Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật Chúa Hiển Linh

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật Chúa Hiển Linh

Mùa Giáng Sinh đạt đến đỉnh cao vào ngày lễ Hiển Linh. Theo truyền thống ở nhiều nơi trên thế giới với tên gọi lễ Giáng Sinh nhỏ, đây là ngày kỷ niệm biến cố Chúa tỏ mình ra cho các quốc gia. Theo truyền thống Công giáo, ngày lễ này tưởng niệm chuyến viếng thăm của các đạo sĩ và ý nghĩa của nó đối với sự biểu tỏ vinh quang của Thiên Chúa cho các dân tộc trên thế giới. Các bài đọc cho thấy ba chủ đề quan trọng: Giêrusalem là nguồn ánh sáng cho các quốc gia; Chúa Kitô là mặc khải của Thiên Chúa cho muôn dân; những mối quan hệ mới được thiết lập trong Chúa Kitô giữa người Do Thái và dân ngoại.

 

BÀI ĐỌC 1: Is 60,1-6

Vinh quang Đức Chúa tỏa rạng trên ngươi

 Nhiều đoạn văn tỏa sáng nhất trong phụng vụ trích từ phần thứ ba này của sách Isaia, được viết sau khi dân Israel trở về từ cuộc lưu đày ở Babylon. Họ tràn đầy lạc quan và một sự tự tin mới. Hơn nữa, họ còn tỏ lộ một nhận thức về sứ mệnh của Israel đối với thế giới. Điều này đã được bao gồm trong lời hứa với Abraham rằng “các quốc gia sẽ được chúc phúc nơi ông”- cũng được Maria lặp lại trong lời kinh  Magnificat của bà. Nhưng bây giờ có một ý thức mới rằng sự lựa chọn của Israel không chỉ dành cho riêng họ, mà để họ có thể mang lại ánh sáng cho các quốc gia. Điều này được diễn tả như mặt trời mọc mang lại ánh sáng cho một thế giới tăm tối. Tất cả những gì họ cần làm chỉ đơn giản là ngước mắt lên và nhìn thấy đám đông các dân tộc đang háo hức đến từ các sa mạc hẻo lánh để tìm kiếm sự cứu rỗi từ Israel. Làm thế nào chúng ta biết rằng sứ mệnh của chúng ta cũng mang lại ánh sáng và ơn cứu độ cho một thế giới tăm tối, rằng thông điệp về tình yêu thương của Thiên Chúa được trao phó cho chúng ta không chỉ cho riêng chúng ta mà còn cho tất cả mọi người?

 

ĐÁP CA: Tv 72, 1-2, 7-8, 10-11, 12-13

Vương quyền của Đức Messia Vua

 Có lẽ Thánh vịnh này là một thánh ca được trước tác vào dịp đăng quang của vua Đavít. Những ngôn từ phong phú đã được dùng để tán dương vua và nền quân chủ tuyệt hảo của Isarel. Nó trổi vượt tất cả những chế độ thấp kém, hà khắc của các bạo chúa các nước lân bang. Thánh ca trình bày vua như là nguồn của sự công bằng và lòng thương cảm đối với dân nghèo.

Người ta có thể nói, những điều mô tả trong Thánh vịnh này cũng phản ánh những đặc điểm của bộ luật Hammurabi, một bộ luật tại Cận Đông cổ đại, đưa ra những chuẩn mực lí tưởng cho một tổ chức xã hội. Ngôn ngữ phóng đại của cc. 8-11, với hình ảnh các vị vua đến từ miền xa xăm tận cùng trái đất, để tỏ lòng tôn kính với vua Đavít của Giuđa. Tác giả kể đến các biên giới địa lí mà ông có thể biết thời đó: từ Địa Trung Hải ở phía tây tới vịnh Ba Tư ở phía đông; và từ sông Euphrate ở phía bắc cho đến các đảo và miền đất châu Âu (được gọi là tận cùng trái đất). Những hình ảnh này chỉ đơn giản là một biểu hiện đầy thi vị của niềm hi vọng Giuđa sẽ trở thành quốc gia hàng đầu như thời vua Đavít.

