Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 6 Phục Sinh, Năm C

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 6 Phục Sinh, Năm C

Bài suy gẫm của chúng ta trong Chúa nhật này vừa đưa chúng ta trở lại các chủ đề của tuần trước vừa hướng sự chú ý của chúng ta đến biến cố thăng thiên của Chúa Giêsu đang ở phía trước. Chúng ta được mời gọi nhìn xem sự mới mẻ triệt để mà biến cố phục sinh mang lại, nhưng chúng ta cũng được lưu ý về sự ra đi của Chúa Giêsu. Có thể nói rằng tuần này chúng ta suy nghĩ về những hồng ân Chúa Giêsu dành cho chúng ta khi Người ra đi.

 

BÀI ĐỌC 1: Cv 15,1-2, 22-29

Công đồng Giêrusalem

Đây là cuộc họp quan trọng của toàn thể cộng đoàn tại Giêrusalem, nơi đưa ra quyết định rằng Kitô giáo không chỉ dành cho người Do Thái mà còn mở cửa cho cả các dân ngoại. Hoạt động của ông Phaolô trong việc tiếp nhận những người dân ngoại vào Giáo hội đã tạo ra một cuộc khủng hoảng: chẳng phải lời Thiên Chúa hứa cho Abraham chỉ giới hạn cho người Do Thái sao? Nó không chỉ giới hạn cho những người tuân giữ Lề Luật sao? Có phải Thần Khí của Chúa Kitô Phục Sinh thực sự ngự vào và tác động người chưa được cắt bì không? Bước đột phá đáng kinh ngạc đạt được ở đây đã thay đổi hoàn toàn tiến trình lịch sử. Phần thảo luận tại cuộc họp được bỏ qua trong bài đọc này, và chuyển sang phần hướng dẫn thực hiện, nhưng nó là kiểu mẫu cho một cuộc thảo luận cộng đồng: nhận thức về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, các vị lãnh đạo đã lắng nghe sự thật của hoàn cảnh, lắng nghe ý kiến ở cả hai phía của vấn đề do các nhà lãnh đạo có kinh nghiệm trình bày, và sau đó đưa ra quyết định trong Thánh Thần. Bức thư hướng dẫn tiếp theo cũng là một kiểu mẫu, kiên quyết trong các quyết định, nhưng cũng vững chắc trong việc đánh giá cao lương tâm cá nhân. Những hạn chế đặt ra cho các Kitô hữu dân ngoại nhằm giúp cho mối tương giao với Kitô hữu gốc Do Thái có thể thực hiện được mà không gây xúc phạm đối với cảm thức của họ.

 

ĐÁP CA: Tv  67

Muôn dân nước hãy cảm tạ Thiên Chúa

Thánh vịnh này thể hiện một nghi lễ phụng vụ tại đền thờ, trong đó cộng đoàn lặp lại một phần lời chúc phúc nổi tiếng của Aarôn (Ds 6, 24-26). Dân chúng đón nhận sự ban phước của thầy tư tế (c. 2), và họ ý thức rằng sự thịnh vượng mà Thiên Chúa ban cho họ làm chứng cho lòng thương xót và quyền năng của Ngài (c. 3). Câu thứ nhất trong hai điệp ca, mời gọi các quốc gia nhìn nhận và cùng cảm tạ Đức Chúa (c. 4), dùng làm lời mở đầu cho lời tuyên bố rằng Đức Chúa hướng dẫn các nước; điệp khúc thứ hai (c. 6) đóng vai trò như lời mở đầu cho tuyên bố rằng Đức Chúa làm cho trái đất trở nên dồi dào sung mãn.

Các Giáo phụ đã áp dụng câu “Đất đã sinh ra mùa màng hoa trái” (c. 7) cho Đức Maria, đấng đã sinh ra Chúa Cứu Thế, là Con Thiên Chúa. Vì lí do này, Thánh vịnh 67 đã được cầu nguyện vào ngày 1 tháng Giêng, kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (x. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, buổi gặp gỡ chung ngày 9 tháng Mười, năm 2002; 17 tháng Mười Một, năm 2004).

 

BÀI ĐỌC 2: Kh 21,10-14, 22-23

Thành thánh Giêrusalem

Mô tả về Giêrusalem mới, hiền thê của Chúa Kitô, bắt đầu trong bài đọc tuần trước, tiếp tục mang tính biểu tượng rất cao. Mười hai cánh cổng (được trích từ lời tiên tri của Êdêkien) hướng về bốn phía và có bốn hình vuông vững chắc, để cho thấy rằng nó bao trùm toàn bộ vũ trụ. Mười hai cánh cửa tượng trưng cho mười hai chi tộc Israel cũng như mười hai tông đồ. Sự giàu có và hoàn hảo được hàm ý bởi sự lấp lánh của đá quý, không chỉ kim cương mà còn nhiều loại đá khác nữa. Kích thước của thành rất rộng lớn: một khối lập phương, mỗi hướng dài 1500 dặm. Không cần ánh sáng và sự sưởi ấm của mặt trời, vì Thiên Chúa và Con Chiên cung cấp một nguồn duy nhất để nuôi dưỡng và chiếu sáng nó. Không cần một khu vực linh thiêng, vì sự hiện diện của Thiên Chúa và Con Chiên khiến cả thành trở thành một khu vực thánh thiêng. Đây là mục tiêu chung cuộc của công trình sáng tạo, khi tất cả được hấp thụ vào Thiên Chúa; đó là sự hoàn thành cuối cùng của “Nước Chúa trị đến”. Thư gửi tín hữu Êphêsô diễn tả điều đó như thể  toàn thể vũ trụ “hướng về” Chúa Kitô, làm cho công trình sáng tạo có ý nghĩa và đưa công trình đó đến hoàn thành.

