Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 26 Thường Niên, Năm A
Các bản văn Lời Chúa hôm nay đưa ra lời nhắc nhở chúng ta rằng quyết định sau cùng của chúng ta, tuân phục hay chống lại Thiên Chúa, đó là việc chúng ta chọn mau mắn vâng lời Ngài bằng cách làm theo ý muốn của Ngài; hoặc việc chúng ta chọn đi ngược lại ý muốn của Ngài. Những điều này sẽ quyết định phần thưởng hay hình phạt đời đời của chúng ta. Được tự do, chúng ta là những người chọn số phận vĩnh viễn cho chính mình.
BÀI ĐỌC 1: Ed 18,25-28
Những thái độ đối với người tội lỗi
Ngôn sứ Êdêkiel đang nói chuyện với người Do Thái lưu đày tại Babylon, sau khi Giêrusalem bị triệt hạ. Không có gì ngạc nhiên khi thế hệ thứ hai của những người lưu vong đã đặt câu hỏi tại sao họ phải chịu đau khổ do những thất bại của tổ tiên họ. Tuy nhiên, đây là một giai đoạn mới cho sự phát triển nền luân lý mới: ý thức trách nhiệm cá nhân. Trước đây mối dây liên đới với gia đình hoặc dòng tộc luôn mạnh mẽ đến nỗi người ta cho rằng sự trừng phạt tội lỗi và thất bại của một cá nhân sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ thị tộc hoặc gia đình. Giờ đây, chỉ cá nhân phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình. Hơn nữa, cá nhân không thể chỉ dựa vào những việc làm tốt trong quá khứ, cũng như không còn cảm thấy mình bị lên án một cách bất khả cứu vãn vì những thất bại trong quá khứ. Có thể chuyển đổi theo cả hai hướng: người tốt có thể trở thành ác nhân, thì kẻ ác cũng có thể đổi hướng trở thành thiện nhân. Cuối cùng, Chúa hứa sẽ hoán cải người ta nên tốt lành; Ngài tạo cho Israel một trái tim mới và một thần khí mới, để ngay cả tội nhân cũng có thể sám hối và được sống.
ĐÁP CA: Tv 25,4-9
Lòng Chúa xót thương đối với người khiêm hạ
Trong bài Thánh vịnh được gán cho Đavít này, tác giả kêu lên với Thiên Chúa, nhắc nhở Ngài về người công chính lo sợ xúc phạm đến Chúa. Trong cc. 4-5, tác giả nài xin Chúa chỉ dẫn cho ông đường lối của Ngài, nhìn nhận rằng ơn cứu rỗi đến từ Thiên Chúa. Ông cầu xin Thiên Chúa, với lòng từ bi đối với tội nhân, hãy thể hiện tình yêu thương, lòng nhân từ và sự tốt lành của Ngài bằng cách tha thứ tội lỗi cho họ (cc. 6-7). Ông ngợi khen Chúa, Đấng nhân từ chính trực, chỉ cho tội nhân “con đường” để họ trở nên công chính (c. 8).
Trong Kinh Thánh, “con đường” là đường dẫn đến ơn cứu độ qua việc tuân theo các điều răn của Chúa (Đnl 30,15-16). Thiên Chúa chỉ cho tội nhân con đường dẫn đến sự hòa giải và hướng dẫn người có lòng khiêm nhường đi trên con đường đến với sự công chính. Ngài phân phát công lý của Ngài cho cả hai. Tuy nhiên, chính tội nhân cần phải khiêm tốn nhìn nhận những điều sai trái của mình trước mặt Chúa để nhận được ơn tha thứ của Ngài. Chúa Giêsu Kitô đã hoàn tất lời cầu xin của tác giả Thánh vịnh về ơn tha thứ và ơn phục hồi. Người là Đấng công chính, Đấng dành cho tội nhân khiêm hạ một “Con đường” dẫn đến ơn cứu rỗi, như Người đã nói: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6a).
BÀI ĐỌC 2: Pl 2,1-11
Thánh ca tôn vinh Chúa Kitô
Đây là một bài thánh ca tuyệt vời về việc tự hủy mình ra không của Chúa Kitô và sự siêu tôn cũng như sự minh oan Thiên Chúa Cha dành cho Người. Đây có lẽ là một bài thánh ca cổ xưa, cử hành cuộc chiến thắng của Chúa Kitô mà Phaolô đã tiếp nhận và sử dụng cho chính mình. Trong nửa đầu của bài đọc, Phaolô cho thấy niềm vui của ngài với tư cách là một mục tử hiệp thông với cộng đoàn non trẻ tại Philípphê, mặc dù thực tế lời kêu gọi hiệp nhất mạnh mẽ này có thể gợi ý rằng ngài đang vẽ nên một bức tranh lạc quan về sự hiệp nhất của họ! Ngài cũng nhẹ nhàng trách cứ họ vì sự phù phiếm họ theo đuổi, và lý do tại sao ngài đưa vào bài thánh ca là để cho thấy rằng con đường của sự khiêm hạ là con đường để tôn vinh. Bài thánh ca đưa ra hai hình ảnh tương phản: Chúa Kitô Ađam thứ hai, với Ađam thứ nhất (đại diện cho nhân loại) đã sa ngã, đã muốn nên giống như Thiên Chúa, đã tự mình muốn thoát khỏi cái chết, đã cố gắng tôn vinh mình, nhưng đã bị hạ xuống. Những câu cuối cùng là một trong những tuyên bố rõ ràng nhất nơi Phaolô về thần tính của Chúa Kitô. Một câu từ Isaia 45,23 được áp dụng cho Chúa Kitô. Trong Isaia, câu này mô tả sự tôn kính chỉ dành cho một mình Thiên Chúa, và không ai khác. Trong bài thánh ca, sự tôn vinh này được bày tỏ với Chúa Kitô – và cũng là vinh hiển dành cho Thiên Chúa Cha. Khái niệm về thần tính được mở rộng để bao gồm cả Chúa Kitô.
