Văn Hoá Ứng Xử  Bài 56-60

print

 Văn Hoá Ứng Xử  Bài 56-60

BÀI 56.

BÀI 57.

BÀI 58.

BÀI 59.

BÀI 60.

 

BÀI 56

VĂN HOÁ GIAO TIẾP – HAI THƯƠNG ĂN NÓI MẶN MÀ CÓ DUYÊN ?

  1. LỜI CHÚA : Thánh Gia-cô-bê dạy : “Thật vậy, tất cả chúng ta thường hay vấp ngã. Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hòan hảo, có khả năng kiềm chế bản thân” (Gc 3,2)
  2. CÂU CHUYỆN : TRÚNG TUYỂN NHỜ KHÉO ĂN NÓI.

“Một thương tóc bỏ đuôi gà. Hai thương ăn nói mặn mà có duyên”. Mới đây, trong gần 30 bạn trẻ đăng ký với phòng tuyển dụng để được trở thành nhân viên làm việc cho một công ty nước ngòai tại TP.HCM, người được trúng tuyển lại là một cô bạn gái không hẳn giỏi hơn những ứng viên khác về mặt kiến thức xã hội, về sự thông minh hay về vẻ ngoại hình bên ngoài, nhưng chính là nhờ cách nói chuyện duyên dáng, tự tin, sắc sảo mà lại khiêm tốn và chừng mực, nên đã thuyết phục được hội đồng tuyển dụng khiến họ nhất trí chọn cô.

Sau đây là một số nguyên tắc ứng xử văn hoá về lời nói cần áp dụng khi giao tiếp :

  1. SUY NIỆM :
  2. Lời nói thể hiện nhân cách : Khi nói chuyện với ai, bạn cần nhắm mục đích tốt, luôn hướng đến điều tích cực, lạc quan, và hướng thiện. Tránh than thân trách phận nói ra những điều tiêu cực, chỉ trích người khác. Riêng các bạn gái lại càng cần phải biết cách ăn nói có duyên như người ta thường nói : “Nếu bạn thông minh, bạn sẽ được người khác quý trọng; Nếu bạn xinh đẹp, bạn sẽ được mọi người để ý; Còn nếu bạn ăn nói có duyên, bạn sẽ cuốn hút được nhiều người yêu

 

mến bạn”. Như vậy : Duyên là vẻ đẹp tâm hồn, nó làm cho bạn gái thêm phần hương sắc và có sức lôi cuốn được nhiều người đến với mình.

  1. Nói chuyện với người mới quen : Cần dè dặt, không nên tỏ ra quá thân mật khi mới gặp lần đầu. Không nói chuyện cách suồng sã hoặc tâm sự quá nhiều về mình. Không nên nói chuyện riêng hai người trong cuộc họp hay trong bữa tiệc chung. Cũng không nên khoe khoang về kiến thức uyên bác của mình.
  2. Thái độ khi nói chuyện : Bạn phải để ý thái độ của người đối diện xem họ có muốn nghe bạn không ? Trong câu chuyện, nên trả lời ngắn gọn, chính xác. Nên ôn tồn khiêm tốn khi phát biểu ý kiến. Biết cảm thông chia sẻ nỗi đau của người khác, biết động viên an ủi người đang gặp khó khăn hoạn nạn.
  3. Nói ít, nghe nhiều : Chú ý nghe người đang nói, biết gợi chuyện và đề cập đến đề tài thực tế được họ quan tâm. Tránh nói to ở nơi công cộng như tại nhà thờ, chùa chiền, trên xe búyt, trong rạp hát hay viện bào tàng… Phải thành thật khen ngợi để động viên người khác. Nên năng dùng ngôn từ lịch sự như : cám ơn, xin lỗi, không có chi, không sao đâu…
  4. Giao tiếp qua điện thoại : Tránh nói chuyện với giọng miễn cưỡng, nhưng cần ăn nói vui vẻ lịch thiệp để gây được thiện cảm với người đang nói chuyện. Cần nói chuyện với giọng nhỏ nhẹ để người nghe cảm thấy dễ chịu.
  5. Cách gây thiện cảm khi nói chuyện : Lời nói cần rõ ràng, dễ hiểu, vừa đủ nghe, không nói nhanh hay chậm quá, không nói quá nhiều; Không chêm tiếng “lóng” hoặc chửi thề; Không nói lời thô lỗ, cộc cằn, chua ngoa, vô lễ… vì đó là nguyên nhân làm mất thiện cảm khi giao tiếp. Cũng cần phải xưng hô phù hợp với tuổi tác và địa vị của người đối diện.
  6. Cần một chút tinh tế để nói cho sự thật bớt căng thẳng : Tránh đề cập đến khiếm khuyết của cơ thể, lỗi lầm quá khứ, sự thất bại, vì sẽ chạm vào tự ái của người đối diện. Các bạn gái tránh ăn nói với nhau cách sỗ sàng, tránh ám chỉ đến bộ phận nhạy cảm của bạn trai để chọc quê họ.
  7. Cách phê bình góp ý : hãy khen trước khi chê. Nên nhớ rằng : Không gì dễ lọt vào lòng người bằng một lời đề nghị giúp đỡ ngọt ngào. Khi phải từ chối một lời yêu cầu thì cũng nên từ chối cách khôn ngoan tế nhị kèm theo lời xin lỗi như người xưa dạy : “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

