Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 21 Thường Niên, Năm B

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 21 Thường Niên, Năm B

Chủ đề chính của các bài đọc hôm nay đó là đời sống Kitô hữu của chúng ta là một chuỗi các lựa chọn hàng ngày. Qua mỗi chọn lựa này chúng ta xác định đứng về phía Chúa hay chống lại Ngài; là đón nhận Thần Khí và sự sống hay ở lì trong tồn tại của thân xác. Mỗi lựa chọn căn bản này xác định cách thế chúng ta sống, và quyết định phục vụ ai.

 

BÀI ĐỌC 1: Gs 24,1-2, 15-18

Làm mới lại Giao ước tại Sikhem

Chương cuối cùng của sách Giôsuê cho thấy dân Israel đã định cư trong “miền đất tràn đầy sữa và mật”, sau khi kết thúc cuộc hành trình gian khổ của cuộc Xuất hành. Ông Môisen hẳn đã khuất núi và người lãnh đạo mới, Giôsuê có thể coi là đương nhiên. Tại Sikhem, họ tổ chức một cuộc họp toàn thể tất cả các chi tộc, và lặp lại giao ước cùng với lời hứa trung thành phụng sự Chúa. Bầu khí của đại hội rất là nghiêm trang, bởi vì họ “đứng trước nhan Thiên Chúa”, được hiểu là đứng trước hòm bia. Việc làm mới lại giao ước là cần thiết vì trong quá trình lang thang trên sa mạc, nhiều người có mặt tại giao ước ban đầu đã chết, thế hệ mới được sinh ra không được tham dự biến cố này. Ông Giôsuê đưa ra cho dân ba chọn lựa: trước hết họ có thể phụng sự những vị thần quá khứ của cha ông để duy trì căn tính cố hữu của mình. Thứ hai, họ có thể chọn thờ các thần của các dân đang sống trên đất mà họ mới vào ở, để hi vọng nhận những phúc lành của các thần này. Thứ ba, họ có thể chọn thờ Đức Chúa, Đấng không ràng buộc với văn hóa quá khứ cũng như không lệ thuộc đòi hỏi địa dư. Họ phải quyết định. Ông Giôsuê và toàn dân đồng thanh chọn phụng thờ Chúa. Quyết định phụng thờ một vị Thiên Chúa không bởi yếu tố văn hóa, cũng không bởi yếu tố lãnh thổ làm cho Israel khác với các dân tộc xung quanh. Chọn lựa này bao hàm những ràng buộc cá nhân với Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 34:2-3,16-21

Cảm nghiệm Chúa tốt lành

Kể từ Chúa Nhật 19, chúng ta đã hát cùng một câu đáp ca từ Thánh vịnh 34, 9: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.” Tựa đề trong câu 1 xác định đây là thánh vịnh của vua Đavít, vua đầu tiên thuộc dòng tộc Đavít của Israel và là tổ tiên của Chúa Giêsu (Mt 1,1). Tác giả bắt đầu bằng việc ca ngợi Đức Chúa, và ông mời gọi những người khiêm nhường (thấp hèn) trong cộng đoàn phụng vụ cũng hiệp nhất với ông để tán tụng danh Ngài (cc. 2-3). Các câu khác trong 16-21 cho biết lý do tại sao Chúa đáng được ngợi khen.

Tác giả Thánh vịnh đã cảm nghiệm được quyền năng của Chúa trong cuộc đời của chính mình khi ông gặp khốn khó gian nan; chính vì thế ông mạnh mẽ làm chứng cho sự trung tín, giải cứu và che chở của Ngài. Câu đáp ca trong 34, 9, mời gọi cộng đoàn phụng vụ “nếm thử”, nghĩa là cảm nghiệm sự tốt lành của Đức Chúa dành cho mỗi người, để rồi chúng ta có thể tín thác vào lòng thương xót của Chúa và nương náu nơi Ngài. Tin Mừng Gioan lấy lại câu 21 như một lời tiên tri được ứng nghiệm khi Chúa Giêsu bị đóng đinh: Các việc này xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Không một khúc xương xương nào của Người bị đánh giập” (Ga 19,36). Theo Luật cũ, xương của con vật hiến tế trong lễ Vượt Qua không được gãy, để của lễ có thể được đón nhận (Xh 12,46). Chúa Giêsu là lễ vật hy sinh trong lễ Vượt Qua mới. Người cứu chuộc chúng ta khỏi cái chết đời đời và phục hồi cho chúng ta ơn làm con Chúa.

 

BÀI ĐỌC 2: Ep 4,32- 5,1-2,21-32

Mầu nhiệm tình yêu của Chúa Kitô đối với Hội Thánh

Bài đọc cuối cùng này từ thư Êphêsô đúng là rất thích hợp cho các lễ hôn phối. Câu đầu tiên, tất nhiên, rất quan trọng để tránh ấn tượng về khuynh hướng đề cao phái tính nam: “Vì lòng kính sợ Chúa Kitô, anh em hãy phục tùng lẫn nhau”. Như vậy, vợ phục tùng chồng, mà chồng cũng phục vụ vợ! Tuy nhiên, giáo huấn ở đây còn phong phú hơn: sự tận tụy và hy sinh quên mình của người chồng dành cho vợ được coi như một hình ảnh sống động về tình yêu của Chúa Kitô dành cho người phối ngẫu của Người, là Hội Thánh. Tình yêu và sự tận tụy của vợ chồng dành cho nhau – và nó hoạt động theo cả hai chiều – đạt được phẩm giá cao quý từ chân lý Kitô học này. Nó được coi là “mầu nhiệm”, mà theo ngôn từ của Phaolô, không có nghĩa là điều gì đó không thể hiểu được, mà là những chân lí kín ẩn, thâm sâu về Thiên Chúa sẽ được mặc khải vào thời cuối cùng. Trong trường hợp này, “mầu nhiệm” là chiều sâu và cường độ của tình yêu Chúa Kitô dành cho Hội Thánh của Người, theo đó tình yêu của vợ chồng dành cho nhau chỉ là một tiếng vọng lại. Tình yêu gắn bó, ràng buộc và sự hy sinh quên mình của vợ chồng vang vọng và bày tỏ tình yêu của Chúa Kitô đối với Hội Thánh. Từ sự so sánh này, chúng ta có thể hiểu rõ thái độ “tương kính như tân” trong đời sống vợ chồng. Nó cũng tóm tắt một cách độc đáo sứ điệp được lặp đi lặp lại của thư Êphêsô về sự hiệp nhất trong Hội Thánh.

