Lên Đồi Với Chúa: Chiếc Khăn Lau Mặt Người

print

Chiếc Khăn Lau Mặt Người

Batôlômêô Nguyễn Anh Huy S.J

dongten.net,

Thầy Giêsu kính mến,

Từ ngày con gặp Thầy trên Con Đường Thương Khó (Via Dolorosa), nhiều tín hữu vẫn nhắc đến con với lòng mến mộ, nhất là khi cộng đoàn họp nhau đi Đàng Thánh Giá. Mà thật ra, mấy ai biết Vêrônica này chỉ là một phụ nữ vô danh. Kinh Thánh không hề đề cập đến con. Cái  tên Vêrônica là do ai đó đặt ra từ chữ Latin vera (thật)  với chữ Hy Lạp icon (họa ảnh, biểu tượng, phản ảnh). Vậy nên Vêrônica phải được hiểu là “chân dung đích thực phản ảnh gương mặt Thầy Giêsu.” Cái tên đủ làm con  suy nghĩ.

Thầy còn nhớ chứ? Hôm ấy con đi cùng mấy chị em   ở Giêrusalem đến khóc thương Thầy. Chúng con đã chuẩn bị rượu thơm hảo hạng hầu mong giúp Thầy vượt qua cơn khát lẫn cơn đau. Nhưng Thầy bảo: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.” Lấy hết can đảm, con đưa tay gạt nước mắt, len qua đám đông và toán lính hung bạo, rồi bình tĩnh tiến đến gần Thầy hơn. Con quỳ xuống, cung kính – trong xót xa bàng hoàng –   lấy tấm khăn xin được thấm máu Thầy. Nhiều  người xung quanh – những người đã từng tin tưởng, hy vọng, yêu mến và bước theo Thầy – nay mắt nhìn hoang vu, hoặc vì trông Thầy lúc ấy đâu khác gì một tử tội, hoặc vì sợ quân lính tàn ác. Đám đông sửng sốt, quân lính cũng “đứng hình”. Thời gian như muốn ngừng lại ở giây phút ấy. Thầy nhìn con bằng cái nhìn trìu mến xen lẫn động viên. Trong thinh lặng, hình như Thầy muốn nói: “Hãy theo Thầy trong đau khổ, để cũng ở với Thầy trong vinh quang”.3 Cũng trong thinh lặng, con chất chứa bao điều chẳng thốt nên lời. Vì con biết, và con nhận ra, Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa, và là Con Thiên Chúa. Thầy đưa tay trái ra đỡ lấy tấm khăn, tay phải vẫn ôm cây thập giá, tự tay lau khuôn mặt thấm đẫm máu đào rồi trao khăn vào tay con. Và rồi, lúc nào chẳng hay, hình ảnh khuôn mặt Thầy đã in trên chiếc khăn nghĩa tình ấy. Những chuyện này, Kinh Thánh không thuật lại, nhưng người ta vẫn truyền tụng mãi.

Con chưa bao giờ kể với ai chuyện Thầy đã hiện ra   với con cách riêng khi Thầy phục sinh từ cõi chết. Nhưng hình như người ta cũng đoán được, và một tác giả Tin Mừng âm thầm đưa con vào con số “500 anh em” đã được gặp Thầy, dù con chỉ là một trong số những… chị em! Dù sao đi nữa, được gặp Thầy đối với con là tin vui muôn thuở. Thầy ơi, bao giờ Thầy mới lại đến trong vinh quang? Đành rằng gặp Thầy một lần đủ khiến con vui cả đời. Nhưng sao con vẫn nhớ Thầy quá. Vui thì vui, mà nhớ thì nhớ. Vui muôn thuở, mà nhớ cũng muôn đời. Chừng ấy thôi đủ cho thấy trái tim con vẫn cần được thanh luyện thêm nữa, trên con đường chờ mong Maranatha. “Thầy ơi hãy đến, Thầy đến mau đi…”

Ước gì hôm nay con lại được gặp Thầy, lại lấy khăn  lau mặt Thầy, dù có được Thầy in dấu khuôn mặt thánh thiện khả kính lần nữa hay không. Nhưng Thầy ơi, điểm hẹn ấy có vẫn là con đường Thánh Giá? Giật mình con tự hỏi. Nghe như có tiếng Thầy thầm thĩ trong   con:

“Thầу hẹn con nơi người bên trái Thầу hẹn con nơi người bên ƿhải Thầу hẹn gặƿ con năm tháng lâu  rồi

Buổi chiều buổi mɑi trên những con  đường

Ϲon đi, con qua

Giữa người ɑnh em một lần chưa quen.

(Trích lời bài hát “Điểm hẹn Thầy” của nhạc sĩ Ý Vũ.)

Ôi, hóa ra con đâu có thiếu dịp để lau mặt cho Thầy! Thầy  vẫn  chờ  con  nơi  những  người  đang  sống chung quanh con. Ngậm ngùi tự hỏi, đã mấy lần con lại chìa tấm khăn ấy ra với cả lòng mến? Bao năm sống trong sự hiện diện vắng mặt của Thầy, con có còn là Vêrônica – “chân dung đích thực” phản ảnh khuôn mặt của Thầy hay không? Hay những gì người ta đã và đang quan tâm đến con chỉ dừng lại trên tấm khăn nổi đình nổi đám vì một hiện tượng lạ?

Tấm khăn ấy, thực ra lần đầu con mang theo tính trải ra chào đón Thầy tại Giêrusalem giữa tiếng hò reo của dân chúng, tiếc là không chen chúc nổi. Hình như Thầy muốn con để dành nó cho lần thứ hai, trên lối nẻo thập giá xót xa nhưng tình nghĩa hải hà. Con chợt nhớ lời Thầy: “Hãy theo Thầy trong đau khổ, để cũng ở với Thầy trong vinh quang.” Phải rồi, Thầy đâu có muốn con khư khư giữ lấy cho mình tấm khăn quý giá ấy. Thầy muốn chính con trở thành tấm khăn cho người đương thời, trong gian khổ cũng như trong vinh dự, trong niềm vui tưng bừng cũng như trong lúc quạnh buồn lẻ loi.