Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 21 Thường Niên, Năm A

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 21 Thường Niên, Năm A

Chúng ta có thể gọi Chúa nhật này là “Chúa nhật quyền bính” vì chủ đề chính của cả ba bài đọc là: Thiên Chúa là Nguồn của mọi quyền bính. Thiên Chúa chia sẻ quyền hành của Ngài với các nhà cai trị dân sự được bầu chọn để phục vụ dân chúng, và với Giáo hoàng và các nhà lãnh đạo Giáo hội khác vì lợi ích vật chất và thiêng liêng của các con cái Ngài.

 

BÀI ĐỌC 1: Is 22:15,19-23

Người chủ cung điện

Bài đọc này được chọn từ sách Isaia để hợp với bài Tin Mừng về việc chọn ông Phêrô, bởi vì Phêrô được chỉ định làm người đứng đầu nhóm Mười Hai của Chúa Giêsu. Trong bài đọc một này, ngôn sứ Isaia tiên đoán rằng Engiakim sẽ thay Sépna làm chủ cung điện của vua ở Giêrusalem, và Thiên Chúa sẽ ban quyền lực cho ông. Mở và đóng cửa cung điện là đặc quyền của chủ nhân nơi tôn nghiêm này. Đối với người Do Thái, một cặp đối lập như vậy thường biểu thị tất cả những gì nằm ở giữa, vì vậy việc mở và đóng cửa nghĩa là có quyền kiểm soát mọi biến cố diễn ra nơi đó. Không ai khác có quyền can thiệp vào. Tương tự như vậy đối với một cặp đối lập “ràng buộc” và “tháo cởi”, ông Phêrô được trao toàn quyền đối với nhóm hoặc cộng đoàn của Chúa Giêsu là Giáo hội. Tương tự, vì Engiakim được trao chìa khóa cung điện trên vai (hoặc, như chúng ta thường nói, đeo quanh cổ), nên ông Phêrô được trao chìa khóa Nước Trời. Ông Phêrô đôi khi được hình dung là người giữ cửa thiên đàng, nhưng “Nước Trời” thì rộng hơn nhiều: nó có nghĩa là “quyền năng của Thiên Chúa”, mà Chúa Giêsu đã đến thiết lập trên mặt đất. Quyền năng ấy khiến tất cả mọi người đều phải vâng phục, thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 138:1-2,2-3,6, 8

Lời tạ ơn

Thánh vịnh đáp ca cho Chúa nhật tuần này đi theo cấu trúc chung của lời cầu nguyện tạ ơn cá nhân. Được ngỏ lời trực tiếp với Thiên Chúa, tác giả Thánh vịnh bắt đầu bằng tâm tình tạ ơn, sau đó là lời tuyên bố lý do để tạ ơn: Chúa đã thương nghe lời kêu cứu của ông và đã đáp lời, không phải do công trạng cá nhân nhưng do lòng trung tín và xót thương của Ngài vẫn có (cc. 1,3). Hành động yêu thương đó không chỉ là sự trao đổi riêng tư giữa một người Israel và Đức Chúa; nó đủ tuyệt vời để khơi dậy cả các quốc gia và các đế vương dưới trần cùng ca ngợi sự vĩ đại của Thiên Chúa và sự quan tâm của Ngài đối với toàn thể dân chúng (cc. 4-6). Được giải cứu khỏi tình thế ngặt nghèo, tác giả Thánh vịnh tin tưởng rằng Đức Chúa sẽ luôn ở đó, trong những lúc nguy nan, và tiếp tục ra tay bảo vệ như Ngài vẫn làm như vậy (cc. 7-8).

