Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 6 Thường Niên, Năm A
SỰ KIỆN TOÀN LỀ LUẬT
BÀI ĐỌC 1: Hc 15,15-20
Đây là tuyên bố rõ ràng nhất trong tất cả các sách Cựu ước về chủ đề ý chí tự do của con người. Đoạn văn này hầu như giống với lập trường của thuyết Pelagian chính thống (thuyết thần học phủ nhận tội tổ tông, con người được cứu rỗi chỉ do cố gắng của mình). Nó không nhìn nhận cái khuynh hướng phạm tội, là số phận con người đã sa ngã. Con người dường như là một “tabula rasa” (nhân chi sơ, tính bản thiện), hoàn toàn tự do lựa chọn thiện hay ác, và không cần nhờ đến ân sủng nào khác.
Thật ra, bài đọc mà chúng ta công bố từ sách Huấn ca hôm nay là một phần của một cuộc tranh luận rộng lớn hơn về trách nhiệm cá nhân của con người, để nói cho những người chủ trương rằng Thiên Chúa cũng phải chịu trách nhiệm cho hành vi của kẻ gian ác. Trong một môi trường tôn giáo mà Thiên Chúa được coi là tác giả cuối cùng của mọi hành động thì một số người cho rằng Thiên Chúa có liên đới đến sự dữ và đau khổ xảy ra trên trần gian này, do đó làm giảm thiểu niềm tin của con người vào lòng tốt của Thiên Chúa. Sách Huấn ca đáp lại lập trường đó bằng một lời khẳng định rõ ràng về trách nhiệm cá nhân, nhấn mạnh rằng những người chủ trương như vậy phải nghiêm túc tuân giữ huấn lệnh của Chúa. Tác giả nhấn mạnh rằng mỗi người trong chúng ta đều chịu trách nhiệm về những lựa chọn riêng; ông nhắc nhở chúng ta rằng các điều răn của Chúa cung cấp cho chúng ta con đường dẫn đến sự sống đích thực.
Bản văn kết thúc bằng những lời khẳng định về sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa (cc. 18-20). Dù mạnh mẽ quyền năng (c. 18), Thiên Chúa không truyền cho ai phạm tội, cũng không cho phép ai sống thất đức.
ĐÁP CA: Tv 119:1-2, 4-5, 17-18, 33-34
Thánh vịnh 119 là Thánh vịnh dài nhất trong tập Thánh vịnh. Đây là một bài thơ được xây dựng khéo léo theo một hình thức là mỗi chữ cái đầu tạo nên một từ hay nguyên cả một câu, để ca ngợi Lề Luật. Bài thơ gồm 176 câu, mỗi câu trong hai mươi hai phần của tám câu thơ, đều bắt đầu bằng cùng một chữ cái theo thứ tự trong bảng chữ cái tiếng Hípri. Trong suốt bài thơ này nhiều hình thức thi ca đã được sử dụng: chúc lành, than vãn, tin tưởng cậy trông, tạ ơn, thánh thi…Có tám từ loại dùng để biểu thị lề luật: đường lối, luật pháp, huấn lệnh, thánh chỉ, mệnh lệnh, thánh ý, lời chân lí, quyết định. Bài thơ diễn tả đức tin vào lời của Thiên Chúa được ban bố cho con người trong những hoàn cảnh khác nhau, chẳng hạn khi tuổi trẻ non yếu kinh nghiệm (cc. 9-16), lúc đau khổ (cc. 25-32), khi được an vui (cc. 97-104), nhưng hầu hết là trong cuộc sống đời thường. Người đọc thơ là tất cả chúng ta, khi ý thức những giới hạn và sự mỏng giòn của con người, đều ước mong cầu khẩn ơn soi sáng và sự trợ giúp của Chúa.
Bài đáp ca hôm nay được trích từ các mẫu tự thứ nhất (aleph), thứ ba (gimel), và thứ năm (he). Thánh vịnh này phản ánh rõ yếu tố duy luật trong cách hiểu về lòng đạo đức, tuy nhiên chúng ta cũng cần nhớ rằng Lề Luật là tất cả ý Chúa muốn mặc khải cho con người. Đây là một suy niệm đã được nghiền ngẫm về những phúc lành Chúa ban cho những ai hết dạ tìm kiếm luật Chúa, là luật yêu thương và thành tín. Tác giả hay bất cứ ai dành thời giờ chìm đắm cầu nguyện Thánh vịnh này sẽ nhận ra nhiều điều kì diệu của Luật Chúa.
BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 2,6-10
Tuần trước, trong đoạn văn 1 Cr 2,1-5 Phaolô đã chối bỏ sự khôn ngoan thế gian và tuyên bố rằng ngài chỉ giảng về Chúa Kitô chịu đóng đinh. Bây giờ có vẻ như ngài muốn rút lại những gì đã nói chăng? Rốt cuộc ngài không từ chối sự khôn ngoan sao? Tuy nhiên, có một lí do chính đáng để ngài có thể sử dụng nó trong thần học Kitô giáo. Khi nói về vấn đề này, vị tông đồ lấy ngôn ngữ của phái “ngộ giáo” mà người Côrintô sử dụng một cách sai lầm để nói về chính họ: “khôn ngoan”, “trưởng thành”, “nhiệm mầu”, “chiều sâu thẳm của Thiên Chúa”. Ngài lại trích cả một câu không có trong Sách Thánh để lôi cuốn sự chú ý của người Côrintô (1 Cr 2,9).
Tuy nhiên có một sự khác biệt sâu xa giữa việc Phaolô sử dụng những từ này và cách sử dụng của người Côrintô. Người Côrintô muốn nói về sự mặc khải thiêng liêng mà họ tuyên bố đã được khai mở khi họ trở thành Kitô hữu. Họ nghĩ rằng chính khi tiếp nhận mặc khải đó mà họ đã “trưởng thành”. Còn Phaolô lại nói về sự khôn ngoan của Thập giá trong lịch sử cứu độ (1 Cr 2, 8). Mầu nhiệm là ở chỗ: Người bị đóng đinh, chính xác là một tử tội thập hình, lại trở thành Đức Chúa vinh quang, hay nói theo ngôn ngữ của thần học hiện đại: Thập giá là hành động yêu thương cuối cùng của Thiên Chúa dành cho con người.
Người Côrintô thì lại nghĩ khác. Đối với họ, thập giá là một điều bất hạnh trong lịch sử con người, càng ít nói về nó càng tốt. Phaolô nhắc nhở họ, tất cả những gì quan trọng bây giờ là Chúa Kitô sống lại. Người đã mặc lấy Thần Khí và trong tư cách như vậy, Người truyền đạt cho họ sự hiểu biết về mầu nhiệm hoặc sự khôn ngoan đích thực bằng những phương thế thích hợp. Người Côrintô nghĩ rằng họ đã trưởng thành, nhưng thực sự nếu họ không thấu hiểu mầu nhiệm thập giá thì họ vẫn chỉ là những người non nớt và yếu kém.
Còn một điểm nữa cũng cần ghi nhận. Phaolô nói rằng những thủ lãnh của thế gian này đã đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá. Những thủ lãnh này là ai? Là Phongxiô Philatô và Hêrôđê, hay các thế lực ma quỷ? Chắc hẳn đây không phải là câu hỏi để đặt trách nhiệm về ai hay người nào, bởi vì theo suy nghĩ của Phaolô, những thủ lãnh chính trị đã xử tử Chúa Giêsu chính là quyền lực tội ác ở trần gian này. Những quyền lực này đã làm mù mắt những con người đó để họ không nhận ra rằng họ đã đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá. Đương nhiên, họ cho rằng Người chỉ là một kẻ tự nhận là Cứu Thế. Khi phủ nhận Đức Chúa hiển vinh nơi Đấng chịu đóng đinh, người Côrintô đã đặt mình vào vị trí của Phongxiô Philatô và Hêrôđê, để đóng vai trò là những tác nhân của quyền lực tội ác.
TIN MỪNG: Mt 5,17-37
Bài đọc ngắn (5,20-22a, 27-28, 33-34a, 37) giúp chúng ta thấy rõ hơn cấu trúc của bài dài. Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu đã ban hành luật mới của Nước Trời, hay nói đúng hơn, đó là cách giải thích mới về Luật cũ, vốn sẽ có hiệu lực, có giá trị trong vương quốc của Thiên Chúa.
