Tìm Hiểu Sách Malakhi

print

Tìm Hiểu Sách Malakhi

http://vietcatholicperth.org/

Chúng ta bây giờ đã đến cuốn sách cuối cùng của phần Cựu Ước. Nó tóm lược phần lớn lịch sử của Cựu Ước. Do đó có thể gọi sách Malakhi là một bộ “ tiểu Cựu Ước ”. Sách Malakhi là cây cầu nối giữa Cựu và Tân Ước.

Đây là một bằng chứng “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta” (Malakhi 3:1). Có 400 năm lặng tiếng ở giữa tiếng nói của Malakhi và tiếng kêu trong hoang điạ “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa” (Luca 3:4; Gioan 1:23).

Cựu Ước kết thúc với án tru diệt “Ta sẽ đánh phạt xứ sở với án tru diệt” (Malakhi 3:24). Tân Ước kết thúc với lời chúc lành “Chúc mọi người được đầy ân sủng của Chúa Giêsu” (Khải Huyền 22:21).

Vào giai đoạn này, một trăm năm lẻ đã trôi qua kể từ ngày người Dothái trở về Giêrusalem sau thời lưu đày Babylon. Malakhi là vị ngôn sứ cuối cùng nói với dân Israen trên mảnh đất của chính họ. Israen ở đây hiểu theo nghiã là những người còn sót lại của cả hai vương quốc Israen (Bắc) và Giuđa (Nam) cùng hồi hương sau thời lưu đày. Sự phấn khởi ban đầu sau khi trở về từ Babylon đã hầu như tiêu tan. Sau thời gian canh tân (Nơkhêmia 10:28-39) dân chúng trở nên nguội lạnh tôn giáo và lỏng lẻo luân lý.

Ngôn sứ Malakhi đến như một nhà cải cách, nhưng ông khích lệ trong khi kết án. Ông đối diện với một dân phức tạp, tinh thần sa sút, niềm tin vào Thiên Chúa có vẻ như đang bên bờ sụp đổ. Nếu họ chưa trở nên thù nghịch với Đức Chúa, thì họ cũng ở trong tình trạng nguy hiểm là trở nên hoài nghi.

Malakhi có nghiã là “sứ giả của tôi” (của Chúa). Giống như người tiền hô Gioan tẩy Giả, người mà ông đã tiên báo, Malakhi là tiếng kêu (a voice).

TỘI LỖI CỦA CÁC TƯ TẾ (1:1 – 2:9)

Thái độ hoài nghi (skeptical) nổi lên giữa dân chúng biểu lộ ra bằng việc dửng dưng tôn giáo và lỏng lẻo xã hội. Điều này luôn luôn đúng. Các tư tế trở nên không xứng hợp và thờ ơ. …đâu là lòng kính trọng Ta? (1:6)…..các ngươi làm ô uế danh Ta (1:12). Vị ngôn sứ khiển trách những tư tế cẩu thả này vì họ dâng tiến những con vật bất xứng để tế lễ cho Thiên Chúa, những thứ mà họ không dám dâng tặng cho viên toàn quyền.

Họ đứng vào vị thế trái ngược hẳn với chức tư tế lý tưởng mà Chúa muốn. Họ đánh mất hoàn toàn cái nhìn của ơn gọi cao quý của mình và đáng lãnh nhận sự nhục nhã hổ thẹn đổ trên họ. Họ từ chối thi hành nhiệm vụ nếu không được trả tiền. Sự kết án của Thiên Chúa bắt đầu với những người lãnh đạo (2:1-9). Bao lâu các tư tế còn công khai tỏ ra bất xứng, thì làm sao đòi hỏi dân chúng đạo đức cho được? Kết qủa là dân chúng cũng chẳng thèm quan tâm về việc tránh những ảnh hưởng xấu từ những dân ngoại sống chung quanh họ nữa. Kết hôn với đàn bà ngoại giáo trở thành phổ thông. Một vài người còn không ngần ngại ly dị vợ để cưới đàn bà ngoại giáo nữa (2:10-16).

TỘI LỖI CỦA DÂN CHÚNG (2:10 – 3:18)

Chúng ta nghĩ thế nào khi một người cầm cái gì đó để trước mắt mình rồi nói tôi chẳng thấy gì cả?

