Học Kinh Thánh của Cha Carôlô Hồ Bạc Xái: Luca Chương 20

print

BÀI 84: QUYỀN BÍNH CỦA ĐỨC GIÊSU (20,1-8)

c 1 “Đức Giêsu giảng dạy cho dân chúng trong Đền thờ”: Sau khi đã thanh tẩy ‘nhà của Ngài’ là Đền thờ. Đức Giêsu thường xuyên vào đó để rao giảng. Và cũng tại đây Ngài gặp những người chống đối đến chất vấn Ngài. Những cuộc chất vấn này mang tính cách những cuộc thẩm vấn bị cáo trước khi đưa ra tòa xét xử. Những hành động của Đức Giêsu cách riêng là việc thanh tẩy Đền thờ, đã khiến vụ án của Ngài đến nhanh hơn.

     – Những người đến chất vấn là 3 nhóm hợp lại: thượng tế, kinh sư và kỳ mục.

       * Thượng tế: các tư tế được làm thành viên của Thượng hội đồng. Đa số họ thuộc phái Sađốc.

       * Kinh sư: những người thông thạo luật. Đa số thuộc phái pharisêu.

       * Kỳ mục (hay kỳ lão): không nhất thiết là những người già mà là những người đứng đầu các gia tộc, họ rất được kính trọng.

     Đó là 3 thành phần tạo thành Thượng hội đồng Do thái giáo , tức là những kẻ nắm quyền trong tôn giáo Do thái.

     – Đề tài chất vấn sẽ lần lượt là: quyền của Đức Giêsu (20,1-8) vấn đề nộp thuế cho Xêsa (20,20-27), và vấn đề kẻ chết sống lại (20,27-40), ở đây là cuộc chất vấn thứ nhất.

c 2 “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?”: theo Mt 21,23 thì các đối thủ hỏi về quyền giảng dạy bởi vì họ tự cho họ nắm độc quyền giảng dạy, họ nghĩ việc Đức Giêsu giảng dạy trong Đền thờ là bất hợp pháp. Theo Lc thì họ chất vấn về việc Đức Giêsu loan Tin Mừng, nghĩa là cũng tương tự như trong Mt. Còn theo Mc thì họ chất vấn về việc Ngài thanh tẩy Đền thờ. Thực ra 3 quyển Tin Mừng bổ xung cho nhau: vì Đức Giêsu rao giảng và thanh tẩy Đền thờ nên các đối thủ cho rằng Ngài đã lấn quyền họ nên tới chất vấn. Lc đã cho thấy ngay từ lúc bắt đầu giảng dạy. Đức Giêsu đã tỏ ra quyền của mình (4,32), và dân chúng cũng nhận xét Ngài giảng dạy như một kẻ có quyền, họ lại còn đánh giá lời Ngài giảng dạy là uy quyền hơn các kinh sư (19,47). Bởi thế các lãnh tụ Do thái rất căm ghét Ngài, đến nỗi họ muốn giết chết Ngài (19,47). Hôm nay thì họ đến để chất vấn ‘Ông lấy quyền nào mà làm như thế?’.

c 3-4 – Đức Giêsu thấy chẳng cần trả lời cho họ nên Ngài vặn lại bằng một câu hỏi lắt léo: việc Gioan thanh tẩy là do quyền bởi trên hay bởi người ta? ‘Bởi trên’ là một cách nói quanh thay vì nói thẳng là ‘bởi Thiên Chúa’. Đây không phải là Đức Giêsu tránh né câu hỏi, nhưng là một thái độ tiên quyết mà Đức Giêsu gợi lên cho họ: Thượng hội đồng phải có đủ thiện chí để đón nhận sứ mệnh của ông Gioan – vị tiền hô của Đức Giêsu – thì mới có thể thừa nhận quyền bính của Đức Giêsu. Điểm này rất quan trọng đối với Lc, tác giả đã gắn liền sứ mạng của hai vị này với nhau trong phần đầu sách Tin Mừng (1-2) và trong sách Công vụ (1,22  10,37  13,24-25  19,4)

