Toà Giải Tội
Văn phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố danh sách 21 tân Hồng y sẽ nhận mũ đỏ vào ngày 30 tháng 09 năm 2023. Đứng cuối cùng trong danh sách ấy là tên của một linh mục: cha Luis Pascual Dri, 96 tuổi, dòng thánh Phanxicô Capuchino, là cha giải tội tại Đền thờ Đức Mẹ Pompei tại Buenos Aires, thủ đô nước Argentina.
ĐTC Phanxicô và cha Luis Pascual Dri
Việc nâng một linh mục lên hàng hồng y không phải là chuyện lạ, tuy nhiên trong quá khứ, hầu hết các vị này là những nhà thần học đã góp phần lớn trong việc nghiên cứu và giảng dạy thần học như Jean Danielou, De Lubac, Yves Congar, Avery Dulles, mới nhất là Raniero Cantalamesa. Lần này vị linh mục được nâng lên hàng hồng y không phải là nhà thần học, mà là một linh mục suốt đời gắn bó với tòa giải tội. Ngài chia sẻ tâm tình khi nhận được quyết định của Đức giáo hoàng: “Tôi cảm ơn Đức giáo hoàng nhiều lắm về sự tín nhiệm của ngài. Tôi không xứng đáng, tôi không phải là nhân vật lớn, tôi chỉ là một linh mục, một tu sĩ, không học hành nhiều, không có bằng tiến sĩ, không có gì hết. Nhưng cuộc sống dạy tôi nhiều điều lắm và vì tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, nên tôi thấy mình phải có những lời thương xót, giúp đỡ, gần gũi với tất cả những ai đến đây. Không nên để ai ra khỏi tòa giải tội với ý nghĩ rằng họ không được thấu hiểu, bị khinh khi và ruồng bỏ…Tôi phải giúp cho mọi người đến gần Chúa hơn”.
Chắc chắn đối với các tín hữu Việt Nam, tên tuổi của vị Tân hồng y này thật xa lạ, nhưng theo Andrea Tornielli của Vatican News, Đức giáo hoàng Phanxicô đã nhắc đến vị linh mục này nhiều lần, nhất là khi ngài nói về việc xưng tội và đón tiếp hối nhân trong Tòa giải tội, chẳng hạn ngài nói: “Tôi nhớ đến một cha giải tội tuyệt vời, một cha dòng Phanxicô, thi hành tác vụ ở Buenos Aires. Có lần ngài đến gặp tôi, muốn nói chuyện. Ngài nói: Con đến xin Đức hồng y giúp. Trước tòa giải tội của con lúc nào cũng có đông người đến xưng tội, đủ mọi hạng người, có người khiêm tốn, có người thiếu khiêm tốn, có cả nhiều linh mục… Con tha tội nhiều lắm và đôi khi con thấy áy náy vì tha tội quá nhiều!”
“Rồi chúng tôi nói chuyện với nhau về lòng thương xót, và tôi hỏi ngài rằng khi cảm thấy áy náy như thế thì cha làm gì. Ngài trả lời tôi thế này: Con đến nhà nguyện, trước Nhà tạm và thưa với Chúa Giêsu rằng: ‘Lạy Chúa, xin Chúa tha thứ cho con vì con đã tha tội cho người ta nhiều quá. Nhưng chính Chúa đã làm ‘gương xấu’ cho con đấy”. Và Đức Giáo hoàng nói: “Tôi không bao giờ quên điều đó. Khi một linh mục cảm nghiệm lòng thương xót như thế, ngài có thể đem lòng thương xót đến cho người khác”.
Còn vị linh mục đáng kính ấy nói sao? Andrea đã đến gặp vị linh mục này và ngài kể: “Đúng, tôi tha tội, rồi tôi cảm thấy băn khoăn, vì vậy sau đó tôi đến với Chúa Giêsu và thưa với ngài là chính Ngài đã dạy tôi như thế, chính Ngài làm “gương xấu” cho tôi, bởi vì Ngài tha thứ hết, chẳng bao giờ từ khước ai. Ông có thể thấy những lời này đã đánh động Đức giáo hoàng Phanxicô, vì ngài biết tôi ngồi tòa nhiều giờ, sáng cũng như chiều, và tha tội cho nhiều người. Chính ngài cũng khuyên một vài linh mục có vấn đề đến gặp tôi. Tôi lắng nghe các linh mục ấy và bây giờ chúng tôi là bạn tốt với nhau, có vài vị thường trò chuyện với tôi và sống rất tốt, về thiêng liêng cũng như mục vụ”.
Khi nâng vị linh mục đáng kính này lên hàng hồng y, chắc chắn Đức giáo hoàng muốn đề cao lòng Chúa thương xót là chủ đề ngài đã nhấn mạnh ngay từ đầu triều đại giáo hoàng của ngài. Gắn với lòng Chúa thương xót là tác vụ hòa giải trong tòa giải tội, vì thế khi nêu cao tấm gương của Đức hồng y tân cử Luis Pascual Dri, Đức giáo hoàng cũng muốn nhắc nhở các linh mục về tác vụ hòa giải. Dù cũng là những con người yếu đuối tội lỗi như bao người, nhưng Chúa đã ban cho các linh mục đặc quyền tha tội cho các hối nhân. Vậy chúng ta đã thi hành tác vụ ấy thế nào? Có tạo điều kiện cho anh chị em giáo dân đến lãnh nhận Bí tích Giải tội không? Có tạo thói quen ngồi tòa hằng ngày, hằng tuần để giáo dân có thể đến Tòa giải tội dễ dàng không? Hay vì quá quen, chúng ta cho rằng những việc khác quan trọng và cần thiết hơn?
Hãy cùng nhau ghi nhớ điều này: “Không nên để ai ra khỏi tòa giải tội với ý nghĩ rằng họ không được thấu hiểu, bị khinh khi và ruồng bỏ…Tôi phải giúp cho mọi người đến gần Chúa hơn”.
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm