Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 2 Phục Sinh, Năm A

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 2 Phục Sinh, Năm A

Tuần Bát nhật Phục Sinh là tám ngày, từ Chúa nhật Phục Sinh đến Chúa nhật thứ hai Phục Sinh, theo cách người ta vẫn tính. Hôm nay, Chúa Giêsu Phục Sinh lại hiện đến với các Tông đồ lần thứ hai tại Phòng Trên (Ga 20,26-29). Trong thời gian 8 ngày vừa qua, Giáo hội đã trình bày cho chúng ta những câu chuyện Tin mừng về Chúa Phục Sinh. Hôm nay cũng được gọi là Chúa nhật về lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Đó là một lễ trọng được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khai mạc vào năm 2000 khi ngài phong thánh cho thánh nữ Faustina Kowalska và tuyên bố, Chúa nhật thứ hai Phục Sinh hằng năm là Chúa nhật kính lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Ngày lễ hôm nay mời gọi tất cả chúng ta hãy luôn tín thác vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, qua cảm nghiệm của thánh nữ Faustina Kowalska, người đã nhận được nhiều thị kiến và đã được trò chuyện với Chúa Cứu Thế. Trong ngày lễ này, Chúa Phục Sinh hứa ban nhiều ơn lành cho những ai có lòng sùng kính và tín thác vào Người, và Giáo hội cũng ban ơn toàn xá cho những ai kính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

BÀI ĐỌC 1: Cv 2, 42-47

Một cộng đoàn cầu nguyện, hợp nhất và yêu thương nhau

Các bài đọc 1 trong suốt mùa Phục Sinh năm nay nói về đời sống cộng đoàn đầu tiên, gồm một số những người theo Chúa Giêsu. Họ chưa được đặt tên là Kitô hữu tại Giêrusalem. Thỉnh thoảng Luca, tác giả của thiên sử sớm nhất về công trình truyền bá sứ điệp Kitô giáo, vẫn được gọi là sách Công vụ Tông đồ, đưa ra một bản tóm tắt về đời sống của tập thể những người tin theo Chúa Kitô. Bài đọc này là đoạn đầu tiên trong số những bản tóm tắt này, được đặt ngay sau khi Giáo hội ra đời vào ngày lễ Ngũ Tuần. Đó là một bức tranh về sự hài hòa, lòng quảng đại và sự tận tâm đối với nhau, được thể hiện qua lời ngợi khen và tạ ơn Chúa. Luca muốn trình bày cho chúng ta thấy những phẩm chất của một cộng đoàn tín hữu đã được Chua Thánh Thần tác động. Qua đó, tác giả cũng đưa ra cho chúng ta một lý tưởng để nỗ lực phấn đấu trong việc xây dựng đời sống chung. Đó là một cộng đoàn mà bất cứ ai cũng muốn thuộc về, một cộng đoàn trong đó tình yêu được đặt ưu tiên, nơi mỗi thành viên luôn biết quan tâm đến nhu cầu của người khác. Không có gì đáng ngạc nhiên khi số lượng thành viên liên tục gia tăng. Cộng đoàn này xây dựng đời sống trên những trụ cột vững chắc: cầu nguyện, có hai hình thức: trong Đền Thờ và cử hành Thánh Thể, việc thực hành bác ái và chia sẻ niềm vui. Có lẽ, cũng như trong bất kỳ một tập thể con người nào mà chúng ta đã sống đã trải qua, chắc chắn đã có những căng thẳng bên dưới bề mặt của nó, nhưng sự ấm áp của tình người, niềm tin vững mạnh vào Chúa đã vượt qua tất cả và những vấn đề khó khăn trong các mối liên hệ cộng đoàn đều được giải quyết một cách tốt đẹp.

ĐÁP CA: Tv 118:3-4, 13-15, 22-24

Lòng thương xót Chúa tồn tại muôn đời

Đáp ca tuần này cũng giống Chúa nhật Phục Sinh. Chúng ta cử hành Thánh vịnh này trong Phụng vụ Tuần Thánh, Chúa nhật Phục sinh và các Tuần lễ Phục sinh vì Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta, hoàn tất Thánh vịnh này.