Chúng ta có đề nghị gì để thuyết phục hắn ta? Thưa đó chính là cái mà ngôn sứ Malakhi đã phải làm. Người Do thái tuyên bố rằng Đức Chúa không thương họ như Ngài đã nói (1:2). Họ không nhìn thấy một ưu tiên đặc biệt nào cả trong tình thương của Ngài dành cho họ.

Một kết qủa khác của việc bớt trung thành với Chúa là tội lỗi xã hội càng ngày càng trở nên thịnh hành (3:5). Malakhi 3:7 nói lên thái độ thờ ơ và hoài nghi của dân chúng. Những tội mà Malakhi lên án là: Thờ phượng cách vô hồn theo thói quen (1:6-8), Cộng tác với sự dữ (2:10-12), Đặt vấn đề về sự công thẳng của Đức Chúa (2:17 – 3:6), Lường gạt Thiên Chúa (3:7-12), Không kiên nhẫn trong chờ đợi (3:14).

Đấy có phải cũng là tội lỗi của chúng ta không? Giả sử như chúng ta thấy đã phạm những tội này hằng ngày trong đời mình, chúng ta sẽ làm gì? Thưa phải xưng tội với Đức Chúa. Nhưng Israen gặp khó khăn về kết

qủa của lời thú tội vì thú tội xong cũng chẳng thấy ăn thua gì.

Malakhi phải khích lệ dân chúng bằng cách bảo đảm với họ về tình thương tuyệt vời của Đức Chúa và cho họ một lời hứa tuyệt đẹp “Hãy trở lại với Ta và Ta sẽ quay lại với các ngươi” (3:7).

Con cái Israen tuỳ thuộc vào sự tha thứ của Đức Chúa. Đây cũng là bức tranh của Người Cha mà Chúa Giêsu đưa ra khi kể câu chuyện trở về của đứa con hoang đàng. Người cha, khi nhìn thấy đứa con từ rất xa, đã chạy tới ôm chầm lấy nó. Đây là thái độ muôn đời của Thiên Chúa.

Người Do thái được chữa hết bệnh thờ ngẫu tượng nhưng họ lại trở nên cẩu thả và thờ ơ về nhiều việc. Họ bỏ bê nhà Chúa. Các tư tế trở nên lười biếng. Họ mang những của lễ tế kém phẩm chất vào Đền thờ. Họ lường gạt Chúa về thuế thập phân và lễ dâng. Họ sa vào tội xã hội. Họ trở nên qúa ích kỷ và tham muốn đến nỗi Malakhi thách đố họ mạnh mẽ với những lời này “Người phàm có được lường gạt Thiên Chúa không?” (3:8).

Chià khoá mở cửa sổ ơn sủng lớn lao của Thiên Chúa là công nhận quyền sở hữu của Ngài bằng cách trả lại cho Ngài phần trăm tương ứng với tiền của hay tài sản mà Ngài đã ban cho ta. “Các ngươi hãy đem tất cả thuế thập phân vào nhà kho” (3:10). Thuế thập phân là dấu chỉ bên ngoài của sự công nhận rằng mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta dâng cho Ngài tòan thể con người mình – thân xác, linh hồn, và thần trí. Rồi Ngài sẽ đón nhận chúng ta và mở cửa trời để đổ ân phúc của Ngài xuống.

NHỮNG ĐIỀU SẼ ĐẾN (3-4)

Tại sao Chúa cho phép những sự ác xảy ra? Thái độ này của dân chúng có lẽ xuất phát từ cảm nhận rằng những lời hứa sôi nổi của Khácgai, Dacaria và các ngôn sứ khác chẳng thấy trở thành hiện thực. Họ nói rằng Đức Chúa có vẻ như chẳng biết phân biệt người tốt kẻ xấu ra làm sao cả (2:17). Ngài chúc lành cho tất cả mọi người giống nhau, và người ác thường thịnh vượng nhờ bóc lột đồng hương khác (3:14-15). Thế thì tốt lành để dùng vào việc gì? Chúa đang làm gì mà để những sự xấu xa xảy ra đầy dẫy như vậy? Câu trả lời cho những lời than phiền này là Đức Chúa thực sự có quan tâm đầy chứ. Ngài tỏ cho họ thấy rằng một ngày kia Ngài sẽ gởi sứ giả của Ngài (Gioan tẩy Giả) để dọn đường cho Ngài, rồi chính Ngài sẽ đến “bất ngờ” và ngồi xét xử và tách biệt người lành khỏi kẻ dữ. Sự phán xét của Ngài nhanh chóng và công hiệu “như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt”. Khi Thiên Chúa đã sẵn sàng hành động thì đó là hành động cuối cùng (3:1-5).

