Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 32 Thường Niên, Năm A

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 32 Thường Niên, Năm A

Một bước rẽ đáng kể diễn ra hôm nay trong dòng suy tư của chúng ta về triều đại Thiên Chúa. Trong những Chúa nhật vừa qua, chúng ta đã tìm hiểu về mầu nhiệm Nước Trời được diễn tả như một bữa tiệc, một vườn nho và một cộng đoàn dấn thân thực hiện công lý. Hôm nay, chúng ta hướng nhìn về sự kết thúc của thời gian và suy niệm về mục tiêu tối hậu của Nước Trời.

 

BÀI ĐỌC 1: Kn 6,12-16

Truy tìm Đức Khôn Ngoan

Trong Kinh Thánh, sự khôn ngoan không phải là kiến thức, chẳng hạn như kiến thức khoa học hoặc triết học có được do nghiên cứu và học hỏi, hoặc thậm chí là sự phán đoán đúng đắn có được nhờ kinh nghiệm và sự trưởng thành. Nó là sự phản chiếu của Đức Khôn ngoan của chính Thiên Chúa, Đức Khôn ngoan mà Thiên Chúa sáng tạo thế giới và hướng dẫn loài người. Do đó, Đức Khôn ngoan thuộc về Thiên Chúa, là sự phản chiếu hay hình ảnh của Thiên Chúa, là “sự phản chiếu của ánh sáng vĩnh cửu và hình ảnh của quyền năng của Ngài”. Mọi sự được tạo ra đều tốt theo mức độ nó thể hiện Đức Khôn ngoan của Thiên Chúa. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu được xem là hiện thân của Đức Khôn ngoan của chính Thiên Chúa cũng như sự nhập thể của “Ngôi Lời” của Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu vừa là con đầu lòng vừa là đỉnh cao của công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Trong tiếng Hy Lạp, khôn ngoan là một danh từ giống cái, do đó Đức Khôn ngoan của Thiên Chúa thường được biểu thị bằng một nhân vật nữ, một bà chủ mời đến bữa tiệc của mình tất cả những ai mong muốn Đức Khôn ngoan đích thực. Chúng ta cần tìm kiếm Đức Khôn ngoan này. Nó chỉ có thể được ban cho bởi Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa mong muốn chia sẻ sự khôn ngoan của Ngài cho những ai thực sự tìm kiếm nó. Bài đọc này được chọn ở đây để kết hợp với bài Tin Mừng, qua thái độ giữ tỉnh thức để tìm kiếm bữa tiệc của Đức Khôn ngoan.

ĐÁP CA: Tv 63

Tâm hồn khao khát Chúa

Giống như Thánh vịnh 61, thánh vịnh này cũng có các yếu tố của một lời than thở (cc. 3-4 và 10-11), một lời tạ ơn (câu 4-6), và một bài ca tin tưởng (cc. 7-9). Tình cảnh của người viết Thánh vịnh giải thích sự đặt cạnh nhau bất thường của nhiều thể loại khác nhau: người viết Thánh vịnh, bị bao vây bởi những kẻ dối trá và kẻ thù (cc. 10, 12b), ông tìm kiếm Thiên Chúa (c. 2) trong đền thờ như một nơi trú ẩn cho sự nguy nan (cc. 3 và 8). Thậm chí, ông có thể qua đêm trong cung thánh (cc. 7-8), với ý định khơi gợi một  giấc mơ về sự yên tâm. Và rồi, kẻ đang phải đối diện với nguy hiểm đi đến nơi có sự hiện diện thiêng liêng của Thiên Chúa, đền thờ, mà dưới quyền năng bảo vệ của Ngài, ông có thể được an toàn. Cũng trong nơi đền thánh ông có thể cầu nguyện cho công lý sẽ xét xử kẻ ác.

Là Kitô hữu, lòng khao khát của chúng ta được Chúa Kitô làm thỏa mãn, Đấng không chỉ nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời Chúa, mà còn bằng Thịt và Máu Người trong Bí tích Thánh Thể (x. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, buổi tiếp kiến chung ngày 25 thánh Tư, năm 2001).

Tác giả hướng về Đền Thánh là nơi ông có thể tìm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Còn chúng ta gặp gỡ Chúa một cách thân mật trong Thánh Lễ, đặc biệt khi rước lễ, và trong Thánh Thể được lưu giữ trong nhà tạm. Chúng ta được gặp Chúa trọn vẹn, mặt đối mặt trên Thiên Đàng (x. GLHTCG 1088, 1621).

