Bài 7: Chia Sẻ Về “Truyền Thống Xuân Bích”

Bài 7:

CHIA SẺ VỀ

“TRUYỀN THỐNG XUÂN BÍCH”

Dịp gặp gỡ truyền thống của các linh mục cựu Xuân Bích tháng 11 năm 2003 tại Đà Lạt, cha Hương có nhờ con chia sẻ về truyền thống Xuân Bích, con xin tóm tắt chia sẻ vào 2 điểm: “Những điều trông thấy” và cảm nghiệm về “Chất Xuân Bích”.

  1. NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY:

Con thuộc thế hệ Xuân Bích 1954 – 1960. Được gọi nhập Đại Chủng Viện ở Nhà Chung Hà Nội giữa tháng 7 năm 1954, vài ngày sau, đúng sáng 19 tháng 7, con được cùng với cả Đại Chủng Viện lên xe giã từ Hà Nội, ra Hải Phòng, lên tàu vô Nam. Đại Chủng Viện xuống tận Vĩnh Long, được tạm trú trong một trường nội trú dành cho học sinh vùng quê ra học của Giáo Phận Vĩnh Long. Trong cảnh đất nước chia đôi, tạm trú trong một nơi chật hẹp, con được dự lễ Đức Mẹ dâng mình lần đầu ở Đại Chủng Viện Xuân Bích. Thế mà cũng có mấy cha ở miền tây biết tin về dự. Các cha mặc áo satanh láng, đi giày quốc tế. Nay con chỉ nhớ một cha là cha Giuse Đầy thuộc Cần Thơ, đã có mặt trong số mấy cha đó. (Cha Giuse Đầy là người mà từ năm 1992, khi Xuân Bích gặp gỡ lại tại Đà Lạt, ngài luôn có mặt xuyên suốt hàng năm, cho đến năm 2003 ngài không thể đi được nữa mới chịu vắng mặt). Lúc ấy các cha giáo cựu của các ngài chỉ còn cha Gastine và cha Courtois. Thấy cảnh thầy trò gặp nhau, tay bắt mặt mừng, nói cười hồn nhiên rộn rã, sau cả chục năm xa cách (biến cố 1945 khiến Đại Chủng Viện ở Liễu Giai, Hà Nội phải giải tán. Năm 1950 mở lại tại Nhà Chung Hà Nội. Đến năm 1954 di chuyển vào Nam). Qua những “điều trông thấy” con cảm nhận được có cái gì đã thu hút các cha đàn anh gắn bó với ngày truyền thống Xuân Bích. Các cha được cha Gastine giới thiệu cho các thầy, phần các cha tỏ ra hết sức vui mừng, được sum họp trong gia đình Xuân Bích. Rồi thánh lễ kính Đức Mẹ dâng mình với bài ca Quam pulchre graditur… các cha giáo, các cha đàn anh hân hoan tiến lên lập lại lời hiến dâng. Sau lễ gặp nhau trò chuyện và tiến vào bàn tiệc. Trước khi chia tay các cha đàn anh vẫn nhớ gửi lại cho đàn em chút quà tình nghĩa.

Năm 1956 Đại Chủng Viện di chuyển lên Thị Nghè Sài Gòn, con thấy mấy ngày truyền thống có nhiều cha đàn anh đến dự hơn, đàn em trong Đại Chủng Viện chào mừng, hỏi thăm làm quen, rồi cũng những việc truyền thống cũ tiếp diễn… con ra trường năm 1960, đến năm 1961 mới được thụ phong linh mục, với nhiệm vụ linh hướng Tiểu Chủng Viện Cần Thơ (mới được thành lập do bài sai của Đức cha Philip Điền) muốn đi dự lễ phải bỏ công việc ba ngày, nên năm đó con không đi. Đến năm 1962 Đại Chủng Viện đã dời ra Huế, nghìn trùng xa cách.