c 5-6 Câu hỏi của Đức Giêsu khiến họ bối rối: nếu đáp là ở trên thì sẽ bị vặn thêm ‘Vậy tại sao các ông không tin Gioan?’. Đáp như thế cũng là thừa nhận Thiên Chúa cũng ban quyền giảng dạy cho một người ngoài khung khổ của họ (Gioan không phải là thượng tế, thông giáo và kỳ lão), thế thì Thiên Chúa cũng có thể ban quyền cho Đức Giêsu (huống hồ Ngài còn là Messia) và như thế sự dành độc quyền và sự ganh tị của họ không có cơ sở vững chắc.

     – Còn nếu đáp là bởi loài người ta thì dân sẽ phản đối họ.

c 8 – Vì thế họ tránh né trả lời bằng câu “Chúng tôi không biết”. Và Đức Giêsu cũng không thèm trả lời cho câu hỏi của họ.

 

BÀI 85: DỤ NGÔN TÁ ĐIỀN SÁT NHÂN (20,9-19)

I- BỐI CẢNH CỰU ƯỚC

     Đức Giêsu đã mượn dụ ngôn vườn nho của Is 5,1-7 nhưng thay đổi vài chi tiết để thành dụ ngôn của Ngài.

– Trong dụ ngôn của Isaia, sau khi thất vọng về vườn nho, ông chủ đã tàn phá nó; còn trong dụ ngôn của Đức Giêsu, ông chủ không tàn phá nhưng trao nó cho người khác.

     Ý tưởng so sánh ông chủ trong cả 2 dụ ngôn đều rõ: đó là hình ảnh của Thiên Chúa.

     Nhưng vườn nho thì so sánh với ai? Trong dụ ngôn của Is, đó rõ ràng là hình ảnh của dân Israel. Nhưng ta không thể hiểu vậy được dối với dụ ngôn của Đức Giêsu, vì thật là phi lý nếu Thiên Chúa đem dân Israel trao cho người khác. Vậy phải hiểu vườn nho là hình ảnh của Nước Trời: ban đầu Thiên Chúa ban Nước Trời cho dân Israel mong họ sẽ làm sinh hoa lợi, nhưng vì họ đã không làm nên Thiên Chúa trao Nước Trời cho ‘người khác’ là GH.

     – Những tá điền: các lãnh tụ tôn giáo Do thái (Ez 3,4).        

-Những đầy tớ chủ sai đi thu hoa lợi: đó là các ngôn sứ.

– Đứa con của ông chủ: Đức Giêsu.

– Những ‘người khác’ mà ông chủ  sẽ giao vườn nho: một dân mới (GH) thế chỗ cho dân cũ (Israel)

II- GIẢI THÍCH

c 9a Đức Giêsu nói dụ ngôn này cho dân chúng nghe. Nhưng các lãnh tụ Do thái thì hiểu Đức Giêsu muốn nhắm tới họ (c 19).

c 9b-10 Ông chủ cho các tá điền thuê vườn nho, họ được canh tác nó với điều kiện là sinh ‘hoa lợi’. Lc thường nhắc tới hoa lợi mà Thiên Chúa trông đợi nơi dân Ngài (3,8-9  6,43-44  8,8  13,6-9)

c 10-12 Ông chủ 3 lần sai đầy tớ đến thu hoa lợi. Nhưng đám thợ chẳng những không nộp, mà việc làm của họ ngày càng quá đáng và trầm trọng, đuổi về sau khi đánh đập (lần 1); đuổi, đánh đập và hạ nhục (lần 2); quăng ra ngoài sau khi đánh trọng thương (lần 3).

