Mừng xuân giáp thìn – tản mạn về “Rồng”

Mừng xuân giáp thìn – tản mạn về “Rồng”

 

Theo truyền thuyết, rồng là loài vật linh thiêng, có thần thông, có khả năng làm mưa, phun ra khói, lửa, thăng, giáng, ẩn, hiện, biến hóa lớn nhỏ một cách tự tại. Người Việt cổ xa lạ với khái niệm “rồng” là con vật linh thiêng, cao quý, họ chỉ có khái niệm về thuồng luồng, chỉ chung những loài rắn, và những loài tương tự với rắn, sống ở dưới nước.

Trong suốt thời gian dài bị đô hộ, khái niệm rồng của Trung Hoa từ từ du nhập vào Việt Nam. Truyền thuyết về Con Rồng Cháu Tiên là kết quả của yếu tố hội nhập văn hóa này. Từ đó, người Việt mới có khái niệm “rồng” như là một con vật linh thiêng, trong hệ thống tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng. Trong tiếng Việt, từ “long” (rồng) gắn với vua chúa, hay những thực thể cao quý: Mặt vua thì gọi là “long nhan”, cơ thể của vua thì gọi là “long thể”, áo vua mặc thì gọi là “long bào”, giường vua nằm thì gọi là “long sàng”, ghế vua ngồi thì gọi là “long ỷ”.

Đối với tâm thức người Việt, rồng là biểu tượng của sự cao quý, tốt đẹp: rồng hiện diện trong các đình, chùa, đền, miếu, lăng tẩm, cung điện; rồng có mặt tại các khu vui chơi, nhà văn hóa, công viên, tiệm tạp hóa, các nhà hàng, các cao ốc chọc trời; rồng xuất hiện trong văn học, nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ, tranh ảnh; rồng được dùng để đặt tên các công trình kiến trúc: cầu Long Biên, cầu Hàm Rồng, và các địa danh: vịnh Hạ Long, kinh thành Thăng Long…

Kinh điển Phật giáo có nhiều huyền thoại về Đức Phật liên quan đến rồng, chẳng hạn như: chín con rồng phun nước tắm cho thái tử khi mới đản sinh, rồng che mưa cho Phật, Phật hàng phục Hỏa Long, Long Vương nghe Kinh Thập Thiện, Long Nữ thành Phật…

Tuy nhiên, trong Thánh Kinh Kitô giáo, con rồng lại mang ý nghĩa tiêu cực; con rồng có khi được gọi là con giao long, con rắn, con mãng xà, con thuồng luồng: Liệu ngươi có thả câu bắt được con giao long, lấy dây buộc lưỡi nó, dùng cây sậy xỏ vào lỗ mũi, lấy móc câu chọc thủng xương hàm? (G 40,25-26); Chẳng phải chính Ngài đã phanh thây thủy thần Raháp, đã xé xác thuồng luồng đó sao? (Is 51,9); Một con Mãng Xàđỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà. (Kh 12,3-4); Bấy giờ tôi thấy một thiên thần từ trời xuống, tay cầm chìa khóa vực thẳm và một dây xích lớn. Người bắt lấy con Mãng Xà, tức là con Rắn xưa, cũng là ma quỷ hay Xatan (Kh 20,1-2).

Hội Đồng Giáo Hoàng về văn hóa, trong tài liệu Vì Một Nền Mục Vụ Văn Hóa, được công bố năm 1999, nói rằng: “Tin Mừng đưa văn hóa đến sự hoàn hảo, và văn hóa đúng nghĩa thì mở ra cho Tin Mừng” (số 4); “Bằng việc hội nhập văn hóa, Hội Thánh đưa Tin Mừng nhập thể trong các nền văn hóa khác nhau, đồng thời, đưa các dân tộc với các nền văn hóa của họ vào chính cộng đồng Hội Thánh” (Số 5).

Hội Thánh tin rằng: Nước Trời mà Tin Mừng loan báo, được sống bởi những người gắn bó sâu sắc với một nền văn hóa, và việc xây dựng Nước Trời không thể không sử dụng các yếu tố văn hóa của con người. Tin Mừng phải được loan báo trong ngôn ngữ và văn hóa của các dân tộc cụ thể.

Mừng Xuân Giáp Thìn, đón Tết cổ truyền của dân tộc là một đặc nét văn hóa của người Việt Nam. Ước gì hình ảnh con rồng với những biểu tượng cao quý và tốt đẹp sẽ mang lại cho chúng ta niềm hân hoan, tươi tắn trong những ngày xuân mới. Ước gì những chuẩn bị và trang hoàng ngày Tết nơi các giáo xứ với biểu tượng rồng luôn mang lại sức sống cho lối diễn tả vừa mang tính văn hóa bản địa, vừa mang tính đức tin Công Giáo, và tuân theo các quy tắc Phụng Vụ (Vì Một Nền Mục Vụ Văn Hóa, số 4). Ước gì được như thế!

Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

print