Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 5 Phục Sinh, Năm C

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 5 Phục Sinh, Năm C

Các bài đọc hôm nay nói về sự mới mẻ: Giêrusalem mới, trời mới đất mới, và điều răn mới. Chúng ta cũng được mời gọi đổi mới đời sống, có nghĩa là thay đổi hoàn toàn cái nhìn và sắp xếp lại các ưu tiên của chúng ta trong cuộc sống. Một cuộc đổi mới như vậy đưa chúng ta đến chỗ đón nhận những thái độ mới, những giá trị mới, và những tiêu chuẩn mới về mối liên hệ với Chúa, với người khác và với toàn bộ môi trường sống của chúng ta. Đối với chúng ta, đổi mới là điều gì đó xảy ra ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, mỗi lần như vậy sẽ đưa chúng ta đến những cảm nghiệm sâu sắc hơn, và dấn thân hơn.

 

BÀI ĐỌC 1: Cv 14,21b-27

Kết thúc hành trình truyền giáo lần nhất

Antiôkhia là một thành phố lớn, một trong những thành phố lớn nhất thế giới cổ đại. Trên bờ biển Địa Trung Hải của Syria, nó nằm ở cuối con đường thương mại từ phía đông. Vì vậy, thành phố luôn bận rộn với sinh hoạt thương mại, và có một cộng đồng lớn người Do Thái trong số các thương nhân. Một nhóm đáng kể trong số họ đã tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Messia và là Chúa, và chính tại Antiôkhia, những người theo Chúa Giêsu lần đầu tiên được gọi là “Kitô hữu” hoặc “người theo Đấng Messia”. Những người Do Thái khác nghĩ rằng Đấng Messia vẫn chưa đến. Cộng đồng ở đó đã chỉ định ông Phaolô, một người được đào tạo kỹ lưỡng và có tài hùng biện để đồng hành với Barnaba (Barnaba vẫn là người lãnh đạo) trong việc rao truyền Tin Mừng về Chúa Giêsu là Đấng Messia. Vào cuối cuộc hành trình, họ đã báo cáo lại cho cộng đồng tại Antiôkhia. Điều quan trọng là Barnaba và Phaolô chỉ định các kỳ mục trong mỗi cộng đồng. Đây là quy định bình thường của một cộng đồng Do Thái. Một hội đường vẫn được điều hành bởi một nhóm các kỳ mục, trong đó một người được chọn làm đứng đầu. Rõ ràng, có sự khó chịu mà chúng ta đã thấy trong Chúa nhật tuần trước, các cộng đồng Kitô hữu này cảm thấy mình giống như các cộng đồng Do Thái khác, mặc dù họ tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Messia, và sống bởi Thánh Thần của Người.

 

ĐÁP CA: Tv 145

Ca ngợi Đức Chúa là Vua

Tựa đề của Thánh vịnh này là: “Ngợi khen. Của vua Đavít”, nghĩa là được gán cho Đavít, vua Israel. Đavít là vị vua được xức dầu, nhưng ông nhìn nhận còn có một quyền năng cao trọng hơn ông, là Thiên Chúa Vua muôn vua. Trong cc. 1-2, tác giả muốn tán dương và chúc tụng Chúa “mọi ngày” và “đến muôn thuở muôn đời”. Lòng sùng mộ và biết ơn của vua là không giới hạn. Thánh Gioan Kim Khẩu viết: “Ước muốn tán dương Chúa là một chỉ dấu của một tâm hồn con thảo đích thực. Ai tán dương Chúa mọi ngày thì sẽ được ca tụng Ngài miên viễn” (Expositio in Psalmos, 144.2).

Đây cũng là một bài thánh ca kể lại những lần Thiên Chúa can thiệp để hướng dẫn, che chở và bảo vệ dân Ngài trải qua suốt dòng lịch sử. Chương trình của Chúa cho các dân tộc là thiết lập một vương quốc của ân sủng, tình thương, công lí, và lòng mến hơn là biểu dương quyền lực và sự thống trị. Bởi  đó, Đức Bênêđictô XVI khi nhắc đến Thánh vịnh này đã nhấn mạnh đến những cụm từ diễn tả sự toàn thiện của Thiên Chúa, như: “Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu đối với muôn loài Chúa đã dựng nên” (c.9). Công trình sáng tạo của Ngài thật hiển hách, tuy nhiên phẩm tính trổi vượt của Ngài lại chính là tình thương vô bờ bến đối với chúng ta.

Chúa gần gũi…kẻ thành tâm cầu khẩn Ngài”. Phần thứ hai của Thánh vịnh chứa đựng một tư tưởng đầy an ủi: nếu chúng ta sẵn lòng thực thi ý Chúa thì chúng ta luôn xác tín rằng Ngài sẽ đáp lời cầu khẩn của chúng ta. (x. Bênêđictô XVI, Tiếp kiến chung, ngày 1 và 8 tháng Hai, 2006).