Mãi năm 1972, ở Vĩnh Long có cha Gastine và cha Villard tổ chức lễ truyền thống Xuân Bích, con đã sắp xếp đi từ hôm trước. Đây là lần đầu tiên trở về Đại Chủng Viện như một linh mục cựu sinh viên Xuân Bích, được các cha giáo và đàn em đón tiếp chào hỏi trong niềm vui tưng bừng, và con rất tự hào chia sẻ về công việc linh hướng ở chủng viện của con, mà con biết rằng Đức cha Điền đã được cha Gastine góp ý… rồi cũng dự lễ dâng mình, gặp gỡ nhiều anh em quanh vùng trong bữa cơm thân mật, và trước khi ra về cũng vẫn có món quà cho đàn em. Nhưng năm sau không còn cơ hội nữa, vì Xuân Bích không còn ở Vĩnh Long.

Cho đến năm 1991, khi được tin ở xứ Cao Thái, Sài Gòn, có tổ chức nhân dịp “Nhớ ơn thầy” để cầu nguyện cho cha già Túc (Stutz) con đã sắp xếp đi từ hôm trước và hôm sau gặp được hơn 20 anh em, có người từ năm 1960 đến nay mới gặp lại, qua bao biến cố thăng trầm, cũng có nhiều anh em mới lạ nhưng đều được đào tạo dưới mái trường Xuân Bích nên phong cách cũng như anh em một nhà vậy. Mọi người hỏi thăm, chia sẻ, lắng nghe, nhắc đến các cha giáo, các bạn cùng khoá. Nhưng chưa trao đổi được bao nhiêu thì đã tới giờ dâng thánh lễ. Lễ xong, dự bữa cơm thân mật, rồi cũng phải chia tay. Cha Lịch coi xứ Cao Thái bao hết, anh em không phải đóng góp, nhưng chia tay nhau mà nhiều “chia sẻ” còn dang dở, đành hẹn năm tới.

Năm 1992, nhờ Đức Cha Lâm giám mục Đà Lạt tổ chức ngày truyền thống ở Toà giám mục Đà Lạt “một cách chính thống” anh em cựu Xuân Bích tham dự rất đông, vừa có dịp gặp nhau sau thời gian quá lâu, vừa được du lịch Đà Lạt hưởng bầu khí mát mẻ trên cao, nhất là trong một thời gian không chớp nhoáng như các lần gặp gỡ truyền thống trước, vì có hai ngày chung sống trên xe, hai ngày cùng nhau chia sẻ, trao đổi, thông tin, tham quan Đà Lạt, vừa chung vừa riêng. Cũng vẫn lễ Dâng mình và đặc biệt mới là lập quỹ tương trợ Xuân Bích, để cùng cầu nguyện dâng lễ cho nhau, và chia sẻ giúp đỡ cả vật chất theo khả năng…Nhưng điều gây ấn tượng đáng kể nhất đối với riêng con là có cơ hội gặp gỡ nhiều anh em Xuân Bích dù khoá trước khoá sau hay cùng khoá, có giờ tâm sự với nhau về các cha giáo Xuân Bích, về các anh em bạn học, về các bạn cùng con một cha linh hướng, khám phá được bao mảnh đời của đàn anh cũng như đàn em, mà mảnh đời nào cũng rất phong phú, nhiều gian truân, đầy kịch tính…Nguyên việc chung sống với nhau, hiện diện bên nhau, hai ngày trên xe, hai ngày dưới một mái ấm, có thể gặp lại nhiều anh em hơn, năm nay chưa kịp gặp thì năm tới, chia sẻ cho nhau tâm tình, kinh nghiệm…đã làm cho biên giới quen biết, thông cảm và chia sẻ của mình cứ mở rộng thêm, tâm hồn mình thấy phong phú hơn, tình nghĩa với anh em thấy thâm sâu hơn. Sau hơn chục năm gặp gỡ truyền thống ở Đà Lạt, với những thuận lợi về thời tiết, phong cảnh, khí hậu, nhất là thời gian chung sống không quá ngắn ngủi,với những chia sẻ cảm nghiệm của Đức Cha Lâm, Đức Cha Hoà, Đức Cha Tĩnh, Đức Cha Hoan, của các bậc đàn anh như Cha Hoá, Cha Qui, Cha Quế, Cha Minh…với những khám phá thêm nhiều mảnh đời hơn mà trước kia mình chỉ tiếp cận được cái bề mặt, con cảm thấy mình đã vượt qua nhiều giới hạn và ngăn cách, thường vẫn làm cho mình chỉ nghèo nàn và co cụm hơn. Và từ những “điều trông thấy”, con cảm nghiệm, qua tất cả những gì đã kể trên, có một cái gì đó ẩn hiện nơi mỗi linh mục được đào tạo từ mái ấm Xuân Bích, đó là cái “chất Xuân Bích” mà con muốn tiếp tục chia sẻ tiếp.

