Văn Hoá Ứng Xử  Bài 31-35

print

Văn Hoá Ứng Xử  Bài 31-35

BÀI 31.

BÀI 32.

BÀI 33.

BÀI ĐỌC THÊM.

BÀI 34.

BÀI 35.

 

BÀI 31

VĂN HOÁ ỨNG XỬ – THẬN TRỌNG ĐỂ TRÁNH KẾT ÁN OAN SAI

  1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các Ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).
  2. CÂU CHUYỆN : CHĂM SÓC TỐT CHO CON CHÚNG TA.

Một con tàu du lịch gặp nạn trên biển, trên thuyền có một đôi vợ chồng đang rất vất vả dìu nhau đến chỗ có thuyền cứu hộ. Bấy giờ trên thuyền cứu hộ chỉ còn lại duy nhất một chỗ. Người chồng đã vội leo xuống thuyền cứu hộ, bỏ lại vợ trên boong tàu. Bấy giờ người vợ đứng trên con tàu sắp chìm, hét to lên với chồng một câu…

Kể đến đây, thầy giáo hỏi : “Các em đoán xem, bà vợ đã hét lên câu gì ?”.

Tất cả học sinh đều rất phẫn nộ với hành động ích kỷ của người chồng đã không nhường chỗ duy nhất trên thuyền cứu hộ cho vợ. Mọi người đều đồng ý với câu : “Anh là kẻ khốn nạn ! Em hận anh. Em đã nhìn nhầm người rồi !“.

Lúc này thầy giáo chú ý đến một học sinh vẫn giữ im lặng, liền hỏi ý kiến của em. Bấy giờ em học sinh nói : “Thầy ơi, em nghĩ người vợ đã nói : Hãy chăm sóc tốt cho con của chúng ta anh nhé !”.

Thầy giáo ngạc nhiên hỏi : “Em đã nghe qua câu chuyện này rồi ư ?”.

Học sinh lắc đầu : “Chưa ạ, nhưng mà mẹ em trước khi mất cũng nói với bố em như vậy”. Thầy giáo xúc động : “Em đã trả lời rất đúng !”

Người đàn ông sạu khi được cứu sống đã trở về nhà, một mình nuôi dạy con gái khôn lớn. Nhiều năm sau, ông ta đã mắc bệnh và qua đời. Người con gái khi sắp xếp kỷ vật của cha đã phát hiện ra quyển nhật ký của ông. Hóa ra, do mẹ mắc bệnh ung thư thời kỳ cuối và đã bị bệnh viện từ chối. Bác sĩ cho biết chị chỉ còn sống được ba tháng. Người chồng đã nhờ người thân trông coi con nhỏ ở nhà để đưa vợ đi du lịch lần cuối trước khi chết. Do đó khi con tàu gặp nạn, trong giây phút quyết định, người chồng đã giành cơ hội sống duy nhất. Trong nhật ký bố viết : “Khi ấy anh ước gì anh và em đều cùng nhau chìm xuống đáy biển. Nhưng anh không thể làm như vậy vì con gái chúng ta. Anh đành phải để mình em chết thôi. Cho anh xin lỗi em nhé !”.

  1. SUY NIỆM :

Sau khi kể xong câu chuyện, phòng học trở nên im lặng. Các học sinh đều đã hiểu được ý nghĩa của câu chuyện này : Thiện và ác trên thế gian, có lúc cũng rối bời, khó lòng phân biệt được đúng sai. Do đó chúng ta không nên hồ đồ khi vội đánh giá người khác và kết án khi chưa biết rõ nguyên nhân hành động của họ.

  1. SINH HOẠT : Hãy cho biết tại sao chúng ta không nên kết án người chồng đã giành chỗ duy nhất trên thuyền cứu hộ khi tàu gặp nạn sắp chìm ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con tránh thói hồ đồ khi vội kết án người khác. Mỗi khi gặp hoàn cảnh nan giải không biết xử trí ra sao, xin cho chúng con bình tĩnh tìm hiểu sự việc chính xác trước khi quyết định phải làm gì, để luôn giữ được sự công bình và bác ái khi ứng xử với tha nhân.- AMEN. 

