Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 30 Thường Niên, Năm A

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 30 Thường Niên, Năm A

Chủ đề trọng tâm của các bài đọc Chúa nhật hôm nay là điều răn trọng nhất trong Kinh Thánh, đó là đáp lại tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta bằng cách yêu mến Ngài, và sau đó thể hiện tình yêu này qua việc yêu thương những người thân cận của chúng ta. Tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa được kiểm chứng và thực hành qua cách chúng ta yêu người thân cận.

 

BÀI ĐỌC 1: Xh 22,21-27

Đối xử công bằng với người nghèo

Đây là những luật lệ rất…“nguyên thủy” của Cựu Ước, là trọng tâm của bộ luật đầu tiên được đặt ra cho dân Israel trong sa mạc thời Xuất hành, trước khi dân Israel đến được Đất Thánh. “Nguyên thủy”? Liệu xã hội hiện đại của chúng ta có sánh kịp với các khoản luật ấy cũng như những giá trị mà nó thể hiện? Nguyên tắc là giúp đỡ tất cả những ai cần giúp đỡ, kể cả người nước ngoài, góa phụ và trẻ mồ côi – giống như Thiên Chúa đã giúp người Do Thái khi họ còn là nô lệ ở Ai Cập. Đàn ông và phụ nữ, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, là đại diện của Thiên Chúa trên mặt đất, và họ phải tiếp tục công việc chăm sóc và chữa lành của Thiên Chúa. Bất cứ ai gặp khó khăn sẽ không bị làm nhục, nhưng phải được đối xử đầy đủ phẩm giá con người, được sống hiên ngang trước hàng xóm của mình. Chủ nợ không được vào nhà con nợ để làm phiền anh ta; người lao động phải được trả tiền đúng giờ để có bữa tối; người vô gia cư phải được chuộc lại áo choàng của mình trước khi đêm xuống; những người dễ bị tổn thương không bị khai thác. Chúa Giêsu sẽ nói điều này, “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”, nhưng ở đây, Người chỉ trích dẫn Cựu Ước thôi (Lv 19,18).

 

ĐÁP CA: Tv 18

Vua tạ ơn Đức Chúa

Thánh vịnh 18, được sao chép trong 2 Samuen 22,1-51 là lời tạ ơn của nhà vua về một chiến thắng quân sự. Nhà vua, trong cơn đau khổ tột cùng, ông cầu nguyện trong đền thờ (cc. 5-7), không tin cậy vào những đặc ân của mình với tư cách là vua mà tin tưởng vào lòng trung thành với Thiên Chúa (cc. 21-25) và tư cách thành viên của ông trong đoàn dân Chúa (c. 28).

Lời tạ ơn chủ yếu là trình bày về việc giải thoát kì diệu. Việc giải cứu và thiết lập ngai vua được kể lại hai lần, một lần bằng ngôn ngữ thần thoại (cc. 5-20) như được dùng trong các trình thuật của các Tv 77, 14-21 và 89,10-28, và sau đó bằng ngôn ngữ lịch sử (cc. 36-46). Đề cương như sau: (I) phần giới thiệu thánh ca, cc. 2-4; trình bày, cc. 5-20; kết luận về lý do tại sao Chúa thực hiện cuộc giải cứu, cc. 21-25; (II) phần giới thiệu thánh ca (ở ngôi thứ hai), vv. 26-35; báo cáo, cc. 36-46; công bố về vinh hiển của Đức Chúa cho các dân nước, cc. 47-51.

Vua đại diện cho Israel, đặc biệt là cho các quốc gia (cc. 44-46, 48, 50); chiến thắng của ông tỏ cho các nước thấy quyền năng của Thiên Chúa, Đấng bảo trợ của ông. Sự di chuyển của nhà vua từ sự sỉ nhục và đau khổ (cc. 5-7, 19) đến sự tôn cao trên các nước (cc. 44-46) làm cho ông trở thành nhân chứng sống động cho lòng trung thành của Chúa đối với những lời đã hứa với Đavít, và việc thi thố quyền năng của Chúa.

 

BÀI ĐỌC 2: 1 Tx 1,5-10

Đối diện với vinh quang Thiên Chúa

Vào mỗi Thánh lễ sau khi truyền phép, chúng ta tự nhắc nhở mình, “Chúa Kitô sẽ lại đến”, và những người Thêsalônica mà Phaolô đang viết thư đã đặc biệt quan tâm về “Ngày tái lâm” này khi họ chờ đợi Chúa Giêsu từ trời ngự đến. Phaolô đã dạy họ rằng Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết, rằng sự chết không còn nữa, và họ hiểu nhầm điều này có nghĩa là Kitô hữu sẽ không phải chết về thể xác. Phaolô sẽ giải đáp khó khăn này ở phần sau trong thư. Chúng ta không biết lần “Tái lâm” này của Chúa Kitô sẽ như thế nào, nhưng đối với Kitô hữu, lịch sử có một mục đích và một hướng đi. Chúng ta biết rằng mỗi người trong chúng ta sẽ phải đối diện với Chúa Kitô để chịu phán xét riêng khi chúng ta chết. Sẽ không có vấn đề gì về việc Chúa Kitô sẽ đưa ra những hình phạt thích đáng cho tôi. “Không một con người nào có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà có thể sống.” Đối diện với Thiên Chúa trong sự tinh sạch tuyệt vời của vinh quang rạng ngời, tôi biết rằng tôi sẽ tràn đầy khao khát và tình yêu, nhưng cũng biết rằng tôi không thích hợp để bước vào tình yêu tinh trong và tràn ngập của Thiên Chúa. Chỉ khi những cặn bẩn trong tôi được tẩy sạch, tôi mới đủ sức để đi vào vòng tay của Chúa Kitô.

