Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 4 Mùa Chay, Năm C

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 4 Mùa Chay, Năm C

Vào giữa Mùa Chay, chúng ta được dành một chút thời gian để vui mừng, Chúa nhật Laetare. Các bài đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta lý do của sự vui mừng này. Chủ đề bao trùm là sự tốt lành rộng rãi của Thiên Chúa. Những tâm tình trong Thánh vịnh đáp ca đặt bối cảnh cho những suy tư. Tuy nhiên, ngay cả giữa niềm hân hoan này, chúng ta vẫn thấy có một thách đố. Chúng ta phải nỗ lực thay đổi tâm hồn nếu chúng ta muốn thật sự vui mừng trong Thiên Chúa.

 

BÀI ĐỌC 1: Gs 5,9-12

Lễ Vượt Qua tại Giêrikhô

Chúng ta đang rảo qua lịch sử Israel để hướng tới lời hứa của Giao Ước mới, là tâm điểm của lễ Phục Sinh. Những câu ngắn trong bài đọc này kể lại hai cuộc chuyển tiếp quan trọng của Israel: thứ nhất, dân không còn phải chịu ách nô lệ bên Ai Cập. Họ được đi vào miền đất để tự do tôn thờ Thiên Chúa của họ. Thứ hai, dân không còn lệ thuộc vào manna từ trời mà sống nhờ vào thổ sản của đất Canaan. Đây là thời điểm mà hoàn cảnh tạm thời của những chuyến hành trình trên sa mạc kết thúc. Người dân nhớ lại manna, một chất chiết xuất từ một loài thực vật sa mạc, giống như mật ong có thể ăn được. Những câu chuyện về cuộc lang thang trên sa mạc là lịch sử dân gian, không phải lịch sử theo hướng nghiên cứu hiện đại. Chúng ta nên nghĩ về manna là biểu tượng của sự bảo vệ và sự và nuôi dưỡng tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho dân Israel trong điều kiện khắc nghiệt và gần như không thể ở tại sa mạc Sinai. Bài đọc miêu tả một lễ mừng đôi, quy tụ hai lễ hội. Về nguồn gốc, lễ Vượt Qua là một bữa tiệc của những người du mục lang thang, khi họ di chuyển vào lúc trăng tròn đầu tiên của mùa xuân từ đồng cỏ mùa đông sang đồng cỏ mùa hè mát mẻ hơn. Và, lễ Bánh không men đánh dấu sự bắt đầu vụ thu hoạch lúa mì, một lễ hội của những người dân nông nghiệp định cư. Đối với Phaolô, nó tượng trưng cho sự mới mẻ của lễ Phục Sinh, sự tươi mới của Giao Ước mới.

 

ĐÁP CA: Tv 34,2-7

Đức Chúa là nơi nương náu

Phần đề tựa xác định Thánh vịnh 34 là Thánh vịnh của vua Đavít: khi ông giả điên trước mặt vua Avimelech, và bị Avimelech đuổi đi. Tác giả Thánh vịnh mở đầu bằng việc ca ngợi Chúa; ông cũng mời gọi những người đau khổ, nghèo túng hợp nhất với ông, để đồng thanh tán tụng Danh Chúa. Ngài là Đấng nghe thấy tiếng kêu than của họ và sẽ giải cứu họ khỏi nghịch cảnh (cc. 2-4, 6). Các câu tiếp theo cho biết lý do tại sao các tín hữu nên ngợi khen Chúa. Chắc hẳn họ đã cảm nghiệm được quyền năng của Chúa trong cuộc đời mình, nhất là trong những lúc khốn khó, và họ cũng đã làm chứng về lòng trung tín, sự giải cứu và bảo vệ của Thiên Chúa. Cuối cùng, tác giả mời gọi mọi người “nếm thử và nhìn xem Thiên Chúa tốt lành như thế nào,” (c. 9) có nghĩa là trải nghiệm sự tốt lành mà Chúa dành cho chính họ, rồi từ đó có thể nài van lòng thương xót của Chúa và nương náu nơi Ngài. Hoặc ông có thể ám chỉ đến việc “nếm trải” lòng thương xót của Đức Chúa trong bữa ăn hiệp thông và “tạ ơn” để tái lập sự hòa giải và mối tương giao với Thiên Chúa (Lv 7,11-15 ; 7,1-5).