     Ngoài cách đối xử tàn ác của tá điền đối với các tôi tớ của chủ, dụ ngôn còn nhấn mạnh đến thất bại hoàn oàn của sứ mạng các tôi tớ: bị ‘đuổi về tay không’.

c 13-15 Bọn tá điền giết con trai yêu dấu của chủ không chút ngần ngại và đầy đủ ý thức. hông phải chúng giết lầm người, vì vừa thấy cậu đến thì họ biết ngay đó là đứa con thừa tự của ông chủ. Như thế tội của chúng càng nặng hơn.

     – “Quăng ra bên ngoài vườn nho”: ám chỉ việc Đức Giêsu bị giết ngoài thành Giêrusalem.

     – “Trao cho người khác”: Nước Trời không còn trao độc quyền cho dân Israel nữa mà trao cho GH.

     – “Đã trở thành viên đá góc tường”: Động từ trong nguyên bản có nghĩa là ‘đã được làm thành’, nghĩa là thể thụ động, hiểu ngầm túc từ tác động là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa làm cho Đức Giêsu trở thành đá góc.

 

BÀI 86: THIÊN CHÚA VÀ HOÀNG ĐẾ (20,20-26)

c 20 Tuy Lc không nói rõ những đối thủ lần này của Đức Giêsu là ai, nhưng Mc 12,13 và Mt 22,16 thì nói rõ đó là pharisêu và nhóm Hêrôđê. Hai phái thường ngày đối nghịch nhau nhưng nay bắt tay nhau để hại kẻ thù chung là Đức Giêsu.

     – Biệt phái đã chống chính quyền Rôma và khinh ghét những người hợp tác với Rôma.

     – Nhóm Hêrôđê trái lại cầu thân với Rôma để củng cố đặc quyền đặc lợi của họ.

     Sau trận tấn công đầu tiên (về quyền giảng dạy: 20,1-8) bị thất bại,lần này họ cẩn thận hơn: ‘rình rập và sai một số người giả bộ làm người công chính đến dò la, mong bắt quả tang Đức Giêsu lỡ lời…’.

c 21 Để bắt quả tang Đức Giêsu lỡ lời, họ gài một cái bẫy. Nhưng họ ch đậy cái bẫy đó rất khéo bằng những lời tâng bốc Đức Giêsu: ‘nói và dạy cách thẳng thắn, không thiên vị ai, theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa’.Nhưng đặc biệt nhất họ gọi Ngài là ‘Thưa Thầy’, nguyên bản là Rabbi, một tước vị mà chỉ có một số ít người làu thông Thánh Kinh mới được gọi mà thôi.

c 22 – Tiếp đó họ mới thò cái đuôi đầy nọc độc ra: ‘Có nên nộp thuế cho Xêsa không?’ Đây là một cái bẫy nguy hiểm vì Đức Giêsu trả lời nên hay không đều bị kẹt hết: nếu Ngài nói nên nộp thuế cho Rôma thì sẽ bị nhóm biệt phái lên án phản quốc; nếu Ngài nói không nên thì nhóm Hêrôđê sẽ tố cáo Ngài phản động chống Rôma.

 c 23-24 Đức Giêsu không bị những lời tâng bốc làm mờ mắt khiến không nhận ra nọc độc trong cái bẫy họ giăng ra. Đấng đã từng dạy các môn đệ mình hãy ‘khôn như rắn và đơn sơ như chim bồ câu’ làm sao vướng bẫy họ được. Ngài chưa vội trả lời nhưng bảo họ đưa cho Ngài xem đồng tiền. Dĩ nhiên đây là đồng tiền để nộp thuế. Ta nên biết rằng  người Do thái phải nộp thuế cho 2 phía: thuế nộp cho Đền thờ thì phải bằng đồng tiền do Đền thờ phát hành, còn thuế nộp cho Rôma thì phải bằng đồng tiền do Rôma phát hành, gồm một mặt in hình hoàng đế tại vị và một mặt in hàng chữ hiệu của hoàng đế. Khi Đức Giêsu hỏi thì đương nhiên họ phải đưa ra đồng tiền Rôma này.

