Chú Giải Tin Mừng Luca: Giới Thiệu Sơ Lược – Lm Carolo

print

Giới Thiệu Sơ Lược Về Tin Mừng Luca

Lm Carolo

 

            Điểm độc đáo của Luca là đã viết một tác phẩm gồm 2 tập: Tin Mừng và Công vụ các Tông đồ. Vì thế ta phải đọc chung 2 tập này. Chúng ta đã đọc lướt qua sách Công vụ các Tông đồ, dùng nó làm tài liệu “hướng dẫn du lịch”. Bây giờ chúng ta hãy đọc lại nó chung với quyển Tin Mừng để khám phá chương trình soạn tác của Luca.

            Nếu bạn chịu khó đọc lại tiết mục “tờ giấy đồ”, bạn sẽ thấy rằng cũng như các tác giả Tin Mừng khác, Luca đã đặt thêm lên cuộc đời Đức Giêsu một “tờ giấy đồ” về sinh hoạt của GH. Nhưng với quyển Công vụ các Tông đồ ông đã muốn trình bày riêng về “tờ giấy đồ” ấy.

1/ MỘT SỬ GIA CÓ ĐỨC TIN

            Một cách khiêm tốn, Luca không tham vọng viết một quyển sách Tin Mừng, mà chỉ một tường thuật về các biến cố nhằm giúp người môn đệ an tâm về dức tin của mình: chính ông đã nói thế trong một bài tiền ngôn được viết theo kiểu một sử gia thời ông (1,1-4).

            Nhưng sử gia Luca là một tín hữu: ông coi điều ông viết là một tin mừng mà ông muốn chia sẻ. Ông không ngừng nhắc nhở độc giả rằng: Bạn không thể đọc sách này mà không cảm thấy bị liên can, bạn phải chọn lập trường, hoặc theo hoặc chống lại, và ngay cả trong ngày hôm nay. Vì thế tường thuật của ông không phải là một bài mô tả lạnh lùng mà đúng hơn là một bài khuyến dụ: hình ảnh người môn đệ là trọng tâm mọi sự chú ý của ông, ông nói với người đó, ông thúc giục người đó bước vào thế giới tuyệt vời mà ông đã khám phá.

2/ GIÁO ĐOÀN CỦA LUCA

            Ta không thể biết chính xác Luca viết cho giáo đoàn nào nhưng ta cũng dễ tưởng tượng ra loại giáo đoàn trong đó sứ điệp của Luca được thành hình: đó là những cộng đoàn sinh ra ở đất lương dân, chịu ảnh hưởng văn hóa hy lạp, chẳng hạn các cộng đoàn Antiokia, Philipphê. Đọc tác phẩm của Luca ta có thể thấy được vài nét về các cộng đoàn ấy.

            Họ là những Kitô hữu gốc lương dân, Luca bản thân cũng theo văn hóa Hy lạp, tự thích nghi với tâm thức của họ. Ông nhấn mạnh đến thực tại của việc Đức Giêsu sống lại (người Hy lạp khó chấp nhận việc sống lại) nhưng ông dùng loại ngữ vựng có ý nghĩa nhất đối với họ, là “Đức Giêsu còn đang sống”. Ông dùng chữ “Đấng cứu tinh” để giải thích tước hiệu Messia/ Kitô hơi tối nghĩ đối với họ. Họ thường gọi các hoàng đế là “Chúa” (Seigneur) vì thế Luca cũng gọi Đức Giêsu là Chúa nhưng cẩn thận xác định thêm: Ngài là Chúa “duy nhất”. Ông tránh dùng chữ “biến hình” (tiếng Hy lạp là métamorphose) vì chữ này thường được dùng để nói về những cuộc biến hình của các thần linh.

            Những Kitô hữu này hiểu rằng chính nhờ ơn Chúa chứ không phải do bẩm sinh mà họ được nhận vào giao ước của Thiên Chúa với Israel. Họ thích đọc sách thánh để khám phá trong đó kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.

