Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 4 Phục Sinh, Năm C
Hôm nay là Chúa nhật Chúa Chiên Lành. Được gọi như thế bởi vì truyền thống phụng vụ mỗi Chúa nhật 4 Phục Sinh đều cho chúng ta đọc bài Tin Mừng của Gioan chương 10 nói về vị Mục Tử Nhân Lành. Chúa Phục Sinh đầy quyền năng và sức sống thể hiện nơi chính Người là Mục Tử chăn dắt đàn chiên của Người, khi Người nói: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành” (Ga 10,11). Các Kitô hữu tiên khởi chiêm ngắm Chúa Giêsu Phục Sinh là Đấng hoàn tất niềm mong đợi Do Thái về vị Mục Tử Nhân Lành đã được các tiên tri loan báo. Họ cũng nỗ lực đưa Dân Ngoại vào đàn chiên của Chúa. Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho ơn gọi, đã được Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập vào năm 1963. Năm nay là lần cử hành thứ 59.
BÀI ĐỌC 1: Cv 13.14, 43-52
Quay về phía dân ngoại
Khi chúng ta theo dõi sứ điệp Kitô giáo lan truyền đến tận cùng trái đất, ba lần Phaolô bị chính dân tộc của ngài, những người Do Thái, từ chối và buộc ngài phải quay sang các dân ngoại: một lần ở Tiểu Á, một lần ở Hy Lạp và cuối cùng là ở Rôma. Mỗi lần ngài phản ứng với một cử chỉ theo Kinh Thánh: giũ bụi chân phản đối, cởi áo choàng, và cuối cùng ở Rôma trích dẫn sự ứng nghiệm lời tiên tri Isaia. Vậy thì có phải thánh sử Luca là người bài Do Thái muốn vẽ bức tranh nhấn mạnh rõ ràng như vậy không? Có lẽ trong sự quan phòng của Thiên Chúa, sự từ chối của người Do Thái là hoàn cảnh để Tin Mừng vươn ra ngoài Do Thái giáo. Nếu người Do Thái đã đón nhận Chúa Giêsu, thì có phải Kitô giáo chỉ đơn thuần là một giáo phái Do Thái không? Trong các bức thư của mình, Phaolô băn khoăn đến tận xương tủy bởi việc dân của ngài không đón nhận Đấng Messia đã được hứa cho họ, và sự chối bỏ của họ vẫn còn là một mầu nhiệm. Coi những người Do Thái như là người tôi tớ đau khổ của Chúa tiếp tục theo một hướng khác, góp phần không ít vào chủ nghĩa bài Do Thái của Kitô giáo. Phaolô chứng thực rằng cuối cùng họ sẽ được cải đạo, nhưng họ sẽ được ghép vào gốc nho như thế nào thì ngài không thể nói bởi vì “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm biết bao!” (Rm 11,33).
ĐÁP CA: Tv 100,1-3. 5
Lời mời gọi ca tụng Thiên Chúa
Các Thánh vịnh 93-99 công bố vương quyền của Chúa, và tiếp theo Thánh vịnh 100 là phần kết phụng vụ của các Thánh vịnh này, đồng thời cũng là một bài thánh ca tóm tắt đức tin và niềm hy vọng của dân Israel vào quyền cai trị phổ quát của Đức Chúa với tư cách là vị Mục Tử trên “toàn thể địa cầu”. Thánh vịnh bắt đầu bằng một lời mời (cc. 1-2) sau đó là lý do Đức Chúa mở rộng lời mời (cc. 3 và 5). Tác giả Thánh vịnh rất mong muốn mọi người hưởng ứng sứ điệp nhân từ của Đức Chúa. Biểu hiện niềm vui phải luôn đi kèm với sự ngợi khen và thờ phượng Đức Chúa một cách chân thành. Nó bắt nguồn từ đức tin của một người rằng “Chúa là Thượng Đế”, và xác tín rằng, là con dân của Ngài, chúng ta thuộc về Ngài và chúng ta cảm thấy hạnh phúc trong mối tương giao của chúng ta với Ngài. Chúa đáng được toàn thể địa cầu tung hô (c. 1) và toàn thể dân giao ước của Ngài ngợi khen (c. 3) vì tình yêu và lòng trung tín của Ngài là vĩnh cửu cho mọi thế hệ (c. 5). Trong Thánh vịnh này, chúng ta là đoàn chiên của Giao Ước mới, là “đoàn chiên Ngài dẫn dắt” công bố niềm vui sâu xa khi chúng ta thờ phượng Thiên Chúa. Chúng ta giống như các môn đệ của Chúa Giêsu là Phaolô và Barnaba trong Bài đọc thứ nhất, là những người đã thờ phượng và phục vụ Chúa trong việc rao giảng Tin Mừng cứu độ.