  1. CẢM NGHIỆM VỀ “CHẤT XUÂN BÍCH”:

“Chất Xuân Bích” có nghĩa là tổng thể nhữnh tính chất hay thuộc tính cơ bản của Xuân Bích, cũng có nghĩa là cái làm cho Xuân Bích phân biệt với các thứ khác. Con không nghe các cha giáo Xuân Bích dạy: Xuân Bích phải thế này thế kia, cũng không dám “múa rìu qua mắt thợ” mà bảo “ chất Xuân Bích” là thế này thế nọ, mà chỉ theo cảm nghĩ riêng để thành thật chia sẻ, không biết có đúng chăng. Chất Xuân Bích có cái đặc biệt này, và luôn phải có cái đặc biệt này thì mới là Xuân Bích, đó là nó không làm cho các linh mục Xuân Bích tách rời khỏi các linh mục khác, nhưng trái lại, nó phải thúc đẩy anh em Xuân Bích đi ngược dòng với tách biệt, kỳ thị, nghĩa là phải giúp dấn thân trong hiệp thông trong hoà mình chan hoà với mọi anh em linh mục như những chiến sĩ “ trong cùng một chiến hào” của Nước Trời, để đối đầu với “quyền lực tử thần”. Con đã được học về linh đạo Xuân Bích là lấy Đức Kitô là trung tâm của đời mình, “Đức Kitô trong trí, trong lòng, trong tay”. Đây cũng chỉ là điểm cơ bản của mọi linh đạo nhưng Xuân Bích lấy Đức Kitô như gương mẫu của hiệp thông, vì Ngài là Thiên Chúa hiệp thông với thân phận con người cho đến cùng. Cái “chất Xuân Bích” này con cảm nghiệm thấy qua bức sơn mài treo bên trên bàn thờ, và qua lối sống của các cha giáo.

a. Bức sơn mài được các cha giáo Xuân Bích chọn để treo bên trên bàn thờ, khi ở Hà Nội, vào Vĩnh Long, lên Thị Nghè, ra Huế, để các thế hệ chủng sinh chiêm ngắm suốt thời gian được đào tạo dưới mái ấm Xuân Bích, hẳn phải có chủ đích là góp phần đào tạo cho chủng sinh thấm nhuần cái chất Xuân Bích là hiệp thông, là hội nhập văn hoá đến cùng để phục vụ như Đức Kitô. Chiêm ngắm suốt 6 năm học ở Xuân Bích, con thấy bức hoạ muốn nêu bật Đức kitô là Thiên Chúa đã hội nhập văn hoá đến cùng với những người Việt Nam. Ở trên trời có mây có núi, có thiên thần mặc áo dài Việt Nam thổi sáo, gảy đàn. Còn ở dưới thế có cây bông sứ, cây dọc mùng, có bò; về loài người thì có thánh Giuse và đức Maria mặc y phục cổ truyền Việt Nam, bên cạnh là đám dân nghèo đói co ro trong bóng tối, đặc biệt ở trung tâm bức hoạ thì có Chúa Hài Đồng, là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, lần đầu tiên được nhìn thấy, con đã bị “dị ứng”, vì Thiên Chúa mà làm người như “ một thằng cu con” nằm ngửa, trần như nhộng một cách vô tư… Làm cho con liên tưởng đến một câu thơ trong bài: “Trời cao đất thấp gặp nhau” của cha J.M.Thích:

Khiêm nhường đến thế thì thôi,

Hạ mình đến thế tuyệt vời thẳm sâu.