Đức Giêsu là Đấng Messia được muôn dân bao đời trông đợi. Người đến loan báo vương quốc hòa bình và công chính thông qua lòng thống hối và trung thành sống các giáo huấn của Người. Tuy nhiên nước Người không thuộc thế gian này. Luôn có chỗ trong cung lòng của Chúa Cứu Thế cho mọi người, nhất là những ai nghèo hèn và khổ đau (x. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, tiếp kiến chung, ngày 1 và 15  tháng Mười Hai, 2004).

 

BÀI ĐỌC 2: Ep 3,2-3a, 5-6

Tột đỉnh của công trình sáng tạo

 Sứ điệp của thư gửi tín hữu Êphêsô là mầu nhiệm được che giấu từ thuở đầu, cuối cùng đã được mặc khải nơi Chúa Kitô. Trong thế kỷ đầu tiên, người ta đã kỳ vọng rất nhiều vào một sự kiện xác định và biến đổi. Trong Chúa Kitô, sự kiện này đã xảy ra. Trong những thư trước đó, Phaolô đã đề cập đến biến cố ấy. Bây giờ hai chiều kích khác đã trở nên rõ ràng. Sự phân chia giữa người Do Thái và dân ngoại không còn giá trị nữa, bởi vì trong Chúa Kitô, tất cả các dân tộc đều được mời gọi đón nhận ơn cứu rỗi đã hứa với Abraham. Đây chỉ là sự hoàn tất lời hứa rằng nơi Abraham mọi dân tộc sẽ được chúc phúc. Thứ hai, trong Chúa Kitô, công trình sáng tạo đã được hoàn tất. Cũng như mọi tạo vật được dựng nên trong Chúa Kitô, Ngôi Lời và Sự Khôn Ngoan của Chúa Cha, thì nó cũng đều được tổng hợp lại và quy về đầu là Chúa Kitô. Là Kitô hữu, chúng ta tin điều này, nhưng chúng ta sống theo nó ở mức độ nào? Chúng ta có thấy tất cả các tạo vật, và đặc biệt là tất cả loài người, đều hợp nhất với chúng ta và chỉ có ý nghĩa trong Chúa Kitô, ngay cả khi họ không nhận ra điều đó. Điều này hẳn sẽ mang lại cho chúng ta sự tự tin và niềm vui biết bao!

 

TIN MỪNG: Mt 2,1-12

Các nhà chiêm tinh thờ lạy Hài Nhi Giêsu

Khi gần kết thúc mùa Giáng sinh, chúng ta đọc một câu chuyện Giáng sinh nổi tiếng khác: Ba vị Vua, hay Ba nhà Thông thái. Thực ra, họ là những nhà chiêm tinh, những người nghiên cứu các thiên thể và từ đó khám phá ra ý nghĩa của cuộc sống con người trên trái đất. Bài tường thuật này là một loại haggadah, một câu chuyện Do Thái được kết dệt từ các tài liệu kinh thánh khác nhau nhằm đưa ra một quan điểm thần học. Điều này không có nghĩa là câu chuyện không có thật. Đúng là sự thật của nó nằm trong toàn bộ câu chuyện và ý nghĩa nó truyền tải hơn là bất kỳ hoặc tất cả các chi tiết của trình thuật.

Bản thân câu chuyện các nhà chiêm tinh này đã phát triển theo một haggadah để chúng ta có thể hiểu nó. Ví dụ, văn bản nói rằng có ba tặng vật, nhưng không nói ba người đàn ông. Nó xác định ba món quà, nhưng không cho biết vàng liên hệ với vương quyền, nhũ hương với thần tính, hoặc mộc dược với sự đau khổ. Trình thuật cũng không đặt tên cho họ (Caspar, Balthasar và Melchior), cũng không nói rằng có một người da màu. Tất cả những điều này là sự bổ sung có tính cách haggadic.

