Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 17 Thường Niên, Năm B
Năm Chúa nhật liên tiếp đều khai triển một số khía cạnh của mầu nhiệm bánh sự sống. Như một tôn sư, Chúa Giêsu mặc khải ý nghĩa của mầu nhiệm này từng chút một. Các bài đọc của Chúa nhật hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm quyền năng của Thiên Chúa thể hiện qua việc đáp ứng nhu cầu căn bản của con người, đó là sự sống. Sự sống này không chỉ hiểu về mỗi cá nhân, mà còn về một cộng đồng. Cuối cùng, chúng ta được ban cho sự sống, chúng ta cần phải biết sống thế nào cho phù hợp với hồng ân đó.
BÀI ĐỌC 1: 2 V 4,42-44
Phép lạ của tiên tri Êlisê
Tiên tri Elisê nổi tiếng về những phép lạ ông đã làm; có những phép lạ trước và sau phép lạ này. Ở đây, ông làm chúng ta nhớ lại phép lạ của Môisen là cung cấp bánh hoặc manna cho dân chúng. Tuy nhiên, đối với các Kitô hữu, điều họ quan tâm hơn đó là phép lạ Chúa Giêsu thực hiện được kể lại theo các từ ngữ cố ý gợi lại phép lạ của tiên tri Êlisê: một người tình cờ đến cung cấp hai mươi chiếc bánh lúa mạch và bánh cốm, mệnh lệnh của vị tiên tri, câu hỏi hoài nghi của tiểu đồng, mệnh lệnh được lặp lại, dân chúng ăn, và thức ăn thừa. Sáu bước tương tự có thể được thấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Vì vậy, Chúa Giêsu đã lặp lại phép lạ Môisen theo khuôn mẫu của Êlisê, nhưng Người mở rộng lòng quảng đại ra năm mươi lần: thay vì 20 ‘ổ bánh’ (bánh mì nhỏ) cho 100 người, Chúa Giêsu đã dùng 5 chiếc bánh lúa mạch cho 5000 người. Mục đích của việc mô hình hóa câu chuyện này là gì?- Đối với Gioan, Chúa Giêsu chính là một Môisen mới, Môisen thứ hai. Người đứng trong cùng một truyền thống với ông nhưng vĩ đại hơn ông. Người tỏ cho dân biết quyền năng của Thiên Chúa, giống như Môisen đã làm, Người hoàn thành tất cả những gì Môisen đã bắt đầu: “Quả thế, Lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môisen, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1,17).
ĐÁP CA: Tv 145
Ca ngợi Đức Chúa là Vua
Tựa đề của Thánh vịnh này là: “Ngợi khen. Của vua Đavít”, nghĩa là được gán cho Đavít, vua Israel. Đavít là vị vua đã được Chúa xức dầu, nhưng ông nhìn nhận còn có một quyền năng cao trọng hơn ông, là Thiên Chúa Vua muôn vua. Trong cc. 1-2, tác giả muốn tán dương và chúc tụng Chúa “mọi ngày” và “đến muôn thuở muôn đời”. Lòng sùng mộ và biết ơn của vua là không giới hạn. Thánh Gioan Kim Khẩu viết: “Ước muốn tán dương Chúa là một chỉ dấu của một tâm hồn con thảo đích thực. Ai tán dương Chúa mọi ngày thì sẽ được ca tụng Ngài miên viễn” (Expositio in Psalmos, 144.2).
Đây cũng là một bài thánh ca kể lại những lần Thiên Chúa can thiệp để hướng dẫn, che chở và bảo vệ dân Ngài trải qua suốt dòng lịch sử. Chương trình của Chúa cho các dân tộc là thiết lập một vương quốc của ân sủng, tình thương, công lí, và lòng mến hơn là biểu dương quyền lực và sự thống trị. Bởi đó, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI khi nhắc đến Thánh vịnh này đã nhấn mạnh đến những cụm từ diễn tả sự toàn thiện của Thiên Chúa, như: “Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu đối với muôn loài Chúa đã dựng nên” (c.9). Công trình sáng tạo của Ngài thật hiển hách, tuy nhiên phẩm tính trổi vượt của Ngài lại chính là tình thương vô bờ bến đối với chúng ta.
“Chúa gần gũi…kẻ thành tâm cầu khẩn Ngài”. Phần thứ hai của Thánh vịnh chứa đựng một tư tưởng đầy an ủi: nếu chúng ta sẵn lòng thực thi ý Chúa thì chúng ta luôn xác tín rằng Ngài sẽ đáp lời cầu khẩn của chúng ta. (x. Bênêđictô XVI, Tiếp kiến chung, ngày 1 và 8 tháng Hai, 2006).
BÀI ĐỌC 2: Ep 4,1-6
Sự hợp nhất Giáo hội
Sự chia rẽ liên tục giữa các Kitô hữu khiến chúng ta không khỏi ngượng ngùng khi đọc đoạn văn này. Có lẽ đây là lời cầu xin mạnh mẽ nhất trong Tân Ước, ngoại trừ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, cho sự hợp nhất. Thật sự người ta có thể duy trì sự hợp nhất bằng cách sống thuận hòa với nhau không? Một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha của mọi người – tất cả những điều này là không thể phủ nhận. Một niềm tin? Có lẽ không hẳn theo nghĩa là một tổng hợp hoặc một danh sách các tín điều, mà hẳn là tất cả các Kitô hữu đều bày tỏ cùng một cảm thức chung về một thân phận không thể tự cứu mình; tất cả chúng ta đều trông cậy và đặt lòng tin vào lời hứa của Thiên Chúa, được thực hiện trong Chúa Giêsu Kitô. Tự nó, nhận thức đó đủ để hợp nhất chúng ta lại với nhau. Vậy thì điều gì vẫn còn tạo ra sự mất đoàn kết giữa chúng ta? Một điều an ủi là nhiều thành quả thiêng liêng đã đạt được khi Tuần lễ Cầu nguyện cho Hiệp nhất Kitô hữu nhân hàng năm được thiết lập. Đó là lòng khao khát nhiệt thành muốn hiểu nhau, mặc dù những truyền thống khác biệt giữa chúng ta vẫn còn tồn tại. Công việc của Thần Khí rõ ràng là duy trì những nỗ lực mà một thế hệ đã bắt đầu, cho dù cuộc tìm kiếm này khó có thể hy vọng một sự hội tụ nhanh chóng. Dần dần chúng ta sẽ khám phá ra rằng các truyền thống trong các cộng đồng Giáo hội khác nhau đều thể hiện những giá trị thiêng liêng, về căn bản giống nhau, nhưng những cách thế nhấn mạnh một chút khác nhau.
TIN MỪNG: Ga 6,1-15
Phép lạ hóa bánh ra nhiều
Cảnh tượng này trong Tin Mừng cho thấy quyền năng của Chúa Giêsu đã có sức mê hoặc đối với đám đông. Họ theo Người từ nơi này đến nơi khác. Tuy nhiên, họ làm điều này không vì niềm tin cho bằng vì hy vọng có thể chứng kiến Người thực hiện một phép lạ nào đó hoặc thậm chí, nếu may mắn, họ có thể là người được hưởng lợi. Không có dấu hiệu nào cho thấy họ đến để nghe Chúa giảng dạy, và trong đoạn văn cụ thể này, Chúa Giêsu không giảng dạy. Trọng tâm ở đây là quyền năng kỳ diệu của Người. Không giống với hầu hết các phép lạ Chúa Giêsu thực hiện, phép lạ này không phải là để đáp ứng một nhu cầu rõ ràng. Chúa Giêsu cho dân chúng ăn, nhưng bản văn không nói rằng họ đói. Có một lý do sâu xa hơn cho việc thực hiện phép lạ này.
