Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 5 Phục Sinh, Năm B

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 5 Phục Sinh, Năm B

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy mỗi Kitô hữu cần phải sống kết hợp mật thiết với Chúa Kitô để có thể trổ sinh hoa trái của lòng tốt, đức bác ái yêu thương, và sự thánh thiện.

BÀI ĐỌC 1: Cv 9,26-31

Ông Phaolô mạnh dạn rao giảng

Bài đọc này là tin tức đầu tiên mà chúng ta có được về việc Hội Thánh đã lan rộng ra ngoài Giêrusalem. Ông Phaolô nhận được thị kiến về Chúa Phục Sinh và đã gia nhập vào cộng đoàn các môn đệ, ông chịu phép rửa tại Đamas. Sau đó, qua những bức thư ngài viết, ngài đã đi đến Ả Rập trong ba năm trước khi lên Giêrusalem. Việc Phaolô tranh luận với những người Hy Lạp là một chỉ dấu cho thấy ông sẽ mang Tin Mừng đến những tín hữu vượt ra ngoài ranh giới Do Thái giáo. Việc ông mạnh dạn công bố sứ điệp Tin Mừng, cả ở Đamas và ở Giêrusalem, là một đặc điểm trong công việc làm chứng của những nhà thừa sai đầu tiên. Chúng ta đã thấy điều này trong lời tuyên bố hùng hồn của ông Phêrô trước nhà cầm quyền Do Thái. Hành động này sẽ tiếp tục trong suốt sách Công vụ Tông đồ, thậm chí cho đến phần cuối, khi chúng ta thấy Phaolô công bố sứ điệp Tin Mừng ngay cả trong thời gian bị giam cầm ở Rôma. Làm thế nào để chúng ta truyền bá Tin Mừng một cách không sợ hãi? Ngày nay có lẽ chủ yếu qua việc tuân giữ các nguyên tắc luân lý Kitô giáo, chẳng hạn như bảo vệ sự sống, tranh đấu cho quyền lợi của những người nghèo và người thiệt thòi, không sợ hãi đối mặt với các vấn đề về công lý, chiến tranh và hòa bình, cũng như luân lý tình dục. Tuy nhiên thái độ đó cũng cần phải là một tuyên ngôn trong tình yêu và sự hòa nhã.

ĐÁP CA: Tv 22,26-27,28,30-32

Lời ca tụng và tạ ơn

Thánh vịnh này có một vị trí rất đặc biệt trong kinh nguyện và phụng vụ Kitô giáo, bởi vì đó là Thánh vịnh chứa đựng những lời đầu tiên của Chúa Giêsu trong cơn đau đớn tột cùng trên thập giá trong các sách Tin Mừng Marcô và Mátthêu. Các thánh sử cũng cho thấy việc ứng nghiệm các đoạn khác của Thánh vịnh này trong trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chẳng hạn như các câu 8-9 và 18-19. Người ta thường hiểu đó là những tiếng kêu tuyệt vọng, như thể, dưới sức nặng của tội lỗi thế gian, Chúa Giêsu cảm thấy mình hoàn toàn bị bỏ rơi và bị cắt đứt khỏi Chúa Cha. Tuy nhiên, điều này không đúng, bởi vì lúc chịu đóng đinh là thời điểm mà Chúa Giêsu được kết hợp trọn vẹn nhất với Cha của Người trong tình yêu hoàn hảo. Chính thái độ vâng phục đầy yêu thương của Chúa Giêsu trong việc đón nhận ý muốn của Đức Chúa Cha đã xóa bỏ tội bất tuân của Ađam. Như thánh Phaolô cho thấy trong thư Rôma 5, sự vâng lời của Ađam thứ hai đã hủy bỏ và hòa giải sự bất tuân của Ađam thứ nhất (“Ađam” có nghĩa là “con người” hoặc “nhân loại” nói chung). Chính sự vâng lời hiếu thảo này đã khơi dậy lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng Rôma: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).