     – Và khi Ngài hỏi hình và chữ này của ai? Họ cũng công nhận như thế.

c 25 “Của Xêsa thì trả cho Xêsa”: nguyên việc họ đang sử dụng đồng tiền Rôma cũng đã cho thấy một cách nào đó họ tòng phục quyền bính Rôma. Câu nói của Đức Giêsu có nghĩa là họ đã đặt cho Ngài một thắc mắc vô ích và giả hình nữa. Ngài không thèm đi sâu vào vấn đề đó vì coi nó là không cần thiết.

     – “Của hiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa”: Nhưng Đức Giêsu nhắc họ phải lưu ý tới một điều quan trọng hơn mà họ đã bỏ quên, đó là phải lo những bổn phận đối với Thiên Chúa. Đừng vì bận tâm chính trị hay vì lòng thù ghét đối với Ngài mà bỏ quên điều quan trọng này.

     Như thế, Đức Giêsu vừa không mắc bẫy mà vừa dạy lại cho các đối thủ của Ngài một bài học đích đáng. Chính vì thế mà họ ‘ngạc nhiên và làm thinh luôn’.

 

BÀI 87: PHỤC SINH CHO KẺ CHẾT (20,27-40)

I- GIẢI THÍCH

c 27“Bè Sađốc”: Đây là lần duy nhất nhóm này xuất hiện trong Tin Mừng Lc (sau này họ sẽ xuất hiện nhiều hơn trong sách Công Vụ: Cv 4,1  23,6-9). Họ là một trong ba phái tôn giáo Do thái (hai phái kia là Pharisêu và Essêni). Họ là dòng dõi của tư tế Sađốc thuộc bộ tộc Lêvi (Xh 40,46). Họ là giới trưởng giả của hàng tư tế. Họ chỉ quan tâm tới lễ nghi tế tự và ít quan tâm tới những vấn đề liên hệ tới các giáo điều.

     – “Nói rằng kẻ chết không sống lại”: Cách chung, bè Sađốc chỉ công nhận Ngũ thư. Mà niềm tin vào việc kẻ chết sống lại chỉ xuất hiện khoảng năm 165 tr cn.. trong sách Macabê và sách Đaniel. Do đó, bè Sađốc không công nhận Cv 23,8 nói họ không tin có thiên sứ, thần khí và sự sống lại. Tuy nhiên vì họ tin rằng sau khi chết thì linh hồn vẫn tồn tại trong Shéol.

     Phần Đức Giêsu thì về điểm này Ngài cùng lập trường với bè Biệt phái, nghĩa là tin rằng kẻ chết sẽ sống lại.

     Do đó bè Sađốc coi Đức Giêsu là đối thủ, và hôm nay họ tới chất vấn Ngài.

c 28-33 “Ông Môsê đã dạy chúng tôi”: Vì tất cả mọi người Do thái đều tin nơi Môsê, cho nên bè Sađốc viện dẫn Môsê để mở đầu cuộc tấn công. Đoạn mà họ viện dẫn là Luật Lêvirat trong Đnl 25,5t. Mục đích của họ là chứng minh rằng nếu có sống lại thì thật là lố bịch. Con số 7 mà họ đưa ra cũng cho thấy sự lố bịch trầm trọng của vấn đề.

c 34-36 Thực ra khi bè Sađốc không tin vào việc kẻ chết sống lại và những người Do thái kia tin vào việc đó là họ dựa vào một quan niệm rất thô thiển và duy vật về sống lại: họ cho rằng cuộc sống sau khi sống lại cũng giống cuộc sống hiện giờ (do đó cũng cần ăn uống, cũng có vợ có chồng, có con) nhưng lại phong phú hơn. Từ quan niệm thô thiển đó, Rabban Gamalien đã viết ‘lúc đó sau khi sống lại phụ nữ sẽ sinh con mỗi ngày’. Ông đã lý luận rằng hiện nay ngay cả gà mái còn để trứng mỗi ngày, không lẽ con người lúc đó lại thua kém con vật sao! (Talmud Shabbat 30b). Khoảng năm 150, một rabbi khác còn tiên báo rằng đến lúc đó mỗi người Israel sẽ có ít nhất  là 600.000 đứa con, nghĩa là tương đương với số người Israel đã xuất hành khỏi Ai cập!