Vâng, thẳm sâu đến nổi Kinh Te Deum đã phải thốt lên rằng: “Non horruisti Virginis uterum”, dịch theo “chữ nghĩa” là Ngài không ghê tởm tử cung người trinh nữ, còn nhóm phụng vụ giờ kinh đã dịch cho “văn chương” là Ngài đã chẳng nề mặc lấy xác phàm nơi cung lòng trinh nữ…Chúa Kitô đã hiệp thông đến cùng: Mầu nhiệm Nhập Thể thật là tuyệt diệu…

b. Lối sống của các cha giáo cũng đã cho con nhận ra cái “chất Xuân Bích”. Trước hết phải kể đến việc các cha giáo luôn cố gắng hiện diện với cộng đồng trong các giờ kinh nguyện, và nêu gương về lòng yêu mến Thánh Thể Chúa Giêsu trong việc chầu cá nhân; các ngài khuyến khích các thầy dành giờ riêng chầu Thánh Thể có mặc “áo các phép” nữa. Đây là điểm son cho đời linh mục coi xứ sau này. Các ngài còn hoà mình với các thầy trong mọi sinh hoạt khác: có khi cùng lao động, cùng chơi thể thao… Đặc biệt là hoà mình với các thầy trong các kỳ nghỉ hè và trong tháng truyền giáo khắp bốn vùng mà mỗi cha giáo đã để lại trong con những dấu ấn không thể xoá nhoà. Nhờ cha Gastine mà con đã hiểu được “ơn gọi của giáo dân” trước khi công dồng Vatican II trình bày; con hiểu được thế nào là “Giáo hội thầm lặng” khi ngài mời tác giả cuốn “Người bưng biền trong Nga sô” nói chuyện; con hiểu được lý tưởng của Cha Foucault khi ngài mời Cha Voillaume, người sáng lập ra Tiểu Đệ đến chia sẻ… Ngài thật là mẫu gương về “đắc nhân tâm” trong giao tiếp và thư từ và cũng nhờ ngài mà năm 1959 con được cùng với một số thầy đeo balô và lội bộ với ngài suốt mười ngày để tham quan các giáo xứ người thượng ở Kon Tum, một chuyến tham quan “không thể nào quên”… Nhờ Cha Courtois mà ngay từ 1955 con đã có nhiều kiến thức mới về thiên văn, về máy ghi âm, ghi hình, tế bào quang điện… Được dự những sinh hoạt hướng đạo như nghỉ hè ở Tùng Lâm, Đà Lạt, tắm suối Ankroet, và nhất là leo đỉnh núi Lang biang, đến nay mỗi lần lên Đà Lạt con luôn thấy tự hào, vì đỉnh núi Lang biang con đã “chinh phục”. Nhờ Cha Corpet con hiểu được mối liên hệ giữa Kitô giáo và Khổng tử, con được biết bộ giáo lý thánh kinh rất hay của cha J. Colomb, nhất là con được cùng với ngài đi bộ xuyên rừng ở Buntusay, đến làm lễ và dạy giáo lý cho dinh điền Gia nghĩa và Quảng đức, trong suốt tháng truyền giáo năm 1958. Nhờ Cha Villard con được làm quen vói âm nhạc cổ diển tây phương (Mozar, Beethoven), với âm nhạc tôn giáo (J.s Bach, Haendel…), với hội hoạ (Picasso, Gauguin, Van gogh…), với kiến trúc (Le Corbusier…) với âm nhạc của Cha Duval, Gélineau…Và có được chút khiếu thẩm mỹ… Nhờ Cha Bouyer, linh hướng của con, con được làm quen với nghệ thuật thứ bảy, biết đánh giá các bộ phim giá trị (Ben Hur, Quo Vadis…), và cùng ngài huấn luyện cho giáo lý viên ở Mằng Lăng, Tuy Hoà, trong tháng truyền giáo 1957 nhất là từ năm 1992 khi việc giao dịch thư từ dễ dàng hơn, con còn được ngài tiếp tục “đào tạo thường xuyên” bằng cách gởi các bài báo, sách vở, về các vấn đề thần học, huấn giáo… nhờ đó mà con có tài liệu viết bài, soạn sách giáo lý, đặc biệt cuốn “Đức Giêsu Kitô đường hạnh phúc”, cuốn sách con đúc kết trong đó những gì đã thụ giáo dưới mái trường Xuân Bích vào dịp họp mặt truyền thống ở Đà Lạt năm 1993 và đã được anh em chiếu cố hết mình.