Chúng ta tìm thấy gánh nặng của sứ điệp của Chúa cho dân Ngài qua Malakhi được ghi lại trong câu hai của cuốn sách “Ta đã yêu thương các ngươi, Đức Chúa phán”. Một sứ điệp tuyệt vời cho một dân tội lỗi và phụ tình như Israen. Thiên Chúa luôn sai sứ giả của Ngài đi trước để dọn đường cho Ngài (3:1). Ngài muốn tất cả con cái Ngài tôn kính và tôn thờ Ngài. Ngài mong ước chúng ta vâng lời và phụng sự Ngài. Nhưng ai có thể đứng vững trong ngày Ngài xuất hiện? Và ai có thể chịu được ngọn lửa thanh tẩy của Ngài? Sứ giả của Chúa sẽ là nhân chứng về những sự độc ác, dối trá, bất công, và hai lòng của chúng ta. Đấy là những cái có thể nói về chúng ta như đã nói về những người Dothái thời xưa. Đại diện của Đức Chúa đến và thấy chúng ta lường gạt thuế của Ngài (3:2-5). Nhưng Chúa thì không bao giờ thay đổi. Chúa muôn đời vẫn thế. Ngài không bao giờ quên lời hứa của tình yêu bất diệt và lòng thương xót miên viễn của Ngài.

Ôi, chúng ta cần Malakhi của Chúa cho hôm nay biết bao nhiêu để dọn đường cho Ngài ngõ hầu dân Chúa biết tôn kính và tôn thờ Ngài. Malakhi kêu lên: Hãy trở về với nhà Chúa! Hãy trở về với Lời Chúa! Hãy trở về với việc Chúa! Hãy trở về với ơn Chúa!

Mỗi người có thể giống Malakhi, trở nên vị tiền hô của Đức Kitô, Đấng mà chúng ta bây giờ đang trông đợi. Ai yêu mến và tìm kiếm Ngài có thể giúp dọn đường cho Ngài bằng chính cách sống và cách làm việc của mình.

Hãy nghĩ đến những nhu cầu của thời đại này, nhu cầu của giáo hội và của thế giới. Có phải giáo hội hiện nay cũng chỉ chú trọng vào những nghi thức bên ngoài mà bên trong thì trống rỗng vô hồn? Có phải chúng ta cũng dâng những của lễ chẳng đáng một xu teng nào không? Có phải chúng ta đã không lường gạt Chúa trong chuyện thuế thập phân cho nhà thờ không?

Công nhận tất cả những lối giả hình của thời mình là những cộng đồng Dothái (những người còn sót lại) vẫn còn kính sợ Chúa và còn giữ lòng trung thành với Chúa (3:16). Malakhi mong muốn phát triển một nhóm mạnh những người tín hữu nhiệt thành hầu tạo ảnh hưởng lên dân chúng trong tương lai. Thật thú vị khi ghi nhận rằng Chúa đã ghé tai nghe dân Ngài nói về Ngài “Đức Chúa đã để ý và Người đã nghe” (3:16).

Lời công bố long trọng của Malakhi liên quan đến lần đến thứ hai của Đức Kitô rằng “Mặt trời Công chính sẽ đến với ơn chữa lành trong đôi cánh của Ngài” (3:16-24) là những lời khép những trang “tiểu Cựu Ước” lại.