 

BÀI 32

VĂN HOÁ ỨNG XỬ – LẮNG NGHE VÀ MAU ĐÁP ỨNG NHU CẦU

  1. LỜI CHÚA : Thánh Gia-cô-bê khuyên các tín hữu : ”Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói và khoan giận” (Gc 1,19).
  2. CÂU CHUYỆN : BÀI HỌC TỪ MỘT VIÊN ĐÁ.

Một doanh nhân trạc tuổi trung niên ngồi lái chiếc xe Jagua chạy khá nhanh trên con đường vắng người giữa trưa hè oi bức. Từ đàng xa, ông thấy một đứa trẻ đang thập thò giữa mấy chiếc xe hơi đậu ven đường. Ông liền giảm tốc độ vì nghĩ chắc có điều chi bất thường. Khi xe chạy ngang chỗ đứa trẻ thì ông lại không nhìn thấy ai cả. Nhưng rồi đột nhiên ông nghe một tiếng “cạch” ngay bên cạnh, như có một viên đá ném trúng vào cửa hông chiếc xe mới tinh của ông. Ông liền đạp cần thắng gấp, rồi lập tức vòng xe quay lại chỗ viên đá vừa được ném ra. Quả nhiên có một đứa trẻ khoảng 6-7 tuổi đang đứng núp cạnh mấy chiếc xe hơi đậu bên đường. Nhảy bổ ra khỏi xe, ông chạy lại nắm chặt lấy cổ đứa trẻ, đè dí đầu nó vào thân chiếc xe bên cạnh và hét to : ”Mày làm cái trò gì vậy hở thằng khốn ?”. Cơn giận bốc lên trong đầu, ông gằn giọng nói với chú nhóc : ”Mày có biết là mày vừa làm một việc rất nghiêm trọng hay không ? Rồi mày sẽ phải trả giá đắt vì viên đá của mày vừa ném ra đó !”  Bấy giờ cậu bé kia liền khóc lóc năn nỉ : ”Xin lỗi ông. Cháu rất tiếc đã làm việc này, vì cháu không còn cách nào tốt hơn… Thưa ông. Cháu buộc phải ném viên đá vào xe của ông để buộc ông dừng lại, vì cháu đã vẫy tay ra hiệu cho rất nhiều xe chạy trên đường suốt cả nửa tiếng đồng hồ rồi mà không xe nào chịu dừng lại giúp cháu….”. Rồi với hai dòng nước mắt lăn dài trên má, cậu bé chỉ tay về phía ven đường nói tiếp : ”Thưa ông. Đứa bé gái bị té đang nằm bên chiếc xe lăn kia chính là em gái cháu. Cháu đang lăn chiếc xe chở em về nhà thì xe gặp chỗ dốc bị trượt khiến em cháu té ngã xuống con mương cạnh đường. Cháu đã cố gắng hết sức mà không sao nâng em cháu và chiếc xe lăn ra khỏi con mương được”. Vửa thổn thức, cậu bé vừa năn nỉ : ”Thưa ông, xin làm ơn giúp cháu đưa chiếc xe lăn ra khỏi mương và đặt em gái cháu vào trong xe lăn. Nó đang bị đau và quả thật nó lại quá nặng đối với cháu !”.