TÓM LẠI : Nói chuyện có duyên không chỉ do năng khiếu bẩm sinh, nhưng chính kết quả của sự tập luyện. Xã hội sẽ đẹp lên nhiều nếu mọi người đều biết ăn nói có duyên từ gia đình, đến công sở và nơi công cộng. Lời nói có duyên phải xuất phát từ tâm hồn, hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của tha nhân. Nhất là tránh tranh luận về các đề tài tôn giáo và chính trị vì rất dễ gây ra chia rẽ ly tán.

  1. SINH HOẠT : Bạn tâm đắc nhất với điều nào trong bài suy niệm trên ? Tại sao ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp chúng con biết cách ăn nói có duyên; Biết nói ra sự thật lọt vào lòng người khác; Biết tránh đụng chạm đến tự ái của tha nhân; Cho chúng con biết nói năng nhỏ nhẹ, nhất là khi phải góp ý phê bình. Xin cho chúng con biết ăn nói khiêm tốn tế nhị là điều kiện để đạt được thành công trong mọi việc.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

BÀI 57

VĂN HOÁ GIAO TIẾP – KIỀM CHẾ MIỆNG LƯỠI

  1. LỜI CHÚA : Thánh Gia-cô-bê dạy : “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân. Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng (Gc 3,2b-3).

 

  1. CÂU CHUYỆN : BỘ PHẬN NÀO TRONG CƠ THỂ TỐT NHẤT VÀ XẤU NHẤT ?

– Ngày xưa có một vị Pha-ra-on nước Ai Cập gửi tặng nhà hiền triết Bi-as một con vật quí hiếm để làm của lễ tế thần. Thế nhưng nhà vua lại muốn thử tài khôn ngoan của nhà hiền triết, nên gửi kèm theo bức thư có nội dung như sau : “Sau khi cúng kiếng xong, nhà ngươi phải trả lại cho ta cái gì trong con vật quý hiếm này vừa tốt nhất lại vừa xấu nhất”. Nhà hiền triết bèn xẻo ngay cái lưỡi của con vật mà trao cho thị vệ mang về cho nhà vua. Qua việc trả lại cái lưỡi, nhà hiền triết muốn nói rằng : Cái lưỡi là phần tốt nhất nếu biết sử dụng, nhưng đồng thời cũng là phần xấu nhất nếu không biết sử dụng nó.

– Ê-sốp là một nô lệ, nhưng được chủ là ông San-tô tin yêu. Ngày nọ, khi nhà có khách đến chơi, ông chủ sai Ê-sốp ra chợ mua thức ăn đã khách, nhưng lại không dặn phải mua gì. Êsôpe bèn rinh về đủ các thứ lưỡi : nào là lưỡi lợn, lưỡi bò và cả lưỡi ngựa… rồi chế biến nấu nướng. Lạ miệng ăn ngon nên chủ và thực khách đều hài lòng.

– Lần sau nhà lại có khách và chủ tiếp tục sai Ê-sốp đi chợ mà không dặn phải mua gì. Ê-sốp một lần nữa lại mua toàn các lọai lưỡi, chỉ có điều khác là về cách chế biến thêm bớt gia vị và chủ khách đều hài lòng. Ông chủ hỏi lý do tại sao lại mua lưỡi thay vì đổi món khác thì Ê-sốp trả lời rằng : “Thưa ông, phàm trên đời này, mọi sự tốt xấu, lợi hại… đều do cái lưỡi mà ra, và đều do người ta có biết sử dụng cái lưỡi cách khéo léo hay vụng về mà thôi. Vì thế 2 lần tôi đều mua lưỡi về chế biến đồ ăn mà ông chủ và quan khách vẫn không nhàm chán…”

Cũng nhờ khéo nói hợp với ý chủ, nên Ê-sôp ngày càng được chủ tin yêu hơn và về sau còn được giải phóng khỏi thân phận nô lệ lầm than nữa.

 

  1. SUY NIỆM :

Lưỡi là một bộ phận quan trọng của con người để nói cho người khác về suy nghĩ, ước muốn của mình, nên người ta thường định nghĩa : “Con người là một con vật biết nói”. 

1) TRÊN BÌNH DIỆN CÁ NHÂN :

– “Lòng đầy thì trào ra ngòai miệng” : Dựa vào lời nói của một người mà người khác có thể đóan biết được phần nào về tâm tính của họ : Một người sẽ được đánh giá là khôn ngoan nếu nói ra những điều hay lẽ phải mang tính xây dựng. Ngược lại sẽ bị coi là khờ dại nếu thốt ra những lời không đúng hay không đúng lúc đúng chỗ như người đời thường nói : “Lưỡi người khôn ngoan tạo nên danh dự. Mồm kẻ ngu dại gây đổ vỡ tan hoang”. Chúng ta cần nói ra những lời xây dựng và tránh thốt ra những lời thô tục hay thêm điều đặt chuyện nhằm hạ uy tín danh dự của kẻ khác.

– “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” : Ý thức được tầm mức quan trọng của cái lưỡi như vậy, nên chúng ta cần cài đặt một cái “phanh“ vào trong miệng lưỡi, để mỗi khi cảm thấy ngứa mồm, muốn nói những lời có thể gây nguy hại, thì chúng ta cần “sì tốp” lại ngay.

2) TRONG TƯƠNG QUAN XÃ HỘI :

– Ý thức sự tác hại của lời nói xấu : Chúng ta thường hay xúc phạm đến tha nhân bằng lời nói. Người ta có thể dùng lưỡi để phạm tội nói xấu người khác bất cứ tại đâu, khi nào và với ai. Người Anh cũng có câu tục ngữ cho thấy tác hại của lời nói : “Không nọc nào độc hại cho bằng nọc độc của cái lưỡi”. Ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm khi có lần phải chịu đựng những dư luận xuyên tạc ác ý : “Có ít xít ra nhiều !” của người ác cảm với ta. Nhưng ta cần ý thức rằng : “Chuyện đâu còn đó” : Nếu ta thực sự có lỗi thì hãy khiêm tốn tu sửa càng sớm càng tốt. Còn nếu ta bị kẻ xấu hãm hại thì cũng đừng lo, vì “Cây ngay không sợ chết đứng ! ”. Các lời đồn ác ý sẽ mau tan biến như bọt sà bông khi đối diện với sự thật, như lời Chúa phán : “Sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,31-32) .

– Phương cách hoá giải : Trong cuộc sống, chắc chắn chúng ta sẽ không thể tránh hết những sự buồn phiền do miệng lưỡi thế gian gây ra, vì không ai có thể làm vừa lòng hết mọi người như câu ca dao : “Ở sao cho vừa lòng người : Ở rộng người cười, ở hẹp người chê”. Và : “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Khi nghe dư luận sai trái bất lợi cho mình, chúng ta cần bình tĩnh tự chủ. Cần tránh “chêm dầu vào lửa” khi vội phản ứng gay gắt với đối phương. Trái lại nếu ta áp dụng phương thế : “Mật ngọt chết ruồi” : Một lời nói bình tĩnh có tình có lý, kèm theo chứng cứ cụ thể sẽ có sức mạnh thuyết phục người nghe, giúp xóa bỏ thù hận, xây dựng tình hiệp thông đoàn kết và mang lại niềm vui và bình an cho cộng đòan.

  1. SINH HỌAT : Người ta thường nói : “Im lặng là đồng loã ? “. Vậy bạn nên im lặng hay nên nói ra sai lỗi của ai đó để tránh hậu quả nghiêm trọng ? Tai sao ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Trong cuộc sống chung gia đình, cộng đoàn và xã hội, xin cho chúng con tránh nói hành nói xấu tha nhân, hầu duy trì tình đoàn kết nội bộ. Trừ trường hợp tội ác nghiêm trọng cần xử lý, xin cho chúng con biết cầu nguyện và kín đáo góp ý xây dựng người có lỗi theo lời Chúa dạy và bỏ qua các sai lỗi nhỏ bé của anh em đối với chúng con.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

BÀI 58

VĂN HOÁ GIAO TIẾP – THẬN TRỌNG VỀ LỜI NÓI

  1. LỜI CHÚA : Thánh Phê-rô khuyên các tín hữu : “Ai là người thiết tha được sống và ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc, thì phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa.” (1 Pr 3,10).
  2. CÂU CHUYỆN : HAY DỞ ĐỀU DO CÁI LƯỠI MÀ RA

Xưa có một anh đồ tể chuyên giết heo. Nghe biết anh có tay nghề cao, đức vua liền cho gọi tới nói chuyện và hỏi :

– Trong con heo, cái gì ăn ngon nhất ?

Anh đồ tể về nhà xẻo ngay cái lưỡi trong xác con heo mới mổ đem dâng cho vua.

Một thời gian sau, đức vua lại cho gọi anh đồ tể đến và hỏi :

– Trong con heo, cái gì ăn dở nhất ?

Anh đồ tể cũng lại trở về lập tức xẻo ngay cái lưỡi của con heo đến dâng cho vua. Thấy vậy, vua ngạc nhiên hỏi :

– Tại sao cũng lại là cái lưỡi ?

Bấy giờ anh đồ tể liền tâu rằng :

– Tâu đức vua : Phàm trên đời này, tốt hay xấu, ngon hay dở đều do cái lưỡi mà ra.

Nghe xong, đức vua liền gật đầu tỏ vẻ tâm đắc và khen anh :

– Khanh nói chí phải !

  1. SUY NIỆM :

1) Tầm quan trọng của lời nói : Trong cuộc sống, hậu quả của tư tưởng và lời nói thật khôn lường : Tư tưởng ví như thai nghén, còn lời nói lại như sinh sản. Tư tưởng xấu còn dễ ngăn chặn, nhưng một lời nói khi đã nói ra thì không thể thu hồi lại được (x. Cn 25,11). Tư tưởng chỉ ảnh hưởng đến bản thân, còn lời nói lại có sức lan tỏa trong không gian và tồn tại trong thời gian lâu dài, có ảnh hưởng đến nhiều người, nên Việt Nam ta có câu : “Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ !”. Người xưa cũng dạy : “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” nghĩa là : một lời thốt ra, bốn con ngựa khó truy bắt. Nếu không biết kiềm chế miệng lưỡi thì lời nói sẽ có thể gây muôn điều ác hại. Vì thế các bậc khôn ngoan đều dạy : “Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Thánh Gia-cô-bê cũng khuyên : “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão” (Gc 1,26 ) và ngài còn khẳng định : “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân.” (Gc 3,2).

2) Nên cẩn trọng về lời nói như thế nào ?

– Khi gặp những điều trái ý, thay vì tức giận la lối, cần bình tĩnh kiềm chế sự nóng giận và không vội hành động để tránh gây thêm tai hại như lời người xưa : “Giận quá mất khôn” và lời Chúa trong Kinh Thánh : “Lời nói bừa bãi khác nào mũi gươm đâm.” (Cn 12,18).

