Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 19 Thường Niên, Năm C

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 19 Thường Niên, Năm C

Vào giữa Mùa Thường Niên, chúng ta đi vào một chủ đề có liên quan đến cuối năm Phụng Vụ và Mùa Vọng. Đó là chủ đề về sự canh thức và sẵn sàng trước sự trở lại của Ông Chủ. Sự canh thức này đòi hỏi chúng ta phải sống đức tin một cách mạnh mẽ.

 

BÀI ĐỌC 1: Kn 18,6-9

Đối lập giữa Israel và Ai Cập

Sách Khôn Ngoan có lẽ là cuốn sách cuối cùng của Cựu Ước, được viết không phải bằng tiếng Hipri mà bằng tiếng Hy Lạp, dành cho những người Do Thái nói tiếng Hy Lạp ở Alexandria, chỉ một ít năm trước khi Chúa Giêsu ra đời. Cuốn sách được viết dựa trên bối cảnh của sự thù địch sâu sắc giữa người Do Thái và người Ai Cập. Nó mạnh mẽ tấn công sự thờ phượng của Ai Cập đối với các thần tượng và đặc biệt các loài vật linh thiêng, nhưng cũng ý thức một cách sống động về ơn gọi của Israel là mang lại ơn cứu độ cho toàn thế giới. Phần cuối cùng của cuốn sách, nơi bài đọc này được rút ra, tạo ra một loạt các hình ảnh  đối lập giữa Ai Cập và Israel vào thời Xuất hành. Vào chính lúc dân Israel được giải thoát khỏi Ai Cập, thì người Ai Cập phải trải qua sự hủy diệt đứa con đầu lòng. Những lời hứa với Ápraham là con cháu ông sẽ trở thành dân Thiên Chúa đã được thực hiện, trong khi kẻ thù của họ bị trừng phạt. Đây là thời điểm của lễ Vượt Qua, khi dân Israel dâng hi lễ và tuân phục Luật Chúa. Hầu hết các bài đọc thứ nhất liên quan đến bài Tin Mừng; tuy nhiên, bài đọc này lại chuẩn bị cho bài đọc thứ hai, là một bài suy niệm về hành trình của Dân Thiên Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 33,4-5, 18-19, 20, 22

Lòng Chúa thương xót

Từ khóa trong đoạn văn này chính là từ Hípri, hesed (lòng thương xót). Đó là một từ ngữ diễn tả mối tương quan đặc biệt của tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Ngài, dựa trên mối dây liên kết của một giao ước. Các giao ước trong Kinh Thánh là những cam kết giữa Thiên Chúa và dân được tuyển chọn, trong đó Thiên Chúa hứa ban sự che chở thiêng liêng và dân hứa trung thành trọn vẹn với Chúa. Các giao ước Kinh Thánh cũng hình thành một mối liên hệ gia đình duy nhất giữa Thiên Chúa là Cha và dân giao ước là con. Các câu 4-5 tập chú vào Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và đức công chính của Ngài. Ngài mặc khải chính mình cho những người hết lòng tin tưởng vào giao ước tình yêu của Ngài. Trong các câu 18-20, tác giả thánh vịnh bày tỏ niềm xác tín về sự quan phòng của Thiên Chúa đối với loài người, nhất là những ai kính sợ Chúa và đặt hy vọng vào giao ước trung thành của Ngài. Chính tình yêu của Chúa giúp họ vượt qua mọi khó khăn tạm thời của cuộc sống, và thậm chí cả cái chết. Trong câu 22, tác giả thánh vịnh kết luận bằng cách khẩn cầu Thiên Chúa, vì tình yêu giao ước của Ngài luôn ở với dân, là những người đã đặt hy vọng và niềm tin vào một mình Ngài.

Khi các Kitô khi hữu đọc Thánh vịnh này, họ ca ngợi Chúa vì Ngài đã tự mặc khải qua Lời Chúa là Đức Giêsu Kitô. Trong Người, Chúa liên kết chúng ta với Ngài trong tình yêu của Giao ước mới. Chính nhờ Lời của Ngài, Thiên Chúa tạo dựng muôn loài muôn vật và cũng nhờ Ngài mà tất cả được tồn tại (Cl 1, 15-17).

 

BÀI ĐỌC 2: Hr 11,1-2, 8-19

Dân Chúa hành hương

Bài đọc Chúa nhật của thư gửi tín hữu Hipri được phân chia trong năm B và C. Người ta không biết rõ tác giả của bức thư; không có lý do gì để nghĩ rằng nó được Phaolô viết. Mục đích của thư là để củng cố các tư tế Do Thái, những người đã gia nhập cộng đồng Kitô giáo nhưng vẫn còn mong muốn các nghi thức thiêng liêng của Do Thái giáo. Vì vậy, nó được viết ra để cho thấy rằng các nghi thức của Kitô giáo là cao cả hơn. Năm nay, chúng ta có bốn bài đọc từ phần sau của thư, trong đó bài đọc này là bài đọc đầu tiên. Chủ đề chính là hành trình của Dân Chúa trong đức tin. Đức tin của tổ tiên Israel, vẫn là nguồn động lực củng cố cộng đoàn khi họ hành trình qua các thử thách và khó khăn, vẫn luôn trông cậy vào lòng trung tín của Thiên Chúa. Nổi bật trong số những hành động trung thành vâng lời của họ là việc Ápraham sẵn sàng hy sinh đứa con trai duy nhất của mình, Isaác, được Giáo hội coi là hình ảnh báo trước việc Thiên Chúa sẵn sàng hy sinh Con một để hòa giải với thế gian bằng sự tuân phục của Người. Nhưng trong khi nơi an nghỉ mà dân Israel đến không phải là quê hương cuối cùng trên trời của họ, thì Dân Kitô giáo đang hành hương đến nơi an nghỉ cuối cùng.

 

TIN MỪNG: Lc 12,32-48

Tỉnh thức và sẵn sàng

Bài đọc Tin Mừng là một diễn từ dành cho các môn đệ. Nó có thể được chia thành ba phần: giáo huấn về của cải (cc. 32-34); một câu chuyện cho thấy tầm quan trọng của việc canh thức (cc. 35-40); và hướng dẫn về việc lãnh đạo có trách nhiệm (cc. 41-48). Phần đầu khá riêng biệt, nhưng hai phần còn lại đề cập đến cách thức mà các môn đệ cần phải sẵn sàng cho sự trở lại của Con Người.

Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ cho thấy tính cách dịu dàng trong mối quan hệ của các ngài. Hình ảnh về một đoàn chiên bé nhỏ vừa gợi ý đến sự hiểu biết sâu sắc mỗi con chiên và sự dấn thân hết lòng của người chăn. Với lời yêu thương này, Chúa Giêsu trấn an các môn đệ rằng giáo huấn của Người, bất kể nó có vẻ đòi hỏi như thế nào, đều có lợi ích tốt nhất cho họ. Trước tiên, Người tuyên bố rằng vương quốc của Thiên Chúa là của họ; sau đó Người khuyến khích họ sống cuộc sống thể hiện vai trò công dân của họ trong vương quốc đó. Với một lời khuyên, Người nêu mẫu gương về một cách dấn thân cần thiết của các công dân trong vương quốc của Thiên Chúa. Lời khuyên tự nó mang ý nghĩa triệt để. Có lẽ nó không có ý định được hiểu theo nghĩa đen, bởi vì việc từ bỏ hoàn toàn sẽ biến các môn đệ thành những kẻ khốn khổ, khiến họ phải phụ thuộc vào những người khác để sinh tồn và kiếm ăn.

Chúa Giêsu không tố cáo của cải vật chất tự nó mà chỉ trách cứ việc tích lũy của cải : Người dạy các môn đệ đừng gom góp túi tiền để nó trở thành dư thừa. Người biết rằng sự tin cậy vào của cải và sự giàu sang có thể cản trở lòng tín thác nơi Thiên Chúa, vì vậy Người bảo các môn đệ hãy sẵn sàng loại bỏ những gì không cần thiết và tập trung sức lực vào những việc của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu giới thiệu giáo huấn của Người về việc canh thức với một lời khuyên nhủ kép. Người mời gọi mọi người thắt áo choàng để chuẩn bị cho công việc vất vả và sau đó thắp đèn, gợi ý rằng họ sẽ phải thức tỉnh ngay cả trong đêm tối. Người không nói rõ về lý do của việc này; Người chỉ nhắc nhở họ chuẩn bị, giống như những người đầy tớ chờ đợi chủ nhà trở về. Đề cập đến việc canh giữ ngôi nhà chống lại kẻ trộm là ví dụ thứ hai mặc dù có lẽ không cần thiết phải cảnh giác liên tục. Có những sắc thái cánh chung trong dụ ngôn này. Đầu tiên, chủ nhà đi xa dự đám cưới, một hình ảnh thích hợp cho việc cử hành thời kỳ cuối cùng. Thứ hai, phần thưởng cho sự canh thức là một bữa tiệc do chính chủ nhà phục vụ, một ám chỉ đến bữa tiệc thiên sai. Cuối cùng, Chúa Giêsu liên kết sự trở lại của chủ nhà với sự xuất hiện của Con Người. Vì không có thông tin cho biết khi nào Người sẽ đến, những đầy tớ trung thành phải luôn chuẩn bị sẵn sàng.

Đáp lại câu hỏi của ông Phêrô, Chúa Giêsu kể câu chuyện thứ hai mô tả không chỉ các môn đệ cần phải canh thức mà còn mô tả cách những người lãnh đạo hoặc quản lý gia đình (oikonomos) thực hiện trách nhiệm của họ khi chủ đi vắng. Người quản lý đầu tiên tận tâm trong việc chăm sóc người khác, trong khi người thứ hai không chỉ thiếu sót trong việc thực hiện các nhiệm vụ của người quản lý mà còn thực sự lạm dụng và buông thả bản thân. Những đầy tớ khác bị trừng phạt không phải vì những gì họ đã làm mà vì những gì họ không làm. Sự chuẩn bị không có nghĩa đơn giản là chỉ chờ đợi. Người ta phải có trách nhiệm trong thời gian chờ đợi đó.

Toàn bộ bài giảng kết thúc bằng một câu nói giải thích. Mọi người sẽ phải chịu trách nhiệm. Ai đã được ban cho nhiều sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều; những người được ban cho nhiều hơn sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn. Ở đây không có suy nghĩ về việc được cho ít.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 144-149 : Sự tuân phục của đức tin

+ GLHTCG 1817-1821: Nhân đức cậy

+ GLHTCG 2729-2733 : Lời cầu nguyện, tâm hồn khiêm tốn và tỉnh thức

+ GLHTCG 144-146, 165, 2572, 2676 : Ápraham, gương mẫu đức tin

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung

 

 

print