Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 2 Thường Niên, Năm A

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 2 Thường Niên, Năm A

NGƯƠI LÀ TÔI TRUNG CỦA TA

 BÀI ĐỌC 1: Is 49,3, 5-6

Các bài đọc Chúa nhật tuần này tiếp tục chủ đề về thân phận người tôi tớ của Chúa Giêsu, đã được cử hành trong biến cố Chúa chịu phép rửa. Chúng ta thấy rõ nội dung này trong bài đọc 1, bài ca thứ hai về người Tôi Trung trong sách Isaia đệ nhị.

Khi so sánh bài ca thứ hai về người Tôi Trung với bài thứ nhất (mà chúng ta đọc trong lễ Chúa chịu phép rửa), chúng ta thấy hiện lên hai điểm khác biệt. Thứ nhất: bài ca thứ hai trình bày người Tôi Trung được Thiên Chúa “nhào nặn từ trong lòng mẹ” (c. 3). Ý thức về sự tiền định này là đặc điểm dễ nhận thấy trong các sách ngôn sứ (x. Gr 1,5), và được lặp lại nơi Phaolô (x. 1,15). Quan niệm về sự tiền định không đóng khung trong một giáo thuyết trừu tượng mà được thể hiện ra qua tất cả những gì Kinh Thánh ghi lại: đó là lời ca tụng và tuyên xưng đức tin trong những hoàn cảnh cụ thể. Ý nghĩa này được diễn đạt hết sức rõ ràng trong biến cố Truyền Tin cũng như qua các trình thuật về thời thơ ấu Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng. Khác biệt thứ hai, đó là tác giả chủ ý nhấn mạnh đến tầm mức phổ quát về sứ mạng của người Tôi Trung. Trong bài ca thứ nhất, người Tôi Trung chỉ “làm ánh sáng chiếu soi muôn nước” (42,6). Còn bài ca thứ hai mở rộng sứ mạng ấy: nếu sứ mạng của người Tôi Trung chỉ giới hạn trong Israel thì “vẫn còn quá ít” (c. 6), “vì vậy, này Ta đặt người làm ánh sáng muôn dân, để người đem ơn cứu độc của Ta đến tận cùng cõi đất”.

Ngay vào thời kì đầu của Giáo hội, các Kitô hữu đã áp dụng tất cả bốn bài ca người Tôi Trung cho Chúa Giêsu, bởi vì những lời ngôn sứ đã được hoàn tất trong cuộc đời và sứ vụ của Người. Chúng ta có thể thấy:

*Thiên Chúa đặt tên cho Chúa Giêsu và trao cho Người sứ vụ ngay khi Người còn trong lòng mẹ (Lc 1,31-33).

*Chúa Giêsu được sai đến để quy tụ các con chiên lạc nhà Israel và giải thoát họ khỏi mọi tội lỗi (Mt 4,23-25; 15,24;  Lc 19,10).

*Chúa Giêsu là “ánh sáng” chỉ đường cho muôn dân, và là ơn cứu độ cho mọi người trên mặt đất (Mt 28,19-20; Lc 2,32; Ga 8,12; Cv 1,8; 13,46-47).

Giáo hội tiếp nối công trình của Chúa Giêsu, là chia sẻ với thế giới sự thật về người Tôi Trung của Thiên Chúa. Hai thánh Phaolô và Barnaba, khi giảng tại hội đường ở Antiôkhia miền Pisiđia, đã chứng minh cho người Do Thái thấy sứ vụ phổ quát của Chúa Giêsu: “Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cói đất” (Cv 13,47). Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô cũng đã viết: “Chúa Giêsu Kitô, ánh sáng muôn dân, chiếu dọi ánh sáng trên khuôn mặt Giáo hội của Người, để sai họ đến với thế giới và loan báo Tin Mừng cho mọi loài thu tạo (Mc 16,15). Bởi đó, Giáo hội như là đoàn dân của Chúa hiện diện giữa các quốc gia, trong khi chú tâm ghi nhận những thách đố mới của lịch sử và những nỗ lực của con người trong việc khám phá ra ý nghĩa của sự sống, luôn  cung cấp cho mọi người câu trả lời xuất phát từ Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người” (Gioan Phaolô II, Veritatis splendor, 2).

ĐÁP CA: Tv 40,1, 4, 7-10

Những câu 2-13 là những lời tạ ơn. Tác giả Thánh vịnh diễn tả việc ông được giải thoát bằng những từ ngữ và hình ảnh chỉ không gian vật lí, như một người được kéo ra khỏi từ vũng lầy sang miền đất khô. Dù lâm cảnh khó khăn tuyệt vọng ông vẫn cứ cậy trông. Câu 4 cho thấy, việc dâng lời tạ ơn Chúa không phải chỉ là một công việc người ta cần làm để đáp trả ơn Chúa vì đã được cứu thoát, nhưng tự nó chính là một hành vi tạ ơn rồi. Bởi vì nó biểu tỏ cho người khác biết lòng thương xót của Chúa (c. 4b). Những câu kế tiếp nối kết việc giải thoát cá nhân với những kì công Thiên Chúa đã thực hiện để cứu thoát Israel trong lịch sử.