Thánh vịnh này cũng thường được gọi là “Thánh vịnh về Người Tôi Trung” vì nội dung giống với Bài ca về Người Tôi Trung của Isaia 53. Qua việc hoàn tất ý nghĩa của bài ca này trong bữa Tiệc Ly (“Máu đổ ra cho muôn người”), Chúa Giêsu cho thấy Người chính là vị Tôi Trung của Thiên Chúa, Đấng đến “không phải để được phục vụ, mà để phục vụ” (Mt 20,28).

Đặt trong khung cảnh phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Thánh vịnh này mang ý nghĩa lời tạ ơn vì một lời thề phục vụ Thiên Chúa đã được hoàn tất. Lời tạ ơn này được ngân lên trong cộng đoàn những người tin.

BÀI ĐỌC 2: 1 Ga 3,18-24

Tin và yêu thương

Hai điều răn này sẽ bao trùm phần còn lại của bức thư 1 Gioan. Nó không hoàn toàn là hai điều răn trọng yếu của Luật cũ được Chúa Giêsu nhắc lại, là yêu mến Đức Chúa Trời trên hết mọi sự và yêu người thân cận như chính mình. Hai điều răn của Thiên Chúa ở đây là, thứ nhất, tin vào quyền năng hoặc danh của Chúa Kitô Phục Sinh, và thứ hai, phải yêu thương nhau. Người ta có thể nói rằng niềm tin vào quyền năng của Chúa Kitô Phục Sinh là một chọn lựa sống tình yêu mến đối với Thiên Chúa, một khía cạnh đặc biệt thích hợp trong Mùa Phục sinh. Quyền năng cứu độ của Chúa Kitô tuôn trào từ việc Thiên Chúa chăm sóc chúng ta, và niềm tin vào quyền năng ấy phải vừa là sự đáp trả trong tình yêu, vừa khơi lên tình yêu thương và lòng biết ơn. Nó cũng phải xua tan khỏi chúng ta thái độ sợ hãi đối với Thiên Chúa và  giúp chúng ta cảm nhận được tình thương này, bởi vì quyền năng của Chúa Phục Sinh là một bảo đảm cho việc Thiên Chúa chấp nhận lễ hy sinh đền tội của Chúa Kitô dành cho chúng ta. Nó cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự bất tuân đối với Chúa. Nó cũng giúp chúng ta không sợ hãi trước một thế giới thù địch, nhưng sống can đảm và mạnh mẽ, như chúng ta đã thấy qua lời rao giảng của Phaolô trong bài đọc thứ nhất. Nó cũng phải truyền cảm hứng cho việc thực hiện điều răn thứ hai, tình yêu thương đối với người thân cận. Niềm tin như vậy phát xuất từ tình yêu, tạo thành tiêu chuẩn để nhận biết rằng Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong chúng ta.

TIN MỪNG: Ga 15,1-8

Cây nho và cành nho

Dụ ngôn về cây nho gợi nhớ đến bài ca về vườn nho được tìm thấy trong Isaia (x. Is 5,1-7). Ở đó, vị tiên tri kết án nhà Israel và dân Giuđa tội bất trung. Ông tuyên bố rằng cây nho này sẽ không được cắt tỉa hay được chăm sóc và sẽ rơi vào cảnh tàn lụi. Ngược lại, Chúa Giêsu tự xưng là cây nho thật, trung thành sinh hoa trái tốt.

Chúng ta phải cẩn thận về cách chúng ta hiểu tính từ “thật” để tránh tiếp tục có bất kỳ tình cảm chống Do Thái giáo nào, vốn không thích hợp. Trong khi rõ ràng là trong đoạn văn này, các câu chữ chỉ trình bày những người đón nhận Chúa Giêsu và những kẻ không đón nhận Người, chứ không phân biệt một quốc gia hay nhóm tôn giáo với một quốc gia, nhóm khác. Ngay từ đầu, chính phép ẩn dụ cũng không đặt tương phản giữa sự trung thành của Kitô hữu với sự bất trung của người Do Thái. Trong cả hai trường hợp, những cây nho phải được cắt bỏ những cành không sinh trái tốt, cho thấy rằng cả hai cộng đồng đều không hoàn toàn trung thành. Chúng ta cũng phải nhớ rằng những cây nho trong phép ẩn dụ của Isaia trước đó được mô tả là đáng “mến yêu quý chuộng”. Israel là một dân tộc được ưu ái.