Tiến lại bên bé gái bị ngã, người đàn ông đã cố nuốt trôi một thứ gì đó chẹn ngang cổ họng. Ông ta kéo chiếc xe lăn lên khỏi mương và bồng đứa bé ngồi vào trong xe lăn. Rồi ông rút chiếc khăn trong túi ra phủi sạch các vết dơ trên quần áo. Sau đó ông nghe thấy tiếng thằng bé nói : ”Cháu rất cám ơn ông đã tận tình giúp đỡ cháu. Xin Chúa trả công bội hậu cho ông”. Ông doanh nhân thoáng nhìn thấy ánh mắt biết ơn trên khuôn mặt còn ngấn lệ của thằng bé, trước khi nó quay đi tiếp tục đẩy xe đưa em gái về phía những ngôi nhà tôn lụp xụp gần đó. Người đàn ông đứng nhìn theo hai đứa bé mỗi lúc một xa dần. Sau cùng ông bước chậm chạp về phía xe hơi của mình. Ông có cảm giác như đó là một đoạn đường khá dài…

  1. SUY NIỆM :

Về sau, dù đã nhiều lần mang chiếc xe hơi sơn sửa lại, nhưng ông luôn bảo thợ chừa lại vết lõm mà viên đá của cậu bé kia đã để lại trên thành xe. Ông muốn giữ vết lõm ấy như một chứng tích nhắc nhở mình rằng : ”Khi bị ai đó ném một viên đá hay một lời đả kích, tức là họ đang bị tuyệt vọng và đang rất cần một sự cảm thông giúp đỡ kịp thời”. (Theo Quick inspirations).

  1. SINH HOẠT : Khi nghe tiếng ai đó kêu cứu, chúng ta sẽ mau mắn trợ giúp hay chờ một viên đá ném về phía mình, như sự kiện xảy ra trong câu chuyện trên ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con biết lắng nghe những tiếng kêu cứu của bao người đang bị đau khổ mà không được cảm thông giúp đỡ. Xin cho chúng con biết dừng lại để tìm hiểu sự việc và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chính đáng của họ với hết khả năng và thiện chí của chúng con.– AMEN.

BÀI 33

VĂN HOÁ ỨNG XỬ – ÍCH LỢI CỦA SỰ LẮNG NGHE

  1. LỜI CHÚA : Thánh Gia-cô-bê dạy : “Mau nghe, chậm nói và khoan giận” (Gc 1,19)
  2. CÂU CHUYỆN : NGƯỜI TA CHỈ NGHE ĐƯỢC NHỮNG GÌ HỌ MUỐN.

Một người da đỏ cùng đi với một người da trắng trên đường. Người da đỏ bỗng vỗ vai người da trắng hỏi :

– Anh có nghe thấy gì không ?

Người da trắng hết sức lắng tai nghe, rồi đáp :

– Tôi chẳng nghe thấy gì cả.

– Có mà, tôi nghe tiếng một con dế gáy.

– Làm gì có con dế nào giữa đường phố nhộn nhịp thế này ? Mà cho dù có đi nữa thì làm sao anh nghe được tiếng gáy của nó giữa bao tiếng ồn ào của xe cộ và người qua kẻ lại ?

Người da đỏ không thèm trả lời và đi đến một bức tường bên vệ đường. Bức tường đã cũ và có nhiều cây dây leo trên tường. Anh vạch đám dây leo sang một bên thì thấy một lỗ trống, trong đó có một con dế đang gáy.

Người da trắng tỏ vẻ thán phục :

– Dân da đỏ các anh có lỗ tai thính hơn bọn da trắng chúng tôi nhiều.

– Không phải thế đâu. Để tôi thử cái này cho anh xem.

Người da đỏ lấy trong túi ra một đồng tiền kẽm, thảy xuống mặt đường. Tiếng đồng tiền lăn leng keng khiến mọi người đi đường đều ngoái đầu nhìn lại. Bấy giờ người da đỏ liền giải thích :

– Tiếng của đồng tiền kẽm nhỏ hơn tiếng dế kêu rất nhiều. Thế mà bọn người da trắng các anh đều nghe được. Còn tiếng con dế lớn hơn nhưng chỉ có tôi nghe được. vấn đề không phải ai thính tai hơn ai, mà là chúng ta chỉ nghe được tiếng kêu của những thứ mà chúng ta đang quan tâm (Willi Hoffsemmer).

  1. SUY NIỆM :

Tục ngữ có câu : “Lời nói là bạc, im lặng là vàng, lắng nghe là kim cương“. Vậy lắng nghe là gì ? Lắng nghe mang lại ích lợi gì ? Ta phải lắng nghe thế nào để gây được thiện cảm với mọi người ?