 

TIN MỪNG: Ga 14,23-29

Để lại bình an

Đoạn Phúc Âm này chứa đựng một số chủ đề thần học quan trọng. Nó nhấn mạnh mối liên hệ giữa tình yêu và sự tuân phục, và nó nói về sự hiện diện của Thiên Chúa với người yêu mến Chúa Giêsu. Nó cung cấp cho chúng ta cái nhìn một phần về các mối quan hệ nội tại trong Ba Ngôi. Nó trình bày lời từ biệt của Chúa Giêsu với ước muốn bình an.

Tình yêu là sứ điệp căn bản của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Người kêu gọi một loại tình yêu đòi hỏi, một loại tình yêu hy sinh quên mình như tình yêu của chính Người. Chỉ những ai noi gương và tuân theo chỉ thị của Người mới có thể được cho là yêu mến thực sự, và những ai yêu thương như Chúa Giêsu đã làm thì được Cha của Người thương mến. Tình yêu như vậy không chỉ là một phản ứng tình cảm. Nó là một trạng thái hiện hữu, một tâm thế mà con người sống. Sự cư ngụ của Chúa Giêsu và Cha Người thực hiện với những người yêu thương như thế là một nơi cư ngụ bền vững, ở lại (monē) trái ngược với một trạng thái nhất thời. Những người không giữ lời của Chúa Giêsu sẽ không được chúc phúc như vậy. Vì lời của Chúa Giêsu thực sự là lời của Đấng đã sai Người, nên bác bỏ lời đó là bác bỏ cả Chúa Giêsu và Cha của Người. Các Đấng sẽ không ở với một con người như vậy.

Mặc dù phân đoạn này không thể cung cấp cho chúng ta một giáo huấn hoàn chỉnh về ba ngôi, nhưng nó cung cấp cho chúng ta một số hiểu biết về mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chắc chắn có một mối quan hệ mật thiết giữa Chúa Giêsu và Cha của Người. Chính phép ẩn dụ về người cha, mà Chúa Giêsu dùng để nói về Thiên Chúa, là bằng chứng về điều này. Hơn nữa, Người và Cha của Người cùng ở lại với các tín hữu trung thành. Mặc dù có sự thân mật này, các Ngài khác biệt với nhau. Chúa Giêsu được Cha Người sai đến, và Người sẽ trở về với Cha của Người. Chúa Giêsu công bố lời của Cha Người, và Cha Người sai Chúa Thánh Thần nhân danh Người đến. Chúa Giêsu thậm chí còn khẳng định rằng Cha của Người cao trọng hơn Người. Tuyên bố này đã khiến một số người đặt câu hỏi về thần tính trọn vẹn của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, nó có lẽ chỉ về Chúa Cha như là ngọn nguồn của Ba Ngôi.

Giống như Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần được Chúa Cha sai đến, nhưng Chúa Thánh Thần được sai đến nhân danh Chúa Giêsu, không nhân danh Chúa Cha. Chúa Thánh Thần không thay thế Chúa Giêsu nhưng là sứ giả, tham gia vào sứ vụ của Chúa Giêsu bằng cách nhắc nhở các môn đệ những điều Chúa Giêsu đã dạy họ. Nhớ lại như thế không chỉ là một hành động trí tuệ. Đó là lời kêu gọi làm chứng cho lời Chúa. Trong bài đọc này, việc ngự đến của Thánh Thần được phân biệt với việc Chúa Giêsu và Cha của Người đến ở cùng với các môn đệ. Các Ngài đến để ở lại với họ trong tình yêu; còn Chúa Thánh Thần đến để soi sáng họ.

Không rõ sự ra đi và trở lại của Chúa Giêsu được hiểu như thế nào. Theo cái nhìn con người, người ta có thể nghĩ hoặc về cái chết của Người và sự trở lại của Người khi sống lại, hoặc sự thăng thiên và trở lại vào thời kỳ cuối cùng. Theo Tin Mừng này, cái chết / sống lại / và thăng thiên đều là một sự kiện của việc ra đi. Tuy nhiên, Chúa Giêsu hứa sẽ ở lại với các môn đệ ngay cả trước khi Người trở lại lần cuối (c. 23). Ở đây có lẽ Người hướng dẫn họ cách thế sống với Người cho đến khi Người trở lại. Ngày quang lâm, hoặc biến cố trở lại sau cùng, được báo trước trong khoảng thời gian này.

Lời của Chúa Giêsu kết thúc bằng một ghi nhận về sự trấn an. Người để lại sự bình yên của Người. Đây không chỉ là một lời cầu chúc đơn thuần, mà đó là một phúc lành bao gồm tất cả những ơn phúc của sự phục sinh. Sự bình an Chúa ban hoàn toàn khác với hòa bình của thế gian, theo kiểu Pax Romana (Hòa bình La Mã), một thứ phải giành được và duy trì bằng gươm đao. Sự bình an của Chúa Giêsu dựa trên mối tương giao của Người với Chúa Cha và tình yêu thương hy sinh mạng sống của Người cho thế gian. Sự bình an này là di sản Chúa Giêsu để lại cho những ai yêu mến Người.

 

            THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

 

+ GLHTCG 2746-2751 : Lời nguyện của Đức Kitô trong Bữa Tiệc Ly

+ GLHTCG 243, 388, 692, 729, 1433, 1848: Chúa Thánh Thần, Đấng Bầu Cử/ Đấng An ủi

+ GLHTCG 1965-1974 : Luật Mới kiện toàn Luật Cũ

+ GLHTCG 865, 869, 1045, 1090, 1198, 2016 : Thành thánh Giêrusalem trên trời

           

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung