Vùng Núi Đá Sê-Sa-Rê Phi-Líp Và Sông Giô-Đanh

print

CAESAREA

http://duonglinh.cdnvn.com/

Thủ đô La-mã của Giu-đê trong thời của Đấng Christ và Phao-lô, nằm gần Địa Trung Hải, cách Joppa 32 dặm về phía bắc và cách Giê-ru-sa-lem 60 dặm về phía tây bắc. Hê-rốt đại đế khởi công xây dựng thành phố vào 25 TC và hoàn tất vào năm 13 TC. Trong lễ dâng thành phố vào năm 12 TC, Hê-rốt đã đặt tên là Sê-sa-rê để tỏ lòng tôn kính Sê-sa và biến nó thành thủ đô La-mã của Giu-đê. Chẳng bao lâu nơi đây trở thành một hải cảng sầm uất, một trung tâm thương mại lớn, và một trong những thành phố thu hút nhất của thời ấy. Thành phố nầy được xây dựng hoàn hảo và trên cơ sở một kế hoạch tuyệt vời đến nỗi nó thường xuyên được gọi là “tiểu La-mã.” Nhà truyền giáo Phi-líp sống ở đây, sứ đồ Phao-lô đã từng bị cầm tù ở đây trong 2 năm, trong thời gian đó ông ứng hầu trước Phê-lít, Phê-tu và vua Ạc-ríp-ba.

Thành phố đã đứng vững với nhiều vận mệnh khác nhau mãi cho đến năm 1256 SC thì vua Bibars của Ai-cập, theo Hồi giáo đã chiếm lấy thành phố và tàn phá các bức tường và hầu hết các công trình kiến trúc trong đó. Nó tiếp tục bị điêu tàn trong nhiều thế kỷ tiếp sau đó chỉ còn lại đồ sứ bể vụn, những phần của cổng và lâu đài, mảnh vụn của các cột đá hoa và đá granít, chỉ một phần nhô lên khỏi cát và phần kia chìm trong nước biển cạn.

Sở Đồ Cổ của chính phủ Y-sơ-ra-ên đang tiến hành khai quật Sê-sa-rê. Cho đến nay thì các khám phá lớn gồm có một lâu đài thập tự quân rất tráng lệ; hí viện, nhà hát tròn, trường đua xe ngựa, và lề đường của nhà hội – có thể chính là cái nhà hội mà Cọt-nây đã từng tham gia thờ phượng và được Phi-líp, Phi-e-rơ, Phao-lô thăm viếng. Trong hí viện họ tìm thấy một phiến đá có khắc chữ mang danh hiệu của Phi-lát và Ti-bê-ri-út. Đây là lần đầu tiên tên của Phi-lát được tìm thấy trên một dòng chữ khắc trên đá. Người ta cũng tìm thấy một đền thờ lớn dâng cho Sê-sa của La-mã, trong đó có một tượng lớn phi thường của hoàng đế.

Vào năm 1960 Cơ quan The Link Expedition to Israel đã thăm dò và vẽ sơ đồ hải cảng rộng do Hê-rốt đại đế xây dựng. Chỉ có phần đỉnh của những tảng đá làm công phu của đê chắn sóng nhô khỏi mặt nước đó đây, nhưng việc thám hiểm dưới biển đã xác nhận sự miêu tả của Josephus về hải cảng Sê-sa-rê là đồ sộ và rộng lớn.

CAESAREA PHILIPPI

http://duonglinh.cdnvn.com/

Được tọa lạc tại chân núi Hẹt-môn, như một dòng suối lấp lánh, nguồn nước cực đông của sông Giô-đanh trào ra từ một cái hang dưới nền của một vách đá lớn và gặp các nguồn nước khác của những con sông nổi tiếng. Nhờ được cấp nước đầy đủ, nơi này có đủ loại cây cối, dây leo, và bụi cây có trổ bông và là một trong những nơi đẹp nhất của Đất Thánh. Trong thời Cựu Ước tại đây có một cái miếu thờ thần Ba-anh, sau đó người Hy-lạp xây một miếu thờ cho thần Pan, thần thiên nhiên, và đặt tên là Paneas (thành phố của Pan).

Vào năm 20TC, Hê-rốt đại đế xây một đền thờ lớn bằng đá hoa tại đây và dâng cho Augustus Caesar. Khi Hê-rốt băng hà thì thành phố nầy giao cho con trai của ông là Hê-rốt Phi-líp, ông này đã mở rộng và chỉnh trang thành phố ấy rồi đặt tên là Sê-sa-rê Phi-líp, nhằm đẹp lòng Hoàng đế Tiberius Caesar, cũng để phân biệt với các thủ đô và hải cảng khá nổi tiếng khác ven bờ biển của Caesarea.

Đây cũng là nơi với vẻ đẹp thiên nhiên mà Chúa Giê-xu đã dẫn các môn đệ của Ngài đến nghỉ ngơi và cầu nguyện trong khoảng thời gian ngắn, cũng tại đó, sau khi cầu nguyện, Ngài đã hỏi họ: “Các con nói ta là ai?” Si-môn Phi-e-rơ đã đưa ra lời tuyên bố hùng hồn: “Ngài là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống” (Ma-thi-ơ 16:16, Mác 9:18). Vào thời trung cổ (1120 SC) Thập tự quân đã xây một lâu đài tại đây trên sườn núi nhô cao khoảng 350,5m (1150 feet) phía trên suối phun, và đặt tên là Lâu đài của Subeibeh.

Ngày nay, hàng khối đá xây dựng, những mảnh cột gãy, và mái vòm chôn một phần dưới mặt đất được rải rác khắp nơi trong thành phố. Trên mặt của một vách đá thật lớn quanh cái hang là nơi dòng suối chảy qua, ta thấy vài cái hốc và một câu khắc Hy-lạp với ý nghĩa “thần Pan và các nữ thần của Ngài hiện ra ở nơi đây.” Một câu khắc khác thì nói rằgn “Thầy tế lễ của thần Pan.”

Một nơi cất giấu các đồng tiền đã được khám phá. Trên đồng tiền có hình cái khèn của Pan; trên đồng tiền khác ta thấy hình Pan tựa vào cây và thổi sáo; trên đồng tiền thứ ba có hình miệng hang và Pan thổi sáo trong đó; trên đồng tiền thứ tư là tên của thành phố “Caesarea Paneion.”

Từ trên núi nhìn xuống Caesarea Philippi, ta thấy Lâu đài Subeibeh bao bọc bởi những bức tường dày 3,9m (10feet) và cao 34,9m (100feet), được củng cố bởi vô số tháp tròn. Bên trong của pháo đài cổ nầy là một khoảng đất không bằng phẳng với diện tích 16.187-20234m2 (4-5 acres), lác đác đó đây vài căn nhà, bể chứa nước, tường cao và các sân rộng. Lâu đài trở nên cũ kỹ và hư hao theo thời gian cùng mưa gió, nhưng nó vẫn được bảo tồn tốt hơn các lâu đài khác trong vùng.