Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm C

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm C

Ga 8,1-11

1 Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu.2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ.3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa,4 rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình.5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? “6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.10 Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? “
11Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa! “

CÂU HỎI

1. Cho biết bối cảnh xảy ra câu chuyện ở bài Phúc Âm này (ở đâu, khi nào). So sánh Ga 8,1-2 với Lc 21,37-38; 22,39. Bạn có nhận xét gì không?

2. Đọc Ga 8,1-6a. Đâu là mục đích của các kinh sư và người Pharisêu khi họ đưa chị này đến với Đức Giêsu? Đâu là cái bẫy họ đang giăng ra cho Ngài?

3. Đọc Lêvi 20,10; Đệ nhị luật 22,22-24. Bạn biết gì về luật này?

4. Đọc Ga 8,6. Đâu là cử chỉ và thái độ của Đức Giêsu trước câu hỏi của họ: “Thầy nghĩ sao?”

5. Đọc Ga 8,7-8. Đức Giêsu có trả lời trực tiếp câu hỏi trên của họ không? Ngài đã làm gì sau đó?

6. Đức Giêsu đã cúi xuống, viết trên đất, và ngẩng lên mấy lần? Ngài đã tạo ra không khí tĩnh lặng bằng cách nào?

7. Đọc Ga 8, 10-11. Bạn nghĩ gì về cuộc trò chuyện giữa Đức Giêsu và người phụ nữ?

8. Qua cách hành xử của Đức Giêsu, bạn thấy Ngài có coi nhẹ tội ngoại tình không? Bạn thích cách hành xử này ở những điểm nào?

9. Câu chuyện đã được giải quyết cách êm đẹp không ngờ. Bạn có thấy như vậy không?

 

CÂU HỎI SUY NIỆM

Theo bạn, khuôn mặt của Đức Giêsu trong bài Phúc âm này có vừa nhân từ, vừa oai nghi không? Bạn rút được bài học nào từ đoạn Tin Mừng này?

 

PHẦN TRẢ LỜI

1. Cuộc gặp gỡ giữa người phụ nữ với Đức Giêsu diễn ra vào lúc tảng sáng, ở Đền Thờ Giêrusalem (Ga 8,2). Đọc Lc 21,37-38; 22,39 ta thấy Đức Giêsu có thói quen đến núi Ôliu (Cây Dầu) để cầu nguyện và ngủ lại đó vào ban đêm, rồi khi trời sáng, Ngài lại vào Đền Thờ để giảng dạy cho dân chúng. Gioan 8,1-2 cũng cho thấy điều đó.

2. Mục đích của các kinh sư và người Pharisêu khi đưa người phụ nữ đến với Đức Giêsu là “để thử Người, nhằm có cớ tố cáo Người” (Ga 8,6). Họ giả bộ hỏi ý kiến của Đức Giêsu về chuyện có ném đá chị phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình hay không (Ga 8,5). Đây là một cái bẫy. Nếu Đức Giêsu trả lời không, thì Ngài đi ngược với Luật Môse. Nếu Ngài trả lời có, thì Ngài đi ngược với lòng thương xót nơi mình.

3. Luật Môse đã truyền dạy nằm trong trong sách Lêvi 20,10 và sách Đệ Nhị Luật 22,22. Theo luật này thì phải xử tử cả hai người nam nữ phạm tội ngoại tình. Tuy nhiên, luật này lại không bảo phải xử tử bằng cách ném đá. Chỉ bị ném đá nếu người phụ nữ là một trinh nữ đã đính hôn mà lại quan hệ với một người đàn ông khác ở trong thành, khi đó cả hai sẽ bị ném đá (Đnl 22,23-24). Còn trong bài Tin Mừng này, chúng ta không chắc người phụ nữ này là một trinh nữ đã đính hôn, và cũng không thấy mặt người đàn ông đã phạm tội với chị.

4. Trước câu hỏi mà Đức Giêsu thừa biết là một cái bẫy, Ngài đã không trả lời. Vì đang ngồi giảng dạy đám đông (Ga 8,2) nên bây giờ Ngài “cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất” (Ga 8,6b). Đức Giêsu cứ viết và họ cứ tiếp tục hỏi cùng một câu hỏi. Chắc họ thích thú và đắc thắng vì thấy Ngài bị kẹt trong cái bẫy do họ giăng ra. Họ có thể nghĩ là Ngài muốn tránh câu hỏi này hay không biết cách trả lời.

5. Cuối cùng, Đức Giêsu đã ngẩng lên trả lời. Ngài không trả lời đúng vào câu hỏi của họ, ném đá hay không ném đá, nhưng Ngài nói: người đầu tiên được phép ném đá chị này là người nào không có tội. Rồi Ngài lại cúi xuống viết trên đất (Ga 8,7-8). Nhiều tác giả phỏng đoán xem Ngài đã viết gì, nhưng thực ra Ngài viết gì, chúng ta không rõ. Chỉ biết Đức Giêsu viết bằng ngón tay, giống như ĐỨC CHÚA đã viết bằng ngón tay trên hai bia đá Mười Điều Răn (Xh 31,18). Hơn nữa, hai dạng động từ “viết” được dùng ở Ga 8,6b (katégraphen) và ở Ga 8,8 (égraphen) cũng là những động từ được bản LXX sử dụng khi dịch Xh 32,15. Câu này nói về việc ĐỨC CHÚA viết trên hai bia đá.

6. Đức Giêsu cúi xuống, viết trên đất và ngẩng lên hai lần (Ga 8,6b-7; 8.10). Qua hành động cúi xuống viết và không nói gì, Ngài tạo ra được khoảng lặng cần thiết để làm dịu xuống sự hung hăng của những người tố cáo, và làm họ hồi tâm để xét lại chính mình. Hậu quả là có những người cao tuổi đã bỏ đi, vì thấy mình có tội (Ga 8,9a).

7. Qua cuộc trò chuyện của Đức Giêsu với người phụ nữ ngoại tình (Ga 8,10-11), có vẻ như Ngài ngạc nhiên vì chỉ còn mình chị ấy đứng đó, và ngạc nhiên vì không ai kết án chị. Câu nói của Ngài ở Ga 8,7 đã cứu chị, dù câu ấy cho phép người ta ném đá chị với điều kiện.

8. Đức Giêsu không là quan tòa kết án chị phụ nữ ngoại tình, nhưng Ngài cũng không coi nhẹ tội này: “Từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Ngài là người duy nhất vô tội, nhưng lại không tố cáo hay kết án. Ngài đã cứu mạng sống một phụ nữ có nguy cơ bị ném đá, nhưng Ngài cũng đòi chị ấy không được phạm tội nữa.

9. Đúng là câu chuyện có một cái kết êm đẹp. Người ta dùng sức mạnh lôi người phụ nữ tới, còn Đức Giêsu cho chị về trong tự do và bình an. Người ta định giăng bẫy tố cáo Đức Giêsu (Ga 8,6a) bằng cách tố cáo chị ấy. Đức Giêsu không mắc bẫy và giải cứu chị, cả xác lẫn hồn. Hơn nữa, những đối thủ của Ngài còn học được một điều tích cực: họ nhận ra mình là tội nhân.

print