            Họ đã có cảm nghiệm về Thánh Thần: các giáo đoàn của họ sinh ra ngoài quỹ đạo Giêrusalem, sinh ra nhờ lời Thiên Chúa với Thánh Thần. Họ biết rằng đức tin vào Đức Giêsu Kitô đã đưa họ vào truyền thống các Tông đồ, một truyền thống mà Luca đã tìm hiểu rất kỹ. Nhưng họ cũng mốn sống truyền thống ấy trong tinh thần tự do của Thánh Thầnlà Đấng thúc đẩy họ hướng về anh em lương dân của họ. khác với những cộng đoàn của Mt, những cộng đoàn của Lc đương nhiên đã có sẵn tính đại đồng.

3/ TÁC GIẢ

            Truyền thống từ thế kỷ II quen coi tác giả là Lc “người y sĩ” thân mến (Cl 4,14) rừng tháp tùng Phaolô từ Troas đến Philipphê là nơi ông trú ngụ, có lẽ từ năm 50-58. Ông cũng theo Pholô đến Milet, Xêsarê và Rôma (dựa theo những đoạn trong Công vụ viết “chúng tôi”). Có lẽ là người Antiokia nên ông thuộc dòng dõi dân ngoại (hoặc Hy lạp hóa), là người có văn hóa, Lc đã sử dụng thành thạo ngôn ngữ Hy lạp quen được nói thời đó (ngôn ngữ Hy lạp Koiné).

4/ VÀI NÉT VỀ TIN MỪNG LUCA

            Lc là “hiện đại” nhất trong các Tin mừng. Do ảnh hưởng văn hóa Hy lạp, tác giả thích viết rõ rang. Ông sử dụng khá thành thạo ngôn ngữ Hy lạp chung (hoặc Koiné) người ta quen nói thời đó. Nhưng ông cũng có khả năng bắt chước loại ngôn ngữ Hy lạp Thánh Kinh chứa đầy cú pháp Sêmít, thí dụ trong những tường thuật thời thơ ấu.

            Ông tùy tiện cắt bài tường thuật thành nhiều toát yếu nhỏ để tóm lược những điểm ông muốn người ta nhớ kỹ hoặc diễn tiến của hành động. Chẳng hạn 3 bài toát yếu về sinh hoạt của giáo đoàn Giêrusalem (TOB và BJ chú thích Cv 2,42), sự lớn mạnh của Lời Chúa được nhắc tới ở Cv 6,7; 12,24; 13,49; 19,20. Thuật ngữ “chúng ta lên Giêrusalem” đánh mốc cho biết phần trung tâm của Tin Mừng.

            Là một sử gia, ông quan tâm định vị những biến cố trong lịch sử (2,1-3; 3,1-2) nhưng mặt khác, ông biết ít về xứ Palestina, về cách cất nhà và khí hậu ở xứ này, nên ông đánh đưa ra những chi tiết thời biểu rất mơ hồ (“một ngày kia…”) chứng tỏ quan tâm của ông thiên về Thần học hơn.

            Chỉ cần đọc sơ qua ta cũng xúc động trước tình cảm tế nhị tác giả dành cho Đức Giêsu, những người nghèo, những phụ nữ và những tội nhân. Do đó Dante đã gọi ônglà “tác giả Tin Mừng về tình thương dịu dàng của Thiên Chúa”

5/ NHỮNG Ý TƯỞNG LỚN CỦA TIN MỪNG LUCA

a- Hành trình lên Giêrusalem

     Trong Tin Mừng Lc, sứ điệp của Đức Giêsu tiến theo một hướng tõ rệt: lên Giêrusalem, ở đó Ngài sẽ chịu nạn chịu chết và sống lại (sang đến sách Công vụ, sứ mạng của GH cũng có một hướng đi rõ rệt là từ Giêrusalem tiến đến Rôma và toàn thế giới).

     Bởi đó trong Tin Mừng Lc, việc gì đi theo hướng “lên Giêrusalem” là đi đúng hướng; còn việc gì đi từ Giêrusalem xuống là đi lệch hướng. Thí dụ:

     – Đức Maria đi thăm bà Êlisabét (1,39-56): hướng lên Giêrusalem.

     – Lộ trình các hoạt động của Đức Giêsu: hướng lên Giêrusalem.

     – Dụ ngôn người Samaria nhân lành(10,29-37): kẻ bị nạn đã đi lệch hướng, vì anh ta đi “từ Giêrusalem xuống Giêricô”.