 

TIN MỪNG: Ga 6,60-69

Chúng con tin và nhận biết Thầy

Trong rất nhiều tình huống, lời nói hoặc việc làm của Chúa Giêsu đã bị phản đối. Đây là một trường hợp được kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay. Tuy nhiên, điều gây sốc là sự không tin không đến từ những người Do Thái vốn chống đối Chúa Giêsu mà từ một số môn đệ của chính Người. Những lời đó còn hơn là gây sốc, nó làm cho người ta vấp phạm. Những gì Người vừa nói với họ về bản thân Người vượt quá điều họ có thể đón nhận. Ở đây, tác giả Tin Mừng đề cập đến việc Chúa Giêsu cho họ biết mình là Con Người từ trời xuống.

Thay vì làm dịu đi sự cứng cỏi của sứ điệp của mình, Chúa Giêsu đáp lại thách thức của những người không tin này bằng một xác quyết của Người. Nếu họ cảm thấy bối rối khi nghĩ đến việc Người từ trời xuống, thì họ sẽ nghĩ gì về việc Người trở lại nơi Người đã từng ở ban đầu? Cả chiều đi xuống và đi lên đều ngụ ý rằng Người là một Đấng ngự trên trời. Chính lời tuyên bố này đã làm cho những kẻ nghe Người ngay từ đầu phải vấp phạm. Chúa Giêsu không nói rằng họ sẽ chứng kiến sự đi lên của Người; Người chỉ hỏi họ rằng họ sẽ phản ứng như thế nào nếu họ thấy điều đó xảy ra. Đó là một câu hỏi tuyệt vời, vì mọi người sẽ nghĩ rằng một sự kiện phi thường như vậy chắc chắn sẽ khiến họ tràn đầy kinh ngạc và phải tin. Tuy nhiên, câu hỏi ngụ ý rằng vì ngay từ đầu họ đã không tin Chúa Giêsu từ trời xuống, nên họ vẫn sẽ không bị khuất phục ngay cả khi Người lên trời trở lại.

Chúa Giêsu tiếp tục trình bày giáo huấn của mình bằng cách cho thấy có sự đối kháng giữa xác thịt và thần khí. Người nhấn mạnh rằng xác thịt, ở đây ám chỉ cách tồn tại thuần túy nhân sinh trong trần thế này, không thể đem lại sự sống. Người chỉ ra rằng chỉ có Thần Khí mới ban sự sống, và sau đó Người tuyên bố rằng giáo huấn của Người vừa là Thần Khí vừa là sự sống. Chúa Giêsu cho biết rằng, trong nhiều trường hợp nhìn thấy nhưng mà không tin. Những người đã theo Người làm môn đệ đã xem thấy những điều kì diệu Người đã thực hiện, nhưng họ không tin. Niềm tin vào Chúa Giêsu không phải là điều gì đó đến quá dễ dàng hay tự nhiên. Nhưng đó là một ơn do Thiên Chúa ban. Ơn sủng này có thể dành cho tất cả mọi người, nhưng Chúa Giêsu biết rằng, chỉ một số đón nhận Người còn một số thì không. Kết quả của diễn từ đặc biệt này là, một số môn đệ không còn theo Người nữa.

Chúa Giêsu không thờ ơ trước sự ra đi của các môn đệ này. Người quay sang Nhóm Mười Hai để xem họ sẽ làm gì. Người không yêu cầu họ ở lại, nhưng cũng như không để cho họ ra đi. Người chỉ đơn giản đặt ra câu hỏi: Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao? Đảm nhận vai trò phát ngôn viên của Nhóm Mười Hai, ông Simôn Phêrô đáp lại bằng ba lời tuyên xưng về đức tin. Câu trước tiên biểu tỏ lòng thành thật. Ông tuyên bố rằng không có ai khác để họ có thể đi theo, bởi vì không có ai khác giống như Chúa Giêsu. Với lời tuyên bố thứ hai, ông cho thấy rằng ông đã chấp nhận những gì Chúa Giêsu vừa dạy về sự sống đời đời. Và tuyên bố cuối cùng đưa lời tuyên xưng đức tin của ông đến một kết luận đáng kinh ngạc. Ông sử dụng một danh hiệu thiên sai để bày tỏ niềm xác tín vào Chúa Giêsu. Đoạn này cho thấy rằng ngay cả khi một số môn đệ của Chúa đã bỏ đi, thì những người khác đã được chiếm hữu bởi mức độ đáng tin cậy của những lời giáo huấn của Chúa Giêsu.

 

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 796 : Hội Thánh, hiền thê của Chúa Kitô

+ GLHTCG 1061-1065 : Lòng thành tín và tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa

+ GLHTCG 1612-1617, 2360-2365 : Hôn nhân trong Chúa

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

print