 

TIN MỪNG: Mt 22,34-40

Điều răn trọng nhất

Chúa Giêsu với hình ảnh khả tín một lần nữa lại bị tấn công. Người vừa thành công trong việc làm câm lặng những người Sađốc, nhóm tư tế và quý tộc có thiện cảm với sự chiếm đóng của La Mã. Giờ đây, những người Pharisêu, một nhóm người có ảnh hưởng đáng kể trong dân chúng vì sự hiểu biết và lòng đạo đức của họ, đã bày mưu tính kế để thử Chúa Giêsu. Một trong số họ, luật sĩ hoặc chuyên gia về Luật, yêu cầu Chúa Giêsu xác định điều răn quan trọng nhất. Câu hỏi này là một vấn đề được các giáo sĩ Do Thái quan tâm đáng kể vào thời điểm đó, và vấn đề này dường như chưa có nhiều sự đồng tình. Trong khi cuộc thảo luận trong giới các kinh sư có lẽ được tiếp tục với mục đích làm sáng tỏ, thì trong bối cảnh thù địch bây giờ, câu hỏi được đặt ra để đặt Chúa Giêsu vào thử thách (peiráo).

Cho đến thời điểm này trong lịch sử, Luật bao gồm 613 điều răn, 365 điều cấm (một điều cho mỗi ngày trong năm), và 268 quy định (một cho mỗi cái xương trong cơ thể). Mặc dù tất cả luật pháp được coi là ràng buộc vì chúng đã được Thiên Chúa giao cho ông Môsê, nhưng một số luật được coi là quan trọng  hoặc rất quan trọng, và những luật khác được coi là ít quan trọng hơn. Có lẽ một nhà thông luật, người có chuyên môn phụ trách việc giải thích Lề Luật, sẽ hiểu điều này hơn Chúa Giêsu, người không phải là luật sĩ. Mặc dù thực tế đây là một câu hỏi còn gây tranh cãi, tuy nhiên bất cứ ưu tiên nào mà Chúa Giêsu phát biểu rất có thể sẽ bị một số người thách thức. Nếu có vẻ như Người muốn bãi bỏ một phần của Luật, Người có thể mất địa vị của mình trong cộng đồng với tư cách là một tôn sư.

Câu trả lời của Chúa Giêsu vẫn là trung thành với niềm tin Do Thái của mình. Người không chỉ ra bất kỳ quy chế cụ thể nào mà là tán thành các huấn lệnh của kinh Shema, lời cầu nguyện quan trọng nhất của Israel (x. Đnl 6,5). Đối với mệnh lệnh yêu mến Đức Chúa hết lòng và hết linh hồn, Chúa Giêsu thêm vào “hết trí khôn”, có lẽ nhằm mục đích nhấn mạnh sự gắn bó hoàn toàn của một con người. Đây là cách Người nói tình yêu mến Đức Chúa phải chiếm trọn con người chứ không chỉ là một lòng trung thành hời hợt.

Chúa Giêsu được yêu cầu xác định một điều răn, nhưng Người đưa ra hai điều răn. Điều thứ hai, được cho là giống như thứ nhất chứ không phải thứ hai về tầm quan trọng, là một trích dẫn từ sách Lêvi (19,18). Hai lần Chúa Giêsu đã tìm đến Luật sách thánh để trả lời câu hỏi đặt ra cho Người. Bằng cách tập hợp những lời khuyên này lại với nhau như cách Người làm, Chúa Giêsu cho thấy rằng, mặc dù không đồng nhất với nhau, nhưng chúng có mối quan hệ với nhau. Đặt câu trả lời của mình trong nội dung của lời kinh Shema, Người tuyên bố rằng không có Chúa nào khác ngoài Chúa này, là chủ đề bao quát trong câu trả lời của Người. Từ lời tuyên bố này, chúng ta có trách nhiệm yêu mến Thiên Chúa bằng cả con người và yêu người thân cận như chính mình.

Với lời tuyên bố cuối cùng của mình, Chúa Giêsu chứng tỏ rằng việc đưa ra một điều răn kép không phải là thay thế các điều răn khác. Người không đánh giá giữa các yêu cầu “trọng” và “ít quan trọng hơn”. Thay vào đó, Người khẳng định rằng toàn bộ truyền thống tôn giáo, được xác định là Lề Luật và các Ngôn Sứ, đều phụ thuộc vào giới răn yêu thương này. Nói cách khác, không có sự kiện toàn Lề Luật nếu không bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa và yêu mến tha nhân.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG  2052-2074: Mười điều răn được giải thích thành hai, theo lòng mến

+  GLHTCG  2061-2063: Đời sống luân lí là lời đáp cho khởi xướng đầy yêu thương của Chúa.

Lm. Giuse Ngô Quang Trung