Thầy Giuse Nguyễn Văn Quýnh.
https://giaophanphucuong.org/
Bài 90. Nhiệm vụ hay Nghĩa vụ.
Bài 91: Khuyến mãi hay Khuyến mại
Bài 97: Giãy dụa hay Giãy giụa.
Bài 90. Nhiệm vụ hay Nghĩa vụ
- Nhiệm vụ
Nhiệm vụ là công việc lớn lao phải làm theo bổn phận.
Thí dụ:
– Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.
– Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và vẻ vang.
- Nghĩa vụ
Nghĩa vụ là công việc mà pháp luật hay đạo đức bắt buộc phải làm đối với xã hội hoặc đối với người khác.
Thí dụ:
– Nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ.
– Lao động là nghĩa vụ của mọi người.
– Thanh niên phải thi hành nghĩa vụ quân sự.
Như vậy, “Nhiệm vụ” là công việc phải làm theo bổn phận, còn “Nghĩa vụ” là công việc bắt buộc phải làm do pháp luật hay đạo đức đặt ra.
Bài 91: Khuyến mãi hay Khuyến mại
- Khuyến mãi (từ Hán Việt)
“Khuyến” là khuyến khích. “Mãi” là mua.
“Khuyến mãi” là khuyến khích người mua hàng bằng các hình thức như quà tặng kèm theo hoặc giảm giá sản phẩm.
Thí dụ:
– Siêu thị đang có chương trình khuyến mãi mua 1 tặng 1.
– Cửa hàng đang khuyến mãi giảm giá một số mặt hàng.
- Khuyến mại (từ Hán Việt)
“Khuyến” là khuyến khích. “Mại” là bán.
“Khuyến mại” là khuyến khích sức bán bằng cách các công ty giảm giá gốc sản phẩm cho các cửa hàng, hoặc chiết khấu hoa hồng nhiều hơn.
Thí dụ:
– Công ty đang có chương trình khuyến mại cho các cửa hàng.
=> Như vậy, có thể nói:
– Bộ Công thương có chính sách “Khuyến mại” cho doanh nghiệp, nghĩa là khuyến khích doanh nghiệp bán hàng.
– Doanh nghiệp có chính sách “Khuyến mãi” cho khách hàng, nghĩa là khuyến khích khách hàng mua hàng của mình.
Bài 92: Sổ lồng hay Xổ lồng
- Sổ lồng
“Sổ” là thoát ra khỏi chỗ nhốt, chỗ giam giữ.
Thí dụ:
⚫ Gà sổ chuồng
“Sổ lồng” là thoát ra khỏi chiếc lồng.
Thí dụ:
⚫ Chim sổ lồng
- Xổ lồng
“Xổ” là mở ra.
Thí dụ:
⚫ Hôm nay có mở xổ số
“Xổ” là tháo ra.
Thí dụ:
⚫ Tôi mua thuốc xổ giun
“Xổ lồng” thì không có nghĩa.
➤ “Như vậy, “Sổ lồng” mới là từ đúng.
Lưu ý: “Xổ” là cho ra , còn “Sổ” là thoát ra . Nhiều vùng miền Bắc không phát âm được chữ S, mà chuyển thành chữ X. Vì thế, họ viết sai do đọc sao viết vậy.
Bài 93: Giày vò hay Dày vò
- Giày vò (động từ)
“Giày” là làm nát ra bằng bất cứ cách nào.
Chữ “giày” này nằm trong từ “giày xéo”.
“Giày vò” là hành động làm cho kẻ khác hoặc chính bản thân đau đớn một cách day dứt về thể xác hoặc tinh thần.
Thí dụ:
* Bệnh tật giày vò. (thể xác)
* Lương tâm bị giày vò. (tinh thần)
- Dày vò
“Dày”:
+ bề dày của một vật (yếu tố vật chất);
+ bề dày kinh nghiệm (yếu tố tinh thần).
Thí dụ:
* Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. (vật chất)
* Ơn sâu nghĩa dày. (tinh thần)
Chúng ta không tìm thấy nghĩa nào của “dày” phù hợp với “vò” cả.
→ Thế nên, “giày vò” mới là từ đúng; còn “dày vò” chỉ là cách viết sai do sự lẫn lộn giữa “d” và “gi” mà ra.
94: Đại diện hay Đại biểu
- Đại diện
+ Danh từ
Đại diện là tổ chức thay mặt.
Thí dụ:
– Đại diện cơ quan.
– Cử đại diện ở nước ngoài.
+ Động từ
Đại diện là thay mặt cho cá nhân hoặc tập thể nào đó.
Thí dụ:
– Đại diện cho nhà trai phát biểu.
– Đại diện cho bạn bè đến chúc mừng.
- Đại biểu
+ Danh từ
Nghĩa thứ nhất:
“Đại biểu” là người được cử thay mặt cho một tập thể tham gia vào một việc gì.
Thí dụ:
– Anh ấy là đại biểu của giới trí thức.
Nghĩa thứ hai:
“Đại biểu” còn là người được cử đi để bầu cử hay biểu quyết một vấn đề gì.
Thí dụ:
– Đại biểu quốc hội.
Như vậy, “Đại diện” và “Đại biểu” là hai từ có nghĩa khác nhau. Chúng ta không nên dùng lẫn lộn.
Tuần sau, chúng ta sẽ tìm hiểu về từ “Kết cục hay Kết cuộc”.
Bài 95: Kết cục hay Kết cuộc
- Kết cục (danh từ)
“Kết cục” là kết quả cuối cùng của một sự việc hay một hành động nào đó.
Thí dụ:
– Kết cục là xôi hỏng bỏng không.
– Kết cục dự án của chúng ta đã thành công.
- Kết cuộc là đọc sai hoặc viết sai chính tả.
Nhiều người cứ nghĩ “cục” hay “cuộc” thì nghĩa như nhau, nhưng thực ra là hoàn toàn khác nhau.
Như vậy, “Kết cục” mới là từ đúng.
Lưu ý: “Kết cục” gần nghĩa với “Kết thúc”.
Thí dụ:
– Kết thúc cuộc chiến thì bên nào cũng bị tổn thương.
Bài 96: Lo lắng hay Lo liệu
- Lo lắng
“Lo lắng” là trạng thái không yên lòng và phải để hết tâm sức vào việc gì đó.
Thí dụ:
– Sống trong tâm trạng lo lắng.
– Đừng lo lắng quá kẻo sinh bệnh.
- Lo liệu
“Lo liệu” là thu xếp, định liệu, chuẩn bị sẵn để làm công việc nào đó cho chu đáo.
Thí dụ:
– Cháu nó cũng biết lo liệu rồi.
– Anh cứ yên tâm lên đường, việc nhà đã có em lo liệu.
Thế nên, “Lo lắng” là một phản ứng tự nhiên của cơ thể khi gặp căng thẳng; còn “Lo liệu” là một hành động có tính toán, sắp đặt sao cho tốt đẹp. Như vậy, “Lo liệu” có nghĩa tích cực hơn. Chẳng hạn, không nên nói: “Cha mẹ lo lắng cho con cái được nuôi dạy đến nơi đến chốn” mà phải nói: “Cha mẹ lo liệu cho con cái được nuôi dạy đến nơi đến chốn”.
Bài 97: Giãy dụa hay Giãy giụa
- Giãy dụa
“Giãy” là một động từ, chỉ sự cựa quậy mạnh.
Thí dụ:
– Con cá giãy đành đạch trong giỏ.
“Giãy” cũng chỉ sự không chịu thừa nhận.
Thí dụ:
– Đã thoả thuận ký hợp đồng nhưng họ lại giãy ra.
Tuy nhiên, khi ghép từ “Giãy” với từ “dụa” thì “Giãy dụa” lại không hề có mặt trong từ điển Tiếng Việt, nên có thể khẳng định: Đây là một từ do những người đọc sai, rồi viết sai mà ra.
- Giãy giụa
“Giãy” là một động từ, chỉ sự cựa quậy mạnh.
“Giãy” cũng chỉ sự không chịu thừa nhận.
Khi “Giãy” ghép chung với từ “giụa” thì “Giãy giụa” chỉ một hành động giãy mạnh và liên tiếp.
Thí dụ:
– Thằng bé sợ chích nên giãy giụa liên tục.
– Con thú giãy giụa trên vũng máu.
Như vậy, “Giãy giụa” mới là từ đúng.