Thực ra còn nhiều điều đáng chia sẻ nữa, nhưng xin tóm tắt là: con cảm nghiệm các cha giáo Xuân Bích đã tận tuỵ hết mình với bổn phận là một nhà giáo dục đào tạo, vừa dạy học vừa nêu gương, bổn phận với Chúa cũng như với nhau và với các học trò lớn nhỏ. Con không thấy có dấu hiệu phân biệt đối xử, nhưng luôn nghe các ngài dạy: Fusionnez vous, hãy sống chan hoà, hoà vào với nhau, không xa lạ cách biệt, và luôn thấy các ngài cố gắng sống chan hoà. Còn về đời sống cá nhân thì các ngài cũng có những sở trường sở đoản, mỗi “thánh một thể”, không ai tránh được.

Để Kết: Những “điều trông thấy” việc chiêm ngắm bức sơn mài suốt sáu năm học, lối sống của các cha giáo trong năm học cũng như kỳ nghỉ và các tháng truyền giáo, tất cả đã kết thành cái “Chất Xuân Bích” nó âm thầm ẩn hiện và ghi dấu ấn trong con cũng như các anh em khác. Con không được đào tạo trong lò Xuân Bích chính cống, mà chỉ là học trò được thừa hưởng chút hơi hướng mà các cha giáo Xuân Bích chia sẻ cho để làm hành trang bước vào đời mục vụ trong giáo phận và giáo xứ. Cái “Chất Xuân Bích” thật là đáng trân trọng và hữu ích; tuy nhiên con nghĩ rằng nó có thể bị biến chất hay mai một đi, nếu không được củng cố và phát huy. Ngày họp mặt truyền thống của Xuân Bích vào dịp 21/11 phải trở thành cơ hội thuận lợi để bồi dưỡng cho nó thêm rõ nét và lớn mạnh, để sinh hoa kết quả dồi dào hơn thực sự. Vì thế, trong hoàn cảnh và điều kiện hiện nay, chúng ta cần suy nghĩ, góp ý cho ngày họp mặt truyền thống được tổ chức và phối hợp thế nào để những gì mà các cha giáo Xuân Bích đã dày công đào tạo ở chủng viện vẫn duy trì được chất lượng và có cơ may phát triển hơn. Thực sự, những ngày họp mặt ở Đàt Lạt đã giúp con gắn bó hơn với công lao của các cha giáo, thắt chặt thêm tình tương thân tương ái, nung đúc thêm tinh thần hiệp thông để phục vụ, tiếp nhận được nhiều kinh nghiệm mục vụ và thông tin hữu ích, như chia sẻ tâm tình của Đức Cha Lâm năm 2001, được cha Ảnh ghi trong “Gia đình cựu sinh viên Xuân Bích 2001”: “gặp gỡ nhau, sống tình yêu thương huynh đệ, không những giúp ta hạnh phúc, cảm nếm thiên đường ngay ở trần thế, mà còn biến ta thành chứng nhân của Tin Mừng… Cuộc gặp mặt hàng năm là thể hiện lòng bác ái huynh đệ vì thế cần chia sẻ cho nhau và cố gắng ở lại với nhau cho đến cùng”.

 Linh Mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng.

print