– Cần nói ra những lời nói tích cực lạc quan : Nếu một người luôn mở miệng phàn nàn, và hay nói ra những điều bất mãn với người khác hoặc những rủi ro đang gặp phải, thì sẽ luôn sống trong tâm trạng buồn chán. Cần noi gương thánh Phao-lô

luôn “cảm thấy vui sướng vì Đức Ki-tô”. Nơi khác ngài cũng quả quyết : “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” (x 2 Cor 12, 10).

– Cần ăn nói khiêm hạ : Tránh tự cao và nói nhiều về các ưu điểm của mình. Tuy nhiên khi cần cũng có thể chia sẻ ưu điểm của mình, nhưng cho biết là do người khác mang lại. Tùy theo địa vị trong gia đình và xã hội, mỗi người chúng ta sẽ có một ảnh hưởng nhất định đối với người khác. Có những lời trăn trối của cha mẹ hay thày dạy trước khi chết được con cái, học trò ghi nhớ như châm ngôn sống suốt đời.

– Cần tránh lời nói thô tục : Tránh kể những câu chuyện tiếu lâm tục tĩu “nói bé cười to”, vì những lời nói như vậy cho thấy trình độ thiếu văn hóa của mình.

– Hãy năng nói lời khen tha nhân cách thành thật : Lời khen sẽ động viên người khác, an ủi những người đang ưu phiền, giúp họ hăng hái và phấn khởi trở lại.

– Hãy nói những lời động viên tha nhân, giúp người ta vững tin vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa và góp phần hòa giải các tranh chấp nội bộ.

– Cần tín thác vào Chúa : Mỗi ngày khi suy gẫm Lời Chúa, hãy chọn ra một câu Lời Chúa, kèm theo một lời nguyện tắt để thưa với Chúa mọi lúc, mọi nơi. Khi đó Lời Chúa sẽ đem lại niền vui cho mọi người.

  1. SINH HOẠT :

Hãy đọc lại đoạn thư Gia-cô-bê sau đây : “Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng. Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè : dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái. Cái lưỡi cũng vậy : nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao ! Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục đốt cháy. Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được : nó là sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người” (Gc 3, 3-8). – Hãy cho biết cảm tưởng của bạn về lời dạy của thánh Gia-cô-bê nói trên.

  1. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Cha từ bi nhân ái. Xin cho chúng con luôn tin nhận Chúa Giê-su là Con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Cha, là Lời quyền năng đã sáng tạo và nhập thể làm người để mở ra con đường sống cho nhân loại chúng con. Xin cho chúng con quyết tâm đi theo con đường “mến Chúa yêu người” của Chúa Giê-su và nhiệt tâm giới thiệu Chúa cho mọi người chưa biết Chúa, để họ cùng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với chúng con.- Amen.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

BÀI 59

VĂN HOÁ GIAO TIẾP – NĂNG NÓI “CÁM ƠN” VÀ “XIN LỖI”

  1. LỜI CHÚA : Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Đức Giê-su mới nói : ”Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?” (Lc 17,15-18).
  2. CÂU CHUYỆN : QUÊN NÓI CÁM ƠN.

Trên một chuyến xe buýt đông người, khi đến trạm dừng, một cụ già chống gậy run run bước lên xe. Sau khi đảo mắt nhìn các hàng ghế không một chỗ trống, cụ đành buồn bã đứng dựa vào thành ghế, đang khi chiếc xe từ từ chuyển bánh. Một số thanh niên đang ngồi trên ghế thấy vậy, liền nhìn sang chỗ khác như không thấy cụ già đang phải đứng. Bấy giờ, một bé trai 8 tuổi ngồi ghế gần bên thấy vậy, liền đứng dậy nhường chỗ cho ông cụ vào ngồi chỗ mình. Mắt cụ già sáng lên khi thấy có người nhường ghế và vui vẻ ngồi xuống mà không nói một lời.

Cậu bé vốn được cha mẹ dạy phải biết nói cám ơn người đã làm ơn cho mìnhngỏ lời xin lỗi khi lỡ gây phiền hà cho người khác, thấy cụ già không nói lời cám ơn việc cậu đã hy sinh nhường chỗ thì ấm ức. Cậu ghé sát tai ông cụ hỏi : ”Thưa cụ, cụ vừa bảo gì cháu ạ ?”. Ông lão lắc đầu nói : ”Ta có nói gì đâu”. Cậu bé liền trả lời : ”Thế mà cháu cứ tưởng cụ nói lời để “Cám ơn” cháu chứ”.

  1. SUY NIỆM :

– Về những lời nói lịch sự khi giao tiếp bằng tiếng Anh lớp vỡ lòng, bài đầu tiên bao giờ cũng dạy các học viên về cách chào hỏi khi giao tiếp, trong đó những câu nói thông dụng như “Xin chào”, ”Xin mời”, “Xin vui lòng”, “Cám ơn”, “Xin lỗi”… luôn được sử dụng… Đây là bài học nhân bản đầu tiên về văn hóa ứng xử mà các bậc làm cha mẹ cần lưu ý tập luyện cho con cái mình ngay từ khi chúng bập bẹ nói : Khi được ai đó giúp đỡ điều gì, phải bày tỏ lòng biết ơn bằng lời nói “cám ơn”. Lời “cám ơn” nếu được thốt ra kịp thời sẽ làm cho cả người làm ơn cũng như kẻ chịu ơn đều cảm thấy vui. Từ “Xin lỗi” cũng vậy. Khi làm điều gì vô ý tổn thương đến tha nhân như lỡ va chạm phải ai đó, lỡ đánh rơi vật gì của người khác, hay khi con em mình có thái độ lời nói thiếu tôn trọng người lớn… Các bậc cha mẹ cần mau nói lời “xin lỗi” họ và dạy con biết “xin lỗi” người vừa bị xúc phạm.

– Từ nhiều năm gần đây, nền tảng đạo đức xã hội nơi giới trẻ và người lớn xem ra ngày một mờ nhạt. Những tiếng “cám ơn”, “Xin lỗi” cũng thưa dần do người ta không ý thức hay có ý thức nhưng lại cố tình lờ đi. Tôi đã từng chứng kiến nhiều trường hợp có người hỏi thăm đường đi, hỏi thăm nhà người quen mà sau khi đã được chỉ dẫn cặn kẽ, đã bỏ đi mà không một lời “cám ơn”. Có người đánh rớt một đồ vật được người khác lượm giúp cũng quên nói hai tiếng “cám ơn”. Trong số những người không biết nói cám ơn này không ít người là sinh viên, học sinh hay viên chức nhà nước. Người ta cũng ít dùng hai tiếng ”Xin lỗi”. Nhiều người ngại không muốn mở miệng xin lỗi dù họ biết rõ chính mình đã gây tổn thương cho người khác. Những chuyện lặt vặt đã đành, mà ngay cả những điều lớn lao cũng vậy : một bộ phận không nhỏ người ta đã không biết “văn hóa ứng xử” khi không nói lời “Cám ơn” và “Xin lỗi”…

  1. SINH HOẠT :

Hãy cho biết có khi nào bạn đã gặp hoàn cảnh bạn ra tay giúp đỡ cho ai đó một việc gì, mà không những họ không nói “cám ơn”, lại còn trách ngược tại sao bạn đã chậm trễ làm việc đó, như thể đó là trách nhiệm bạn phải làm cho họ ?

Bạn có đồng ý với lối ứng xử sau : ”Nói cám ơn hay xin lỗi có vẻ khách sáo quá. Tôi chỉ cần hành động để tỏ lòng biết ơn hoặc chỉ cần cúi đầu tỏ vẻ nhận lỗi là đủ” ?