     Phần Đức Giêsu thì quan niệm rằng cuộc sống sau khi sống lại không phải chỉ là trở lại cuộc sống cũ, nhưng là một cuộc tạo dựng mới hoàn toàn, một sự đổi mới tận căn thân phận con người khiến con người mang lấy thân phận thượng giới giống như thân phận các thiên thần (Ga 6,2). Khi đó con người không còn mải lo về điều gì khác ngoài yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa ‘giống như thiên thần’.

     Riêng việc lấy vợ lấy chồng, thì mục đích là để lưu tồn sự sống qua việc sinh con. Nhưng trong cõi đời sau, vì người ta sẽ không còn chết nữa nên việc sinh con không còn ý nghĩa, và do đó cũng không có chuyện lấy vợ lấy chồng. Ở đây Đức Giêsu đưa vấn đề đi xa hơn để tới chỗ đúng đắn của nó: đừng chỉ nghĩ đến sự sống lại, mà phải nghĩ đến sự bất tử nữa.

c 37-38 Và để củng cố cho lập luận của mình, Đức Giêsu viện dẫn thêm Thánh Kinh. Đúng lý ra Ngài có thể viện dẫn sách Macabê hoặc sách Đaniel, nhưng vì bè Sađốc chỉ chấp nhận Ngũ thư thôi cho nên Ngài viện dẫn Ngũ thư.

     Đại khái lý luận của Đức Giêsu như sau: lúc Thiên Chúa tỏ mình cho Môsê trong bụi gai thì các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp đã khuất bóng. Hế nhưng Thiên Chúa đã phán rằng Ngài là Thiên Chúa của các Tổ phụ đó, tức là các Tổ phụ đó còn sống. Như thế Thiên Chúa là Chúa của những người sống và những người mà ta tưởng chết thật ra vẫn còn sống, họ sống trong một thế giới khác. Hơn nữa Thiên Chúa tạo dựng loài người là để cho loài người được sống (St 2,23-24)

c 39 “Mấy Thông giáo liền thưa Ngài rằng…”: Lời lẽ của Đức Giêsu khiến các luật sĩ hài lòng, vì một mặt họ thấy đối thủ của họ là vè Sađốc đã bị thua. Mặt khác họ cũng thán phục cách chú giải Thánh Kinh tuyệt với của Đức Giêsu.

II- KẾT LUẬN

            Lời tuyên bố của Đức Giêsu về việc kẻ chết sống lại như một sự mở màn cho thấy Tin Mừng của Ngài là Tin Mừng về sự sống, và hơn nữa còn cho thấy chính Ngài là kẻ nắm giữ bí mật của sự sống vĩnh cửu ấy.

 

BÀI 88: ĐỨC GIÊSU VÀ VUA ĐAVÍT (20,41-44)

            Đức Giêsu vẫn còn giảng dạy ở Đền thờ. Sau khi bị các phe nhóm thay nhau chất vấn Ngài về nhiều vấn đề (về quyền giảng dạy của Ngài: 20,1-8; về việc nộp thuế cho Xêsa: 20,20-26; về vấn đề kẻ chết sống lại: 20,27-40), bây giờ chính Ngài đặt ra vấn đề.

c 41 “Ngài hỏi họ”: câu 40 của đoạn trước cho biết những cuộc chất vấn đã kết thúc. Nay chính Đức Giêsu lên tiếng hỏi.

     – Ngài hỏi ai? Đối tượng khác nhau tùy mỗi quyển Tin Mừng. Trong Mt thì là hỏi Biệt phái; trong Mc thì hỏi ‘đám đông dân chúng đang thích thú nghe Ngài giảng’; còn trong Lc thì hỏi giới Thông giáo (có khi còn được dịch là Kinh sư). Sở dĩ Ngài đặt vấn đề với giới này vì họ vừa lên tiếng tán thưởng Ngài đã có ý kiến hay về việc kẻ chết sống lại (c 39).

     – “Sao người ta lại nói Đức Kitô là con vua Đavít”: Đức Giêsu mở đầu vấn đề bằng cách nhắc lại quan niệm chung của nhiều người Do thái (‘người ta’) rằng Đấng Kitô (tức Messia) là con của vua Đavít. Có một truyền thống được giới thông giáo rao giảng là Đấng Messia là con cháu của vua Đavít. Truyền thống này dựa trên 2Sm 7,14-17. Người bình dân thường gọi như vậy (người mù thành Giêrikhô 10,48-49; dân thành Giêrusalem 11,10). Chính Tin Mừng Lc cũng đã nhiều lần viết như thế (1,27  1,32-33  2,4.11  3,11  18,38-39…)

     Nhưng Đức Giêsu không tự xưng mình như vậy vì tước hiệu này dễ gây hiểu lầm về một Đấng Messia chính trị và quân sự. Cho nên Ngài sẽ giải thích rõ hơn cho dân hiểu.

c 43 Sau khi đặt vấn đề Đức Giêsu bắt đầu đưa ra một chú giải mới cho câu Tv 110,1

     – Nguyên văn hipri của câu này là: ‘Sấm ngôn của YHWH phán cùng chúa tôi rằng’. Chữ ‘chúa’ (seigneur) trong câu này chỉ Đavít, câu này không tạo thành vấn đề gì cả vì YHWH mà coi Đavít là ‘con’ thì là đương nhiên.

     – Thế nhưng khi người ta dịch lại sang tiếng hy lạp và aram thì do muốn tránh nói thẳng tới YHWH, dịch giả đã thay chữ YHWH bằng chữ ‘Chúa’. Thành ra câu này có tới hai chữ ‘Chúa’: “Chúa phán cùng chúa của tôi rằng…”

     – Khi đọc Tv này trong nhãn giới messia, người do thái hiểu chữ ‘chúa’ thứ nhất là Đavít (mà người ta coi là tác giả của Tv 110), và chữ ‘chúa’ thứ hai (‘chúa của tôi’) là Đấng Messia. Khi đó ý nghĩa câu này sẽ đảo ngược lại là: Vua Đavít nói cùng Đấng Messia(mà Đavít gọi bằng ‘chúa của tôi’) rằng con hãy ngự bên hữu ta. Cách hiểu này dẫn tới 2 điểm không ổn:

     a/ Đavít coi Đấng Messia vừa là ‘chúa của tôi’ vừa là ‘con’!

     b/ Đấng Messia sẽ có tính cách chính trị (vì chia quyền cai trị của Đavít).

     – Rồi Đức Giêsu kết luận ‘Nếu vua Đavít gọi Đấng Messia là Chúa thì làm sao Đấng Messia lại làm con của Đavít được?’. Câu này  không phải là một câu giải đáp cho vấn đề được nêu lên. Nhưng nó có tác dụng là khiến giới thông giáo hiểu rằng Đức Giêsu cũng là một chuyên viên chú giải Thánh Kinh. Phần Đức Giêsu thì chỉ hỏi mà không trả lời, khiến họ phải xét lại cách họ hiểu Tv 110.

     – Khi đưa câu hỏi mà không trả lời, Đức Giêsu muốn chờ thời gian trả lời hộ. Thực vậy, sau khi Ngài sống lại, ý nghĩa của Tv 110 này dần dần được sang tỏ: khi hiện ra với hai môn đệ Emmau. Đức Giêsu đã dùng Thánh Kinh để cho họ thấy rằng Đấng Messia phải trải qua đau khổ rồi mới vào trong vinh quang (24,26) và ngự bên hữu Thiên Chúa (là YHWH ‘Đức Chúa’ đích thực); Ngày lễ Ngũ tuần Phêrô đã dựa vào Tv 110 để khẳng định rằng ‘Đấng đã chịu đóng đinh, Thiên Chúa đã làm cho Đấng ấy trở thành Chúa và Messia( Cv 2,34-36).