1) THẾ NÀO LÀ LẮNG NGHE ?

Để trả lời câu hỏi này chúng ta thử phân biệt hai lọai nghe là : nghe thấy và lắng nghe như sau :

– Nghe thấy : Bạn hãy nhắm mắt lại và giữ im lặng trong một phút rồi cho biết bạn vừa nghe thấy những âm thanh gì ? Đó là quá trình của sự nghe thấy.

– Lắng nghe : Bây giờ bạn hãy nhắm mắt lại và cố nghe xem hai người ngồi gần bạn đang nói gì với nhau ? Đó là quá trình của sự lắng nghe.

Như vậy nghe thấy là một khả năng tự nhiên của thính giác con người : Các làn sóng âm thanh chuyển qua không khí đập vào màng nhĩ của ta và thần kinh sẽ lập tức chuyển các tần số rung động lên não để não bộ xử lý thông tin. Khi bạn ngủ thì quá trình nghe này cũng vẫn tiếp tục xảy ra. Điều quan trọng là não của bạn sẽ xử lý âm thanh ấy thế nào khi nhận được thông tin mà thôi.

Lắng nghe là một quá trình tiếp theo sau nghe thấy. Nó biến đổi âm thanh tiếp thu được kia trở thành ngữ nghĩa. Đây là công việc đòi sự tập trung tinh thần và chú ý rất cao và là phẩm chất cao quý của con người.

Lắng nghe đòi phải tập luyện lâu dài như có người đã nói : “Ba tuổi đủ để con người học nói, nhưng cả cuộc đời cũng không đủ để học biết lắng nghe !”. Thực vậy : Có miệng không có nghĩa là đã biết nói; Có mắt không có nghĩa là đã biết đọc; Có tay không có nghĩa là đã biết viết. Vậy có tai đâu phải là ta đã biết lắng nghe ?

Từ bé ta được cha mẹ thầy cô dạy học nói, học đọc, học viết rất nhiều. Nhưng lắng nghe thì ta mới chỉ được dạy vài câu như : “Con phải biết vâng lời bố mẹ !”, “Con có nghe không thì bảo ?” Còn làm thế nào để nghe hiệu quả thì chưa thấy ai dạy cả.

Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta có 2 tai nhưng chỉ có 1 miệng, là nhằm dạy chúng ta nghe nhiều hơn nói, nói ít và nghe nhiều. Nhưng trong thực tế có nhiều người lại chỉ biết dùng tai để đeo khuyên vàng làm đẹp, hay để có chỗ cho người khác nhéo tai ! Mà bỏ qua việc chính yếu của đôi tai là lắng nghe lời người khác trong giao tiếp. Vậy lắng nghe sẽ đem lại những ích lợi nào ?

2) ÍCH LỢI CỦA SỰ LẮNG NGHE :

  1. a) “Nói là gieo, nghe là gặt” : Khi biết lắng nghe tốt thì công việc của chúng ta sẽ dễ dàng thuận lợi hơn, cuộc sống gia đình của chúng ta sẽ vui vẻ hạnh phúc hơn, chúng ta sẽ giải quyết được các xung đột mâu thuẫn cách dễ dàng hơn. Lắng nghe tốt còn giúp chúng ta tiếp thu được nhiều thông tin hữu ích để từ đó xử lý và tìm ra phương pháp đúng đắn để đạt mục đích. Như vậy lắng nghe là điều kiện quan trọng bậc nhất dẫn đến thành công trong mọi công việc ở đời.
  2. b) Khi tiếp xúc với tha nhân điều cần nhất là phải lắng nghe : Khi ấy người tiếp xúc với bạn sẽ cảm thấy bạn có sức cuốn hút. Họ sẽ thoải mái khi nói chuyện và sẽ muốn tiếp tục gặp gỡ bạn sau đó.
  3. c) Khi lắng nghe ta sẽ có thể nắm bắt được tâm lý của người nói, thúc đẩy giao lưu tình cảm và sự hiểu biết lẫn nhau. Nhờ đó sẽ đi đến chỗ cảm thông và dễ dàng hợp tác làm việc chung.

3) PHẢI LẮNG NGHE THẾ NÀO ?

  1. a) Một là phải thực lòng muốn nghe : Nếu không muốn nghe thì mọi kỹ năng đều trở nên vô ích, như người ta thường nói : “Người không muốn nghe là người điếc hơn cả người mắc bệnh điếc”. Tệ hơn nữa là nếu nghe nhằm mục đích phản bác lại người nói, như các biệt phái đã làm khi nghe Đức Giê-su giảng, nên họ đã không thể nhận được ơn cứu độ do Người mang đến (x Mc 12,13).
  2. b) Hai là tránh ngắt lời người đang nói.
  3. c) Ba là không nên nói leo hay nói thêm vào khi người khác đang nói.
  4. d) Bốn là thay vì nhìn lơ đãng hoặc thì thầm nói chuyện riêng thì hãy chú tâm vào điều họ nói kèm theo các cử chỉ phù hợp như : Gật đầu, nét mặt vui vẻ kèm theo nụ cười.
  5. e) Năm là ngoài thái độ im lặng nghe, ta có thể khích lệ người nói bằng các tiếng kêu như : “Tuyệt ! Đúng ! Hay quá ! Trời ơi !…”; Hoặc tỏ sự nhất trí như : “Dạ ! Vâng ! Vậy hả ? Thế ư ? Gì cơ ? Thật không ? Sao nữa ? …”.
  6. d) Sáu là nói ít nghe nhiều : Hãy tạo cơ hội cho người nói bộc lộ tâm tư tình cảm và những ưu tư của họ, rồi lắng nghe. Chỉ nên nói khi họ yêu cầu.

Tóm lại : Lắng nghe là một cách gây thiện cảm hữu hiệu và là điều kiện để thành công trong giao tế xã hội.

  1. SINH HOẠT : Gặp trường hợp trong buổi họp nhóm mà một người nói quá dài và lạc đề, Trưởng nhóm nên làm gì để chấn chỉnh mà không bị bất lịch sự và không làm người đang nói phải xấu hổ ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Xin cho chúng con biết lắng nghe người khác mỗi khi tiếp xúc, nhờ đó chúng con sẽ gây được thiện cảm của họ, là điều kiện để thành công trong mọi công việc.- AMEN.

BÀI ĐỌC THÊM

GƯƠNG NHẪN NẠI LẮNG NGHE CỦA QUAN HUYỆN VƯƠNG HÃN

Vào đời nhà Tống (năm 960-1279 SCN) có một ông quan tên VƯƠNG HÃN. Khi còn là Tri huyện Tân Châu, một phụ nữ bị điên đã đến đánh trống kêu oan. Trước đây, do trình bày thiếu rõ ràng, bà đã nhiều lần bị các quan huyện la mắng và đuổi khỏi công đường khiến bà tức giận trở thành điên khùng. Nhưng lần này, quan Vương Hãn đã sẵn sàng nghe trình bày sự việc. Ông nhẫn nại lắng nghe và tra hỏi để biết thêm nhiều tình tiết. Câu chuyện oan ức của bà đã được sáng tỏ như sau :

Trước đây bà đã kết hôn trở thành vợ của một ông bá hộ giàu có, nhưng do nhiều năm không sinh con nối dõi. Ông bá hộ đã lấy thêm vợ lẽ và người này lại sinh cho ông một đứa con trai. Sau khi người chồng bị bệnh chết, bà vợ lẽ dựa vào con đã tìm cách chiếm đoạt toàn bộ gia sản của chồng và đuổi vợ cả ra khỏi nhà. Bà vợ cả đã nhiều lần đến đánh trống kêu oan nơi công đường, nhưng không được giải quyết. Do quá thất vọng và đau khổ nên bà đã dần trở thành một kẻ khùng điên.