Mặc dù thực tế là nó đã được ưu ái, nhưng cây nho đầu tiên đã tạo ra những trái nho dại. Mặc dù tuyên bố không được đưa ra một cách rõ ràng, nhưng ngụ ý của bản văn cho thấy rằng Chúa Giêsu, cây nho thật, sẽ sinh ra một vụ mùa tốt tươi. Nếu đây không phải là một tuyên bố chống Do Thái, thì nó được đưa ra trên cơ sở nào? Nó được tạo ra dựa trên việc Thiên Chúa tự mặc khải (“Tôi là”; ego eimi; x. Xh 3,14). Chúa Giêsu đưa ra một tuyên bố thuộc uy quyền Thiên Chúa. Một số người đón nhận lời Người và một số chối bỏ. Khi tuyên bố điều này, Chúa Giêsu xác định mình là vị trung gian duy nhất của mọi ân sủng của Thiên Chúa. Chúa Giêsu là cây nho, nhưng cây nho đó thuộc vườn nho của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là Đấng cắt tỉa chăm sóc, và chính Ngài là Đấng được tôn vinh qua sản lượng hoa trái dồi dào.

Hình ảnh ẩn dụ về cây nho và cành diễn tả tính chất mật thiết của mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Trên thực tế, một cây nho được tạo thành từ các cành của nó. Sự sống của cây nho cũng là sự sống của các cành. Chúa Giêsu sống trong các cành của Người, và các cành nhận sự sống nơi Người. Cây nho sinh hoa kết trái nhờ cành của nó, và cành cây sinh hoa kết trái từ cây nho. Đây là một hình ảnh ẩn dụ thích hợp để mô tả sự mật thiết của sự kết hợp như vậy. Cây nho không hoàn toàn phụ thuộc vào bất kỳ một cành hoặc một tập hợp cành nào. Do đó nó có thể chịu được việc cắt tỉa mà không bị khô héo và chết. Tuy nhiên, không có cây nho nếu không có cành nào cả. Trong trường hợp như vậy chỉ có trơ trụi một cái thân cây, và đó không phải là ngụ ý mà Chúa Giêsu muốn nói đến ở đây.

Nền tảng cho sự kết hợp này là sự đón nhận và lòng trung thành với những lời của Chúa Giêsu (cc. 3,7), chứ không phải căn tính dân tộc hay quốc gia. Tầm quan trọng của việc gắn bó với lời, với giáo huấn này đã được nhấn mạnh. Chính sứ điệp này định hình căn tính tôn giáo của các môn đệ. Mối tương giao tạo nên nguồn mạch cho sự kết hợp này chính là đức tin. Nó liên kết một cành với cây nho và với các cành khác. Nó cũng cho người ta được trở nên xứng đáng để đón nhận các phúc lành của Thiên Chúa (c. 7), vì những lời cầu nguyện của các cành cũng được xem như lời cầu nguyện của cây, và Thiên Chúa sẽ đáp trả cây nho.

Sức sống được thể hiện qua hình ảnh này thật sinh động. Cây nho và cành sống với sự sống của Thiên Chúa. Sự kết hợp này dành cho tất cả những ai lắng nghe lời Chúa, đón nhận lời sự sống của Người, đồng thời sống thân mật với Người và cộng đoàn các môn đệ.

         THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 2746-2751 : Lời cầu nguyện của Chúa Kitô trong Bữa Tiệc Ly

+ GLHTCG 755, 736, 787, 1108, 1988, 2074 : Chúa Kitô là cây nho, chúng ta là cành

+ GLHTCG 953, 1822-1829 : Đức mến

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung