Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 1 Mùa Chay, Năm A

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 1 Mùa Chay, Năm A

 XIN TẠO CHO CON MỘT TẤM LÒNG TRONG TRẮNG

Các bài đọc của Chúa nhật đầu tiên hôm nay xuất hiện như một dạo khúc mở đầu cho toàn bộ Mùa Chay. Nó giúp chúng ta bước vào một hành trình hoán cải gồm hai chiều kích: đó là thú nhận tội lỗi và thống hối; đồng thời cảm nhận và ca ngợi lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Cụ thể, các bài đọc phác họa thân phận muôn thuở của con người: bị đổ vỡ vì tội lỗi và bị ràng buộc vào cái chết. Nhưng nó cũng đem đến cho chúng ta một niềm hi vọng và cậy trông vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Nó cũng mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, là con đường đích thực dẫn đến lòng Chúa thương xót.

 

BÀI ĐỌC 1: St 2,7-9; 3,1-7

Hai chân lí thần học căn bản về hoàn cảnh của con người- Sáng tạo và Sa ngã- được trình bày trong sách Sáng Thế 2 và 3 theo ngôn ngữ thần thoại thời bấy giờ: câu chuyện Ađam và Eva trong Vườn Địa Đàng và việc họ ăn trái cấm theo sự dụ dỗ của con rắn. Có một trình thuật khác không kém yếu tố thần thoại nhưng gần gũi về thời gian hơn chương 1. Trình thuật chương 2 sử dụng nhiều thuật ngữ thần học hơn, cho rằng Chúa tạo dựng người đàn ông và người đàn bà giống hình ảnh Ngài. Họ là đỉnh cao của công trình sáng tạo. Chương 2 chú ý hơn đến người đàn ông và phụ nữ, đặt họ vào tâm điểm của cuộc sáng tạo: Thiên Chúa tạo nên người đàn ông và phụ nữ, cho họ ở trong một khu vườn, và ban cho họ tất cả những thứ họ cần. Trong cả hai trường hợp, ý nghĩa thần học là như nhau: con người chiếm một vị trí đặc biệt trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Từ ngữ Hípri chỉ người đàn ông là ađam. Ngay cả khi tác giả có ý định đặt một cái tên riêng cho người đàn ông đầu tiên, thì từ Ađam đó cũng chỉ hết thảy mọi người. Ngày nay, tất nhiên, người ta không thể coi Ađam như một nhân vật lịch sử đích thực. Chính xác hơn người ta thường hiểu đó là sự nhân cách hóa mọi người. Bởi thế câu chuyện Adam cũng là câu chuyện của tất cả chúng ta.

Chúng ta cũng không nên quá nhấn mạnh trách nhiệm của Evà đối với định mệnh nhân loại, như đã xảy ra trong quá khứ (x. 1 Tim 2,13-14), khi đó người ta cáo buộc phụ nữ phải gánh trách nhiệm nặng hơn đàn ông, vì là tác nhân đưa tội lỗi xâm nhập vào thế giới. Rốt cuộc, Phaolô trong Rm 5 lại không nói gì về Eva và đổ lỗi tất cả cho Adam. Đàn ông và phụ nữ đều phải chịu trách nhiệm chung cho tình trạng sa ngã của họ,  mỗi người đều có một phần riêng của mình.

Câu chuyện cổ xưa trong sách Sáng Thế trình bày những ý nghĩa thần học sâu sắc. Nội dung căn bản của sứ điệp này là con người không thể đổ lỗi cho Chúa, hay nghĩ rằng một số phận hẩm hiu đã chụp xuống hoàn cảnh của họ. Chính họ phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc đó. Đàn ông và phụ nữ đều đã chọn sai, và quyết định đó đã mâu thuẫn với phần số mà Chúa muốn đặt định khi tạo dựng nên  họ. Những lựa chọn ban đầu này làm cho những quyết định đúng của họ trở nên khó khăn, tuy nhiên điều đó không làm mất đi trách nhiệm của họ trong tất cả toan tính và hành động.

ĐÁP CA: Tv 51:3-4, 5-6, 12-13, 17

Thánh vịnh này được gán cho Đavít, là một ví dụ sống động về lòng thống hối chân thành, và về niềm xác tín của tác giả thánh vịnh rằng Thiên Chúa nhân từ luôn sẵn lòng ban ơn tha thứ. Người ta cũng tự hỏi có phải Đavít nghĩ về tội lỗi của vua Saun dẫn đến việc ông bị Thiên Chúa từ bỏ không? (1 Sm 15) Đó là một kinh nghiệm đau đớn, để lại trong lòng Saun một khoảng trống rỗng và sự đau khổ lớn lao. Lời ngôn sứ Samuen lên án những lễ vật bất xứng của Saun trong 1 Sm 15, 22-23 cũng thấy được so sánh với định nghĩa về hi lễ đích thực trong Thánh vịnh 51,16.

Trong những câu mở đầu, tác giả thánh vịnh cảm nhận được sức nặng  tội lỗi của mình. Ông khóc than xin Chúa thương xót và tha thứ (cc. 3-4). Trong câu 5, ông đã tỏ lộ tâm tình thống hối sâu thẳm của lòng  mình bằng cách nhận trách nhiệm về tội mà ông thú nhận là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa. Chấp nhận trách nhiệm là một hành động cần thiết của sự thống hối đích thực. Trong các câu 12-13, lời van xin lòng Chúa thương xót của tác giả thánh vịnh vượt ra ngoài lời ông thú nhận tội lỗi. Ông cầu xin Chúa đổi mới nội tâm của mình để ông có thể trở lại mối tương giao với Chúa và được luôn duy trì sự hiện diện của thần khí thánh ở với ông. Trong câu 14, tác giả thánh vịnh nói về ơn Chúa cứu độ; đó là món quà của sự sống mà Thiên Chúa nắm giữ và sẵn lòng ban tặng cho những ai lạc bước nhưng biết mau mắn trở lại cùng Ngài. Đó là một ơn ban mà các ngôn sứ đã nói tới và là một quà tặng của Giao ước mới mà Thiên Chúa sẽ thực hiện với dân Ngài (x. Gr 24, 7; 31, 33; Ed 25-27) trong thời đại của Đấng Messia. Cuối cùng, trong câu 17 tác giả bày tỏ niềm vui của mình khi lớn tiếng ngợi khen Chúa vì Ngài đã phục hồi và ban ơn cứu độ.

 

BÀI ĐỌC 2: Rm 5,12-19 hoặc 5,12, 17-19

Thánh Phaolô mô tả sự sa ngã của Ađam. Ông đã rơi vào cám dỗ của Satan, và vì thế đã đem đến cho ông và tất cả chúng ta sự chết và mối quan hệ đổ vỡ với Thiên Chúa. Ngài đưa ra hai hình ảnh trái ngược nhau: Ađam người buông theo cám dỗ, nên đã để lại hậu quả tồi tệ cho nhân loại; còn Chúa Kitô, Đấng đã chống lại cám dỗ và vì thế đã đem đến cho nhân loại ơn cứu độ và sự sống mới. Phaolô nhắc nhở chúng ta về hậu quả xã hội của tội lỗi. Tội không bao giờ là chuyện riêng tư, chỉ ảnh hưởng đến bản thân tôi. Khi chúng ta phạm tội, tất cả các mối quan hệ của chúng ta đều bị ảnh hưởng: tương quan của chúng ta với chính nội tâm của chúng ta, tương quan của chúng ta với anh chị em, tương  quan của chúng ta với Thiên Chúa cũng như tương quan của chúng ta với thiên nhiên và thế giới chúng ta đang sống. Phaolô nói rằng, cũng giống như tội và sự chết đã xâm nhập vào thế gian qua Ađam, thì ơn cứu chuộc và sự sống đến qua Chúa Kitô. Phaolô so sánh tội lỗi của con người và hậu quả của tội với hành động cứu chuộc của Chúa Kitô và tác dụng phục hồi của ơn thánh đối với toàn thể nhân loại. Chúa Kitô đã tái lập cho chúng ta mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa mà ngài gọi là ơn công chính hóa, được trao ban cho chúng ta như một ơn nhưng không. Do đó, những lời Phaolô nói với các tín hữu Rôma chính là nỗ lực chứng minh về sự phục hồi con người bằng ân sủng. Ađam đầu tiên mang đến sự bất tuân, tội lỗi, án phạt và sự chết. Còn Ađam mới mang lại sự tuân phục, sự hòa giải, ơn công chính và sự sống đời đời. (Thánh Phaolô sử dụng điều mà các nhà thần học gọi là “sự tiên trưng” để giúp chúng ta hiểu chính xác những gì Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta và cách Người tái lập cho chúng ta sự sống mới: Người chiến thắng tất cả những gì là hủy diệt mà Ađam và Evà đã gây ra. Ngài coi Ađam là một kiểu mẫu tiên trưng về Chúa Kitô) .

 

TIN MỪNG: Mt 4,1-11

Bài Tin Mừng trình bày biến cố Chúa Giêsu chịu cám dỗ. Trong khi câu chuyện này dường như là kể lại một biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu, nhưng người ta đã nêu ra một số chi tiết nghi vấn liên quan đến tính lịch sử của nó, đặc biệt là việc Người đi từ nơi hoang địa đến nóc Đền thờ, rồi sau đó đến một ngọn núi cao. Vì lẽ đó, ý nghĩa chính của trình thuật chắc chắn không được tìm thấy ở yếu tố lịch sử mà nằm trong dụng ý thần học. Tất cả những lời đáp trả của Chúa Giêsu đối với những cám dỗ của quỷ đặt ra đều xuất phát từ văn bản sách Đệ Nhị Luật nói đến việc cám dỗ của Israel trong sa mạc. Điều này cho thấy Chúa Giêsu được so sánh với cộng đồng Israel thuở xưa.

Sự giống nhau giữa Chúa Giêsu và cộng đồng Israel trong sa mạc rất đáng chú ý. Rõ nhất, nơi cám dỗ là sa mạc mà theo truyền thống được cho là nơi ở của ma quỷ. Ở đó, không có bất cứ ai và không có sự giúp đỡ khi cần thiết, bởi đó người ta khó có thể duy trì được sự sống mà buộc phải dời đi nơi khác để có thể tồn tại. Tiếp theo trình thuật cũng gợi nhớ về Israel bốn mươi năm trong sa mạc, Chúa Giêsu nhịn ăn bốn mươi ngày đêm, và sau đó Người đối diện với quỷ (diábolos), tên cám dỗ (peirazon), mà Người gọi là Satan. Những cám dỗ này không được hiểu là do ảo giác gây ra vì đói. Phải hiểu rằng chay tịnh là một kỷ luật thiêng liêng Người đã sống như một sức mạnh để đương đầu với quỷ dữ.

Hai lần quỷ nêu lên danh tính của Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa như để thách thức. Đối với Israel xưa tước hiệu đó biểu thị vương quyền, còn theo sách Tin Mừng danh xưng này nói lên nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu. Nếu Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và nếu Người muốn thiết lập triều đại Thiên Chúa trong một thế giới dường như nằm dưới sự kiểm soát của các thế lực sự ác, thì Người cũng phải thể hiện sức mạnh trổi vượt của mình. Nếu trong những ngày xa xưa, Thiên Chúa đã cho mưa bánh từ trời xuống thì hôm nay Chúa Giêsu chịu thách thức để thực hiện một điều gì đó ngoạn mục hơn, đó là biến đá thành bánh. Lời đáp trả của Người cho thấy, Người không hành động như dân Israel cứng đầu năm xưa, Người tuân phục lời Thiên Chúa (Đnl 8, 3).

Tiếp theo, quỷ nói với Chúa Giêsu rằng, Người đã được Thiên Chúa hứa che chở và bảo vệ (x. Tv 91,12) thì hãy gieo mình xuống khỏi nóc Đền thờ. Nếu là Con Thiên Chúa, chắc chắn Người sẽ được an toàn, không hề bị tổn thương. Chúa Giêsu đã từ chối đặt mình vào sự thử thách, không như cộng đồng trong sa mạc đã hành động (x. Đnl 6,16). Cuối cùng, quỷ như muốn tỏ cho thấy nó nắm trọn quyền hành trên thế giới, nên đề nghị cho Chúa lãnh đạo vương quốc trần gian này. Tới đây, Người phải thể hiện uy quyền của mình đối với Satan bằng cách xua đuổi chúng đi khỏi, Người dùng những lời cho thấy Người tuyệt đối trung thành với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã chiến thắng các cơn cám dỗ, Người đã đảo ngược mô hình cộng đồng Israel tạo ra.

Trình thuật này mang đậm ý nghĩa cứu thế. Nó cho thấy rằng Con Thiên Chúa không chọn sử dụng quyền lực thiêng liêng để thiết lập triều đại của Người trên trần gian. Chúa Giêsu cũng phác thảo cho chúng ta những cách tiếp cận khác nhau đối với các cơn cám dỗ. Người dùng Lời Chúa một cách nhuần nhuyễn, Người để cho Lời Chúa hướng dẫn mọi hành động của mình. Người cậy dựa vào sự quan phòng của Chúa, chứ không đặt lời Chúa hứa vào sự thử thách.  Người không thỏa hiệp bất cứ điều gì, và luôn trung thành với Thiên Chúa bất kể cái giá có thể phải trả. Không giống như cộng đồng Israel trong sa mạc đã tỏ ra bất trung khi bị thử thách, Chúa Giêsu kiên cường đối mặt với các cám dỗ.

—–

            LIÊN KẾT VỚI GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH

            +  GLHTCG 394, 538-540, 2119: Chúa Giêsu chịu cám dỗ

            + GLHTCG 2846-2949: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”

            + GLHTCG 385-390, 396-400: Sự sa ngã

           + GLHTCG 359, 402-411, 615: Ađam, Tội nguyên tổ, Chúa Kitô Ađam mới

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

 

 

print