Khi Vương Hãn đến nhậm chức tri huyện và có thái độ khác hẳn các quan trước đó. Ông làm việc có trách nhiệm. Khi bà đến đánh trống kêu oan, ông đã kiên nhẫn lắng nghe và đã giải quyết ổn thoả : Ông truyền chia đôi tài sản của chồng để lại và cho bà được hưởng phân nửa. Nhờ được xét xử công minh, bà vợ cả đã bình phục rất nhanh khiến mọi người đều bỡ ngỡ. Sau đó câu chuyện đến tai triều đình, Hoàng thượng đã khen ngợi quan Vương Hãn và còn ban thưởng cho ông 300 súc vải lụa.

BÀI HỌC RÚT RA : SỰ CẦN THIẾT CỦA SỰ NHẪN NẠI LẮNG NGHE :

Một người bị oan ức bất công lâu ngày đã trở thành khùng điên. Nhưng khi được giải quyết công minh, đã sớm hồi phục. Chính nhờ quan Vương Hãn kiên nhẫn lắng nghe và tìm hiểu thấu đáo trước khi phán quyết lấy lại công bằng cho người bị hại.

 

BÀI 34

VĂN HOÁ ỨNG XỬ – MỘT SỰ NHỊN BẰNG CHÍN SỰ LÀNH

  1. LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô khuyên dạy : “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau (Cl 3,12-13).
  2. CÂU CHUYỆN : GƯƠNG NHẪN NHỊN CHỊU ĐỰNG THA NHÂN.

Một hôm, có một gã khùng kia nghe Đức Phật dạy rằng : “Đừng lấy oán báo oán”. hắn liền tìm đến xin gặp Đức Phật để thử xem Phật có sống được điều Ngài giảng không. Hắn bắt đầu tuôn ra đủ mọi lời mang tính phỉ báng, và gọi Ngài là tên đần độn. Trong khi hắn liên tục xổ ra đủ thứ lời lăng mạ, thì Đức Phật vẫn kiên nhẫn lắng nghe. Chờ cho đến khi hắn mỏi miệng không nói thêm lời nào nữa, Phật mới lên tiếng :

– Này con, nếu có một người nào đó không chịu nhận món quà mà kẻ khác biếu cho, thì món quà ấy sẽ đi về đâu ?

Gã khùng cay cú đáp :

– Thằng điên nào mà chả biết, dĩ nhiên là món quà ấy sẽ trở về với người cho.

Đức Phật liền nói :

– Hỡi con, con vừa tặng cho ta rất nhiều lời thóa mạ, nhưng ta chẳng nhận đâu nhé !

Gã khùng liền câm miệng không thốt ra được lời nào nữa. Đoạn Đức Phật nói tiếp :

– Kẻ nào lăng mạ một người thánh thiện, thì cũng giống như hắn ta khạc nhổ lên trời. Những thứ hắn khạc ra không làm nhơ bẩn bầu trời, trái lại sẽ rơi xuống làm nhơ bẩn mặt của chính hắn. Cũng thế, kẻ nào thóa mạ một người nhân đức, thì khác nào tung bụi ngược chiều gió, bụi sẽ bay lại làm mù mắt hắn thôi.

  1. SUY NIỆM :

1) Nhẫn nhịn là gì ?

Là khi sự việc xảy đến trái ý mà ta vẫn làm chủ được tinh nóng của mình. Nhẫn nhịn là lùi một bước để có thể tiến tới ba bước, vì không phải lúc nào chúng ta cũng nên tranh cãi hơn thua với kẻ khác. Đừng vội bực tức mà hãy bình tĩnh lắng nghe, quan sát sự thể và suy nghĩ trước khi quyết định nên ứng xử thế nào cho xứng hợp.

2) Lợi ích của sự nhẫn nhịn

Nhưng nhiều người lại cho rằng “nhịn” là “nhục”, là tỏ ra ngu dốt, hèn nhát và làm cớ cho kẻ xấu tiếp tục lấn lướt bắt nạt. Nhưng thực tế có phải như vậy không ? Nên nhớ câu người xưa dạy : “Nhẫn một chút sóng yên gió lặng. Lùi một bước biển rộng trời cao”.

3) Tập sống đức tính nhẫn nhịn thế nào ?

Nhẫn nhịn tiêu cực : Khi gặp những vấn đề lớn nhỏ khiến bạn sắp phá vỡ ranh giới giữa sự phản kháng và sự chịu “nhịn”. Lúc này, chúng ta cần im lặng và dành một ít phút để hít thở thật sâu. Hoặc tạm thời bỏ qua và làm một việc khác để thư giãn tinh thần. Chẳng hạn : Nghe một bản nhạc, xem một video thú vị nào đó để quên đi chuyện vừa qua.

– Nhẫn nhịn tích cực : “Hãy làm giống như cách phản ứng của cây dừa : người ta ném đá vào nó mà nó lại cho qủa dừa rụng xuống cho họ uống”. Như thế nguyên việc không đáp lại sự xúc phạm của kẻ khác thì chưa đủ. Hãy làm điều tốt cho kẻ đã làm điều xấu cho ta.

  1. SINH HOẠT :

Tông đồ Phê-rô dạy các tín hữu : Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc” (1 Pr 3,8-9). Vậy bạn nên phản ứng thế nào khi nghe có người nào đó nói xấu nhằm làm mất danh dự của bạn ?

  1. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Xin giúp chúng con học nơi Chúa sự nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân. Cho chúng con năng hát bài Kinh Hoà Bình để xin ơn húa biến đổi chúng con trở thành khí cụ bình an của Chúa bằng hành động : “Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…” .- AMEN.

BÀI 35

VĂN HOÁ ỨNG XỬ –TRÁNH TRANH CÃI VÔ ÍCH

  1. LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô khuyên các tín hữu nhẫn nhịn tha nhân như sau :

“Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại. Hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4,2).

  1. CÂU CHUYỆN : SỰ NHẪN NHỊN CỦA SƯ TỬ CHA.

 

Sư tử cha trông thấy một con chó điên đến gần liền tránh mặt. Sư tử con thấy vậy đã lên tiếng trách :

– Con thấy cha dám sống chết đánh nhau với hổ dữ, nhiều lần cùng loài báo to lớn so tài. Sao hôm nay cha lại khiếp nhược sợ hãi một con chó điên nhỏ bé như vậy ? Thật mất mặt quá !

Sư tử cha hỏi con :

– Con thấy thắng một con chó điên có vinh quang không ? Sư tử con lắc đầu.

– Nếu chẳng may con lại bị nó cắn một miếng thì chẳng phải là xui xẻo lắm sao ?”. Một lần nữa sư tử con lại gật đầu đồng ý.

– Như vậy, chúng ta cần chi phải gây sự đánh nhau với con chó điên ấy phải không con ?

  1. SUY NIỆM :

– Trong cuộc sống có nhiều hạng người. Đối với những người thiện chí muốn nghe thì bạn không cần nói dài dòng. Ngược lại, đối với những người cố chấp hay đang tìm cách công kích bạn, thì cho dù bạn có giải thích đến đâu cũng phí công vô ích.

– Khi KHỔNG TỬ đang đi chu du liệt quốc, ngày nọ gặp hai người thợ săn ở bìa rừng đang tranh cãi nhau quyết liệt. Khi tìm hiểu, Khổng Tử mới biết họ đang cãi nhau về số học đơn giản : Người thợ săn lùn nói 8 lần 3 là 24, đang khi người thợ săn cao nói 8 lần 3 là 23. Hai bên đều cho mình là đúng. Cuối cùng họ quyết định tìm một vị thánh hiền phân giải, và kẻ nào thắng sẽ được hưởng các thú săn được hôm ấy.