  1. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho con biết năng cầu nguyện để tạ ơn Chúa khi vui lúc buồn, khi được thành công cũng như lúc bị thất bại. Xin cho con mỗi buổi tối trước khi ngủ biết dành một hai phút dâng lời cám ơn Chúa vì bao hồng ân Chúa đã ban trong một ngày qua, và dâng lời xin lỗi Chúa vì các sai lỗi và các thiếu sót bổn phận đối với Chúa và tha nhân.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

 

BÀI 60

VĂN HOÁ GIAO TIẾP – TRÁNH LỜI KHIẾM NHÃ THÔ TỤC

  1. LỜI CHÚA : Thánh Gia-cô-bê khuyên : “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kềm chế toàn thân. Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng (Gc 3,2b-3).
  2. CÂU CHUYỆN : LÂY NHIỄM GƯƠNG XẤU NÓI TUC TỪ NGƯỜI LỚN.

Một hôm có một ông Viêt Kiều về Việt Nam và đi tìm nhà của một người bạn thân lâu ngày không gặp mặt. Ông ta tìm đến đúng ngôi làng cũ nhưng không sao tìm ra ngôi nhà của ông bạn thân, vì nhà cửa hiện đã thay đổi khang trang hơn trước đây hai mươi năm. Thấy mấy đứa trẻ đang nô đùa ở đầu hẻm, ông Việt kiều lên tiếng hỏi : “Này các cháu, các cháu có biết nhà của ông giáo Tân trong làng này ở đâu không ?” Một cậu bé khoảng mười tuổi đưa mắt nhìn ông khách lạ bằng ánh mắt xấc xược và trả lời cộc lốc : “Biết, nhưng… đéo chỉ !”. Ông Việt kiều cảm thấy ngỡ ngàng và sau đó tiếp tục đi sâu vào làng. Gặp một thanh niên ngồi bên hông nhà đang phì phèo điếu thuốc lá trên môi, ông tiếp tục hỏi : “Này anh bạn. Anh có biết nhà của ông Tân, trước đây dạy học, là căn nhà nào không ?” Gã thanh niên chẳng thèm nhìn lên và trả lời cộc lốc : “Đéo biết !”.

Sau đó rồi cũng tới lúc ông tìm thấy nhà của ông bạn thân. Sau khi gặp nhau tay bắt mặt mừng, ông Việt kiều liền kể lại câu chuyện vừa xảy ra cho ông giáo nghe kèm theo lời than thở : “Anh ạ. Các bậc cha mẹ ở cái làng này dường như không biết cách dạy dỗ con cái hay sao, mà để chúng ăn nói với khách lạ bằng những lời thô lỗ tục tĩu như vậy hả anh ?” Chẳng cần suy nghĩ, ông giáo liền trả lời : “Có dạy đấy chứ. Nhưng chúng nó… đéo nghe !”

 

  1. SUY NIỆM :

– Việc giáo dục giới trẻ cần phải ưu tiên về nhân bản, nghĩa là giáo dục trưởng thành về nhân cách : thận trọng để tránh nói những lời thô tục.

– Về việc giáo dục con cái, nhiều khi có những chuyện nghịch lý đáng buồn như : cha mẹ thường dạy con cái phải nghiêm túc trong lời nói, tránh nói những lời cộc cằn thô lỗ và tục tĩu. Thế nhưng nhiều khi chính cha mẹ lại làm ngược lại lời dạy của mình. Một ông bố kia dạy thằng con trai như sau : “Mày nhớ nhé, không được nói tục nghe con. “Đủ mẻ ! Mày đã nghe rõ chưa hở thằng khốn ?”

– Về việc nói năng thận trọng thì người xưa cũng có câu : “Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Nghĩa là phải thận trọng trước khi chửi thề tục tĩu. Vì khi chửi người khác thì chính mình phải nghe lời chửi ấy. Đàng khác, người ta sẽ đánh giá kẻ nói tục là người ấu trĩ về tinh thần, thiếu văn hóa và không lương thiện.

  1. SINH HOẠT :

Ta cần làm gì để khắc phục thói xấu hay nói lời thô tục của bản thân ? Cần giáo dục con em tránh nói tục bằng cách nào và từ khi nào ?

  1. LỜI CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin giúp con luôn làm chủ miệng lưỡi để không bao giờ nói ra những lời tục tĩu khó nghe, để chúng con trở thành người trưởng thành về nhân cách, xứng đáng là con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Chúa Cha trên trời.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM