarô sẽ hồi phục; còn Chúa Giêsu thì biết anh ta sẽ được cứu khỏi cái chết. Tính chất trớ trêu cũng nổi bật trong câu cảm thán của ông Tôma. Có lẽ chính ông cũng không nhận ra chủ ý những lời ông nói khi ông đề nghị với những anh em khác để họ đi cùng với Chúa Giêsu, dù phải đối diện với cái chết. Tất cả sự hiểu lầm của họ cho thấy những việc Chúa Giêsu sắp thực hiện không một ai có thể dò thấu.
Những điều này chuẩn bị cho giáo huấn Chúa nói với Marta. Cùng với em gái của cô là Maria (c. 32), cô đã hy vọng Chúa Giêsu sẽ đến chữa lành căn bệnh của em mình, chứ cô không hề biết Người đến để làm cho Lazarô trở về từ cõi chết. Phản ứng của cô với lời xác quyết của Chúa Giêsu rằng Lazarô sẽ sống lại cho thấy cô chia sẻ lập trường của nhóm Pharisêu về sự sống lại và sự phán xét chung vào lúc tận cùng thời gian (x. Đn 12, 2). Với một lời tuyên bố mang ý nghĩa mặc khải (egó eími) Chúa Giêsu xác quyết rằng Người là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Người sẽ không bao giờ phải chết và niềm tin ấy cũng bảo đảm cho sự sống của người khác nữa. Lời xác quyết này là trọng tâm giáo huấn của Chúa Giêsu ở đây. Niềm tin vào Chúa Giêsu tạo nên một mối dây nối kết với nguồn sự sống mà ngay cả cái chết cũng không thể cắt đứt được. Mặc dù mỗi người tin đều phải chết cái chết về thể xác, nhưng mối dây liên kết này sẽ làm cho họ được sống lại. Hơn nữa, sợi dây liên kết này sẽ giải cứu cái chết thể xác và giữ cho người tin khỏi phải chết đời đời.
Câu hỏi long trọng được đặt ra: “Chị có tin không?” Câu trả lời của Marta thật dứt khoát và rõ ràng: “Thưa Thầy, có”. Chị phát biểu đức tin chân thật của mình, dành ba danh hiệu thiên sai cho Chúa Giêsu: Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến. Có thể chị ta không biết Chúa Giêsu sắp thực hiện một điều bất khả, nhưng niềm tin của chị vào Người vẫn vững chắc. Khi đã giải thích cho Marta hiểu rõ ý nghĩa của tuyên bố Người là sự sống lại và là sự sống, thì Chúa bắt đầu hành động. Trước tiên Người cầu nguyện với Chúa Cha, không phải để nài xin sức mạnh thần thiêng nào, vì Người đã được chính Chúa Cha sai đi và Người đã nhận được quyền năng trên muôn loài. Chúa Giêsu dâng lời cầu nguyện tạ ơn, vì Người biết Chúa Cha luôn nhậm lời Người. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu thực sự là một bằng chứng rõ ràng cho thấy mối hiệp thông của Người với Chúa Cha, được hiển lộ vì lợi ích của những người xung quanh.
Phép lạ Chúa Giêsu thực hiện không thể phủ nhận, nhưng người ta có thể hiểu lầm. Chúa Giêsu không chỉ là một người-thực-hiện-những-điềm-thiêng-dấu-lạ; chính Người là sự sống lại và là nguồn mạch sự sống đời đời. Mặc dù sự sống lại của Lazarô chỉ là một sự hồi sinh trong thời gian, nhưng sự sống Chúa thực hiện cho anh là một dấu chỉ mạnh mẽ về sự sống đời đời mà Chúa sẽ ban cho những ai tin vào Người.
—-
LIÊN KẾT VỚI GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH
+ GLHTCG 992-996: Mặc khải tiệm tiến về sự Phục sinh
+ GLHTCG 549, 640, 646: Những phép lạ cứu sống báo trước Chúa Kitô phục sinh
+ GLHTCG 2603-2604: Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi cho Lazarô sống lại
+ GLHTCG 1002-1004: Sự tham dự của chúng ta vào ơn phục sinh
+ GLHTCG 1402-1405, 1524: Bí tích Thánh Thể và ơn phục sinh
+ GLHTCG 989-990: Xác loài người sống lại
Lm. Giuse Ngô Quang Trung