 

BÀI ĐỌC 2:  2 Cr 5,17-21

Hòa giải trong Chúa Kitô

Khi sắp đến ngày kỷ niệm cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, chúng ta bắt đầu tập trung nhiều  hơn vào những biến cố này. Tân Ước dùng nhiều hình ảnh khác nhau cho biến cố này: Chúa Giêsu Kitô được tôn vinh, được nâng lên bên hữu Đức Chúa Cha (sử dụng hình ảnh của Thánh vịnh 110), được tôn lên trời cao. Chúng ta được chuộc lại như những nô lệ được trả tự do, được trả lại như con tin từng bị bắt giữ, được hòa giải như những người bạn vốn xa lạ với nhau. Khi Phaolô sử dụng những hình ảnh này, không phải vấn đề về việc xoa dịu một Thiên Chúa đang giận dữ, Đấng sẽ được hòa giải bằng cách bắt Con vô tội của Ngài chịu phạt vì chúng ta là những kẻ tội lỗi. Không, con người không giao hòa với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa luôn thực hiện việc hòa giải. Đó là một hành động của Thiên Chúa diễn ra trong Chúa Kitô. Làm sao Thiên Chúa có thể khiến Đấng vô tội trở thành tội lỗi? Trong tiếng Do Thái, cùng một từ được dùng cho cả “tội lỗi” và “của lễ đền tội”. Có thể là Phaolô sử dụng ngôn ngữ của sự tế tự Do Thái để diễn đạt Chúa Kitô như một của lễ đền tội hoặc ngài muốn nói rằng Chúa Kitô đã được đặt vào vị trí của tội nhân. Phaolô thích chơi chữ. Trong cả hai trường hợp, trọng tâm của hành động trên đồi Canvê là sự thể hiện trọn vẹn tình yêu hiệp nhất, thiêng liêng của Chúa Giêsu và Cha của Người.

 

TIN MỪNG: Lc 15,1-3,11-31

Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân

Những câu mở đầu của bài đọc Phúc Âm đã tạo tiền đề cho dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể. Hai nhóm người được đưa ra: những người thu thuế và những người tội lỗi. Những người thu thuế bị căm ghét vì họ làm việc cho những kẻ chiếm đóng La Mã bóc lột. Tiền lương của họ đến từ số tiền mà họ thu được từ đồng bào của họ. Vì vậy, nhiều người trong số họ đã lạm thu những khoản tiền vô lý, điều này làm tăng thêm sự khinh bỉ của dân chúng đối với họ. Còn những người làm những ngành nghề khiến họ không thể tuân giữ lề luật thường xuyên đều bị coi là tội nhân. Những công việc như vậy bao gồm những thứ họ tiếp xúc, chẳng hạn với người chết, máu nhiễm bệnh hoặc động vật ô uế. Ăn uống với những người như vậy là một cách nào đó chia sẻ cuộc sống của họ. Đây là những người đến để nghe Chúa Giêsu. Mặt khác, những người Pharisêu và kinh sư, những người xử lý lề luật và những điều liên quan đến Thiên Chúa, chỉ trích Chúa Giêsu về sự đón tiếp những người tội lỗi. Họ cho rằng sự lui tới của Chúa Giêsu với những kẻ bị xã hội gạt bỏ như vậy đã làm cho Người ra ô uế. Trái lại, Chúa Giêsu coi sự liên kết này là mở đầu triều đại của Thiên Chúa cho tất cả mọi người.

Chúng ta thấy ngay từ đầu (c. 11) rằng dụ ngôn có một trọng tâm kép. Trong khi nói rõ về lòng thương xót mà Thiên Chúa bày tỏ cho những tội nhân biết sám hối, nó cũng tạo nên sự tương phản giữa sự cởi mở của Thiên Chúa với sự khép kín của những người tự cho mình là trung thành. Cảnh mô tả người anh cả không phải là việc giải thích sau. Quả thật, nó đưa chúng ta trở lại những câu mở đầu, mô tả thái độ khinh miệt của người Pharisêu và kinh sư. Trong nội dung dụ ngôn, đường nét của từng nhân vật trong số ba nhân vật được trình bày cẩn thận để ý nghĩa của câu chuyện tỏa sáng rõ ràng.

Người ta không nghi ngờ gì về hành vi đồi bại của người con thứ. Với một phần ba tài sản của người cha (người con cả được gấp đôi), anh ta rời bỏ nhà của cha mình và thậm chí cả quê hương của mình, và anh ta lao vào cuộc sống phóng đãng. Cũng giống như anh muốn xa cách với quá khứ một cách dứt khoát, thì những khó khăn mà anh gặp phải là cực điểm. Anh ta phải đi ở đợ cho một người dân ngoại (một sự ô nhục đối với người Do Thái), và anh ta bị buộc phải đi chăn heo (một nghề bị lề luật cấm). Thêm vào đó, anh ao ước được ăn những thứ heo ăn. Anh hoàn toàn bị sa lầy vào hoàn cảnh bi thảm. Tuy nhiên, cuối cùng mong muốn hối cải của anh cũng mau chóng và mạnh mẽ như nỗi ô nhục của anh. Anh sẵn sàng nhìn nhận tội lỗi của mình và thậm chí từ bỏ mọi đòi hỏi làm con, mà chỉ mong được coi là một trong những người làm thuê của cha mình.

Hình ảnh của người cha cũng rất thẳng thắn. Ban đầu, ông không hề ngăn cản ý định của con trai mình nhưng đã sẵn sàng chia cho anh ta phần tài sản của mình. Ông lại bất chấp các quy ước và chạy ra ngoài để đón người con trai này về nhà. Ông coi anh ta như một người được sống lại, mặc quần áo đẹp cho anh ta, cho anh ta đôi dép để phân biệt anh ta như một đứa con hơn là một người hầu chân trần, tổ chức một bữa tiệc lớn để mừng anh ta trở về. Ông cũng không kém chú tâm đến người con cả, ông đi ra ngoài năn nỉ hắn tham gia bữa tiệc, và cam đoan với hắn phần gia sản của mình. Bức ảnh này phá vỡ hình ảnh truyền thống về người cha và cung cấp cho chúng ta một bức tranh hoàn toàn khác về tình phụ tử, một bức tranh hoàn toàn khó hiểu đối với cả hai người con trai. Người cha không độc đoán cũng không vô tâm. Ông tôn trọng quyết định của cả hai con trai của mình ngay cả khi ông không đồng ý với chúng. Khi rõ ràng là họ nhầm lẫn, ông đã tha thứ cho họ. Bức tranh mới đáng ngạc nhiên này trở thành phép ẩn dụ cho sự hiểu biết về Thiên Chúa.

Người con cả tạo thái độ đáng chú ý. Anh ta nổi giận với cách đối xử vui vẻ quá đáng của cha mình đối với một kẻ lầm lỗi. Cũng giống như người con trai thứ đã từ chối gia đình của mình, thì người con cả này cũng từ chối tham gia vào việc gia đình; và anh ta thậm chí còn không coi cậu con trai nhỏ là em của mình. Không giống như kẻ phóng đãng đó, anh ta luôn tuân theo mệnh lệnh của cha mình; anh đã phục vụ cha mình như một nô lệ (douleúō); vậy mà anh ta thậm chí còn chưa bao giờ nhận được một con dê để ăn mừng với bạn bè.

Mặc dù người anh làm nổi lên sự tương phản giữa lòng trung thành của mình với sự không chung thủy của người em, Chúa Giêsu thực sự cho thấy sự khác biệt giữa lòng thương xót của Thiên Chúa với đầu óc hẹp hòi của người Pharisêu và kinh sư. Giống như người anh cả, họ thiếu lòng trắc ẩn, và họ có vẻ bực bội với việc Thiên Chúa  nhân từ đối với những tội nhân biết sám hối.

 

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 1439, 1465, 1481, 1700, 2839 : người con phung phá

+ GLHTCG 207, 212, 214 : Thiên Chúa trung thành với lời hứa của Ngài

+ GLHTCG 1441, 1443 : Thiên Chúa tha thứ tội lỗi và đưa tội nhân về với cộng đoàn

+ GLHTCG 982 : cánh cửa tha thứ luôn được rộng mở cho bất cứ ai hoán cải

+ GLHTCG 1334 : lương thực hằng ngày của dân Israel là hoa trái của đất hứa

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung

 

print