Đức Thánh cha Bênêđictô XVI trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư, 7 tháng 12, năm 2005 đã kết thúc lời giáo huấn về Thánh vịnh này như sau: “Chúng ta cần luôn xác tín rằng cho dù chúng ta có phải vất vả khó nhọc, phải đối diện nhiều thử thách gian nan, chúng ta đừng ngã lòng và đừng giải quyết vấn đề một mình, có Chúa luôn nâng đỡ che chở chúng ta. Chúng ta không bao giờ phải rời xa bàn tay của Chúa, bàn tay đã tạo dựng nên chúng ta và luôn gìn giữ chúng ta trên hành trình cuộc đời, như lời thánh Phaolô tâm sự: ‘Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành’ (Pl 1,6)”

 

BÀI ĐỌC 2: Rm 11,33-36

Sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa

Sau khi trình bày kỹ lưỡng và lâu dài về đường lối mà công trình cứu chuộc của Chúa Kitô dành cho chúng ta: bằng sự vâng lời yêu thương Người đã xóa sạch căn tội về sự tự mãn, bất tuân của Ađam, Phaolô đã đau đớn nghĩ về việc người Do Thái không nhận ra sự hoàn tất lời Thiên Chúa hứa với tổ phụ Ápraham. Trích dẫn hết đoạn Kinh Thánh này đến đoạn Kinh Thánh khác, cuối cùng ông đi đến kết luận rằng, chung cuộc vào thời kỳ thuận tiện theo Thiên Chúa sắp đặt, một số còn lại của Israel sẽ được cứu. Điều này sẽ được thực hiện như thế nào thì thực sự ngài không giải thích. Dang hai tay lên cao vì không thể hiểu nổi, ngài chỉ có thể cất lên bài thánh ca tuyệt vời ca ngợi Trí Tuệ siêu phàm của Thiên Chúa. Đơn giản là bởi vì chúng ta không thể hiểu thấu các kế hoạch và đường lối của Thiên Chúa. Đoạn văn kết luận này gần với phân đoạn tuyệt vời ở cuối sách Gióp. Ông Gióp đã bác bỏ những lời giải thích nông cạn về những đau khổ do bạn bè ông gợi ý, khi Thiên Chúa can thiệp để cho ông thấy Ngài thực sự dũng mãnh và khôn ngoan như thế nào. Gióp chỉ có thể thừa nhận rằng sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa thật khôn dò khôn thấu, vượt qua bất cứ điều gì con người có thể quan niệm, và quyền năng của Ngài cũng siêu vượt vô hạn bất kỳ sức mạnh nào của con người. Vì vậy, Phaolô vẫn cho rằng Thiên Chúa luôn cai quản và điều hành thế giới của riêng Ngài, và chúng ta không được thử thách lý lẽ của Thiên Chúa, vì mọi sự đều bắt đầu và kết thúc trong Ngài.

 

TIN MỪNG: Mt 16,13-20

Hội Thánh được thiết lập trên đá tảng Phêrô

Bài đọc này bao gồm hai chủ đề riêng biệt nhưng có liên quan với nhau. Trước tiên là ý nghĩa Kitô học (cc. 13-16); thứ hai là giáo hội học (cc. 17-20). Chỉ sau khi Simôn Phêrô tuyên bố Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Đấng được xức dầu của Thiên Chúa, thì Chúa Giêsu mới tuyên bố rằng Hội Thánh của Người  được thiết lập trên nền tảng Phêrô.

Chúa Giêsu hỏi các môn đệ người ta nói gì về Người: Họ nghĩ Người là ai? Người tự đặt cho mình danh hiệu mang ý nghĩa khải huyền của đấng thiên sai “Con Người”. Câu hỏi không phải là một cuộc thăm dò để tự chỉnh. Chúa Giêsu tìm cách khám phá xem lời nói và hành động của Người được dân chúng hiểu như thế nào, và Người cũng chuẩn bị cho các môn đệ tự đánh giá về Người. Những câu trả lời cho câu hỏi được đưa ra. Một số người tin rằng Người là Gioan Tẩy Giả; những người khác cho rằng Người là ngôn sứ Êlia; còn những người khác nghĩ rằng Người là một trong những vị ngôn sứ khác. Tất cả những nhân vật tôn giáo này đã chết. Mọi người dường như tin rằng Chúa Giêsu là một nhân vật ngôn sứ đã trở lại từ cõi chết.