TIN MỪNG: Mt 21,28-32
Dụ ngôn về hai người con
Một lần nữa chúng ta thấy Chúa Giêsu cùng với các nhà lãnh đạo Do Thái trong cuộc đấu tranh về thanh danh. Đây là một kiểu chạm trán thật ý nghĩa trong một xã hội được điều chỉnh bởi các nguyên tắc về danh dự và sự xấu hổ. Mỗi đối thủ cạnh tranh phải duy trì địa vị trong cộng đồng để giành được lòng trung thành của các thành viên cộng đồng đó. Mặc dù từ “dụ ngôn” không được sử dụng trong bản văn, Chúa Giêsu kể lại một câu chuyện mang tính dụ ngôn và sau đó chuyển cách giải thích về nó để chống lại các đối thủ của Người.
Chuyện kể về hai anh em ruột thường thấy trong dân gian. Họ thường đại diện cho hai lối sống hoặc hai dân tộc. Các thí dụ bao gồm Cain và Aben (x. St 4,1-16), Giacóp và Êsau (x. St 25,23-28). Mặc dù các câu chuyện dân gian thường là các nhân vật nam, nhưng đôi khi cũng có chị em ruột (x. Ed 23,1-49). Những người con trong câu chuyện này đại diện cho hai cách đáp lại mệnh lệnh của người cha. Người con trai đầu tiên hoàn toàn không chịu nghe lời. Đây là một sự vi phạm nghiêm trọng quy tắc chữ hiếu trong một cấu trúc quan hệ gia đình theo phụ hệ. Nó cũng có thể tạo ra nguy hiểm, vì chủ gia đình, là người cha thường nắm giữ quyền sinh tử trong tay. Những chi tiết này đã được những người trong khối thính giả của Chúa Giêsu biết rõ và chúng góp phần tạo nên bức chân dung mà Chúa Giêsu muốn diễn tả. Tuy nhiên, người con trai cứng đầu hối hận (metamelomai) và cuối cùng đã làm theo lời cha của anh ta muốn. Người con thứ không tỏ ra bất kính với cha bằng cách từ chối thực hiện mệnh lệnh của cha, nhưng cũng không vâng lời cha.
Chúa Giêsu quay sang đối thủ và yêu cầu họ giải thích Lề Luật: Người con nào trong hai đã thi hành ý muốn của người cha? Không hề hay biết, họ tự lên án bằng câu trả lời của chính mình. Họ là những người tự hào về sự công chính và lòng mộ đạo của mình. Họ thậm chí còn coi thường những người mà hoàn cảnh trong cuộc sống không cho họ tuân giữ đầy đủ các quy định khác nhau của Lề Luật. Trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu nói với họ rằng những người thu thuế và gái điếm, những người bị gọi là tội lỗi, sẽ vào Nước Thiên Chúa trước những người dường như là công chính, thánh thiện. Chúa Giêsu không gợi ý rằng họ sẽ bị từ chối vào, chỉ đơn giản là những người khác sẽ được ưu tiên hơn. Theo một phương thức nghịch lý, Chúa Giêsu chuyển trọng tâm của câu chuyện từ vấn đề về sự vâng lời sang vấn đề có thể được đón nhận. Người hỏi: Ai đã vâng lời? Người minh họa thêm: Ai được đón nhận?
Sự cởi mở của mọi người đối với sứ điệp của Gioan Tẩy Giả trở thành phép thử về sự cởi mở của họ đối với sứ điệp về Nước Trời. Như là tiền hô của Đấng đã được đoan hứa, Gioan đã khuyên những người nghe mình hãy chọn con đường công chính. Những người được coi là tội nhân công khai đã chọn đi theo con đường ấy; còn những người tự cho mình là công chính thì không. Những người nhận biết mình thiếu thốn đã mở lòng đón nhận ân sủng của Thiên Chúa; những người tự cho mình là tuân thủ lề luật và ngoan đạo lại không thấy mình cần phải thống hối. Câu chuyện dụ ngôn cho thấy lòng trung thành với ý muốn của Thiên Chúa thì quan trọng hơn lời nói suông. Đó là vấn đề của hành động. Chúa Giêsu đã lừa các đối thủ để họ tự lên án chính mình. Khi làm họ bị xấu hổ, chính Người đã đạt được danh dự và phẩm giá trước mắt mọi người.
—
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 1807: Người công bằng có nét đặc biệt là ngay thẳng trong cách hành động đối với người lân cận
+ GLHTCG 2842: Chỉ có Thần Khí mới có thể làm cho chúng ta có được những tâm tình như Chúa Kitô
+ GLHTCG 1928-1930, 2425-2426: Xã hội bảo đảm công bằng xã hội
+ GLHTCG 446-461: Tước hiệu Chúa của Đức Kitô
+ GLHTCG 2822-2827: “Ý Cha được thực hiện”
Lm. Giuse Ngô Quang Trung