     -Khi đó câu hỏi bỏ lửng của Đức Giêsu đã có một giải đáp: Đấng Messia mà Tv 110 nói đến ấy chính là Đức Giêsu.Tuy nhiên Ngài không phải là một Messia chính trị, nhưng là một Messia Tôi tớ.

     – Xét về huyết thống thì Messia ấy quả thực là con cháu Đavít.

     – Nhưng xét về thiên chức thì Messia ấy trổi vượt Đavít. Ngài là ‘chúa’ của vua Đavít. Messia ấy được quyền cai trị, nhưng không phải quyền cai trị của Đavít, mà là quyền cai trị của chính Thiên Chúa.

     – Rốt cuộc Đức Giêsu đưa Tv 110 trở lại đúng ý nghĩa nguyên thủy của nguyên bản hipri: phải hiểu chữ ‘Chúa’ thứ nhất là Thiên Chúa (YHWH) và chữ ‘chúa’ thứ hai là Đấng Messia, hay nói rõ ra là chính Đức Giêsu.

     – “Để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con”: Trong phần thứ hai của câu Tv 110,1, những ‘địch thù’, hiểu theo ý nghĩa mới của Đức Giêsu, chính là các quyền lực của sự dữ, cách riêng là sự chết (1Cr 15,24-27).

 

BÀI 89: KHIỂN TRÁCH CÁC KINH SƯ (20,45-47)

c 47 Sau khi đặt vấn đề buộc các kinh sư phải xét lại xem Đấng Messia là con vua Đavít theo nghĩa nào, Đức Giêsu quay sang nói với các môn đệ để cảnh giác họ về một số thói xấu của các kinh sư:

     1/ Thói phô trương:

     – “Ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng”: Mt 23,6-7 mô tả rõ hơn: chiếc áo này được họ đính thêm những ‘thẻ kinh’ và những ‘tua’:

     * ‘Thẻ kinh’: là Phylactères, tức là những hộp nhỏ hình vuông bằng da trong đó đựng 4 đoạn Thánh Kinh: Đnl 11,13-22  6,4-9; Xh 13,11-16 và Xh 13,2-10. Những đoạn thánh kinh này tóm nội dung chính của Luật. Một người Israel từ lúc 13 tuổi phải mang một thẻ kinh trên trán và một thẻ kinh trên cánh tay trái. Mỗi ngày thường (ngày lao động) vào buổi sáng họ phải đọc rằng ‘Xin chúc tụng Yavê, Thiên Chúa, Vua vũ trụ vì Ngài đã dùng các giới răn của Ngài mà thánh hóa chúng con, và đã truyền chúng con mang những thẻ kinh’.

     * ‘Tua áo’: Ds 15,37-39 dạy rằng người Israel phải buộc những tua vải vào 4 góc gấu áo để nhắc họ nhớ thi hành những giới răn Thiên Chúa.

     Điều Đức Giêsu tố cáo không phải là sự kiện họ mang thẻ kinh và tua áo. Nhưng là cách họ cố tình làm cho những thẻ kinh và tua áo ấy lớn hơn, rộng hơn với dụng ý là cho người ta thấy mà khen họ đạo đức.

     – “Ưa chiếm ghế danh dự trong Hội đường”: những ghế này quay lưng về giảng đài và quay mặt về dân chúng. Nghĩa là ghế chủ tọa.

     – “Thích được chào hỏi ở những nơi công cộng”:Luật Rbbi buộc ‘phải chào kẻ cao hơn mình về phương diện hiểu biết Luật’. Như vậy thích được chào có nghĩa là thích được người ta nhìn nhận mình hiểu biết luật hơn người.

     – Thói lợi dụng chức vụ: Lc còn thêm câu 47: “Nuốt hết tài sản các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh lâu dài”. Đây là thói xấu lợi dụng chức vụ để tự tư lợi.