     – Hai môn đệ rời Giêrusalem đi Emmau (24,13-35): lệch hướng.

b- Hình ảnh người môn đệ

     Môn đệ là người đi theo Đức Giêsu, dù là thời Lc hay là thời nay.

     Lc quan tâm khắc họa hình ảnh người môn đệ Đức Giêsu. Do đó những đức tính tốt được đề cao trong tác phẩm là những điều người môn đệ phải có, những tính xấu bị phê phán là những điều người môn đệ không nên có. Vài thí dụ:

     – Đức Maria (1,39-56).

     – Các mục tử (2,1-20).

     – Nhạc mẫu ông Simon (4,38-39: bà “chỗi dậy” và “phục vụ” các Ngài).

     – 4 môn đệ đầu tiên (5,1-11: Họ đã “bỏ mọi sự” mà “đi theo” Ngài).

     – Ông Lêvi (5,27-28: cũng “bỏ tất cả” mà “đi theo” Ngài).

     – Người phụ nữ tội lỗi (7,36-50).

     – Những phụ nữ “đi theo” Đức Giêsu (8,1-3).

     – Gia đình thật của Đức Giêsu (8,19-21: những người “nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”).

     – Người bị quỷ ám ở Ghêrasa (8,26-39: sau khi được Đức Giêsu cứu anh đã xin “được ở lại với Ngài”).

     – Những điều kiện phải có để “đi theo” Đức Giêsu (9,23-28.57,62).

     – Trẻ nhỏ (9,46-48: “tiếp đón”).

     – Người Samaria tốt lành (10,29-37).

     – Maria em của Matta (10,38-42 “ngồi bên chân Chúa”).

     – Vác thập giá và từ bỏ (14,25-33; 18,28-30).

     – Người quản gia “bất lương” (16,1-12: “dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè”).

     – Người mù thành Giêricô (18,35-43: “Anh nhìn thấy và đi theo Ngài”).

     – Ông Giakêu (19,1-10: “phân nửa tài sản tôi, tôi cho người nghèo”).

     – Người trộm lành (23,39-43: “Ngày hôm nay anh sẽ ở với tôi”).

c- Vai trò của Thánh Thần

     – Đức Giêsu đầu thai bởi quyền phép của Thánh Thần (1,35).

     – Thánh Thần tỏ mình ra trong biến cố Đức Giêsu chịu thanh tẩy (3,22).

     – Thánh Thần dẫn Đức Giêsu vào hoang địa (4,1).

     – Thánh Thần tấn phong Ngài làm người mang Tin Mừng (4,14-18).

     – Đức Giêsu lãnh nhận Thánh Thần từ Chúa Cha và trao lại cho chúng ta nếu chúng ta xin (11,13).

d- Truyền giáo (tính đại đồng)

     – Lời loan báo của Gioan Tiền hô mở ra viễn tượng đại đồng (1,1-6: “hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”).

     – Gia phả của Đức Giêsu bắt đầu từ Adam, tổ tông của toàn thể nhân loại (3,23-38).

     – Tại hội đường Nazarét, Ngài ví mình với Êlia, vị ngôn sứ thường đến với dân ngoại (4,16-28).

     – Sai Nhóm 12 đi rao giảng (9,1-6).

     – Sai 72 môn đệ (10,1-16).

     – Đề cao người Samaria nhân lành (10,29-37).

     – Thiên Chúa bỏ người do thái bất trung và kêu mời dân ngoại (13,22-30).

e- Tin mừng của phụ nữ

     – Người phụ nữ thống hối (7,36-50).

     – Những phụ nữ đi theo Đức Giêsu (8,1-3).

     – Matta và Maria (10,38-42).

     – Người phụu nữ còng lưng (13,10-17).

     – Dụ ngôn bà góa quấy rầy (18,1-8).

     – Bà góa dâng tiền (21,1-4).

f- Tin mừng của lòng nhân từ

     – Cần phải có lòng nhân từ (6,36-38).

     – Dụ ngôn người Samaria nhân lành (10,29-37).

     – 3 dụ ngôn về lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa (15,1-32).

     – Khi bị điệu từ dinh Thượng tế ra, Đức Giêsu quay lại nhìn Phêrô (22,61-62).

     – Khi vác Thập giá, Ngài an ủi các phụ nữ (23,26-32).