Cc. 7-9 có một sự chuyển đổi ý tưởng, nhưng chủ ý nói tới điều này: người được giải thoát muốn dâng lễ tạ ơn, nhưng ông nghĩ rằng việc tuân phục luật Chúa có giá trị hơn. Điều này nhắc đến những lời của ngôn sứ Samuel cho ông Saun trong 1 Sm 15,22: “Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hi lễ như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hi lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu”. Câu 8 “Này con xin đến” mang một ý nghĩa huyền nhiệm, có thể tái tạo một hình ảnh tương tự như trong Tv 118,19: “Xin mở cửa công chính cho tôi, để tôi vào tạ ơn Đức Chúa”. Tác giả sẽ vào đền thờ để tạ ơn không phải bằng lễ toàn thiêu của các con vật, nhưng với bài ca mới và tâm tình tuân phục lề luật Chúa.

  1. 9 “Con thích làm theo thánh ý”. Tác giả thư Hípri đã đặt những lời này vào môi miệng của Chúa Giêsu để cho thấy Người hoàn toàn tuân phục ý Chúa Cha (Hr 10,5-7). Khi kết hợp ý muốn con người với ý Thiên Chúa, Chúa Kitô đã thực hiện ý Chúa Cha một cách hoàn hảo. (x. GLHTCG 150, 462, 2657, 2824)

Những câu cuối cùng của Thánh vịnh này đưa ra những lời tuyên xưng với lòng tin tưởng mạnh mẽ của một người đã cảm nghiệm được ơn Chúa giải thoát.

 

BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 1,1-3

Phaolô theo quy ước chung của cách viết thư thời của ngài đã mở đầu thư 1 Côrintô với một địa chỉ, một lời chào, và lời tạ ơn. Ngài đã khéo léo dùng mỗi phần của lời mở đầu này để nói đến ba quan tâm chính của ngài trong bức thư: sự thánh thiện, sự hợp nhất, và ơn sủng. Nhưng trước hết ngài tự phong mình là “tông đồ của Đức Kitô Giêsu”, và như vậy, ngài nhấn mạnh đến thẩm quyền của mình khi viết thư. So sánh với hai thư Thessalônica, ngài không sử dụng danh hiệu nào cả, còn trong thư Philipphê, ngài tự xưng là “tôi tớ của Đức Kitô Giêsu” (Pl 1,1). Tông đồ có nghĩa là người được sai đi, như một đại sứ thay mặt cho người sai mình. Mặc dù danh hiệu này đôi khi được dùng cho những người khác không phải nhóm Mười Hai (Cv 14,14; Rm 16,7) thì khi Phaolô áp dụng danh hiệu này cho mình, ngài coi mình có thẩm quyền như nhóm Mười Hai, nghĩa là ngài không chỉ được Chúa chọn, mà còn được thấy Chúa phục sinh, và được Chúa sai đi làm chứng cho Người (1 Cr 9,1).

Một điều rất đáng chú ý là trong những lời mở đầu này Phaolô nhấn mạnh đến tính phổ quát của Hội Thánh. Ngài nhắc nhở những người Côrintô rằng họ là Hội Thánh của Thiên Chúa “tại Côrintô”. Phaolô không nói đến những Hội Thánh ở số nhiều, mặc dù lúc này số những người tin trở lại đã vượt quá phạm vi một “Hội Thánh tại gia” (1,11) và mỗi cộng đoàn có những lãnh đạo riêng. Côrintô là một  Hội Thánh địa phương, hiện thân của Universalis Ecclesia (Hội Thánh phổ quát). Trật tự này là tiền thân của các giáo phận với những giáo xứ giáo họ bao gồm trong đó. Gọi cộng đoàn là “Hội Thánh của Thiên Chúa” có nghĩa là nối kết Hội Thánh Côrintô với những Hội Thánh Kitô gốc Do Thái tại miền Giuđêa (1 Tx 2,14), cũng như các miền Galát, Asia, và Makêđônia. Như vậy trong danh xưng “Hội Thánh” Phaolô mời gọi mỗi cộng đoàn tư duy vượt ra khỏi khuôn khổ tính cách đặc thù của mình.