Cách giải thích mới này được minh họa bởi một loạt các phản đề, như người ta có thể gọi. Những phản đề này theo một mô hình phổ biến: Đầu tiên là công thức: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng…”. Công thức này giới thiệu một trích dẫn nguyên văn của một trong những điều răn của Luật cũ. Rồi đến phần diễn giải lại của Chúa Giêsu, được giới thiệu bởi câu nói: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”.
Cả bài đọc ngắn và bài đọc dài đều trình bày ba phản đề đầu tiên. Việc cấm giết người được mở rộng để bao gồm cả sự tức giận; cấm ngoại tình ngay trong cái nhìn dâm đãng; và cấm thề gian bao gồm bất kỳ lời thề thốt nào, vì đơn giản là lời nói có hoặc không đều có giá trị ràng buộc. Bài dài hơn bao gồm những phần minh họa thêm nữa, có việc cấm ngoại tình việc cấm ly hôn. Tiếp tục trong chương 5, không trình bày ở đây, đưa ra thêm hai phản đề nữa, một về việc trả thù và một về tình yêu của kẻ thù.
Sự công chính hơn mà Nước Thiên Chúa đòi hỏi không chỉ bao gồm những hành vi bên ngoài mà còn cả động lực bên trong. Chúa không bãi bỏ Luật cũ nhưng nâng cao và kiện toàn nó bằng cách đòi hỏi người ta dấn thân trọn vẹn con người cho Chúa, với lòng mến yêu và sự tuân phục. Chỉ tuân theo luật lệ bên ngoài thì không thể tạo ra tình yêu. Hãy tưởng tượng một cặp vợ chồng chỉ đơn thuần giữ Mười Điều Răn trong cuộc hôn nhân của họ, nói rằng: “Hôn nhân của chúng tôi thật tuyệt vời. Chúng tôi không ăn cắp của nhau, không nói dối lẫn nhau hoặc lừa dối nhau. Và chúng tôi thậm chí cũng không giết nhau!” Nhưng như vậy có tạo nên một đời sống gia đình lý tưởng không? Dĩ nhiên là không. Thiên Chúa không muốn vợ chồng chỉ đơn giản là tránh làm tổn thương nhau. Ngài muốn họ lớn lên trong tình yêu.
Và đó là những gì Thiên Chúa mong muốn cho tất cả các môn đệ của Ngài. Chắc chắn, chúng ta phải tránh những gì trực tiếp làm tổn thương người khác, chẳng hạn như giết hại nhau, ngoại tình và gian dối. Tuân theo luật luân lí là một đòi hỏi tối thiểu cần thiết. Nhưng để sống như những thành viên của Nước Trời, chúng ta còn cần phải làm nhiều hơn thế. Người môn đệ đích thực cần vun trồng thái độ và khuynh hướng nội tâm để biến đổi con tim và xây dựng tình yêu, như tính kiên trì, hiền hòa, liêm khiết và lòng thương xót mà Chúa Giêsu dạy trong Bài Giảng Trên Núi. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu mời gọi tất cả chúng ta vượt lên trên các đòi hỏi ngoại vi của lề luật và bắt chước tình yêu hoàn hảo của Cha trên trời, Đấng chính là tình yêu (Mt 5,48; 1 Ga 4, 8).
Tình yêu mà Chúa Giêsu mời gọi vượt quá bản tính con người sa ngã của chúng ta. Tuy nhiên ơn sủng mà chúng ta nhận được nhờ đức tin và nơi các bí tích làm cho điều đó có thể trở nên khả thi. Chúa Giêsu quy tụ và hướng chúng ta về một lối sống của Nước Trời. Các vị thánh cho chúng ta thấy có thể sống lời mời gọi ấy ngay trong cuộc sống trần thế này.
—–
LIÊN KẾT VỚI GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH
+ GLHTCG 577-582: Chúa Giêsu và lề luật
+ GLHTCG 1961-1964: Luật cũ
+ GLHTCG 2064-2068: Mười Điều Răn trong truyền thống Hội Thánh
Lm. Giuse Ngô Quang Trung