Chúa Giêsu cầm lấy những chiếc bánh lúa mạch (lưu ý mối liên hệ với lễ Bánh Không Men), dâng lời tạ ơn (eucharistéō), phân phát cho dân, và sau đó cũng làm như vậy với cá. Những ám chỉ về Thánh Thể ở đây thật là hiển nhiên. Một lần nữa đám đông lại bị choáng ngợp bởi Chúa Giêsu. Họ đã theo Người đến bờ bên kia biển hồ Tibêria để chứng kiến quyền năng phi thường của Người. Và họ đã không thất vọng. Tuy nhiên, giờ đây họ đã nhận ra Người còn hơn một người thực hiện phép lạ. Người là vị tiên tri được mong đợi từ lâu giống như Môisen (x. Đnl 15,18), Đấng sẽ mở ra thời đại thiên sai.
Mặc dù các từ “đám đông dân chúng” (cc. 2, 5) và “mọi người” (cc. 10, 14) mang ý nghĩa bao hàm, nhưng chỉ có “những người đàn ông” (c. 10) mới được bảo ngồi xuống. Chắc chắn có cả phụ nữ và trẻ em (cậu bé, c. 9) trong đám đông đó, và họ cũng được ngồi trên bãi cỏ. Sự thiên lệch về giới tính của người viết là điều khá rõ ràng.
Một số nhà chú giải đã muốn bỏ qua tính cách kỳ diệu của biến cố phép lạ này. Họ lập luận rằng sự kiện này không có gì khác hơn là một ví dụ điển hình về sự chia sẻ thức ăn giữa con người với nhau, nhưng đã được tác giả Tin Mừng tô điểm thêm. Bất kể những độc giả sau này có thể hiểu sự kiện này như thế nào, những người có mặt đều thấy rõ đó là một hành động của Thiên Chúa. Họ coi “dấu chỉ” này là chỉ dấu về thời kỳ cuối cùng. Tuy nhiên, họ đã hiểu sai ý nghĩa của nó, và họ quyết định tôn phong Chúa Giêsu lên làm vua, bằng vũ lực nếu cần.
Các môn đệ vừa thể hiện lòng trung thành những cũng vừa thiếu đức tin. Họ cùng với Chúa Giêsu băng qua biển hồ và ngồi xuống với Người trên núi. Họ được Chúa Giêsu hướng dẫn để thu thập những mảnh vụn còn sót lại sau khi đám đông ăn no. Hai trong số các môn đệ đã đóng vai trò quan trọng cho phép lạ này. Ông Philípphê đầu tiên bị đưa ra thử thách (c. 5). Chúa Giêsu hỏi ông rằng họ có thể mua bánh cho đám đông ăn không, nhưng Người thừa biết rằng không cần tiền bạc hay nguồn cung cấp bánh nào cả. Ông Philípphê đã hiểu theo nghĩa đen những lời của Chúa Giêsu, trả lời rằng họ không thể cung cấp bánh cho tất cả mọi người. Tiếp theo, ông Anrê đưa ra thông tin về một em bé có năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng ông cũng hoài nghi như Philípphê. Cả hai đều không nhận ra rằng những lời của Chúa Giêsu có một ý nghĩa sâu xa hơn họ tưởng.
Cuối cùng, sự kiện diễn ra vào thời điểm gần lễ Vượt Qua, ngày lễ trùng với lễ Bánh Không Men. Lễ Bánh Không Men đánh dấu vụ thu hoạch lúa mạch và kỷ niệm hai thời kỳ quan trọng trong lịch sử của dân Do Thái. Đầu tiên đó là thời điểm người dân được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, khi sự cấp bách của việc trốn chạy đã không cho họ chờ đợi bánh ăn được dậy men. Thứ hai là thời điểm thu hoạch đầu tiên sau khi họ đến miền đất hứa, khi hạt lúa mới vẫn còn tươi màu và không bị mốc vì lên men. Lễ Vượt Qua và Lễ Bánh Không Men là những ngày lễ tưởng nhớ và mong đợi. Họ ăn mừng các biến cố cứu độ trong quá khứ và họ hướng về thời đại hoàn thành cuối cùng, thời đại đã được tỏ lộ qua phép lạ những chiếc bánh.
—
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 1335 : Phép lạ 5 chiếc bánh và 2 con cá là hình ảnh tiên trưng cho bí tích Thánh Thể
+ GLHTCG 814-815, 949-959 : Chia sẻ hồng ân trong cộng đoàn Giáo hội
Lm. Giuse Ngô Quang Trung