Các nhà chiêm tinh học hiện đại cho chúng ta biết rằng thực sự đã có một hiện tượng thiên văn bất thường vào khoảng thời gian này. Có vẻ như tác giả của câu chuyện này muốn đưa ra một lời giải thích thần học về nó. Chính câu chuyện này phụ thuộc vào các yếu tố từ một số truyền thống Kinh Thánh trước đó: lời tiên tri thứ tư của Balaam người Môáp nói về một ngôi sao mọc lên từ nhà Giacóp (Ds 24,17) ám chỉ các vị vua Tarshish, Shêba và Sơva, những người sẽ cống nạp và mang những tặng vật đến triều bái vua Do Thái (Tv 72, 10-11). Cũng như từ lời hứa rằng vàng và nhũ hương sẽ được mang trên những con lạc đà từ xứ Mađian, Êpha và Shêba đến Giêrusalem (Is 60, 6).

Để chúng ta không coi các chi tiết chiêm tinh này chỉ là một câu chuyện thần thoại, tác giả sắp xếp các sự kiện theo đúng thời gian và địa điểm: triều đại của Hêrôđê, nơi Bêlem và Giêrusalem. Vì họ tin rằng những điều kỳ diệu thường đi kèm với sự ra đời của các vị vua vĩ đại, nên điều dễ hiểu là các nhà chiêm tinh sẽ đến gặp vua nước Giuđê. Toàn bộ hoàng cung (“cả thành Giêrusalem”) đều hoang mang trước tin tức về sự ra đời này, vì đứa trẻ sẽ là một đối thủ tiềm ẩn. Những người am hiểu về triều đình (“các thầy tư tế cả và các kinh sư”) biết đứa trẻ ở đâu vì họ dựa vào sứ điệp tiên tri giúp họ biết nơi để tìm ra. Nhưng họ phủ nhận Hài Nhi là một nhà lãnh đạo hợp pháp. Biết về truyền thống không có gì đảm bảo cho sự trung thành với nó.

Đoạn văn nói về sự tôn kính Hài Nhi của các nhà chiêm tinh rất ngắn gọn nhưng gây xúc động. Ngôi sao thực sự đã dẫn họ đến nơi Người đang ở. Tìm thấy Người, họ phủ phục và bày tỏ lòng tôn kính. Bản văn không cho thấy rằng họ tôn kính Hêrôđê theo cách này, vì vậy đây không nên được coi là việc cống nạp cho một vị vua. Đây có lẽ là kiểu tôn kính mà họ dành cho một vị thần. Các nhà chiêm tinh rất thành thạo và chính xác khi phân định sự thật. Họ đọc các dấu chỉ của ngôi sao và nhận ra danh tính thật của Hài Nhi. Và họ nhận được sứ điệp từ giấc mơ nói với họ rằng hãy theo đường khác để trở về xứ mình.

Những người đàn ông vô danh này xuất phát từ một nơi tối khuất và họ cũng trở về với không gian mờ mịt. Tất cả những gì chúng ta biết là: họ không phải là người Israel, và đó là toàn bộ ý nghĩa của câu chuyện. Nó cho thấy những người thiện chí, bất kể nền tảng dân tộc hay tôn giáo nào, đều có thể đáp trả mặc khải của Thiên Chúa. Sự mở rộng cõi lòng của các nhà chiêm tinh này đã dẫn đưa họ đến với Hài Nhi, và họ không phải thất vọng khi trở về. Vì, Do Thái hay dân ngoại, tất cả đều có địa vị như nhau trước mặt Thiên Chúa.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG  528, 724: Chúa tỏ mình ra

+  GLHTCG  280, 529, 748, 1165, 2466, 2715: Chúa Kitô, ánh sáng muôn dân

+  GLHTCG  60, 442, 674, 755, 767, 774-776, 781, 831: Hội Thánh, bí tích hợp nhất nhân loại

Lm. Giuse Ngô Quang Trung