Không rõ tại sao Chúa Giêsu lại được liên tưởng với Gioan Tẩy Giả, vì trong cả phong cách sống và sứ điệp trọng tâm của các ngài đều rất khác nhau. Mối liên hệ được thực hiện có lẽ đơn giản vì ký ức về vị tiền hô đặc biệt này vẫn còn tươi mới trong tâm trí mọi người. Nhiều người đặt hy vọng vào Gioan, nhưng với cái chết của ông, họ đã chuyển sang Chúa Giêsu. Còn Êlia là một ngôn sứ bí ẩn mà sự trở lại của ông sẽ báo trước sự xuất hiện của triều đại Thiên Chúa. Vì Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của mình với tuyên bố rằng triều đại được chờ đợi từ lâu đã đến gần, nên có thể hiểu được rằng mọi người sẽ liên kết Người với Êlia. Theo một cách nào đó, tất cả các ngôn sứ đều hướng những lời rao giảng của mình về sự xuất hiện của triều đại này, vì vậy việc tham khảo cách chung nơi mọi người không phải là không phù hợp. Simôn Phêrô nhân danh những người khác tuyên bố rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Đấng Messia, Đấng được xức dầu của Thiên Chúa. Và ông thêm vào danh hiệu này: “Con của Thiên Chúa hằng sống.”

Sử dụng một lời chúc phúc (macarism): “Anh thật là người có phúc,” Chúa Giêsu đã mở đầu cho một cuộc tranh luận về vai trò của Phêrô trong cộng đoàn những người tin. Chúa Giêsu khẳng định rằng lý do duy nhất Phêrô có thể làm chứng về đức tin như vậy là vì căn tính của Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa mặc khải cho ông. Với một kiểu chơi chữ Hy Lạp, tác giả Mátthêu cho rằng Chúa Giêsu tuyên bố Phêrô (Petros) là tảng đá (petra) mà Người sẽ thiết lập Hội Thánh của Người. Mặc dù hình ảnh một tảng đá gợi lên sự vững chãi và bền bỉ, nhưng chúng ta không nên cho rằng những đặc điểm này là tự nhiên đối với Phêrô. “Hội Thánh” (ekklesia) có lẽ là ám chỉ đến một cộng đoàn những người quy tụ, chứ  không phải là tòa nhà mà họ tụ tập.

Chúa Giêsu hứa rằng các thế lực tử thần sẽ không thể thắng được Hội Thánh của Người. Rõ ràng lời hứa này không dựa trên sức mạnh nào của Phêrô. Đó là một ơn ban từ Chúa Giêsu. Về phần mình, Phêrô sẽ sử dụng quyền bính của những chiếc chìa khóa. Như chúng ta đã thấy trong bài đọc từ ngôn sứ Isaia, giữ chìa khóa là một dấu chỉ của quyền bính. Tuy nhiên, ở đây biểu tượng chìa khóa đề cập đến một loại quyền bính khác, một loại quyền bính mang tính pháp lý hoặc kỷ luật hơn là quản lý. Phêrô được trao quyền thực thi luật pháp và miễn trừ nghĩa vụ của cộng đoàn. Điều này không có nghĩa là Phêrô có quyền lập pháp. Đúng hơn, ông diễn giải Luật, xác định khi nào nên ràng buộc và khi nào thì không. Theo một nghĩa nào đó, Phêrô được chọn vào vai trò như một kinh sư trưởng Do Thái.

Câu trả lời cho cuộc thăm dò của Chúa Giêsu ở phần mở đầu bài đọc này cho thấy có nhiều kỳ vọng khác nhau về đấng thiên sai vào thời điểm đó. Sự thật này có lẽ hàm ẩn trong lời khuyến cáo của Chúa Giêsu không được tiết lộ căn tính của Người là Đấng Kitô, Đấng Messia. Chúng ta sẽ thấy trong Chúa Nhật tới ngay cả các môn đệ cũng không hiểu ý nghĩa của Đấng Messia.

—-

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG 551-553: Chìa khóa Nước Trời

+  GLHTCG 880-887: Nền móng của sự hợp nhất: giám mục đoàn với vị lãnh đạo là đấng kế vị thánh Phêrô

Lm. Giuse Ngô Quang Trung