Thánh vịnh 118 là một thánh ca tạ ơn long trọng, cũng là Thánh vịnh cuối cùng trong bộ Hallel (Tv 113-118), được hát trong cộng đoàn phụng vụ tại Đền Thờ Giêrusalem kéo dài tám ngày của Lễ Vượt Qua và Bánh Không Men. Khi Chúa Giêsu tiến vào thành thánh Giêrusalem trong dịp Lễ Lá dân chúng cũng dùng Tv 118,25-26 để tung hô, vạn tuế Người (Mt 21,9; Mc 11,9-10; Lc 19,38; Ga 12,13).

Thánh vịnh 118 bắt đầu bằng lời mời gọi tạ ơn tình yêu thương bền vững của Chúa, là giao ước Chúa dành cho dân Ngài (cc. 1-2). Các câu 16-17 nói về “cánh tay hữu của Chúa”, “cánh tay đã được nâng lên cao”, mà chúng ta hiểu là nói về Chúa Giêsu Kitô, Đấng Phục sinh, Đấng đã ban cho chúng ta sự sống mới và chiến thắng cái chết. Chúa Giêsu là “hòn đá mà những người thợ xây loại bỏ”: giới chức tôn giáo của Giao ước cũ đã “khước từ” Người để rồi Người trở nên “viên đá tảng” trong đức tin của chúng ta (c. 22).

Chúa Giêsu đã trích dẫn Thánh vịnh 118, 22-23 khi Người giảng dạy trong Đền thờ vào ngày thứ Hai cuối cùng của Người tại Giêrusalem. Chúa đã áp dụng câu Thánh vịnh này cho chính Người trong Mt 21,42. Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, thánh Phêrô đã làm chứng tại phiên tòa xét xử mình trước cùng một tòa án đã kết án tử hình Chúa Giêsu là Thượng Hội Đồng, rằng Chúa Giêsu Kitô là “tảng đá”, và giới chức tôn giáo chính là “những người thợ xây” đã loại bỏ Người. Lúc đó, ông đã dùng Thánh vịnh 118, 22 cho Chúa Kitô (Cv 4,11). Ông sẽ trích dẫn Thánh vịnh 118, 22 một lần nữa, khẳng định Chúa Giêsu là “đá tảng” trong 1 Pr 2, 7. Thánh Phaolô cũng viết rằng Chúa Giêsu là “hòn đá tảng” trong thư Rôma 9,33 bằng cách đề cập đến một lời tiên tri liên quan trong Isaia 28,16b. Và trong thư Êphêsô 2,19-20, Phaolô viết rằng “Kitô hữu là người nhà của gia đình Thiên Chúa … được xây dựng trên nền tảng của các Tông đồ và tiên tri, mà chính Chúa Giêsu là viên đá tảng.” Cuối cùng, Chúa Giêsu đã ứng nghiệm lời Thánh vịnh 118,23 qua các công việc của Người, “công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” (c. 23) bởi vì Người đã ban cho chúng ta hồng ân cứu chuộc muôn đời.

BÀI ĐỌC 2: 1 Pr 1,3-9

Niềm hi vọng sống động

Trong suốt các Chúa nhật Phục Sinh năm nay, chúng ta sẽ đọc Thư thứ nhất của thánh Phêrô. Cho dù bức thư này có thực sự được viết ra bởi một ngư dân, một nhà lãnh đạo nhiệt tình và nóng nảy của nhóm Mười Hai, hay chỉ được gán mác tác giả cho ngài, thì vấn đề này vẫn còn được các học giả nghiên cứu thảo luận. Sự khác biệt này chẳng còn quan trọng mấy khi người ta nhận thấy sứ điệp tích cực của bức thư, đó là sự lạc quan, tình yêu, sự tin tưởng và niềm vui của những nhóm Kitô hữu mà người ta có thể gọi là “một phong trào mới” thể hiện qua một đời sống cụ thể, để đạt được sự kế thừa gia sản đã được Thiên Chúa hứa. Phêrô viết cho những người được “Thiên Chúa kén chọn” qua phép Thánh Tẩy. Theo truyền thống, Đêm Vọng Phục Sinh là thời gian cử hành phép Thánh Tẩy để đón nhận những tân tòng, và vì vậy những con người mới đã được sinh ra trong Giáo hội. Ngay cả khi chúng ta đã được rửa tội từ lâu, chúng ta vẫn có thể đón nhận đêm trọng đại này để làm mới lại hồng ân Chúa đã ban cho chúng ta qua bí tích này. Sự sinh thành mới vào Chúa Kitô mang theo lời hứa về một gia tài. Giống như một gia tài trần thế có thể thay đổi toàn bộ hoàn cảnh và cách sống một người, thậm chí thay đổi con người chúng ta hoàn toàn, thì khi bước vào đời sống của Chúa Kitô chúng ta cũng như vậy. Tất nhiên, hồng ân này cũng mang theo những trách nhiệm và nghĩa vụ, mà bài đọc nói đến như việc người ta thử vàng trong lửa. Chúng ta biết rằng, con người chúng ta vẫn còn rất nhiều điều thiếu sót, những cặn bẩn cần phải thanh lọc trước khi chúng ta có thể tin tưởng đứng trước mặt Chúa và đón nhận quyền thừa kế là con của Ngài.

TIN MỪNG: Ga 20,19-31

 Bình an của Chúa Phục Sinh

Đoạn Tin mừng Gioan hôm nay có một ý nghĩa quan trọng bởi vì nó đưa sách Tin Mừng này đi vào điểm kết thúc. Trình thuật về bữa ăn sáng giữa Chúa Phục Sinh với các môn đệ trên bờ hồ Tibêria là phần phụ lục. Sứ điệp chính của Tin mừng Gioan kết thúc bằng việc ông Tôma thốt ra lời tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Với những lời này, Tin Mừng kết thúc cũng như khi nó bắt đầu. Có hai lời tuyên bố duy nhất không thể sai trệch trong Tân Ước về thần tính của Đức Giêsu: “Ngôi Lời là Thiên Chúa”, và “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Hai lời tuyên xưng đó đóng khung sách Tin Mừng, cho thấy mục đích và ý nghĩa bao quát của sứ điệp Gioan muốn truyền đạt: chứng thực rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa. Sách Tin mừng này bổ sung cho ba sách Tin mừng khác: Nhất lãm trình bày về một Đức Giêsu là con người cũng là Thiên Chúa; trong khi Tin mừng Gioan lại cho thấy Đức Giêsu, một vị Thiên Chúa cũng là con người. Là Thiên Chúa, Chúa Phục Sinh đã thổi hơi trên các môn đệ để ban Thánh Thần và trao cho Giáo hội quyền được tha thứ. Ơn tha thứ thuộc về một mình Thiên Chúa, nhưng từ nay được ban cho Giáo hội, nhờ sự hòa giải mà Người thực hiện trên thánh giá (Cl 1,20). Đó không chỉ đơn giản là sự tha thứ để quên đi một quá khứ lầm lỗi, mà là sự tha thứ giúp người ta thấu cảm về một tổn thương chính mình đã gây ra, để rồi tạo ra một chuyển biến mới trong cuộc đời. Giống như một khúc xương bị gãy có thể lành lại và sau đó vững mạnh hơn trước thì ơn tha thứ cũng có thể tạo ra một mối liên kết thực sự của tình yêu ở cả hai phía: một kênh lưu chuyển những tâm tình sâu thẳm giữa Đấng tha thứ và người đón nhận ơn tha thứ.

===

            LIÊN KẾT VỚI GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

            +  GLHTCG 448, 641-646: Những cuộc hiện ra của Chúa Phục Sinh

            + GLHTCG 1084-1089: Sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong phụng vụ

            + GLHTCG 2177-2178, 1342: Thánh lễ ngày Chúa Nhật

            + GLHTCG 654-655, 1988: Đời sống mới trong Chúa Kitô Phục Sinh

            + GLHTCG (26-984, 1441-1442: “Tôi tin phép tha tội”

            + GLHTCG 949-953, 1329, 1342, 2624, 2790: Hiệp thông các của cải thiêng liêng

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

print