Giáo Huấn 22: Con Người Và Xã Hội

print

Giáo Huấn 22: Con Người Và Xã Hội

H. Vì sao con người có tính xã hội ?

T. Con người có tính xã hội vì được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, Đấng là Ba Ngôi hiệp thông và chia sẻ với nhau. Vì thế con người phải sống liên đới với mọi người trong xã hội, gặp gỡ, đối thoại và phục vụ lẫn nhau.

Lời Chúa trong sách Sáng thế: “Chúa phán với Ca-in: A-ben, em ngươi đâu rồi? Ca-in thưa: Con không biết. Con là người giữ em con hay sao? Chúa phán: Ngươi đã làm gì vậy ? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta !”[i].

Lời Chúa cho thấy: chính Thiên Chúa muốn con người sống liên đới với nhau theo hình ảnh hiệp nhất như Ba Ngôi Thiên Chúa, bằng việc phục vụ, trao đổi, đối thoại với nhau trong xã hội.

Có những hình thức xã hội thích hợp với bản tính xã hội của con người là gia đình, nhà nước, những hiệp hội, những tổ chức kinh tế, văn hóa, giải trí, thể thao, nghề nghiệp…mỗi người chúng ta  được khuyến khích tham gia vào những hình thức xã hội này, vì sẽ giúp chúng ta biết hợp tác, gặp gỡ, đối thoại và phục vụ lẫn nhau để đạt được những thành quả tốt, mà cá nhân không thể đạt được (vd. có được những vật dụng, máy móc để sử dụng), sẽ giúp mỗi người phát triển các đức tính (vd. Luyện óc sáng kiến, tinh thần trách nhiệm), sẽ giúp bảo đảm những quyền lợi chính đáng của con người (vd. được hưởng những niềm vui, no ấm…).

Để xã hội có thể thực sự giúp con người phát triển toàn diện, phải tôn trọng bậc thang đúng đắn của các giá trị: đó là phải coi trọng những giá trị tinh thần, nội tâm, thiêng liêng (vd. kiến thức, chân lý, tôn giáo, văn hóa…), hơn là những giá trị vật chất (vd. của cải). Không được biến con người thành phương tiện để đạt cho được một ý đồ nào đó (vd. khủng bố, bắt con tin), trái lại, phẩm giá, hạnh phúc đích thật của con người phải luôn được coi là mục đích mà xã hội phải phục vụ.

[i] Sáng thế 4, 9-10.