Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 2 Phục Sinh Năm A

HỌC HỎI PHÚC ÂM
CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH NĂM A

Lời Chúa: Ga 20,19-31

19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em! “20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến.25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.”27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! “29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! “

30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này.31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Câu Hỏi:

1.     Câu chuyện của bài Phúc âm hôm nay diễn ra khi nào, ở đâu?

2.     So sánh Ga 20,19 và Ga 20,26. Có gì khác biệt ở chi tiết “các cửa được đóng kín”.

3.     Đọc Ga 11,16; 14,5 và 20,25. Bạn thấy nét đặc biệt nào nơi con người ông Tôma?

4.     Đọc Ga 20,25. Bạn nghĩ gì về đòi hỏi của ông Tôma? Ông có đòi hỏi hơn các môn đệ khác không? Đọc thêm Ga 20,20. Theo bạn, ông Tôma có xỏ ngón tay qua lỗ đinh của Đấng phục sinh không?

5.     Đọc Ga 20,26-27. Bạn thấy khuôn mặt của Đức Giêsu phục sinh có nét gì đặc biệt? Đọc Ga 17,12.

6.     Trong cả Phúc âm Gioan, ai là người tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu rõ nhất? Tuyên xưng này có hợp với Ga 1,1.18 không? Bạn nghĩ gì về hành trình đức tin của ông Tôma trong bài Phúc âm này?

7.     Đọc Ga 20,29. Có mấy loại đức tin? Bạn thích loại đức tin nào? Đọc thêm Ga 20.8.

8.     Đọc Ga 20,30. Theo bạn, “dấu lạ” ở đây nghĩa là gì?

9.     Tác giả viết cuốn Phúc âm thứ tư với mục đích gì? Sự sống ở đây là sự sống nào? Đọc Ga 1,3c-4.

10.   Bạn có gặp những người giống ông Tôma trong gia đình hay giáo xứ của bạn không? Bạn học được bài học nào nơi Đức Giêsu khi bạn đến gặp những người ấy?