Phaolô cũng nhắc nhở những người Côrintô rằng họ không đơn độc một mình, nhưng họ được kêu gọi làm  dân thánh cùng với tất cả mọi người ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa Giêsu Kitô. Người là Chúa của các cộng đoàn khác cũng như của họ. Kêu cầu danh Chúa là một diễn tả rất quen thuộc trong Cựu Ước, nói đến việc tôn thờ Thiên Chúa (x. Tv 99,6; Ge 3,5). Ở đây quy chiếu về Chúa Giêsu Kitô thì việc tôn thờ và chúc tụng được dành cho Người. Cũng như việc kêu cầu danh Giavê diễn tả sự hợp nhất của dân Chúa trong Cựu Ước, thì danh Kitô cũng nối kết tất các các Kitô hữu bất kể họ ở đâu. Ở đây Phaolô đặt ra tiền đề để sau này trách cứ thái độ độc tôn của những người Côrintô.

Cuối cùng Phaolô chúc lành cho cộng đoàn vào cuối lời chào thư. Đây là kiểu mẫu một lời chào chúc mà  Phaolô sử dụng trong tất cả các thư của ngài. Phaolô đã chuyển đổi ý nghĩa của các từ ngữ Hi Lạp nói về chào chúc để nó mang nội dung Kitô giáo: “ân sủng và bình an”. Các Kitô hữu gốc Do Thái hẳn nhận ra ngay âm vang của lời chúc lành mà các tư tế đã thực hiện cho dân Israel (x. Ds 6,24-26). Tuy nhiên, lời chúc lành của Phaolô dành cho các Kitô hữu Do Thái cũng như Dân Ngoại cùng hợp nhất trong Hội Thánh Chúa Kitô.

TIN MỪNG: Ga 1,29-34

Chúa nhật tuần trước chúng ta đã nghe trình thuật của Mátthêu về biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi Gioan. Tuần này bài Tin Mừng ghi lại lời chứng của Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu theo Tin Mừng thứ bốn. Trong Tin Mừng này, Gioan Tẩy Giả chỉ được nhắc đến khoảng hai mươi lần. Qua những phần này, chúng ta sẽ được nghe đến những nơi ông rao giảng, những tranh luận của ông với các môn đệ, lời chứng của ông về Chúa Giêsu, và cũng được nghe chính lời của Chúa Giêsu nói với các đối thủ của Người về Gioan: “Ông Gioan là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian” (Ga 5,35). Quả thật ông Gioan là một chứng nhân mạnh mẽ, quyết liệt cho Chúa Giêsu.

Trong đoạn Tin Mừng này, Gioan nói rằng ông đến để làm chứng cho Đấng đến sau ông. Ông nói về Chúa Giêsu như ánh sáng phải đến, và rằng ông làm chứng để mọi người có thể nhờ ông mà tin (Ga 1,7). Tin Mừng Gioan trình bày rõ chính Gioan Tẩy Giả đã nhìn thấy Thần Khí từ trời xuống và ngự trên Chúa Giêsu. Gioan Tẩy Giả đã mạnh mẽ quả quyết trong lời chứng của mình rằng đây là Con Thiên Chúa. Ông vừa nói vừa hành động để mọi người có thể nhận biết và tin rằng Con Thiên Chúa sẽ gánh tội trần gian, và đem ơn cứu độ cho mọi người. Gioan trung tín với ơn gọi làm chứng của mình, nhưng trước tiên ông cũng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã hết lòng tuân phục thánh ý Chúa Cha, hiến dâng mạng sống mình làm lễ đền tội cứu chuộc nhân loại. Chúa Giêsu đã thực hiện trọng vẹn lời đáp ca trong Thánh vịnh Chúa nhật này: “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài” (Tv 40,8a-9a).

 

LIÊN KẾT VỚI GIÁO HUẤN VÀ TRUYỀN THỐNG CỦA HỘI THÁNH

            + Nhờ sự vâng phục vì tình yêu đối với Chúa Cha, vâng phục trọn vẹn cho đến nỗi “chết trên cây thập tự” (Pl 2,8), Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ vụ đền tội của người Tôi Trung đau khổ, Đấng làm cho muôn người nên công chính và chính Người gánh lấy tội lỗi của họ” (GLHTCG 623).

            + Việc giảng dạy và truyền bá học thuyết xã hội của Giáo hội là một phần của sứ vụ loan báo Tin Mừng. Và bởi vì giáo huấn này nhằm hướng dẫn hành vi của dân chúng thì chắc chắn nó cũng giúp người ta dấn thân thực thi công lí, tùy theo vai trò, ơn gọi và hoàn cảnh của mỗi người” (Sollicitudo rei socialis, 41).

           + Các chi thể của Giáo hội thực thi công cuộc truyền giáo dưới tác động của đức ái, động lực thúc đẩy họ yêu mến Thiên Chúa và ước ao chia sẻ cho mọi người các ơn phúc thiêng liêng đời này cũng như đời sau” (Ad gentes, 7).

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

print