Chiếc Áo Không Có Đường Chỉ May

print

Chiếc Áo Không Có Đường Chỉ May

Suy niệm Tin Mừng Thứ Năm Tuần Thánh

Trích trong sách Chiếc chiếu sau bụi Hoa Quỳnh

Lm.GB Phương Đình Toại

Trong Tin Mừng Thánh Gioan mà chúng ta được nghe vào Thứ Năm Tuần Thánh không tường thuật việc Chúa lập Bí Tích Thánh Thể mà là việc Chúa rửa chân cho các môn đệ. Và Thánh Gioan quả thật khác với ba vị thánh sử khác về điều này. Đối với ông, bí tích Thánh Thể được diễn tả qua hành động khiêm tốn cúi mình của Chúa để phục vụ các môn đệ và mời gọi các ông noi theo. Mình xin được dùng một hình ảnh nhỏ mà nhiều người chúng ta ít để ý để mời gọi các bạn suy tư về tình thương của Chúa dành cho chúng ta. Đó là hình ảnh chiếc áo choàng Chúa cởi ra trước khi cúi xuống rửa chân cho các ông.

Không biết có bao giờ các bạn thắc mắc tại sao Chúa lại phải cởi áo? Tương tự như vậy, tại sao các linh mục cũng cởi áo lễ ra trước khi rửa chân cho giáo dân? Hẳn ý nghĩa của nó sâu hơn việc cởi ra cho gọn và khỏi vướng víu như chúng ta thường nghĩ.

  1. Chiếc áo “tunic” không đường chỉ hay còn gọi là áo choàng bên ngoài, đối với truyền thống Kinh Thánh – nó nói lên nhân vị và quyền năng của người đó. Nhờ chiếc áo họ được bảo vệ, được kính trọng.

Sách Sáng Thế có hình ảnh Adam và Eva sau khi ăn trái cấm liền nhìn thấy mình trần truồng, và cảm thấy xấu hồ khi phạm tội, họ phải núp trong bụi cây và lấy lá cây che thân… Tội khiến con người cảm thấy mình như bị trần truồng, bị lột trần, người ta không thể tự bảo vệ mình trước những phán xét bởi người khác. Và vì thế khi Chúa đuổi Adam, Eva ra khỏi vườn, Chúa mặc áo cho họ… nói lên ý nghĩa Chúa thương xót họ, muốn bảo bọc họ.

Việc Chúa cởi áo choàng trong ngày tiệc ly dường như ẩn chứa hình ảnh này: Chúa Giêsu từ bỏ ngôi vị của mình, để hạ mình xuống ngang hàng với người tôi tớ, người không có quyền lực để có thể chạm vào chân của các môn đệ. Ngày xưa, bàn chân được coi là nơi vẫn còn ô uế, cho dù cơ thể đã sạch, nhưng cơ thể đã có “áo choàng” che chắn…trừ phần chân mà thôi. Vì thế Chúa đã chọn để chạm đến nơi tột cùng của con người để tẩy rửa tất cả. Sau khi rửa chân, Ngài mặc áo trở lại, nói lên việc Ngài đem tất cả những yếu đuối nhất của con người vào trong ngôi vị của mình… con người được mặc lại bằng tình thương của Chúa. Được đặt vào nơi Ngôi vị làm con Chúa.

  1. Trong Tin Mừng Máccô (14,51-52) có kể lại giây phút Chúa bị bắt, có một môn đệ trẻ bỏ áo lại cởi trần mà chạy. Chi tiết này giúp chúng ta hiểu rằng, người học trò vì sợ chết nên thà bỏ lại nhân vị của mình nhằm thoát thân, hơn là ở lại chia sẻ nhục hình với Thầy mình. Thà đi trong thân phận tội lỗi hơn là phải gánh vác đau khổ với Thầy, trong khi đó Thầy lại sẵn sàng từ bỏ ngôi vị để đồng hành với mình ngay cả lúc mình yếu đuối nhất.
  2. Bạn có biết khi quân dữ đóng đinh Chúa, họ cũng lột chiếc áo của Chúa ra… họ đặt Chúa vào trong hình ảnh của người trần truồng, tội lỗi một lần nữa. Nhưng chiếc áo không đường chỉ đó đã không bị phân chia, có lẽ quân dữ đã nhìn thấy được ngôi vị của Chúa… ứng như lời Kinh Thánh.

Từ những điều trên chúng ta cũng được mời gọi suy tư nhiều điều:

Bí tích Thánh Thể, không chỉ là bẻ bánh trong nhà thờ và nhận lãnh rồi ra về như không có gì, mà cùng với việc đón nhận Chúa, chúng ta cũng được mời gọi làm như Chúa: phục vụ anh chị em mình. Không phải phục vụ theo kiểu ban ơn, không phải phục vụ theo kiểu bố thí đứng từ trên nhìn xuống… mà là sự phục vụ từ việc bỏ mình đi, cởi “áo” mình ra để không xét đoán, hay lên án chế trách, mà chia sẻ, cảm thông, tha thứ và đón nhận tất cả những gì là yếu đuối nhất của anh chị em mình.

Có lẽ việc cởi áo của Chúa cũng là lời nhắc nhở dành cho anh em linh mục tu sĩ. Tại sao tôi phục vụ tha nhân, tôi có sẵn sàng phục vụ, hạ mình xuống, cởi cái “áo” cái tôi của mình ra để chia sẻ và đồng hành với anh em trong cộng đoàn không? Hay tôi ngẩng cao đầu cho rằng mình tài giỏi, làm được việc hơn người khác và coi thường anh em mình? Tôi có ở lại với anh em tôi trong lúc họ gặp khó khăn thử thách để cùng chia sẻ với họ, hay tôi cũng vứt áo mình lại mà đi?

Sau cùng, nếu chiếc áo Alba chúng ta mặc trên bàn thờ hằng ngày để dâng lễ, nói lên tác vụ tư tế mà Chúa trao ban cho linh mục Chúa, và chiếc áo tượng trưng cho sự hiệp nhất của người Kitô hữu qua việc không có đường chỉ may, như áo của Chúa. Vậy chúng ta xây dựng tình hợp nhất trong cộng đoàn thế nào? Hay là chúng ta chỉ mặc chiếc áo bên ngoài, nhưng tâm hồn chúng ta chia rẽ bên trong, để rồi chính lời nói của chúng ta qua việc xét đoán anh em cũng xé nát áo Chúa như những thầy tư tế năm xưa, xé áo mình khi lên án Chúa.

Nguyện xin cho những ai đang cảm thấy nhân phẩm mình bị chà đạp, bị mất mát, được cảm nghiệm việc Chúa đến chạm vào tâm hồn họ, tẩy rửa và mặc lấy chính Ngài cho họ. Xin cho người linh mục của Chúa tiếp tục mặc lấy tâm hồn phục vụ và cho đi của Chúa, xin cho linh mục của Chúa biết can đảm cởi bỏ cái tôi của mình, để giữ cho vẹn toàn chiếc áo choàng Chúa trao cho họ.