     – Trên Thập giá, Ngài xin tha cho những kẻ hành hạ Ngài (23,34).

     – Trên Thập giá, Ngài tha thứ cho tên trộm lành (23,39-43).

g-  Tin mừng của nhân đức nghèo tuyệt đối

     – Kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên (5,1-11: Họ “bỏ hết mọi sự” mà đi theo Ngài”).

     – Kêu gọi Lêvi (5,27-28: Ông cũng “bỏ mọi sự” mà đi theo Ngài).

     – Các mối phúc thật (6,20-26: “Phúc cho các người là những người nghèo” (chứ không phải là những người có tinh thần nghèo); “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu”)

     – Môn đệ phải bỏ mọi sự (9,57-62).

     – Đừng thu tích của cải (12,13-22).

     – Bán của cải đi mà bố thí (12,33-34).

     – Khi đãi khách, hãy mời những người nghèo (14,12-14).

     – Phải từ bỏ hết những gì mình có (14,28-33).

     – Dụ ngôn người quản gia “bất lương” (16,1-8).

     – Cách sử dụng tiền của (16,9-13).

     – khiển trách biệt phái ham tiền (16,14-15).

     – Dụ ngôn phú hộ và Ladarô (16,19-31).

     – Người giàu khó vào Nước Trời (18,18-27).

     – Phần thưởng cho kẻ bỏ mọi sự mà theo Chúa (18,28-30).

     – Ông Giakêu (19,1-10).

h- Đức Giêsu là Êlia mới

     – Tai Hội đường Nazarét, Ngài tự ví mình với Êlia (4,16-28).

     – Cứu sống con trai bà góa thành Naim (7,11-17).

     – Chữa bệnh cho một đứa trẻ (9,42).

     – Đức Giêsu lên Giêrusalem (6,51.54.57.61.62).

     – Hấp hối (22,43-45).

i- Tin mừng về sự cầu nguyện

     – Đức Giêsu cầu nguyện luôn: 3,21  5,16  6,12 9,18.28-29  10,21  11,1.22.32.34.38.39-46.

6/ SƠ ĐỒ TÁC PHẨM

     Theo Joseph A. Fitzmyer (The Gospel according to Like, NXB The Anchor Bible, New York 1979, quyển 1, trang 134), tác phẩm này gồm 8 phần:

1- 1,1-4 Tiền ngôn: Tác giả trình bày ý định ghi lại những điều Đức Giêsu đã nói và đã làm. Tác phẩm được đề tặng một nhân vật tên Thêôphilô.

2- 1,5-2,52 Tin Mừng thời thơ ấu: Sự sinh ra và thời thơ ấu của 2 nhân vật Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu, được trình bày song song nhau.

3- 3,1-4,13 Chuẩn bị cho sứ vụ công khai của Đức Giêsu: Việc Gioan Tẩy Giả xuất hiện, hoạt động và bị bỏ tù là khúc dạo đầu cho những biến cố khai mào sứ vụ công khai của Đức Giêsu.

4- 4,14-9,50 Sứ vụ của Đức Giêsu tại Galilê: Galilê là nơi Đức Giêsu huấn luyện các môn đệ Ngài để sau này họ sẽ làm chứng cho Ngài. Vùng này cũng là điểm xuất phát của việc Ngài “xuất hành” lên Giêrusalem.

5- 9,51-19-27 Hành trình của Đức Giêsu lên Giêrusalem: Đây là phần trung tâm của tác phẩm.

6- 19,28-21,38 Sứ vụ của Đức Giêsu tại Giêrusalem: Việc Đức Giêsu vào thành thánh một cách long trọng như một vị vua mở màn một giai đoạn hoạt động tại Giêrusalem trước khi xảy đến những biến cố cuối cùng trong cuộc đời tại thế của Ngài.

7- 22,1-23,56a Tường thuật Đức Giêsu chịu nạn: Cao điểm của cuộc “xuất hành” trong đó Đức Giêsu bắt đầu “lên với Cha”.

8- 23,56b-24,53 Tường thuật phục sinh: Đức Giêsu được tôn vinh và chính thức sai phái các môn đệ đi làm chứng cho Ngài. Từ nay Ngài lên với Chúa Cha và chính thức là Đấng Cứu tinh.