Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 16 Thường Niên, Năm A

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 16 Thường Niên, Năm A

Sứ điệp Lời Chúa trong các bài đọc hôm nay không liên kết với nhau một cách rõ ràng: Vai trò của Thần Khí Thiên Chúa trong cuộc sống Kitô hữu của chúng ta; Điều kiện tăng trưởng của Nước Trời; Lòng khoan dung nhân hậu của Thiên Chúa trong việc xét xử. Tuy nhiên nếu thu tóm các nội dung lại, chúng ta có một chủ đề tổng quát: Lòng thương xót của Chúa đối với người tội lỗi.

BÀI ĐỌC 1: Kn 12:13,16-19

Lòng nhân hậu của Thiên Chúa

Sách Khôn ngoan được viết bằng tiếng Hy Lạp, vào thời gian không lâu trước biến cố Chúa Giêsu sinh ra, dành cho người Do Thái nói tiếng Hy Lạp ở Alexandria. Nội dung chủ yếu liên quan đến sự đối xử hà khắc mà người Do Thái phải chịu khi họ còn ở Ai Cập, trước cuộc Xuất hành dưới thời Môsê. Rồi tác giả lại chuyển sang mô tả cách sống động sự đồi bại của cư dân Canaan trước khi dân Israel đi vào Thánh Địa. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn chăm sóc đám dân ngoại đó và đối xử với họ một cách khoan dung, tạo cho họ nhiều cơ hội thống hối. Điều này đưa ra hai bài học cho những độc giả của sách Khôn Ngoan: thứ nhất, họ cũng phải tha thứ cho tội nhân và hãy thể hiện sự tử tế và lòng yêu thương như chính Thiên Chúa. Thứ hai, Thiên Chúa luôn tạo cơ hội cho người ta ăn năn thống hối, và điều này cũng áp dụng cho chính chúng ta. Sự khoan dung này là một dấu chỉ biểu tỏ sức mạnh của Thiên Chúa. Lòng nhân hậu và sự rộng lượng luôn là dấu chỉ của sức mạnh hơn là sự yếu đuối, giống như thể người mạnh hơn cũng thường hay xin lỗi trước. Bài đọc này được chọn đọc ngày hôm nay để kết hợp với bài Tin Mừng, nhấn mạnh về một cách đọc Dụ ngôn gieo giống và Dụ ngôn Cỏ lùng: ông chủ ruông lúa vẫn cứ để cỏ lùng mọc lên chung với lúa cho đến khi thu hoạch, nghĩa là cho đến ngày phán xét cuối cùng. Ông muốn cho kẻ ác có cơ hội để ăn năn, thống hối.

ĐÁP CA: Tv 86:5-6, 9-10, 15-16

Thiên Chúa nhân hậu khoan hồng

Phần tựa đề cho biết tác giả Thánh vịnh này là vua Đavít. Ông bày tỏ xác tín rằng khi ông lâm cảnh ngặt nghèo và kêu xin Chúa, Ngài đã nhậm lời (cc. 5-6). Từ cảm nghiệm này ông muốn công bố cho mọi dân nước biết rằng chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng cao cả; chỉ mình Ngài mới xứng đáng những lời ca tụng và tôn vinh (cc. 9-10).

Trong câu 15, Tác giả thánh vịnh nhắc lại danh sách các thuộc tính của Thiên Chúa được công bố cho ông Môsê, khi Ngài ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông, trong Xuất hành 34,5-7. Tác giả xác tín về lòng từ bi nhân hậu, về lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa, ông tuyên bố mình là đầy tớ của Chúa. Ông tin chắc rằng Chúa sẽ ban cho ông sức mạnh cần thiết để kiên trì trong các cuộc đấu tranh của ông (cc. 15-16).

Chúa Giêsu hứa rằng bất cứ chúng ta xin điều gì nhân danh Người, Người sẽ lắng nghe và thực hiện để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con (Ga 14,13). Khi cầu nguyện với Thiên Chúa chúng ta hãy kết hợp với con của Ngài. Chúa Kitô sẽ cầu nguyện cùng với chúng ta và cho chúng ta với tư cách là vị Tư Tế vĩnh cửu trong cung thánh trên trời. Người cầu nguyện cho chúng ta bởi Người là Mục Tử giàu lòng thương xót. Người sẵn lòng tha thứ mọi tội lỗi chúng ta và phục hồi chúng ta để hiệp thông với Người và Thân Thể Người là Hội Thánh.

BÀI ĐỌC 2: Rm 8,26-27

Cầu nguyện trong Thần Khí

Đây là một lời xác nhận thật đáng an ủi cho chúng ta khi Phaolô cho biết rằng mỗi khi chúng ta cầu nguyện thì những lời cầu nguyện khốn khó của chúng ta được chính Thần Khí Chúa Kitô giúp đỡ, Ngài cầu nguyện trong chúng ta. Điều đó có nghĩa là gì? Có phải Phaolô muốn nói đến việc cầu nguyện bằng các tiếng lạ, điều đã xảy ra trong cộng đoàn Côrintô của ngài? Ngài cho biết bản thân ngài cũng nhận được ơn này, nhưng ngài không thường sử dụng. Điều Phaolô muốn nói chắc chắn mang nội dung rộng hơn. Nếu chúng ta cầu nguyện để ca ngợi vinh quang Thiên Chúa và cảm tạ lòng nhân từ của Ngài đối với nhân loại, thì lời cầu nguyện của chúng ta chỉ có thể nói là không đủ; nó cần phải được tăng nạp ơn phụ trợ bởi Thần Khí. Lời cầu nguyện sám hối của chúng ta cũng vậy, vì hành vi thống hối của chúng ta không bao giờ có thể đầy đủ. Cũng tương tự như vậy về những lời tuyên xưng lòng trung thành và cam kết. Còn về lời cầu xin ban ơn? Chúng ta cầu xin hết sức tha thiết cho một mùa lúa tốt đẹp, một vụ chăn nuôi kết quả, nhưng có lẽ Thần Khí làm sâu sắc thêm lời cầu nguyện này bằng cách đưa chúng ta đến gần Chúa hơn. Ngài thực hiện bất cứ điều gì là tốt nhất cho chúng ta và những người liên quan đến chúng ta! Những lời cầu nguyện mà Thần Khí thực hiện cho dân thánh của Thiên Chúa, luôn phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Những lời cầu nguyện ấy vượt khỏi những mong cầu nhỏ nhặt và mau qua của chúng ta, vì Chúa Kitô đang cầu nguyện trong chúng ta.

TIN MỪNG: Mt 13,24-43

Các dụ ngôn về sự tăng trưởng của Nước Trời

Bài Tin Mừng hôm nay, sử dụng các kỹ thuật ẩn dụ để đưa ra quan điểm của tác giả, một lần nữa trình bày Chúa Giêsu trong vai trò một Tôn sư Khôn ngoan, (x. Mt 13,1-3, Chúa nhật mười lăm). Chúa Giêsu sử dụng ba dụ ngôn để minh họa các chiều khía của sự tăng trưởng của triều đại của Thiên Chúa, hay Nước Trời: dụ ngôn cỏ lùng; dụ ngôn hạt cải; dụ ngôn men trong bột. Cũng như bài đọc Tin Mừng Chúa nhật tuần trước, đoạn văn hôm nay rơi vào ba phần riêng biệt: chính các dụ ngôn (cc. 24-33); lý do kể các dụ ngôn (cc. 34- 35); lời giải thích về dụ ngôn đầu tiên và dài nhất (cc. 36-43).

Dụ ngôn đầu tiên mô tả hoàn cảnh mà tất cả nông dân đều kinh nghiệm. Hạt giống tốt được gieo, nhưng cỏ dại mọc lên cùng với cây trồng. Dụ ngôn nêu bật hai điểm quan trọng. Điểm đầu tiên nhấn mạnh sự thất vọng mà hoàn cảnh như vậy tạo ra. Mặc dù tất cả các công việc chuyên môn đã được tận dụng cho việc thành lập vương quốc Thiên Chúa, nhưng không đạt được sản lượng hoàn hảo. Vấn đề ở đây không phải là quy mô của sản lượng mà là chất lượng của nó. Nó sẽ bao gồm cả tốt và xấu. Điểm thứ hai là cánh chung. Thời gian tăng trưởng là thời kỳ của cuộc đời này, và mùa gặt là sự kết thúc của thời gian. Trong dụ ngôn, những đầy tớ rất sửng sốt trước tình trạng của sự tăng trưởng hỗn hợp, và họ đề nghị cho nhổ cỏ dại. Chính ông chủ thể hiện sự kiên nhẫn và khôn ngoan. Ông nói với họ đây không phải là thời gian cho một công việc rốt ráo như vậy, và việc nhổ cỏ nên được hoãn lại. Họ được bảo hãy để cả hai cùng lớn lên. Thời điểm thu hoạch sẽ đến, và đó sẽ là thời điểm để chia tách.

Các dụ ngôn thứ hai và thứ ba đều đề cập đến sự khởi đầu không mấy ấn tượng của Nước Trời, sự tăng trưởng tiệm tiến và không thể nhận ra của nó, nhưng cuối cùng thực thể khiêm tốn ấy lại tạo ra được một sản lượng phi thường. Mặc dù ý nghĩa phổ quát không phải là điểm chính của dụ ngôn hạt cải, tuy nhiên cụm từ “chim trời đến làm tổ trên cành” theo truyền thống được hiểu như một quy chiếu về dân Ngoại sẽ tìm được một nơi chốn trong Nước Trời. Cần lưu ý rằng Chúa Giêsu chọn một dụ ngôn mô tả một người đàn ông làm việc để xây dựng Nước Trời (c. 24) và một dụ ngôn khác trong đó một người phụ nữ đóng vai trò chính trong việc thành lập Nước Trời (c. 33). Các chi tiết của hai dụ ngôn về sự tương ứng giới tính này phản ánh khuôn mẫu về vai trò nam nữ vào thời đại ấy, nhưng điểm chính, đó là mỗi dụ ngôn mô tả việc Thiên Chúa hoạt động thông qua mỗi cá nhân con người. Như vậy, yếu tố cân bằng giới tính ở đây rất có ý nghĩa.

Mặc dù dụ ngôn mang một cung giọng ngôn sứ, nhưng trích dẫn Kinh Thánh được Chúa Giêsu sử dụng để giải thích cho việc giáo huấn bằng dụ ngôn lại được lấy từ Thánh vịnh 78,2. Điểm nhấn chủ đạo ở đây có hai mặt. Trước hết, giáo huấn của Chúa Giêsu hoàn tất những lời hứa được tìm thấy trong các sách ngôn sứ của Israel. Thứ hai, đoạn văn đặc biệt này cho thấy tác động của việc khai mở ý nghĩa hơn là che giấu nó. Những gì được tỏ lộ là những mầu nhiệm đã được giấu kín từ khởi đầu thời gian. Tư duy cánh chung vào thời đó mang một xác tín rằng vào buổi bình minh của thời gian, mục đích chung cuộc của công trình tạo dựng đã được viết trong một cuộn giấy được niêm phong cẩn thận. Chỉ vào cuối thời gian, niêm dấu này mới bị đập vỡ và những bí mật được tiết lộ. Ở đây Chúa Giêsu tuyên bố rằng Người thực sự đang khai mở thời kỳ cuối cùng này.

Các dụ ngôn mà Chúa Giêsu giảng cho đám đông ở nơi công cộng đã được giải thích cho các môn đệ một cách riêng tư. Các giải thích về ý nghĩa ẩn dụ của mỗi dụ ngôn thật là đơn giản, và ý nghĩa cánh chung cũng thật rõ ràng: Phần thưởng cho sự công chính và hình phạt cho tội lỗi hiện ra nổi bật. Trong thực tế đời sống nông dân ngày đó, cỏ dại được bó lại và đốt để nấu nướng trong việc nội trợ. Số phận của người công chính gợi nhớ đến một câu được tìm thấy trong sách Đanien (12: 3). Trong câu này, người khôn ngoan được hứa ban một phần thưởng có tính chất khải huyền- sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ. Khi vương quốc của Thiên Chúa đạt đến mức thành toàn, sự rạng ngời của họ sẽ giống như các thiên thể trong vũ trụ bao la. Và Chúa kết thúc bằng một lời khuyên long trọng: Ai có tai thì nghe.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG 543-550: Nước Thiên Chúa

+  GLHTCG 309-314: Thiên Chúa quan phòng và cớ vấp phạm của sự dữ

+  GLHTCG 825, 827: Cỏ dại và hạt giống Tin Mừng trong mỗi người và trong Hội Thánh

+  GLHTCG 1425-1429: Cần phải hoán cải liên tục

+  GLHTCG 2630: Lời cầu nguyện của chúng ta được Chúa Thánh Thần giúp đỡ

Lm. Giuse Ngô Quang Trung