BỐN TRĂM NĂM IM LẶNG

Vào lúc lịch sử Cựu Ước kết thúc, một số người Dothái, hầu hết thuộc chi tộc Giuđa, đã trở về Palestine dưới quyền tổng trấn Giơrupbaven (Zerubbabel), và khoảng tám mươi năm sau một nhóm khác trở về với Étra (Ezra). Họ sống bình an trong đất nước của chính họ với Đền thờ được xây lại và các nghi thức tôn giáo được thiết lập.

Ba cuốn sách lịch sử cuối cùng của Cựu Ước – Étra (Ezra), Nơkhemia (Nehemiah) và Étte (Esther) – cho chúng ta biết câu chuyện của thời gian này. Chúng bao gồm 100 năm theo sau chiếu chỉ của vua Kyrô (Cyrus) cho phép người Dothái trở về quê hương họ (536-432 B.C.). (Étra 1:1-4).

Từ Nơkhêmia đến khởi đầu của thời Tân Ước, 400 năm trôi qua. Trong thời gian đó không ngôn sứ nào nói hay viết gì cả. Vì thế, nó được gọi là “thời gian im lặng” (period of silence). Chính vì thế trước khi tìm hiểu đến thời điểm khi Chúa Giêsu chào đời, chúng ta cần biết những gì đã xảy ra từ những ngày của Nơkhemia và Malakhi cho đến thời Tân Ước trong 400 năm im lặng.

BẢN BẢY MƯƠI

Trước khi Alịchsơn đại đế băng hà ông chia đế quốc của mình cho bốn đại tướng vì ông không có con nối dõi tông đường. Aicập, và sau đó Palestine, thuộc về đại tướng Ptolemy. Có một số đông người Do thái vào thời này định cư ở Aicập, cũng như những trung tâm văn hóa khác, vì thế họ truyền bá mọi nơi sự hiểu biết về Thiên Chúa của họ và niềm hy vọng về Đấng Thiên sai của họ. Chính vào thời gian này, khoảng năm 285 B.C., mà Cựu Ước được dịch ra tiếng Hy Lạp. Bản Kinh Thánh này được gọi là Septuagint, có nghiã là “bảy mươi”, bởi vì bảy mươi học giả Dothái có tiếng đã làm công việc dịch thuật này. Chúng ta sẽ thấy nó được chú thích bằng số Lamã LXX.

NGƯỜI DO THÁI BỊ BÁCH HẠI

Lúc bấy giờ Syria nổi lên. Trong cuộc chiến giữa Syria và Aicập, Antiochus Epiphanes, vua Syria, chiếm Palestine. Ông bắt đầu bách hại dữ dội người Dothái. Họ bị cấm thờ phượng trong Đền thờ và bắt phải ăn thịt lợn, loại mà Thiên Chúa qua Môsê cấm họ ăn (Lêvi 11:1-8). Nhiều người Dothái từ chối tuân lệnh và cuộc tử đạo bắt đầu.

Sự ác độc của ông vua Antiochus Epiphanes này làm bùng lên cuộc kháng chiến của nhà Maccabees dưới sự lãnh đạo của Matthias. Được cảm hứng từ lòng yêu nước và lòng mộ đạo của Matthias, một nhóm người Dothái ái quốc tụ họp lại quanh ông và cuộc kháng chiến bắt đầu lan ra nhanh chóng. Khi ông ta chết con của ông là Giuđa thay thế cha. Trong cố gắng dẹp cuộc nổi loạn dưới sự lãnh đạo của nhà Maccabees, Antiochus bị đánh bại trong ba trận quyết định. So sánh lực lượng thì bên phía quân Giuđa có vẻ như vô vọng vì những người theo ông không được huấn luyện và không có vũ khí, mà phải đối chọi với những quân lính được huấn luyện của một ông vua đầy quyền lực. Nhưng băng đảng Dothái lộn xộn nhưng trung thành này, được cảm hứng bởi niềm tin bất diệt vào Thiên Chúa, đã thành bên thắng cuộc!

TRIỀU CỐNG LA MÃ

Vào năm 63 B.C. Rome chiếm được đất Palestine, việc này dọn đường và là thời điểm để Chúa Giêsu ra đời. Người Do thái bây giờ được hưởng một số tự do về phương diện chính trị nhưng được yêu cầu phải trả thuế hằng năm cho chính quyền La Mã.