 

BÀI ĐỌC 2: Kh 21,1-5a

Thành Giêrusalem mới

Giống như rất nhiều lần trong sách Khải Huyền, lời tiên tri này về thành Giêrusalem mới phụ thuộc rất nhiều vào các nhà tiên tri của Cựu Ước. Trong những ngày đen tối của cuộc Lưu đày ở Babylon, tiên tri Êdêkiel đã báo trước rằng Thiên Chúa sẽ xây dựng lại Giêrusalem thành một thành mới nơi Thiên Chúa sẽ ngự trị, một thành tên là Hephzibah, “Hạnh phúc của ta là ở với ngươi”. Từ lâu, các tiên tri đã nói về mối quan hệ của Israel với Thiên Chúa như một hôn thê với chồng, một người vợ thường bất trung. Còn Isaia đã báo trước một tiệc cưới vui tươi mà Thiên Chúa sẽ làm chú rể và cô dâu là Giêrusalem, lễ cưới cuối cùng của Thiên Chúa cho dân Ngài. Cô dâu của Thiên Chúa, Israel, người thường xuyên không chung thủy, cuối cùng sẽ được kết hôn với Ngài mãi mãi trong sự chung thủy và hạnh phúc. Đây là ý nghĩa chủ yếu của tiệc cưới tại Cana và trong các dụ ngôn của Chúa Giêsu về tiệc cưới của nhà vua, mà người nghèo và người bị ruồng bỏ sẽ được mời đến tham dự. Ở đây sách Khải Huyền hứa hẹn chỉ những ai đã chịu bách hại nghiệt ngã của người La Mã mới được dự một lễ hội như vậy. Giờ đây, khi chúng ta cử hành sự chiến thắng của Chúa Kitô trên cái chết, chúng ta mong chờ niềm hạnh phúc không gì sánh được cũng như thế với sự hiện diện của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài.

 

TIN MỪNG: Ga 13,3l-33a,34-35

Điều răn mới

Sự ra đi của Giuđa khỏi phòng tiệc ly khởi động cho cuộc bắt giữ, xét xử và hành hình Chúa Giêsu. Giờ đây tác giả hướng cái nhìn về phía trước gần gũi. Cái chết được hướng tới; các biến cố của ơn cứu rỗi sắp bắt đầu. Giờ của sự ứng nghiệm cánh chung đã đến. Trong khi có vẻ như chỉ có đau khổ và cái chết đang ở phía chân trời, thì đây thực sự lại là khoảnh khắc của sự tôn vinh. Giương lên cao trong sự ô nhục xấu xa, Chúa Giêsu sẽ thực sự được cất lên trong vinh quang, bởi vì sự hoàn toàn quy phục của Người, cái chết, sự sống lại và sự tôn vinh, tất cả là một biến cố duy nhất.

Khi đã công bố rằng đây là giờ tôn vinh của chính mình, Chúa Giêsu giải thích cho biết đây cũng là giờ tôn vinh Thiên Chúa. Con Người được tôn vinh cả về sự sẵn lòng vâng lời Thiên Chúa cho đến chết và trong sự thật rằng Thiên Chúa sẽ tôn vinh Người bằng cách làm cho sự hy sinh của Người mang lại hiệu quả để cứu chuộc mọi người. Sự tôn vinh không hủy bỏ đau khổ. Đúng hơn, chính vào lúc Chúa Giêsu được giương cao lên trên thập giá, Người sẽ được cất lên trong vinh quang. Sự sẵn sàng chịu đau khổ của Chúa Giêsu cũng tôn vinh Thiên Chúa, vì điều đó cho thấy mức độ tình yêu của Chúa Giêsu đối với Thiên Chúa và tình yêu thương của Thiên Chúa đối với loài người. Sự tôn vinh lẫn nhau này bắt nguồn từ mối quan hệ mật thiết hiện hữu giữa Thiên Chúa và Con Người.

Chúa Giêsu nói với mười một môn đệ còn lại bằng cách xưng hô trìu mến của một tôn sư đối với môn sinh, “hỡi các con” (x. Cn 1,8,15; 2,1; v.v.). Tiếp theo là điều răn yêu thương nhau. Một hoàn cảnh mới được tạo ra bởi sự hy sinh và sự tôn vinh Chúa Giêsu. Người sẽ không ở lại với các môn đệ lâu nữa, và tình yêu thương mà họ bày tỏ cho nhau sẽ là sự phản chiếu trên mặt đất, chính sự tôn vinh lẫn nhau giữa Thiên Chúa và Con Người. Mệnh lệnh yêu thương đã được đưa ra từ lâu: “Hãy yêu người lân cận như chính mình” (Lv 19,18). Đây là điều răn mới, mới trong bản chất (kainós), khác biệt với điều răn mới trong thời gian (néos). Điều làm cho nó khác biệt đáng kể ở đây là dung lượng của tình yêu. Họ phải yêu nhau bằng chính tình yêu hy sinh quên mình mà Chúa Giêsu đã bày tỏ cho họ.

Tình yêu thương này sẽ là dấu chỉ phổ quát cho việc trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Nó sẽ thiết lập một loại trật tự mới. Các môn đệ phải yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương họ. Tình yêu của Người được thể hiện ở việc Người sẵn sàng hy sinh bản thân mình. Sự hy sinh bản thân của Người đồng nhất với sự tôn vinh của Người. Sự tôn vinh Người cũng là sự tôn vinh Thiên Chúa. Bằng cách này, tình yêu thương của những môn đệ Chúa Giêsu dành cho nhau làm tăng thêm sự tôn vinh Thiên Chúa.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 2746-2751 : Lời nguyện của Chúa Kitô trong Bữa Tiệc Ly

+ GLHTCG 459, 1823, 2074, 2196, 2822, 2842 : “Như Thầy đã yêu thương anh em”

+ GLHTCG 756, 865, 1042-1050, 2016, 2817 : Trời mới đất mới

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung