TPÂH Lòng Tha Thứ – Chương 2: Thế Nào Là Tha Thứ?

Chương Hai

Thế Nào Là Tha Thứ?

1. Thế nào là tha thứ?

1.1. Tha thứ không phải là.

1.2. Tha thứ là “từ bỏ giận dữ và oán thù”.

2. Phân loại tha thứ.

3. Câu chuyện của lòng tha thứ.

 

1. Thế nào là tha thứ?

Có thể chúng ta đi theo một vài quan niệm ít nhiều lệch lạc về sự tha thứ, và chúng ta có một phương pháp để hiểu rõ sự tha thứ hơn, đó là tìm hiểu những điều không phải là tha thứ.

1.1. Tha thứ không phải là

1.1.1. Tha thứ không phải là miễn chuẩn trách nhiệm cho người có lỗi

Mọi người chúng ta đều muốn cho mình là đúng, bởi thế mà chúng ta nghĩ rằng, khi tha thứ cho kẻ khác, chúng ta cung cấp cho họ một thứ lý lẽ nào đó để biện minh cho những việc họ làm. Chúng ta suy nghĩ một cách phi lý rằng, nếu tha thứ cho họ, chúng ta chuyển tải một thông điệp nào đó khiến họ cảm thấy việc họ làm là đúng. Nếu chúng ta suy nghĩ một cách bất hợp lý như vậy, chúng ta tự trói mình trong tình trạng bất động của việc không tha thứ, bởi vì chúng ta không thể nói cho họ biết lỗi phạm của họ không thể xúc phạm đến bạn. Làm như vậy không phải là tha thứ.

Nhưng sự tha thứ chẳng liên quan gì đến bản chất của sự xúc phạm. Trái lại, tha thứ có nghĩa là quyết định từ bỏ sự tức giận, không đòi hỏi phải được đền bù vì đã bị xúc phạm, dù là sự xúc phạm có thật hay do mình tưởng tượng ra. Tha thứ là chúc lành cho kẻ có lỗi và nhìn nhận sự “xúc phạm” là một bài học yêu thương. Lý do chính của việc tha thứ không phải là để cho kẻ có lỗi thoát khỏi trách nhiệm, mà để làm cho đời sống chúng ta có được quà tặng vĩ đại là sự bình an. Chúng ta là những kẻ thụ hưởng những lợi ích của sự tha thứ mà chúng ta đã chọn.[1]

1.1.2. Tha thứ không đòi hỏi người có lỗi phải thể hiện lòng hối lỗi và đền bù

Đôi khi chúng ta đặt ra những điều kiện đòi buộc kẻ có lỗi phải thỏa mãn, nếu muốn được tha thứ. “Vâng, tôi sẽ bằng lòng tha thứ cho chị tôi, chỉ cần cô ấy đến xin lỗi… nếu cô ấy trả lại cho con trai tôi số tiền mà cô ấy đã mượn cách đây mười năm… nếu cô ấy thăm mộ thân mẫu thường xuyên hơn… nếu cô ấy đi lễ…” Chúng ta muốn kẻ khác phải đền trả, cho nên chúng ta đặt điều kiện, và như thế là chúng ta quay trở lại với luật “mắt đền mắt, răng đền răng.” Cái “lôgíc” ấy chắc chắn không phải là tha thứ. Đúng hơn, đó là một thỏa thuận. “Vâng, nếu bạn xin lỗi thì tôi sẽ tha thứ.” Đặt điều kiện như thế thì cũng giống như nói rằng: “Nếu bạn cho tôi 150.000 đô la, tôi sẽ cho bạn căn nhà của tôi.” Quả là điều hơi lố bịch nếu bạn quan niệm việc tha thứ theo cách đó, vậy mà chúng ta cảm thấy phải “sòng phẳng” trong hết mọi chuyện. Nếu thế thì chúng ta đang làm gì vậy? Thật sự mà nói, chúng ta đang tự trói buộc. Chúng ta bám chặt vào sự không tha thứ. Đó không phải là điều Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Trái lại, Người dạy chúng ta rằng: Nếu chúng ta bất bình với người thân cận, chúng ta phải đình hoãn bất cứ việc gì chúng ta đang làm, ngay cả việc đến gần bàn thờ Thiên Chúa, rồi đi làm hòa với người ấy. Người dạy chúng ta phải đi bước trước và tha thứ vì lợi ích của mình, chứ đừng mong đợi được đáp đền.[2]

1.1.3.Tha thứ không phải là thừa nhận mình “sai”

Dĩ nhiên là mọi người đều thích được nhìn nhận là mình đúng. Tuy nhiên, khi người ta lầm lẫn mà cho rằng tha thứ là thừa nhận lỗi lầm, và khi họ quan niệm là không thể chấp nhận điều gì khác ngoài lẽ phải, bấy giờ họ sẽ không thể tha thứ cho bất cứ ai và bất cứ sự gì. Hơn thế nữa, nhu cầu buộc mình phải luôn luôn đúng còn là một gánh nặng tâm lý kinh khủng; nó xói mòn năng lực khiến chúng ta không thể hoạt động hữu hiệu được nữa. Khi chúng ta khăng khăng bảo vệ “lẽ phải” của mình như thể chỉ có chúng ta quan tâm đến lẽ công bằng, chúng ta tự đặt mình vào một hiểm họa kinh khủng. Làm như thế thì cũng giống như cất giấu một mớ dao cạo trong tim và rút ra từng lưỡi dao mỏng, mỗi khi chúng ta đòi hỏi lẽ phải cho bằng được. Rốt cuộc, chúng ta sẽ xanh xao vì thiếu máu và ngã bệnh. Tôi thích kiểu nói mà tiến sĩ Gerard Jampolsky, một nhà tâm lý trị liệu và tác giả của nhiều tác phẩm, đã viết trong “Tạm biệt cảm xúc có tội”: “Bạn muốn cho mình có lý hay cho mình được hạnh phúc?” Mặc dù có lý và hạnh phúc không loại trừ nhau, nhưng có lý không phải lúc nào cũng đưa đến hạnh phúc.[3]

1.1.4.Tha thứ không phải là giải hòa.

Trong một số sách, tha thứ thường đồng nghĩa với hòa giải. Chính vì thế, nhiều người sợ tha thứ cho kẻ xúc phạm đến họ, vì do đó, họ phải hòa giải với nó và lại phải đưa thân ra hứng chịu cùng những quấy nhiễu đó từ phía nó. Ðó là trường hợp một đồng nghiệp chuyên gia tâm lý của Jean Monbourquette khi cô bạn thân phản bội những bí mật của bà. Bà từ chối tha thứ cho cô ta, bởi vì bà nghĩ là bà sẽ phải tâm sự trở lại với cô ta và sẽ còn phải bị tổn thương vì sự không kín đáo của cô ta. Mới đây Jean Monbourquette cũng đã nhận thấy cùng một nỗi sợ hãi đó nơi một người. Người này cũng lẫn lộn hành động tha thứ với hành động hòa giải.

Ðây là điều đã xảy ra : một nữ tín đồ Tin Lành say mê vị mục sư của mình bằng một tình yêu rất mạnh. Vị mục sư cũng say đắm nàng và đã đáp trả những cử chỉ cầu thân của nàng mà không sợ làm lu mờ thanh danh của mình, vì ông đã kết hôn và là người cha gia đình. Chắc chắn về tình yêu của người đàn ông này, nàng rời bỏ tổ ấm gia đình để thuê một căn hộ sống một mình. Nàng đã nêu lý do cho chồng nàng rằng nàng muốn tìm lại chính mình và suy tư về định hướng cho cuộc đời nàng. Lý do thật là để có thể sống thân mật hơn với người yêu đã dự tính bỏ vợ ngõ hầu đi đến với nàng. Nhưng vợ của mục sư đã nghe phong phanh sự việc nên đã thúc đẩy chồng đi gặp một vị cố vấn hôn nhân gia đình. Cuối cùng, bà đã thành công trong việc can ngăn vị mục sư đi sống với tình nhân.

Nữ nhân vật trong câu chuyện của chúng ta sống cô đơn một mình trong căn hộ nhỏ, và sau khi suy nghĩ, nàng đã quay trở về tổ ấm gia đình. Còn bị va chạm vì đã bị bỏ rơi, chồng nàng đòi hỏi nàng phải chính thức thề hứa trung thành. Ông coi đó là điều kiện tất yếu cho sự tha thứ của ông và sự trở về tổ ấm gia đình có thể xảy ra của vợ ông. Vợ ông phản đối điều đó. Họ đang trong tình trạng ấy khi đến gặp Jean Monbourqette. Sau vài lần gặp gỡ, Jean Monbourqette đã thành công làm cho người chồng hiểu rằng ông không thể đặt điều kiện cho sự tha thứ của ông : sự tha thứ phải là trọn vẹn và vô điều kiện. Tuy nhiên, một khi ông đã tha thứ, ông có thể thương thảo các điều kiện cho cuộc trở về của vợ ông ở trong gia đình. Ông cũng đã lẫn lộn tha thứ với hòa giải. Sự lẫn lộn này được tìm thấy không những nơi những con người bình thường, mà ngay cả nơi các chuyên gia về tha thứ. Một số thầy dạy tu đức và thần học gia đã làm những khẳng định như thế này : “Mục đích tối hậu của tha thứ, chính là sự hòa giải ; tha thứ và hòa giải là hai thực tại không thể tách rời nhau ; tha thứ sẽ không đầy đủ nếu không có hòa giải“. Có thể nói rằng đối với nhiều người trong họ, tha thứ tương đương với việc quên đi tất cả, với việc làm như chẳng có gì xảy ra cả và quan hệ lại như trước khi xúc phạm. Cách nhìn này coi trọng tư tưởng ma thuật hơn là khoa tâm lý lành mạnh của con người. Nếu hòa giải phải là qui phạm cho tính đích thực của sự tha thứ thì chúng ta hiểu tại sao biết bao nhiêu người từ chối tha thứ. Họ có cảm tưởng như cứ giả vờ tha thứ, và cuối cùng, tự phản bội chính mình. Rõ ràng phần tiếp theo thông thường và đáng ao ước của tha thứ là hòa giải. Sự hòa giải đó tốt hơn nữa đối với những người liên kết với nhau bằng những liên hệ rất chặt chẽ. Ðó là trường hợp của các đôi vợ chồng, cha mẹ, con cái, bạn thân, người láng giềng và đồng nghiệp. Nhưng, cả khi sự hòa giải có thể có được thì cũng không được tưởng tượng rằng nó bao hàm việc tìm gặp lại mình như trước khi chưa có lỗi lầm. Sau một sự xúc phạm nặng nề, chúng ta không thể lấy lại quan hệ đã qua được nữa, vì lý do đơn giản rằng nó không còn nữa và cũng không thể tồn tại nữa. Hơn nữa, chúng ta có thể nghĩ tới hoặc đào sâu quan hệ đó, hoặc cho nó một hình thức khác.[4] 

Trên thực tế, một vài người trong chúng ta đã gộp chung tha thứ và hòa giải thành một, như thể cả hai đều như nhau. Quả “thú vị” nếu chúng ta có thể hòa giải mỗi khi tha thứ cho người khác. Đôi khi việc hòa giải là điều khả thi, nhưng cũng có lúc không thể hòa giải. Trong nhiều trường hợp, chúng ta muốn tha thứ cho kẻ khác, nhưng không muốn giao du thân thiết với họ, bởi thế chúng ta đình hoãn việc tha thứ, vì nghĩ rằng tha thứ không thể tách rời với tình bạn. Chúng ta cần phải tách rời tha thứ với hòa giải, bởi vì kẻ được tha thứ không nhất thiết phải biết rằng chúng ta đã tha thứ cho họ. Tha thứ là chuyện giữa chúng ta với Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi chúng ta là người cần phải bồi thường, bấy giờ chúng ta cần nói cho họ biết.[5]

1.2. Tha thứ là “từ bỏ giận dữ và oán thù”

Tha thứ là một trong những khái niệm mà chúng ta luôn cho rằng mình có thể định nghĩa, nhưng khi được hỏi, chúng ta lại ngập ngừng. Trước khi đọc tiếp, bạn hãy thử tự định nghĩa nó. Bạn sẽ định nghĩa sự tha thứ như thế nào?

1.2.1.Tha thứ là “từ bỏ giận dữ và oán thù”

Theo Edward M.HalloweIl “Tha Thứ” là “từ bỏ giận dữ và oán thù”.

Với từ gốc Hy Lạp thì có nghĩa là “làm cho tự do”, như trong “trả tự do cho người nô lệ”. Trớ trêu thay, khi chúng ta tha thứ, người nô lệ mà chúng ta trả tự do là chính bản thân mình. Chúng ta giải thoát bản thân ra khỏi tình trạng nô lệ cho lòng căm thù.

Như vậy, để tha thứ, chúng ta phải từ bỏ lòng oán thù hay sự giận dữ. Không phải chúng ta quên, phớt lờ hay bỏ qua cho bất cứ ai hoặc bất cứ việc gì. Chúng ta chỉ phải từ bỏ sự giận dữ và oán thù của mình. Chỉ cần làm như thế nhưng dường như chúng ta cũng không thể làm được, nhất là khi bị tổn thương quá nặng nề. Bạn làm thế nào để tha thứ cho kẻ sát nhân, hành động đối xử tệ với trẻ em hay bất kỳ một tội lỗi khủng khiếp khác? Làm thế nào để không suy nghĩ đến những gì bạn đang nghĩ, hoặc ít nhất là làm thế nào để bạn từ bỏ những gì bạn đang suy nghĩ? Và nghĩa chính xác của từ “từ bỏ” là gì?

Rất nhiều quyển tự điển hiện nay định nghĩa “từ bỏ” là “loại bỏ, không thừa nhận”.

Điều này rất có ích. Để tha thứ, tôi không tự buộc mình thôi cảm thấy giận dữ hay oán thù, mà chỉ từ bỏ giận dữ và oán thù. Có nghĩa là không thừa nhận sự giận dữ và oán thù của mình.

Sự phân biệt rõ ràng này không chỉ là sự chính xác của ngôn ngữ mà còn mang tính quyết định. Một trong những lý do chủ yếu khiến con người không cố gắng hơn nữa để tha thứ hay chấp nhận sự tha thứ là vì họ nghĩ rằng đó là điều không thể thực hiện được. Họ cho rằng tha thứ nghĩa là ngừng cảm thấy giận dữ, tổn thương hay dừng ngay ý muốn báo thù. Làm sao bạn có thể tha thứ cho người nào đó đã giết chết bạn của bạn, phá huỷ sự nghiệp của bạn, mang người bạn đời của bạn ra đi hay làm tổn thương một trong những đứa con của bạn? Nếu sự tha thứ có nghĩa là thôi không cảm thấy bất cứ sự giận dữ hay oán thù nào đối với người đó thì hầu hết chúng ta sẽ không bao giờ thực hiện được – nếu không trái với đạo đức hoặc khi những tổn thương quá khốc liệt.

Vì thế, tha thứ đảm nhận phần nông nổi của nhiều người hay ít nhất là tính độc đáo kỳ quặc. Như thể sự tha thứ là một quý bà duyên dáng – một ý nghĩ nghe có vẻ dễ chịu, người mà chúng ta luôn tôn trọng nhưng khi nghĩ đến thì quá mong manh, mềm yếu, không thể giúp chúng ta cất đi những gánh nặng trong cuộc sống thường ngày. Đối với việc cất đi gánh nặng, chúng ta nghĩ rằng mình cần những người đàn ông trẻ trung khoẻ mạnh.

Nhưng điều đó hoàn toàn sai. Sự tha thứ mạnh mẽ hơn nhiều  so với sự báo thù hay trừng phạt và nó sinh ra một dạng công bằng tốt nhất. Sự tha thứ không phải là một quý bà duyên dáng mà là một cựu chiến binh mạnh mẽ, dày dạn kinh nghiệm trong nhiều cuộc chiến. Tha thứ chịu đựng được gánh nặng to lớn hơn so với sự báo thù. Sự báo thù để lòng căm hờn chi phối điều khiển bạn, trong khi sự tha thứ gạt bỏ lòng căm hờn. Sự tha thứ không chỉ mạnh mẽ hơn mà còn khôn ngoan, khéo léo hơn sự báo thù và trừng phạt. Sự tha thứ mang theo trí thông minh, kỷ luật, trí tưởng tượng và lòng kiên trì cũng như một sức mạnh tâm lý đặc biệt – điều mà các vận động viên gọi là ý chí bền bỉ và những chiến binh gọi là sự can đảm.[6]

1.2.2.Thế nào là bỏ qua

Từ điển American Heritage College định nghĩa:

“Tha thứ là bỏ qua giận dữ hay lòng oán thù”

Trong trường hợp này, “bỏ qua” (renounce) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, mang nghĩa “trả tự do”. Quả nhiên, người mà chúng ta cần “trả tự do” ở đây chính là bản thân mình chứ không phải ai khác. Chúng ta giải phóng chính mình ra khỏi sự nô lệ cho lòng thù hận.

Trở lại định nghĩa của từ tha thứ, chúng ta hiểu vì sao người tha thứ phải có nhiều phẩm chất tốt đẹp hơn người trả thù. Chúng ta phải từ bỏ hết những cảm xúc giận dữ và thù hận, khước từ, quay lưng lại với chúng. Quan trọng hơn, chúng ta không được sống dưới sự điều khiển của chúng nữa. Để đạt được những điều đó, ta phải có sự can đảm, dũng khí mạnh mẽ và sức mạnh phi thường.

Tha thứ không đòi hỏi ta ngừng cảm xúc giận dữ và trả thù khi chúng tự nhiên đến với ta. Thôi không giận dữ, không trả thù nữa nghĩa là không chịu sống dưới sự điều khiển của chúng. Điều đó có nghĩa: chúng ta tự giải thoát mình ra khỏi những cảm xúc đó. Khi cảm thấy gông xiềng của lòng thù hận bắt đầu trói buộc, ta hãy tránh xa, từ bỏ và thay thế nó bằng tình thương.

Không nhất thiết chúng ta phải dừng cảm xúc thù hận. Điều đó không thể. Nhưng ta có thể không hành động theo cảm xúc đó, không hân hoan chào đón khi nó ôm cái bụng đói mon men đến nhà ta với hy vọng được “đánh chén” bằng ý định trả thù của ta.

Từ bỏ cảm xúc là điều mà ai cũng từng trải nghiệm. Chẳng hạn, khi bị cảnh sát giao thông thổi phạt vì chạy quá tốc độ, chúng ta buộc phải bỏ cảm xúc tức tối trong mình để chấp hành lệnh phạt. Mặc dù rất muốn giật phứt cái còi của viên cảnh sát ấy, nhưng chúng ta đã không hành động theo bản năng như vậy; đơn giản là bởi chúng ta đã không để cảm xúc điều khiển hành vi của mình.

Mà không phải là “đơn giản”! Để có thể từ bỏ như thế đòi hỏi phải có sức mạnh và lòng kiên nhẫn. Chúng ta cần thực hiện “từ bỏ” mỗi ngày, không chỉ với những cảm xúc hung hăng của mình, mà còn cả những nhu cầu bản năng khác.[7]

1.3.Khi tha thứ, tình thương bắt đầu nẩy mầm.

Khi tha thứ, chúng ta có thể tiếp tục cảm thấy oán hận, nhưng nếu thông minh, chúng ta sẽ gạt bỏ cảm xúc này sang một bên, không cho nó điều khiển hành vi của mình nữa. Thêm vào đó, ta cũng đừng chất chứa nó trong lòng, nghĩa là không bị viễn cảnh trả thù cám dỗ.

Vì lợi ích của mình, đừng để hận thù điều khiển cuộc sống của chúng ta. Thay vào đó, hãy để tình thương thế chỗ.

Chúng ta không thể điều khiển được những điều mình cảm nhận từ hoàn cảnh khách quan, như việc điều khiển thời tiết, nhưng ta có thể làm chủ được cách phản ứng với những điều mình cảm nhận. Ta có thể từ bỏ sự thống trị của sự giận dữ, lòng thù hận và thay vào đó là tình thương. Ta có thể tự điều khiển nó một cách ý thức.

Dần dần, khi chống lại được sự thống trị của cơn giận dữ, ta sẽ phát triển được sự đồng cảm với kẻ thù. Ta hoàn toàn có thể phát triển tình thương với họ nếu hiểu toàn bộ câu chuyện của họ. Hãy để tình thương điều khiển hành động chúng ta, tình thương cho tất cả mọi người, chứ không chỉ dành cho những người thân thiết. Rồi sau đó, chúng ta sẽ dần hiểu gốc rễ của tội ác, hiểu được vì sao kẻ thù của chúng ta, người mà bản chất vốn hiền lành, lại biến thành một con quái vật hung hăng, dữ tợn đến thế. Từ đó, tình thương trong ta sẽ ươm mầm.[8] 

2. Phân loại tha thứ

Tha thứ được phân chia ra làm chín loại:

2.1.Loại một: Một ai đó đã cư xử xấu với bạn. Người đó xin lỗi và tìm kiếm sự tha thứ từ bạn. Tình huống này dẫn đến sự tha thứ dễ dàng nhất. Tất nhiên, nếu tổn thương quá nặng nề, bạn có thể không tha thứ, ngay cả khi đối phương đã xin lỗi và nỗ lực khắc phục.

2.2.Loại hai: Một ai đó đã cư xử xấu với bạn. Nhưng người đó không nhận thức được hành vi sai trái của mình và không tìm kiếm sự tha thứ. Thật khó khăn hơn để tha thứ nếu người đó thậm chí không nhận thức được hành vi của mình là sai trái, nên tuyệt nhiên không hề nói đến lời xin lỗi. Mặc dù vậy, nó vẫn ở trong cả hai lợi ích lớn nhất của bạn khi thực hiện theo con đường tiến đến sự tha thứ.

2.3.Loại ba: Một ai đó đã có hành động xấu với bạn. Bạn không biết ai làm điều đó. Bạn không biết đổ lỗi cho ai hay có thể tha thứ cho ai. Giả dụ căn hộ của bạn bị đột nhập khi bạn ra ngoài và tất cả tài sản của bạn đã bị lấy cắp. Không biết người đã làm điều đó khiến cảm giác bị tổn thương càng mạnh mẽ. Giải pháp quan trọng nhất ở đây là làm tất cả những gì bạn có thể để lấy lại cảm giác an toàn và tự chủ.

2.4.Loại bốn: Bạn đã làm điều xấu với một ai đó. Bạn nhận thức được những gì bạn đã lầm và tìm kiếm sự tha thứ từ người khác. Loại này trái ngược lại với loại một. Tùy vào tâm lý của người đó, bạn có thể tìm được (hay không tìm được) sự tha thứ. Tuy nhiên, bằng những lời xin lỗi và hành động khắc phục hậu quả, bạn đã làm được tất cả những gì bạn có thể làm. Dù người đó không tha thứ cho bạn thì bạn cũng nên tha thứ cho bản thân mình.

2.5.Loại năm: Bạn đã làm điều xấu với một ai đó. Bạn luôn tự bào chữa cho những gì mình đã làm và không tìm kiếm sự tha thứ. Hiện tại, bạn đang ở trong phạm vi bi kịch. Vua Lear đã đày người con gái duy nhất mà mình hết mực thương yêu ra đi, ông ấy không nhận thức được rằng những gì mình đã làm là sai trái và ông ấy cũng không tìm kiếm sự tha thứ cho đến khi quá trễ. Điều quan trọng là bạn hãy xem ví dụ đó như một bài học giúp bạn tránh phạm sai lầm tương tự.

2.6.Loại sáu: Bạn đã làm điều xấu với một ai đó. Bản thân bạn nhận thức được những gì mình làm là sai trái nhưng bạn không dám nói với bất cứ ai cũng như không dám tìm kiếm sự tha thứ. Tình huống này mang chúng ta vào phạm vi của tội lỗi. Bạn càng giữ bí mật về những gì mình đã làm thì càng tự gây khó khăn cho mình trong việc tìm kiếm sự tha tội hay sự tha thứ cho bản thân. Tốt nhất là bạn hãy tìm một người đáng tin cậy nào đó, như một bác sĩ hay một tu sĩ và kể điều đó ra.

2.7.Loại bẩy: Điều xấu đã được thực hiện. Những nhóm người liên quan đều bào chữa cho những gì họ đã làm và không ai tìm kiếm sự tha thứ. Bây giờ chúng ta đang ở trong phạm vi của đời sống chính trị thế giới (hay đời sống chính trị địa phương hay mối thù truyền kiếp của gia đình). Nếu chúng ta may mắn, một người có tài ngoại giao khéo léo khôn ngoan sẽ can thiệp vào.

2.8.Loại tám: Điều xấu đã được thực hiện. Một số người ở cả hai bên đều nhận thức được trách nhiệm và tìm kiếm sự tha thứ trong khi những người còn lại thì không. Dĩ nhiên loại tình huống này tốt hơn loại bẩy nhưng nếu chỉ có thiểu số đang hành động hướng đến sự tha thứ thì họ có khả năng thất bại. Tuy nhiên, họ sẽ chiến thắng trong việc đạt được sự liêm chính và sức khoẻ cho bản thân.

2.9.Loại chín: Điều xấu đã được thực hiện. Nó là một hành động của định mệnh. Không ai bị đổ lỗi nhưng vẫn có một số người cảm thấy tội lỗi và tìm kiếm sự tha thứ, trong khi những người còn lại cảm thấy giận dữ và luôn tìm kiếm sự báo thù.

Ví dụ, chẳng may bạn mất đi một người bạn vì căn bệnh hiểm nghèo. Đó là số phận con người, không thể đổ lỗi cũng không thể cứu giúp. Giải pháp tốt nhất trong tình huống này là đau lòng. Hãy bày tỏ sự đau buồn hơn là để sự giận dữ ngự trị.

Ngay bây giờ, bạn có thể hiểu rằng một số hành động tha thứ khó khăn hơn rất nhiều so với số còn lại. Nếu tôi đâm sầm vào bạn trong một hành lang đông đúc và tôi nói: “Xin lỗi”, chắc chắn bạn sẽ không thấy khó khăn trong việc tha thứ cho tôi. Ngược lại, nếu tôi đâm sầm vào bạn và nói: “Cút ra khỏi con đường của tao!”, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy khó khăn trong việc tha thứ. Nếu bạn bị người nào đó đâm vào, đẩy bạn ngã xuống sàn và khi bạn ngước lên thì không có ai ở đó để bạn đổ lỗi nữa. Bạn sẽ bỏ đi với tâm trạng thất vọng vì không có ai để đổ lỗi nhưng bạn biết rằng một người nào đó đã làm điều sai trái này.

Đó là trở ngại về tâm lý khi không biết đổ lỗi cho ai, bởi nó còn thách thức khả năng tự chủ của chúng ta. Định mệnh càng nhắc nhở rằng chúng ta đang may mắn thì cuộc sống càng trở nên bấp bênh, khủng khiếp. Một trong những động cơ quan trọng nhất dẫn đến sự đổ lỗi và báo thù là chúng đã khôi phục lại trong suy nghĩ, cảm xúc, ít nhất là trong một mức độ nào đó và nó đã kiềm chế chúng ta. Đừng viện cớ bào chữa nữa, dù sao họ cũng cảm thông hơn với người đã trải qua tổn thất đầu tiên.

Sự phân chia tha thứ thành các loại khác nhau có thể giúp ích cho bạn trong việc chọn ra sự tha thứ thích hợp với cuộc sống riêng của mình và thảo luận về nó với những người còn lại.[9]

3. Câu chuyện của lòng tha thứ

Henry nói với tôi tất cả những điều anh biết, như một sự chia sẻ. Tôi nhanh chóng nhận ra anh là một người từng trải và gặp nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Anh lớn lên tại một trang trại ở North Carolina và là một trong số 27 người con của cha anh, người có ba đời vợ. “Cha ép chúng tôi ra trang trại từ tinh mơ. Nếu lười biếng, ông ấy sẽ cho chúng tôi một trận, bởi thế ít khi chúng tôi dám lơ là. Mấy anh em tôi từ nhỏ đã quen với cuộc sống thiếu thốn, nên không bao giờ dám đòi hỏi những thứ mà chúng tôi cần”, Henry kể.

Henry muốn thoát khỏi trang trại, vì vậy khi đủ 18 tuổi, anh đến New York, ở đó, sau rất nhiều nỗ lực tự nuôi sống bản thân và vươn lên, anh đã trở thành một thành viên trong lực lượng cảnh sát thành phố. Mọi chuyện có vẻ ổn khi anh được thăng cấp.

Ngày nọ, anh đã nhận một nhiệm vụ mà chính nó đã làm thay đổi cuộc đời anh mãi mãi. Cùng với hai viên chức cảnh sát khác, anh lãnh nhiệm vụ áp tải một tên tội phạm nguy hiểm từ trại giam này đến trại giam khác. Anh và hai người cảnh sát kia giải tên tội phạm, tay chân đều bị còng, lên một chiếc xe bọc thép, và chính Henry là người lái. Đi được nửa chặng đường thì có tiếng súng vang lên. Hai viên chức cảnh sát kia ra khỏi xe trong khi Henry vẫn ngồi trong buồng lái. Và rồi, anh đã chứng kiến hai đồng nghiệp của mình bị hạ gục, trước khi cảm thấy đau nhói ở lưng và bất tỉnh. Anh không còn nhớ thêm được gì nữa.

Về sau, chuyên án này được làm sáng tỏ: cấp trên của Henry đã nhận hối lộ 850.000  USD để tiết lộ lộ trình áp giải tên tội phạm đó. Hai người đồng nghiệp của Henry đã chết. Tuy Henry vẫn còn sống, nhưng anh bị liệt từ hông xuống chân.

Hai năm kế tiếp, anh đã phải luyện tập vật lý trị liệu không ngừng dưới sự hướng dẫn của một y tá chuyên nghiệp và đầy nhiệt huyết. Kỳ diệu thay, trái với các chẩn đoán của bác sĩ, Henry đã có thể đi lại trên đôi chân của mình. Khi rời khỏi xe lăn, anh ngỏ lời cầu hôn với cô y tá đã hết lòng giúp đỡ anh. Và cô đã đồng ý. Hiện cô ấy là vợ anh.

Tôi hỏi Henry điều gì đã xảy ra với người thủ trưởng của anh – một con người tha hoá, sẵn sàng vì tiền mà đẩy cấp dưới của mình vào con đường chết.

– Ông ta vẫn đang ngồi tù. – Henry nói. – Và sẽ còn ở đấy lâu lắm.

– Anh có còn gặp lại hắn sau khi anh bị bắn không? – Tôi hỏi.

– Ồ, có chứ. – Henry đáp. – Không lâu sau khi hắn bị bỏ tù, tôi có đến thăm. Tôi muốn nói cho hắn biết rằng tôi đã tha thứ cho hắn. Tôi đã thật lòng tha thứ cho hắn. Tôi nói rằng tôi biết quỷ Satan đã nhập vào hắn lúc ấy, rằng lòng tham đã kiểm soát hắn. Và cũng bởi lòng tham ấy mà hắn dám làm điều mà hắn sẽ chẳng bao giờ dám, nếu không bị quỷ Satan chế ngự tâm trí.

Hắn bắt đầu khóc và hỏi làm sao mà tôi có thể bỏ qua và tha thứ cho lỗi lầm của hắn được. Tôi nói với hắn là tâm tính tôi không bắt tôi ghét hắn điều gì cả. Hận thù chỉ huỷ hoại tâm hồn và khiến cuộc sống của tôi tồi tệ hơn thôi, vì vậy, tha thứ cho hắn là điều tốt nhất mà tôi nên làm. Nhưng hắn ta không tin tôi. Tôi đã phải lặp lại nhiều lần rằng tôi không hận thù gì hắn cả. Tôi bảo rằng nếu cầu nguyện thì hắn sẽ tìm thấy sự khoan dung.

Hắn nói hắn không tin nhưng tôi đáp là không sao cả, hắn chỉ cần mở rộng trái tim mình khi cầu nguyện và sự khoan dung sẽ được ban cho hắn. Rồi hắn nói không biết làm sao để đạt điều đó, tôi nói hắn sẽ tìm ra cách nếu cố gắng. Và đó là lần cuối cùng tôi gặp hắn, có lẽ, tôi sẽ ghé thăm hắn một chút trong vài ngày tới.

– Nhưng mà Henry à, hắn đã cố giết anh, và cũng do vậy mà anh bị liệt. Làm sao anh có thể tha thứ cho hắn được? – Tôi băn khoăn.

– Chỉ cần rộng mở cõi lòng thì anh có thể tha thứ cho bất kỳ ai. – Henry đáp.

– Anh nói nghe dễ lắm. – Tôi nói. – Nhưng nếu một ai đó làm vậy với tôi thì tôi không biết mình có thể tha thứ cho họ không nữa.

– Anh được lợi lộc gì nếu cứ thù hận mãi như vậy? – Henry hỏi. – Nó chỉ khiến tâm hồn anh thêm mệt mỏi mà thôi.

– Tôi sẽ không điều khiển được chính mình đâu. Thù hận vẫn tồn tại dù chúng ta có muốn hay không.

– Vậy cho phép tôi hỏi anh một câu. – Henry nói khi chúng tôi vẫn băng băng trên con đường North Carolina. – Anh có con rồi chứ?

– Có. – Tôi đáp. – Ba đứa tất cả, một đứa 11 tuổi, một đứa 8 và đứa kia lên 5. Một gia đình khá nhỏ so với gia đình mà anh đã lớn lên.

– Dĩ nhiên vậy rồi. – Henry nói. – Nhưng nói tôi nghe, có bao giờ con anh nói rằng nó ghét anh/em nó vì nó bị anh/em nó đoạt mất đôi giày hay đại loại như vậy không?

– Ồ, có chứ.

– Và anh đã nói gì? Anh có nói “À, mấy đứa cứ việc gây gỗ đi”?

– Không, tôi đã cố can thiệp và bắt chúng giảng hoà.

– Vậy anh có thành công không?

– Không. – Tôi vừa nói vừa cười thầm. – Không thành công.

– Sau đó anh đã làm gì? – Henry hỏi. – Anh có để mặc cho chúng ghét nhau và quay lưng bỏ đi không? Dĩ nhiên là không. Có thể anh đã mất kiên nhẫn hay nổi giận với chúng, nhưng anh vẫn cố dạy chúng biết cách chia sẻ, tha thứ và yêu thương nhau, ngay cả khi không mấy thành công trong việc đó, phải vậy không?

Henry vừa nói vừa nhìn tôi qua chiếc kính chiếu hậu.

– Tôi sẽ thử xem sao. – Tôi nói.

– Dĩ nhiên là vậy rồi. Chúng ta cũng không nên bỏ mặc nhau.

Được lắm, tôi tự nghĩ, đã vậy tôi sẽ cho anh một câu hỏi hóc búa khiến anh phải nhức óc cho xem.

– Nhưng mà Henry này, – tôi bắt đầu hỏi, – không phải là anh sẽ trở thành “tấm thảm chùi chân” nếu cứ tiếp tục tha thứ cho người khác hoài sao? Ý tôi là không phải anh đang tự nguyện chìa lưng ra để đỡ đòn đấy chứ?

– Ai trong số chúng ta cũng từng bị “ăn đòn” rồi mà. – Henry đáp ngay. – Vấn đề ở đây là anh chịu đòn vì lý do gì. Tôi thà “ăn đòn” vì tình thương và sự tha thứ còn hơn là vì sự báo thù.

– Nhưng anh không cần phòng vệ cho chính mình sao?

Henry huýt sáo và đáp:

– Dĩ nhiên có chứ. Tôi đâu có nói “Anh bạn ơi, tôi đây nè, bắn thoải mái đi” đâu. Nhưng khi chuyện đã rồi thì cách duy nhất khiến cho mọi thứ thật sự qua đi là tha thứ cho người đàn ông đó. Đó cũng chính là cách tôi tự “bồi thường thiệt hại” cho mình. Do đã luyện tập điều này hằng ngày nên chuyện đó với tôi cũng không phải quá khó.

– Với kiểu phòng vệ như vậy, nhỡ không may anh thiệt mạng thì sao?

– Dĩ nhiên không thể rồi, anh ạ! Tôi đâu có điên. Ý tôi muốn nói là ta không thể tiên đoán những gì sắp xảy đến. Ta chỉ có thể sẵn sàng đương đầu với chúng và cố xoay chuyển tình thế sao cho tốt đẹp nhất.

Tôi lặng thinh và suy nghĩ về những điều anh ta nói

– Vừa nãy anh có nói rằng, anh đã luyện tập tha thứ cho người khác hằng ngày. Vậy ý anh là sao?

– À, nếu anh là người “có đạo”, hẳn anh đã biết về điều này. Từ khi tôi có thể ghi nhớ được mọi chuyện thì tôi đã quỳ bên giường hằng đêm để cầu nguyện Chúa ban sự tha thứ cho tôi, cho gia đình tôi, cho bạn bè tôi, và điều khó thực hiện nhất, tha thứ cho cả kẻ thù tôi. Đó là điều tôi muốn nói. Theo bản năng, tôi cũng hỏi cha mình vì sao ta phải tha thứ cho kẻ thù của ta. Cha tôi nói: “Tha thứ cho bạn bè thì quá dễ rồi, nhưng để tha thứ được cho kẻ thù của mình thì cần phải quyết tâm”. Chỉ cách đó mới có ý nghĩa thôi.

– Tôi hiểu. Nhưng tôi không biết phải làm sao để đạt được như vậy. Thiếu gì người cũng “có đạo” và được dạy dỗ như anh, nhưng khi trưởng thành, họ vẫn không thể tha thứ cho người khác đấy thôi.

– Đúng là vậy. – Henry đồng tình. – Tôi không nói là anh phải được lớn lên trong một môi trường giống tôi. Tôi chỉ nói là anh cần được chỉ bảo nơi ẩn nấp của quỷ Satan, và cách kháng cự lại hắn cũng như sự cám dỗ mà hắn gây ra, mà trong đó, báo thù là loại cám dỗ cực kỳ mạnh mẽ.

– Vậy phải làm sao để kháng cự lại? – Tôi hỏi một cách cố chấp.

– Hãy rộng mở trái tim, rộng mở tâm hồn và tâm trí của anh. Hãy cầu nguyện và cố gắng yêu thương người khác như chính bản thân. Đó là điều khó thực hiện nhất, nhưng lại không gì ý nghĩa bằng. Nó giúp ta không đánh mất linh hồn của chính mình.

Tôi thầm nghĩ chắc anh ta có bí quyết để thuyết phục cả người “không có đạo”. Có lẽ cách anh giải thích về tôn giáo là một giải pháp tâm lý cực kỳ tinh vi.

Tôi đã nghĩ như vậy. Thế nhưng, nếu lọc ra những từ mà Henry đã dùng như “Chúa Trời”, “Thượng Đế”, “Satan” và thay thế chúng bằng ngôn từ thông dụng như “Cái Thiện”, “Cái Ác” thì quan điểm của anh vẫn giữ được tính chặt chẽ.

George Vaillant, một nhà tâm lý học của Đại học Harvard, đã từng sử dụng trong tác phẩm kinh điển của ông khái niệm “Cấp bậc phòng vệ”. Cái mà Vaillant gọi là “Sự phòng vệ tâm lý hoàn thiện” bao gồm sự đàn áp, sự đề phòng, lòng vị tha và tính hài hước. Nghiên cứu của ông cho thấy rằng những người mạnh khoẻ và hạnh phúc có xu hướng dùng đến phương pháp “phòng vệ hoàn thiện” khi đối mặt với stress.

Khi được hỏi làm cách nào để cưỡng lại cám dỗ của sự trả thù, Henry đáp: “Hãy giải thoát chính mình bằng cách yêu thương người khác như yêu chính bản thân”. Theo thuật ngữ tâm lý của Vaillant, khái niệm này có thể viết lại như sau “Hãy giải thoát chính mình nhờ vào lòng vị tha”.

Chúng tôi vừa đi vừa tiếp tục trò chuyện. Henry thuyết phục tôi thật hoàn hảo, tôi không thể không chấp nhận.

– Người đàn ông đã phản bội anh có đang khẩn cầu một sự khoan dung không nhỉ? Tôi hỏi.

– Hy vọng là có, tôi đã tha thứ cho hắn rồi thì phần còn lại do chính hắn quyết định. Điều cần thiết là hắn phải có lòng tin. Chắc chắn là vậy.

– Nhưng làm sao hắn có thể một khi hắn không có lòng tin? – Tôi hỏi như cho chính mình, và cho những ai có ít lòng tin vào Chúa hơn Henry.

– Hắn có thể làm điều mà tất cả chúng ta có thể làm. – Henry đáp. – Rộng mở trái tim để được chữa trị bởi sức mạnh của lòng yêu thương.[10]

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

[1] Richard P.Johnson, The 12 keys to Spiritual Vitality, powerful lessons on living agelessly (12 bí quyết tăng cường sức sống tâm linh) trg.133-134

 

[2] Richard P.Johnson, The 12 keys to Spiritual Vitality, powerful lessons on living agelessly (12 bí quyết tăng cường sức sống tâm linh) trg.134

[3] Richard P.Johnson, sđd, trg. 136

 

[4] Jean Monbourquette, Comment pardonner?

[5] Richard P.Johnson, The 12 keys to Spiritual Vitality, powerful lessons on living agelessly (12 bí quyết tăng cường sức sống tâm linh) trg.136

 

[6] Edward M.HalloweIl, Hãy can đảm tha thứ, trg.30-31

 

[7] Edward M. Hallowell, M.D. Dare to forgive (Dám Tha Thứ) trg.38-40

[8] Edward M. Hallowell, sđd, trg.41-42

 

[9] Edward M.HalloweIl, Hãy can đảm tha thứ, trg.38-41

 

[10] Edward M. Hallowell, M.D. Dare to forgive (Dám Tha Thứ) trg.186-195

 

print