BÀI ĐỌC 2: 1 Tx 4,13-18

Tiếng kèn cuối cùng

Những Kitô hữu đầu tiên không nắm rõ nhiều điều trong đức tin của họ. Người Thêsalônica rõ ràng băn khoăn về số phận của những Kitô hữu đã chết. Không phải Phaolô đã dạy họ rằng Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết sao? Cuộc nói chuyện này đề cập đến sự tái lâm cuối cùng sắp xảy ra của Chúa Kitô để đưa lịch sử kết thúc là gì? Nó sắp xảy ra chưa? Phaolô đưa ra câu trả lời bằng một hình ảnh quen thuộc: cuộc rước khải hoàn của người La Mã. Sau một chiến thắng quan trọng trong trận chiến, một vị tướng La Mã có thể được vinh danh là “người chiến thắng”, diễu hành qua các đường phố của La Mã với đội quân chiến thắng của mình giữa đám đông reo hò cổ vũ, giống như một đội bóng thành công hoặc một đoàn quân địa phương vinh quang trở về nhà. Không cần phải lo lắng về những người bạn và những người thân cận theo Kitô giáo đã qua đời, vì họ sẽ hiện diện với Chúa Kitô trong cuộc rước khải hoàn của Người, và những người còn lại trong chúng ta sẽ nhập đoàn với Người trên đường. Dĩ nhiên tất cả những điều này chỉ là hình ảnh mô phỏng. Cả Phaolô và bất kỳ ai khác đều không biết khi nào nó sẽ xảy ra. Nhưng ngài truyền dạy với sự xác quyết chắc chắn rằng điều đó sẽ đến. Thời gian không quan trọng lắm. Chúng ta đừng ngại chờ đợi một chút, miễn là chúng ta có thể chắc chắn rằng tất cả chúng ta sẽ được đoàn tụ trong niềm hân hoan với Chúa Kitô Đấng chiến thắng sự chết.

 TIN MỪNG: Mt 25,1-13

Mười cô gái dự tiệc cưới

Dụ ngôn về mười trinh nữ được kể dựa trên nền tảng phong tục đám cưới của người Palestine. Trong nền văn hóa đó, một cuộc hôn nhân diễn ra theo nhiều giai đoạn khác nhau. Nó bắt đầu với lời hứa hôn (x. Mt 1,18). Vào thời điểm đó, cặp đôi đã chính thức kết hôn về mặt pháp lí, nhưng họ vẫn sống tách biệt nhau. Sau khi mọi chuyện tài chính giữa hai bên gia đình được thỏa thuận, chàng rể tiến hành lễ rước dâu về nhà mình. Sau đó, bữa tiệc mới bắt đầu. Hình ảnh các trinh nữ trong câu chuyện dụ ngôn là một phần của lễ rước dâu, họ chờ đợi sự xuất hiện của chàng rể. Không đề cập đến cô dâu, không phải vì người phụ nữ thiếu quan trọng mà vì điểm mấu chốt của dụ ngôn là thái độ chuẩn bị sẵn sàng của các trinh nữ để đón chàng rể đến. Cần lưu ý rằng vai trò của phụ nữ trong nghi thức rước dâu là cần thiết để so sánh ở đây.

Một số đặc điểm của dụ ngôn có ghi dấu đặc tính cách cánh chung khá rõ. Rõ ràng nhất là chính bữa tiệc. Theo truyền thống của Israel cổ xưa, bữa tiệc được dùng như một biểu tượng của thời gian viên mãn về cánh chung (x. Is 25,6), và chính Chúa Giêsu đã dùng phép ẩn dụ về tiệc cưới để dạy các bài học về thời kỳ cuối cùng (x. Mt 22, 1-12, Chúa nhật thứ hai mươi tám). Đặc điểm cánh chung thứ hai là ý tưởng chờ đợi trong bóng tối cho một sự kiện xảy đến mà không biết chính xác khi nào nó xảy ra. Cuối cùng, đó là một sự tách biệt chung cuộc không thể thay đổi được. Chúa Giêsu có thể đang dùng một câu chuyện dụ ngôn mô tả những hình ảnh xoay quanh một đám cưới, nhưng để dạy một bài học về thời kỳ cuối cùng.

Không có sự khác biệt về hoàn cảnh của các trinh nữ. Tất cả đều mang theo đuốc, và tất cả đều chìm vào giấc ngủ khi màn đêm buông xuống. Sự khác biệt là ở sự chuẩn bị của họ. Một nửa trong số họ đã dự phòng cho việc chàng rể có thể trì hoãn, nửa còn lại thì không. Họ phải có trách nhiệm sẵn sàng bất cứ lúc nào. Sự canh thức của họ được quyết định bởi sự chuẩn bị sẵn sàng, không phải bởi khả năng tỉnh táo của họ. Tất cả đều chìm vào giấc ngủ, và không ai bị khiển trách vì đã làm như vậy. Đây không phải là câu chuyện dụ ngôn về lòng quảng đại, vì vậy những trinh nữ được coi là khôn ngoan không nên bị chỉ trích vì từ chối chia sẻ dầu của họ với những người không có tầm nhìn xa. Khía cạnh đặc biệt này gợi ý rằng những gì cần thiết để vào dự tiệc không thể vay mượn nơi người khác hoặc do người khác trao tặng. Nó phải được chuẩn bị bởi chính mình.

Số phận của những trinh nữ đến sau khi cánh cửa đã khóa chặt khá khắc nghiệt. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng, đây là một câu chuyện về thực tại cánh chung, dụ ngôn này thuật lại sự chuyển tiếp từ thời hiện tại đến thời đại hoàn thành. Có người có thể vượt qua ngưỡng đó, và có người thì không. Việc vượt qua là quyết định. Các trinh nữ bị bỏ lại không phải do ngẫu nhiên mà do sự lơ là, chểnh mảng của chính họ.

Ở cuối đoạn văn, Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn và quay sang khán giả của Người. Lời khuyên của Người  rất đơn giản nhưng mạnh mẽ: Hãy tỉnh thức (gregoréo)! Anh em không biết khi nào giờ phút kết thúc sẽ đến!

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG  671-672: Chúng ta mong đợi …cho tới khi mọi sự quy phục Người

+  GLHTCG  988- 991: Người công chính sẽ sống mãi với Chúa Kitô phục sinh

+  GLHTCG  1036, 2612: Canh thức chờ Chúa đến

Lm. Giuse Ngô Quang Trung