Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 3 Phục Sinh, Năm A

 Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 3 Phục Sinh, Năm A

Chủ đề của những bài đọc Lời Chúa hôm nay đều mang một ý nghĩa chung, ý nghĩa khích lệ: dù bất cứ điều gì xảy đến cho chúng ta trong cuộc đời đầy thử thách này Chúa Phục Sinh luôn đồng hành với chúng ta. Thiên Chúa luôn gần gũi những ai kiếm tìm Ngài, những ai ước muốn sống dưới sự hiện diện của Ngài và thực thi ý muốn của Ngài.

BÀI ĐỌC 1: Cv 2,14.22b-28

Ý nghĩa của biến cố Chúa sống lại

Lễ Ngũ Tuần là ngày sinh của Giáo hội, là thời điểm Giáo hội Kitô giáo ra đời. Bài đọc hôm nay là diễn từ của ông Phêrô trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Đó là một ngày lễ trọng của Do Thái mà mọi người trong khắp đế quốc Rôma quy tụ về Giêrusalem để mừng lễ. Trước một cử tọa đa dạng như vậy, chắc hẳn ông Phêrô đã cố gắng vận dụng nói của mình để trình bày mầu nhiệm Chúa chịu chết và phục sinh. Tuy nhiên, ông Phêrô không nói về ý nghĩa của ngày lễ, về những ơn mà Thánh Thần ban xuống, nhưng trình bày biến cố lịch sử ẩn sau nó: biến cố Phục Sinh. Đây là lời tuyên xưng đầu tiên về niềm tin Chúa Giêsu phục sinh. Ý thức trách nhiệm của mình trong nhóm Mười Hai, ông Phêrô lên tiếng thay cho cả nhóm. Ông nhắc lại các đoạn văn trong Cựu Ước: sách Giôen, Thánh vịnh 16…và cho thấy những lời ấy đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu và trong Giáo hội mới khai sinh. Ông Phêrô nhắc lại: qua cuộc đời công khai, Chúa Giêsu đã tỏ cho thấy biết bao dấu chứng tình yêu. Nhưng thật trớ trêu, chính vì vậy mà Người lại bị nộp vào tay kẻ ngoại bang. Con người khước từ tình yêu Thiên Chúa quả là điều bí ẩn nhiệm mầu! Điều này ngôn sứ Hôsê đã nhận xét hơn 700 năm trước khi Chúa Giêsu xuất hiện (Hs11,1-4), và được chính Chúa Giêsu nói đến trong dụ ngôn những ta điền sát nhân (Mt 21,33-39). Nhưng tình yêu Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi chúng ta (Rm 5,20), nên Ngài đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết và trở thành nguồn ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Chúng ta có thể nhận thấy thân phận của mình qua những giai đoạn của lịch sử thánh này, một lịch sử đan xen những thất bại, tội lỗi, rồi lại hi vọng vào lời Thiên Chúa hứa. Nhưng xuyên qua hành trình này chúng ta xác tín Chúa đã thực hiện lời Ngài hứa, là cho chúng ta được tái sinh vào trong sự sống lại của Chúa Kitô. Qua sự vâng phục của người Con yêu dấu, Thiên Chúa lại đón nhận và canh tân sự bất tuân của con người, và cũng tái xác nhận lòng trung thành của con người vốn đã bị gãy đổ vì tội lỗi.

ĐÁP CA: Tv 16:1a, 2, 5, 7-10

Chúa là phần gia nghiệp

1b-4: Lòng trung thành của tác giả Thánh vịnh đối với Chúa

Thánh vịnh này tập trung vào lòng trung thành của tác giả đối với Chúa. Các thuộc tính của Chúa tương phản với tính chất của “tất cả các vị thần dân ngoại xứ này”. Chúa là Đấng mà một mình tác giả luôn trung thành, là nơi ẩn náu an toàn, trong khi các thần khác chỉ mang đến thất vọng và đau khổ cho những người tôn sùng nó. Sử dụng tên của một vị thần trong cầu nguyện hoặc trong tụng niệm cũng như dâng máu tế thần là những thực hành phụng vụ. Tác giả không bao giờ tỏ lòng tôn kính như vậy đối với các thần dân ngoại.

5-6: Chúa là phần gia nghiệp của con

Gia tộc Lêvi, những người chịu trách nhiệm về nghi lễ tôn giáo, đã không được giao đất khi ông Giôsuê chia đất cho các bộ tộc Israel (x. Gs 13, 7). Họ được bảo rằng Chúa là phần gia sản của họ (x. Đnl 10, 9), và họ phải cậy trông vào Chúa để sinh tồn hơn là vào công việc mình làm. Vì Thánh Vịnh này nói đến gia nghiệp nên có những nhà chú giải cho rằng tác giả là một người Lêvi. Tuy nhiên, sứ điệp của Thánh vịnh là mời gọi tất cả dân Israel, không chỉ người Lêvi, hãy tin tưởng vào Chúa để tồn tại, chứ không phải cậy dựa vào thành quả lao động hay sản vật của đất đai. Sự gắn bó và cậy trông như vậy phải luôn bền chặt, liên lỉ, không được lơi lỏng.

7-11: Cậy trông nơi Chúa

Chúc tụng Chúa là để ngợi khen cảm tạ. Điều này cần phải được thực hiện ngay cả vào ban đêm, vào thời gian canh thức. Có Chúa ở bên cạnh (bên tay phải, c. 8), một vị trí quan trọng và danh dự, là một sự bảo đảm an toàn và phúc lành. Trung thành với Chúa, tác giả Thánh Vịnh tin tưởng không bị bỏ mặc trong cói âm ti (sheol) và được hưởng những phúc lành mà cuộc sống ban tặng.

BÀI ĐỌC 2: 1 Pr 1,17-21

Máu của Con Chiên

Vào thời Trung Cổ, người ta thường dùng tiền chuộc để giải thoát các tù nhân, các nô lệ, thì các nhà thần học đã tranh luận về việc giá máu của Chúa Cứu Thế là để trả cho Thiên Chúa hay cho ma quỷ. Tuy nhiên, bối cảnh của bài đọc hôm nay là lễ hi sinh trong Cựu Ước, đặc biệt trong lễ xá tội. Trong những nghi thức này, máu có giá trị không phải vì sự đau đớn mà con vật tỏ hiện, mà máu biểu trưng cho sự sống của nó. Israel không thể hòa giải với Thiên Chúa nếu không có máu, theo sách Lêvi 17,11, vì máu là biểu hiện sự sống. Máu của một sinh vật thuộc về Chúa vì nó tiêu biểu cho sự sống được Chúa ban. Một khi máu đã rút ra hết thì không còn sự sống. Vì vậy, trong tư duy Do Thái máu là một tác nhân làm sạch, làm sinh động, làm mới cuộc sống. Máu lấy đi sự chết chóc, sự đè nặng bao trùm của tội lỗi. Máu của Chúa Kitô rửa sạch chúng ta, vì máu ấy chính là sự sống thần linh được ban cho chúng ta. Vì vậy, trong sách Khải Huyền, y phục của các vị tử đạo được giặt trắng (màu của chiến thắng) trong máu của Con Chiên, nghĩa là họ nhận được sự sống mới. Điều này cũng nhắc nhớ chúng ta ý nghĩa của máu trong bí tích Thánh Thể, Máu Thánh mang đến cho chúng ta sự sống của Chúa Kitô và cho chúng ta sống chính sự sống của Người.

TIN MỪNG: Lc 24,13-35

Hành trình trên đường Emmau

Câu chuyện sống động và tinh tế này thuật lại hành trình của hai người môn đệ đến với đức tin vào Chúa Phục Sinh. Chúng ta thấy trải nghiệm này có thể xảy ra trong nhiều nẻo đường của đời sống đức tin. Ở dạng hiện tại, câu chuyện phản ánh mô hình thờ phượng Kitô giáo thời Giáo hội sơ khai. Sự tỏ hiện của Đấng Phục Sinh diễn ra qua hai hành động: trình bày Sách Thánh và bẻ bánh. Hai sự kiện này diễn ra trong mọi cử hành phụng vụ. Lời Chúa và bí tích là những phần không thể thiếu để Chúa đến với chúng ta.

Trong câu chuyện này chúng ta cũng lưu ý cách Luca sử dụng hai động từ thấynhận ra. Quả vậy, tác giả muốn cho chúng ta hiểu rằng sau khi Chúa Giêsu phục sinh, không ai có thể được nhìn thấy Người bằng con mắt thể xác nữa: Người đã vượt qua thế gian này mà về với Cha Người, và thế giới mới này vượt quá tầm mức của giác quan chúng ta. Nhưng chính nhờ cái nhìn mới mẻ này, chính nhờ ánh sáng đức tin mà chúng ta nhận ra Người hiện diện trong những thực tại khác nhau, nhất là trong bí tích Thánh Thể.

Hai môn đệ bị rơi vào tâm trạng chán nản và thất vọng nặng nề. Nhưng tâm trí họ luôn rộng mở và sẵn sàng lắng nghe người Khách Lạ đồng hành giải thích cho họ ý nghĩa của các sự kiện từ Sách Thánh. Trái tim họ bừng cháy trong khi nghe những lời giải thích từ vị Khách Lạ, nhưng cho tới lúc đó đôi mắt họ vẫn chưa thông sáng. Chỉ trong bữa ăn bí tích, họ mới nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh. Đây là trình thuật chứa đựng giáo huấn về Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là bí tích khai tâm, đưa chúng ta đến cuộc gặp gỡ thân mật, riêng tư với Chúa Kitô. Trong câu chuyện, khi tâm trí hai người môn đệ mở ra để hiểu được ý nghĩa sâu xa của các sự kiện xảy ra, của sự thật trong Sách Thánh và biến cố Phục Sinh, thì họ mới trở lại Thành Thánh để tiếp tục sứ vụ tông đồ là loan tin mừng về Chúa phục sinh. Đây là mô thức của ơn gọi Kitô giáo mà tất cả chúng ta đón nhận: trước hết chúng ta phải đồng hóa với mầu nhiệm Chúa chết và sống lại, rồi sau đó mới loan truyền lại cho tha nhân.

—-

            THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

     +  GLHTCG 1346-1347: Cử hành phụng vụ Thánh Thể

     + GLHTCG 642-644, 857, 995-996: Các tông đồ là chứng nhân của Chúa Phục Sinh

     + GLHTCG 102, 601, 426-429, 2763: Chúa Kitô là chìa khóa để giải thích Kinh Thánh

     + GLHTCG 457, 604-605, 608, 615-616, 1476, 1992: Chúa Giêsu, Con Chiên đền tội chúng ta

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

print