Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 24 Thường Niên, Năm B
Hôm nay, chúng ta tập trung vào dung mạo của Đấng Messia. Có nhiều truyền thống thiên sai, mỗi truyền thống trình bày Đấng được xức dầu theo một cách riêng. Các bài đọc cho chúng ta thấy sự mong đợi của dân chúng cũng mang nhiều mầu sắc khác nhau. Tuy nhiên lời công bố triệt để của Chúa Giêsu về thân phận Đấng Messia đã làm cho nhiều người sửng sốt. Cuối cùng, thư Giacôbê có thể là một lời nhắc nhở chúng ta vẫn còn chưa sống ơn gọi người môn đệ mà Chúa Cứu Thế mời gọi.
BÀI ĐỌC 1: Is 50,5-9a
Người Tôi Trung của Đức Chúa
Như chúng ta có thể thấy, bài Tin Mừng hôm nay là một bước chuyển tiếp. Các phần trước thường tập trung vào các hoạt động cũng như quyền năng của Chúa Giêsu. Tuy nhiên các môn đệ, dù rất thân tín với Người, cũng không hiểu rõ những thực tại này nói lên điều gì. Bất ngờ hôm nay ông Phêrô nhận ra Đức Giêsu chính là Đấng Messia, Đấng được xức dầu, Đấng muôn dân trông đợi. Bài đọc trích từ sách tiên tri Isaia hôm nay giúp chúng ta hiểu về sứ vụ của đấng ấy. Tiên tri Isaia dùng bốn bài thơ để diễn tả số phận của Người Tôi Trung, mà bài đọc hôm nay là một đoạn ngắn. Người Tôi Trung của Đức Chúa sẵn sàng chấp nhận đau khổ và sỉ nhục để thi hành sứ vụ của mình. Chính những câu nói của Chúa Giêsu về phục vụ và sự đau khổ cho thấy Người hiểu rõ về những bài ca này và Người coi mình là Người Tôi Trung ấy: “Con Người đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ.” Nhiều chi tiết trong trình thuật về Cuộc Khổ Nạn đều tương ứng với các bài ca này. Trong bài đọc hôm nay, những cảnh tượng đánh đòn, chế nhạo và xúc phạm, và cả việc Chúa Giêsu không phản kháng hoặc tự bào chữa: tại phiên tòa xét xử, Người hoàn toàn giữ thinh lặng…chính là nói về Chúa Giêsu. Tuy nhiên các bài ca này cũng nói đến một điểm nổi bật của Người Tôi Trung, đó là lòng cậy trông vững vàng. Bất cứ điều gì xảy ra, Chúa sẽ không bỏ rơi Người Tôi Tớ trung thành của Ngài. Đặc biệt trong bài ca thứ tư, sự đau khổ và sỉ nhục của Người Tôi Trung dẫn đến sự minh oan cuối cùng cho Người và sự chiến thắng trọn vẹn của Thiên Chúa.
ĐÁP CA: Tv 116,1-6, 8-9
Ơn cứu độ ở nơi Đức Chúa
Các Thánh vịnh 113-118 được gọi là Thánh vịnh Hallel (“Thánh vịnh ngợi khen”) và được hát trong Đền Thờ vào những ngày lễ đặc biệt, gồm cả lễ Vượt Qua. Đoạn Thánh vịnh hôm nay là một bài thánh ca tạ ơn, trong đó, với lòng biết ơn tác giả đáp lại sự can thiệp của Đức Chúa trong việc giải cứu ông khỏi những nguy hiểm trần gian (cc. 3-4). Tiếp theo, trong câu 5, ông nhìn nhận lòng thương xót của Chúa dành cho “những người bé mọn,” nghĩa là những người đơn sơ, những người khiêm nhường và thấp hèn, kể cả bản thân ông cũng thuộc hàng những người đó, vì ông không thể tự vệ trước kẻ thù của mình. Cuối cùng, trong các câu 8-9, ông tuyên bố lòng biết ơn và cam kết trung thành với Chúa. Ông cũng tuyên bố sự tin tưởng rằng một ngày nào đó ông sẽ được ở với Chúa là Thiên Chúa trong “cõi đất dành cho kẻ sống”, là thiên quốc trường cửu. Đó là niềm hy vọng và mong mỏi của mọi người tin vào Chúa Kitô.
Thánh lễ được gọi là Hi Tế cứu độ, bởi vì nó nối kết lễ dâng của Hội Thánh trên bàn thờ với Hi Lễ của Chúa Giêsu, được hiện tại hóa (x. GLHTCG 222-226, 1330, 1352-1355).
BÀI ĐỌC 2: Gc 2,14-18
Đức tin và Hành động
Mối liên hệ giữa đức tin và việc thực hiện những điều chân, thiện đã là một vấn đề từ thuở đầu Kitô giáo – và cả trước đó nữa. Tại những thời điểm khác nhau, người ta dường như tin rằng mình có thể đạt được sự cứu rỗi cho bản thân. Tuy nhiên, người ta không thể mặc cả hoặc thương lượng với Chúa. Như lời Thánh vịnh nói: “Nào có ai tự chuộc nổi mình, và trả được giá thục hồi cho Thiên Chúa?” (Tv 49,8). Tất cả những gì chúng ta có thể làm là bám chặt vào những lời hứa của Chúa, và đặt niềm tin vào sự tha thứ vô hạn của Ngài. Đức tin không phải là vấn đề tin vào một học thuyết này hay một học thuyết khác. Mà chủ yếu, đó là vấn đề tôi đặt niềm tin và sự tín thác của tôi vào ai. Vậy thì, hành động theo niềm tin có ý nghĩa gì? Nếu chúng ta tin vào lòng rộng lượng và sự tha thứ của Chúa, mà không thúc đẩy chúng ta hành động theo niềm tin như thế, thì đó là một sự phản bội niềm tin, thể hiện một quan niệm khác lạ về Thiên Chúa! Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, vì vậy, nếu chúng ta thực hiện công việc của Ngài, thì rõ ràng đời sống của chúng ta cũng là phản ảnh của lòng quảng đại và sự tha thứ của Thiên Chúa. Khi thánh Giacôbê nói rằng nếu đức tin của chúng ta không có hành động thì nó đã chết, ngài thực sự muốn nói rằng đó là một đức tin khô héo, tàn lui hoàn toàn không còn phải là đức tin nữa.
TIN MỪNG: Mc 8,27-35
Dung mạo Đấng Messia
Theo cấu trúc của Tin Mừng Marcô bài đọc của chúng ta hôm nay là dấu mốc của một đoạn chuyển tiếp, theo đó từ 8,31- 10,52 là một trình thuật các biến cố trên đường đi.
Mặc dù bài đọc này gồm hai đoạn khác biệt trong sứ vụ của Chúa Giêsu, nhưng đoạn thứ nhất chuẩn bị cho đoạn thứ hai. Chỉ sau khi được tuyên bố là Đấng Kitô, hoặc Đấng được xức dầu của Thiên Chúa, Chúa Giêsu mới tiên báo về cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người. Ngoài ra, đức tin mà ông Phêrô tuyên xưng trong đoạn trước được thử thách trong đoạn hai. Cuộc đối thoại về căn tính của Chúa Giêsu (cc. 27-30) cũng như lời tiên đoán về cái chết và sự phục sinh của ngài (cc. 31-33) dường như đã diễn ra giữa Người và các môn đệ. Chỉ có lời mời gọi đi theo Người trong việc từ bỏ bản thân và vác thập giá (cc. 34-35) được gửi đến nhiều đối tượng hơn.
Chúa Giêsu hỏi các môn đệ người ta đang nói gì về Người, họ nghĩ Người là ai. Câu hỏi không phải là tìm một sự an tâm dựa theo các ý kiến. Nó tìm cách khám phá xem những lời nói và hành động của Chúa Giêsu được dân chúng hiểu như thế nào, và chuẩn bị cho các môn đệ tự xác định về Người. Trong Tin Mừng Marcô những câu hỏi của Chúa Giêsu thường báo trước việc Người sẽ đưa ra một giáo huấn mới (9,33; 12,24, 35). Các môn đệ trả lời theo các câu hỏi của Chúa Giêsu. Một số người tin rằng đó là ông Gioan Tẩy Giả; những người khác cho rằng đó là ông là Êlia; những người khác nữa cho rằng Người là một trong số những tiên tri. Tất cả những người được nêu ra đều là những nhân vật tôn giáo đã khuất bóng. Mọi người dường như tin rằng Chúa Giêsu là một nhân vật tiên tri đã sống lại từ cõi chết, một điều dường như đã làm cho ông Phêrô vô cùng bối rối khi ông nghe tin Chúa Giêsu qua đời.
Không rõ tại sao Chúa Giêsu lại được kết nối với ông Gioan Tẩy Giả, bởi vì lối sống và sứ điệp trọng tâm của cả hai người rất khác nhau. Sự liên kết này có lẽ được tạo ra vì ký ức về vị tiền hô đặc biệt này vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí người dân. Họ đã đặt hy vọng vào Goan, và với cái chết của ông, họ đã chuyển hướng về Chúa Giêsu. Êlia là vị tiên tri nổi tiếng mà sự trở lại của ông sẽ báo trước sự xuất hiện triều đại Thiên Chúa. Vì Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ của người với lời loan báo rằng triều đại được chờ đợi từ lâu nay đã đến, nên có thể hiểu rằng Người được nối kết với tiên tri Êlia. Một cách nào đó, tất cả các tiên tri đều trông đợi sự xuất hiện của triều đại này, và do đó, câu trả lời cuối cùng đưa ra một quy chiếu chung không phải là không phù hợp.
Ông Phêrô nhân danh những người khác tuyên bố rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Đấng Messia, Đấng được xức dầu của Thiên Chúa. Nghe điều này, Chúa Giêsu nói rõ hơn về đặc tính cứu thế của Người. Người sẽ là một Đấng Messia như đã được hình dung trong truyền thống, được xây dựng quanh khái niệm về Con Người, một nhân vật bí ẩn sẽ xuất hiện từ đám mây trời vào cuối thời gian. Sau đó, Chúa Giêsu nói thêm rằng Người sẽ bị loại bỏ, sẽ chịu nhiều đau khổ và bị giết chết, nhưng sẽ sống lại. Xác định này về Đấng Messia chắc chắn không tương hợp với niềm mong đợi của dân chúng, và sự xác quyết như vậy có thể gây ra những vấp phạm cho việc đón nhận Người. Lời trách của ông Phêrô thể hiện rõ điều này. Bất chấp sự phản đối, Chúa Giêsu vẫn kiên định lời xác quyết, và Người thậm chí còn tuyên bố rằng những ai muốn đi theo Người sẽ phải chấp nhận cùng bước đi trên con đường đau khổ ấy. Đây quả thực là một lời nói vô cùng khó lọt tai.
—
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 713-716 : Đường lối của Đấng Messia được phác họa trong các bài ca về Người Tôi Trung
+ GLHTCG 440, 571-572, 601 : Chúa Giêsu chịu đau khổ và chịu chết để cứu chuộc chúng ta
+ GLHTCG 618 : Sự tham dự của chúng ta và hy tế của Chúa Kitô
+ GLHTCG 2044-2046 : Các việc tốt lành tỏ lộ đức tin
Lm. Giuse Ngô Quang Trung