– Nghe biết Khổng Tử là một thánh hiền trong thiên hạ, nên cả hai đến nhờ phán quyết. Khổng tử phán người thợ săn cao đúng và người thợ săn lùn sai. Người thua phải trao các con thú săn được hôm ấy cho người thắng. Sau khi chiến thắng, người thợ săn cao vui mừng bỏ đi, đang khi người thợ săn lùn không phục nên đã ở lại gặp riêng Khổng Tử. Anh ta nói với vẻ đầy tức giận : “3 lần 8 là 24. Ngay cả một đứa trẻ cũng biết rõ như vậy. Ông là bậc thánh hiền trong thiên hạ. Vậy mà ông lại bảo là 23 nghĩa là sao ? Phải chăng danh hiệu thánh hiền của ông chỉ là hư danh !”

Bấy giờ Khổng Tử liền cười đáp : “Anh nói không sai : 3 lần 8 là 24, và đây là chân lý mà một đứa trẻ con cũng biết. Nhưng nếu anh đã biết đó là chân lý thì tại sao lại phải tranh cãi với một kẻ ngốc ?” Nghe vậy, người thợ săn lùn như bừng tỉnh. Bấy giờ Khổng Tử liền nhẹ nhàng vỗ vai anh ta và nói : “Người thợ săn kia tuy nhận được vài con thú săn, nhưng anh ta vẫn là một kẻ ngốc. Còn anh tuy thua, nhưng lại nhận được bài học sâu sắc cho cuộc sống phải không ?”.

Nghe vậy, người thợ săn lùn lại gật đầu lia lịa tỏ ý bái phục lời dạy của Khổng Tử.

– Trong cuộc sống, chân lý tuy cần phải giữ vững, nhưng không phải lúc nào cũng nên mang ra tranh luận. Do vậy khi bị chỉ trích hay hiểu lầm, chúng ta không cần lúc nào cũng phải tranh cãi hơn thua. Tốt hơn là hãy im lặng lùi lại một bước và dùng cái tâm an hoà để đối xứ với người kia. Chắc chắn sớm muộn họ cũng sẽ nhận ra chân lý. Kẻ tiểu nhân nhầm tưởng rằng : Cứ nói nhiều là sẽ khẳng định chân lý thuộc về mình. Đang khi thực ra chân lý vốn là đạo cao siêu của vũ trụ vượt trên con người, nên mọi người đều nhận biết mà không cần tranh cãi.

TÓM LẠI : Trong cuộc sống, nếu thấy người nào đó không đáng làm đối thủ của bạn, thì bạn đừng mất thòi gian tranh cãi hơn thua làm chi. Bạn chỉ cần mỉm cười và im lặng rời xa họ là đủ. Đừng để họ có cơ hội làm hại danh dự và uy tín của bạn như nhà văn Mark Twain người Mỹ từng nói : “Đừng bao giờ tranh cãi với những kẻ ngu ngốc. Họ sẽ kéo bạn xuống cùng đẳng cấp với họ, và sẽ đánh bại bạn bằng kinh nghiệm láu cá của họ”.

  1. SINH HOẠT : Khi gặp kẻ ngu dốt cố chấp, thay vì tranh cãi mất thời giờ, bạn nên làm gì để giữ được an bình và giúp người kia tự tìm ra chân lý ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Con thường không giữ được bình tĩnh khi thấy ai đó nói những điều không đúng. Con muốn chứng tỏ cho mọi người biết con hoàn toàn có lý và người kia hoàn toàn sai. Nhưng thực ra, dù con có chiến thắng cũng chẳng vẻ vang gì, và về mặt giao tế con lại tỏ ra thiếu khôn ngoan khi có thêm kẻ thù mới. Xin cho con biết tránh làm mất thể diện của kẻ khác, nhờ đó con xứng đáng nên môn đệ đích thực của Chúa.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

Nhà văn Mark Twain

Đừng bao giờ tranh cãi với với những kẻ ngu ngốc. Họ sẽ kéo bạn xuống cùng đẳng cấp với họ, và sẽ đánh bại bạn bằng kinh nghiệm láu cá của họ”.