GỢI Ý SUY NIỆM

Theo bạn, thái độ đòi hỏi của ông Tôma trong Ga 20,25 có quá đáng không? Có khi nào bạn gặp một người giống Tôma ở trong nhóm hay họ đạo của bạn không? Khi gặp một Tôma như thế, bạn muốn bắt chước Đức Giêsu ở điểm nào trong cách đối xử với người ấy?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Vào sáng ngày thứ nhất trong tuần (tức ngày Chúa nhật), Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với bà Maria Mác-đa-la bên ngôi mộ mới trong một thửa vườn. Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần (Ga 20,19), Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, không có sự hiện diện của ông Tôma, trong một căn phòng, rất có thể là căn phòng đã diễn ra Bữa Tiệc Ly (Mc 14,12-15; Lc 22,10-12). Tám ngày sau, tức vào ngày Chúa nhật kế tiếp, Chúa phục sinh lại hiện ra với các môn đệ, tại cùng căn phòng đó, nhưng lần này có sự hiện diện của ông Tôma (Ga 20,26).
  2. Trong Tin Mừng Gioan, trước khi chịu khổ nạn, Đức Giêsu đã nói: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầyđếnvới anh em” (Ga 14,18). “Thầy ra đi và Thầy đến với anh em” (Ga 14,28). Quả thực, sau khi được phục sinh, Đức Giê su đã đến với các môn đệ (Ga 20,19). Còn trong Tin Mừng Mát-thêu và Mác-cô, Đức Giêsu cũng hẹn gặp các môn đệ ở Galilê sau khi được sống lại (Mc 14,28; Mt 26,32). Cái hẹn này sẽ được vị thiên sứ nhắc lại cho các phụ nữ ra viếng mộ (Mc 16,7; Mt 28,7). Thậm chí chính Đấng phục sinh cũng nhắc lại cái hẹn ấy (Mt 28,10).
  3. Chúa Giêsu phục sinh cho họ xem thân thể của mình (Ga 20,20). Ngài cho xem cả hai bàn tay để họ thấy những vết thương gây ra do bị đóng đinh. Đặc biệt Tin Mừng Gioan kể chuyện Đức Giêsu bị người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn (Ga 19,34), nên Chúa Phục sinh cũng muốn cho các môn đệ thấy vết thương lớn này. Ngài muốn cho các môn đệ biết rằng: Đấng đang sống và đang đứng giữa họ chính là vị Thầy của họ, người đã chịu đóng đinh và chết trước đây mấy ngày. Đấng đã chết, bây giờ là Đấng đang sống, đang đến gặp họ.
  4. Trong Tin Mừng Gioan 20,18-29, những người đã đượcthấyChúa phục sinh là chị Maria Mác-đa-la, là mười môn đệ trong Nhóm Mười Hai, rồi đến ông Tôma. Chị Maria đã làm chứng cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18). Mười môn đệ đã làm chứng cho Tôma: “Chúng tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,25). Cuối cùng, chính Tôma cũng đã thấy Chúa: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin…” (Ga 20,29). Tuy nhiên, hầu chắc Chúa không chỉ hiện ra cho một mình chị Maria, vì có một nhóm phụ nữ ra mộ cùng với Maria Mác-đa-la (“Chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” : Ga 20,2. Xem thêm Mt 28,9-10; Mc 16,1).
  5. Cả bốn Phúc âm đều kể chuyện Chúa Giêsu phục sinh sai các môn đệ lên đường (Mc 16,15; Mt 28,19; Lc 24,47; Ga 20,21). Đây là một việc quan trọng mà Ngài phải làm khi hiện ra với họ. Chúa Giêsu, người đã được Cha sai phái, và đã nói: “Thế là đã hoàn tất!” (Ga 19,30), bây giờ Ngài sai phái các môn đệ. Chúa phục sinh không chỉ sai các môn đệ người Do-thái đến với với dân Ít-ra-en của họ, nhưng đến với “toàn thể thế giới” để “rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo” (Mc 16,15), đến với “mọi dân tộc” (Mt 28,19; Lc 24,47), gồm cả dân ngoại, để loan báo sự phục sinh của Đấng đã sống và chết vì họ. Gioan 17,18 cho thấy Chúa Cha là nguồn gốc của mọi sự sai đi: “Như Cha đã sai Con đến trong thế gian, Con cũng sai họ đến trong thế gian” (Ga 17,18; x. 20,21). Có một dòng chảy của sứ vụ từ Chúa Cha đến Chúa Giêsu, và từ Chúa Giêsu đến với các môn đệ, bao thế hệ môn đệ sẽ tiếp tục dòng chảy này cho đến tận thế. Thế gian là điểm tới của mọi cuộc sai đi. Thiên Chúa và Hội Thánh luôn hướng về con người trong thế giới.
  6. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã thổi hơi vào mũi con người Ngài nặn bằng đất sét, để nó trở thành một sinh vật (St 2,7). Ở đây, Chúa Giêsu phục sinh cũng thổi hơi trên các môn đệ để ban cho họ sức sống mới tức là Thánh Thần của Ngài (Ga 20,22). Thánh Thần cần cho những người được Ngài sai đi (Ga 20,21). Thánh Thần sẽ dạy họ mọi điều (Ga 14,26) và giúp họ làm chứng cho Chúa Giêsu (Ga 15,26). Ngoài ra, ở đây, Thánh Thần còn cho họ có khả năng tha tội (Ga 20,23).
  7. Một tuần sau, Chúa Giêsu phục sinh lại đến như thể để gặp riêng ông Tôma, vì lần này ông có mặt cùng với các môn đệ khác. Tôma có vẻ nghi ngờ lời chứng của nhóm môn đệ đã được thấy Chúa. Ông đưa ra những điều kiện cần đáp ứng để ông tin (Ga 20,25). Chúa phục sinh hiện ra đã thỏa mãn tất cả những yêu cầu của ông (Ga 20,27). Rõ ràng Ngài không muốn mất ông, dù ông cứng lòng tin. Ngài muốn ông có cùng một đức tin như các môn đệ kia. Chẳng rõ Tôma có dám làm điều ông yêu cầu không, nhưng chắc chắn ông đã kinh ngạc về tình yêu khiêm hạ lạ lùng của Chúa. Chính điều này làm Tôma chấp nhân quy phục và ra khỏi sự cứng lòng tin của mình.
  8. Lời tuyên xưng của Tôma ở Ga 20,28 rất đặc biệt, vì ông tuyên xưng Thầy Giêsu phục sinh là “Thiên Chúa của con”. Đây là niềm tin vào Đức Giêsu ở mức cao nhất. Điều này gợi cho ta nhớ đến câu đầu tiên của Tin Mừng Gioan, trong đó Ngôi Lời đã được gọi là Thiên Chúa (1,1). Ngôi Lời ấy đã thành người nơi Đức Giêsu Kitô (1,17). Lời tuyên xưng trên miệng của Tôma cũng phản ánh niềm tin của một giáo hội ở cuối thế kỷ thứ nhất, trong đó ông là một thành viên.
  9. Mối phúc ở Ga 20,29 là mối phúc dành cho chúng ta ngày nay. Chúng ta là những người đã tin, tuy không được thấy tận mắt, hay chạm tay vào Đấng Phục sinh như các môn đệ xưa. Gioan 13,17 lại cho ta một mối phúc khác, đó là mối phúc của những người dám thực hành việc phục vụ thấp hèn cho anh em.
print