Vui buồn đời truyền giáo – Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

print

Vui buồn đời truyền giáo

  1. ĐIẾU THUỐC ĐỊNH MỆNH

Mình khai giảng lớp giáo lý dự tòng. Có chừng 50 học viên. Người già nhất là bà cụ bảy mươi bốn. Người trẻ nhất là cậu con trai mười hai. Đa số ở tuổi xồn xồn bốn mươi, năm mươi.

Tay vẽ lia lịa. Miệng giảng lia chia. Một trăm con mắt nhìn mình lom lom. Nhưng có một cặp mắt nhìn mình một cách say đắm. Ai thế? Mình không quen biết người này, nhưng dường như người này đã biết mình.

Đến giờ giải lao, người ấy mở gói thuốc chìa ra trước mặt mình.

– Cha hút với con một điếu thuốc. Cha còn nhớ con không?


– Xin lỗi. Tôi không nhớ một tí nào hết.


– Con từng ở chung với cha ở trại Kiến Vàng đó.

– Vậy hả? Thế thì chúng ta đã là đồng cảnh và sắp trở thành đồng đạo.

– Cha hút với con một điếu thuốc nữa, để mừng con sắp thành người đạo.

– Hút thuốc có hại cho sức khỏe.


– Kệ. Con cứ hút, vì nhờ hút thuốc mà con thoát chết.

– Chuyện gì mà kỳ vậy?

– Cha con theo Cách mạng. Con đi lính Quốc gia. Đồn của con thất thủ. Con bị bắt. Du kích xã biết mặt con nên kết án tử hình con. Họ đào lỗ rồi, chỉ còn chờ bắn thôi. Con năn nỉ:

– Đàng nào thì tôi cũng chết rồi. Trước khi chết, xin các anh cho tôi một điếu thuốc. Hút cho đã thèm rồi tới đâu thì tới.

– Bày đặt. Đây này. Tao mồi cho. Hít đi. Năm phút nữa thôi nhá.

Con hút được nửa điếu, thì ông Bí thư Huyện Ủy tới. Ông là bạn thân của cha con. Ông hỏi: “Tội gì mà phải chết?”. Nghe du kích trình bày xong, ông tuyên bố: “Tội này không đáng chết. Đi tù là được rồi”.

Thế là con thoát chết. Con đi tù ở Kiến Vàng. Nhờ đó mà con biết cha. Nhờ biết cha mà hôm nay con theo đạo. Vừa theo đạo vừa hút thuốc. Giữ đạo và hút thuốc cho đến chết.

  1. SÁU MƯƠI NĂM NHỚ ĐẠO VÀ THÈM ĐẠO

Mình xối nước trên đầu ông lão già 76 tuổi: “Tôi rửa ông nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Sau khi kết thúc các nghi lễ, ông lão trở về ghế ngồi. Ông bưng mặt khóc nức nở.

Trong buổi liên hoan, ông tâm sự với mọi người: “Tôi yêu đạo này từ năm 16 tuổi, thế mà hôm nay tôi mới được vô”. Mình tò mò. Mình phỏng vấn, ông già chậm rãi kể lể như sau:

“Năm 16 tuổi, tôi cắp sách đến trường xin học lớp ABC. Ông thầy giáo đuổi đi, không cho vào lớp. Tôi đành cắp sách đến nhà thờ Rau Dừa, xin ông cha cho học diệt dốt. Ông cha nhận ngay. Thế là nhờ nhà thờ mà tôi biết chữ, nhờ nhà thờ mà tôi hết dốt.

Lớn lên tôi đi kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thương đạo quá, thèm vô đạo quá mà không có điều kiện. Bây giờ 76 tuổi rồi mới được toại nguyện. Mừng hết biết”.

Thấy ông già mừng quá, mình gạ gẫm:

– Ông Chín biết Chúa và được theo Chúa rồi. Còn biết bao nhiêu người chưa được biết Chúa. Ông Chín kể chuyện Chúa cho người ta nghe nhá.

– Ai biết thì theo. Không biết thì thôi. Tôi không rủ rê ai hết để khỏi bị nói ra nói vô!

Ông Chín theo đạo, mình mừng năm phút. Ông Chín không chịu truyền đạo, mình buồn mười phút.

  1. ĐẠO NÀY KHÓ QUÁ À!

Hôm ấy mình thao thao bất tuyệt về bác ái Kitô giáo. Mình phân tích, mình ví von, mình so sánh… để làm nổi bật tình yêu không biên giới của Kitô giáo.

Ông cha ta dạy: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.

Như vậy, tình yêu bị thu hẹp trong phạm vi gia đình mà thôi. Còn xa giáo lý của Chúa lắm.

Tha thứ, thì chỉ ba lần thôi: “Quá tam ba bận”. Ông Phêrô tưởng rằng tha tới 7 lần là cao thượng lắm rồi, là đáng được Chúa khen rồi. Ai ngờ Chúa chê là quá tầm thường: “Phải tha tới 70 lần 7”. Nghĩa là mãi mãi, là không giới hạn.

Chúa đòi hỏi một tình yêu không biên giới, một sự tha thứ không giới hạn. Thậm chí Ngài còn dạy: “Nếu không cầu nguyện và chúc lành cho kẻ thù, thì không xứng đáng là con của Cha trên trời”.

Mình đang cao hứng giảng, thì một người đàn bà giơ tay xin phát biểu: “Đạo này khó quá à! Tôi không theo nổi đâu. Tôi có đứa con dâu. Nó hỗn quá, tôi không thể tha thứ được. Tôi ghi âm đàng hoàng, dặn dò con cháu không được nhìn mặt nó”.

Nói xong, bà ngúng nguẩy ra khỏi lớp. Mình cụt hứng đứng chết trân tại chỗ. Mình chờ bà trên mười năm rồi, mà vẫn chưa thấy bà trở lại học giáo lý. Buồn ơi là buồn.

  1. CON THẰN LẰN

Sau ba ngày học hỏi và chia sẻ về kinh nghiệm truyền giáo trên miền sông nước, hơn một chục bà phước khăn gói lên đường. Nhiệt khí bừng bừng như rừng cháy. Cặp mắt nào cũng long lanh. Cặp môi nào cũng toe toét.

Một bà phước to con, tròn vo như hột mít, hai tay xách hai túi đồ to như hai con heo nái, đến đứng trước mặt mình đại diện chị em, trịnh trọng đọc lời tuyên thệ:

“Thưa cha, chúng con lên đường truyền giáo. Tù đày chúng con không sợ. Chết chóc chúng con không sợ. Nhưng nếu người ta bỏ con thằn lằn vào cổ áo chúng con, thì chúng con bỏ đạo ngay, chạy về xưng tội với cha”.

Mình đốp chát ngay:

“Sợ thằn lằn là hèn”.

Tất cả các bà phước đều giơ tay trả lời nhịp nhàng, mạnh mẽ và tếu táo:

“Chúng con chấp nhận HÈN”.

Vô lý đến thế! Lì lợm đến thế! Chúa cũng phải thua. Ôi đàn bà! Ôi bà phước!

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

cgvdt.vn