BÀI ĐỌC 2: Kh 7,9.14-17
Đoàn người đông đảo được cứu chuộc
Trong thị kiến của mình, Gioan nhìn thấy vô số những người được cứu chuộc khi họ quy tụ trước ngai Con Chiên. Nhành lá thiên tuế họ cầm là nhành lá của sự chiến thắng và áo choàng của họ, được giặt trắng một cách kỳ lạ bằng máu, là dấu hiệu của sự hoàn hảo và vô tội. Sách Khải Huyền được viết vào thời điểm, khi mà người ta có bị đàn áp đẫm máu hay không, thì sự cám dỗ mạnh mẽ muốn quy phục sự thống trị của La Mã. Đây không chỉ là vấn đề chính trị mà chủ yếu là tôn giáo, vì Hoàng đế được tôn thờ như một vị thần. Trong mỗi thành phố, đều có một bàn thờ kính hoàng đế. Thành phố càng lớn, Đền thờ càng uy nghi. Sự thờ phượng Hoàng đế và La Mã đã tạo nên một thói quen cho toàn xã hội. Tham gia sự thờ phượng này là cách duy nhất để thành công và thịnh vượng trong đời sống. Tuy nhiên, nếu Hoàng đế là Chúa, thì Đấng Kitô không thể là Chúa được nữa. Những Kitô hữu phải chọn lựa, và nhiều người sẽ phải trả giá bằng máu của họ. Chiến thắng không phải bằng vũ khí mà bằng sự kiên trung. Ngày nay, các Kitô hữu cũng phải chọn lựa giữa nhiều khía cạnh của xã hội – và cũng mạnh mẽ chọn tham gia, để mang lại các giá trị Kitô giáo như muối men ướp mặn cho cuộc đời. Chúng ta không thể thoải mái túm tụm quanh ngai vàng!
TIN MỪNG: Ga 10,27-30
Mục Tử nhân lành
Tước hiệu Chúa Giêsu là vị Mục Tử nhân lành có nhiều khía cạnh. Bài đọc Tin Mừng Chúa nhật này cho thấy hai trong số đó: mối tương giao của Chúa Giêsu với những ai theo Người và mối quan hệ giữa Người với Chúa Cha.
Chiên của Chúa Giêsu là những ai nghe tiếng Người, nhận ra và đi theo Người. Hình ảnh này bắt nguồn từ thế giới của những người chăn gia súc. Quả thực, con chiên nhận ra giọng nói hoặc âm thanh của người chăm sóc chúng, và chúng tin tưởng đi theo giọng nói đó, ngay cả khi gặp nguy hiểm. Một cách tương ứng, người chăn chiên có thể nhận ra chiên của họ. Điều này là do những người chăn chiên và bầy chiên ở bên nhau liên tục và họ trở nên quen thuộc với những đặc điểm riêng của nhau. Khi được áp dụng cho mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và những môn đệ theo Người, hình ảnh này hàm ý sự hiểu biết sâu sắc giữa cả hai và sự tin tưởng gắn bó từ phía những môn đệ.
Chúa Giêsu đưa ra hai lời hứa táo bạo. Người sẽ ban sự sống đời đời cho những ai là chiên của Người, và Người không cho phép bất cứ ai mang chúng đi khỏi mình. Người có thể hứa sự sống vĩnh cửu bởi vì Người có quyền trên sự chết. Người có thể từ bỏ mạng sống của mình và sau đó lấy lại nó (x. 10,17). Vì lý do này, nếu đàn chiên chú ý đến tiếng nói của Người, chúng sẽ không bao giờ bị diệt vong. Như với bất kỳ đàn chiên nào, dường như luôn có những kẻ muốn giật đàn chiên khỏi những người chăn chiên chính đáng của chúng. Chúa Giêsu tuyên bố điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Nếu Người có quyền trên cái chết, là hiểm họa tột cùng, thì việc Người nắm giữ đàn chiên của mình chắc chắn sẽ không bị đe dọa bởi những tệ nạn kém hơn. Hơn nữa, Chúa Giêsu có quyền thực hiện loại quyền này đối với các con chiên vì chúng đã được Chúa Cha ban cho Người.
Những lời tuyên bố được đưa ra trong đoạn văn này hiển nhiên mang ý nghĩa Kitô học. Chính từ ngữ dùng để mô tả quyền uy và sự kiểm soát của Chúa Giêsu đối với đàn chiên (“không ai có thể cướp được chúng”, c. 28) được sử dụng liên quan đến sự kiểm soát của Chúa Cha (c. 29). Hơn nữa, đoạn văn kết thúc với tuyên bố rằng Chúa Giêsu và Chúa Cha là một. Từ Hy Lạp được sử dụng cho “một” (hen) ở hình thái trung tính, gợi ý sự ám chỉ về cách thức giống nhau giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha chăm sóc đàn chiên. Nếu tác giả muốn nói Chúa Giêsu đồng nhất với Chúa Cha, rất có thể một hình thức khác đã được sử dụng. Hơn nữa, Chúa Giêsu luôn gọi Thiên Chúa là “Cha”, danh hiệu ba ngôi biểu thị sự khác biệt trong sự kết hợp thiêng liêng. Mặc dù trọng tâm chính là cách Chúa Giêsu chăm sóc đàn chiên được Chúa Cha giao phó và giống như cách Chúa quan tâm, nhưng rõ ràng tất cả những gì Chúa Giêsu nói và làm đều là hiện thân thực sự của ý muốn Chúa Cha chứ không chỉ là hành vi phù hợp với nó. Chúa Giêsu và Cha của Người liên kết chặt chẽ theo nghĩa nhiều hơn ý nghĩa chức năng được giả định ở đây. Người Mục Tử chăm sóc chiên thật sự là một với Chúa Cha.
—-
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 754, 764, 2665 : Chúa Kitô là Mục Tử và Cửa chuồng chiên
+ GLHTCG 553, 857, 861, 881, 896, 1558, 1561, 1568, 1574 : Đức Giáo hoàng và các giám mục là những mục tử
+ GLHTCG 874, 1120, 1465, 1536, 1548-1551, 1564, 2179, 2686 : Các linh mục là mục tử
+ GLHTCG 60, 442, 543, 674, 724, 755, 775, 781 : Giáo Hội được hình thành bởi dân Israel và dân ngoại
+ GLHTCG 957, 1138, 1173, 2473-2474 : Sự hiệp thông của chúng ta với các thánh tử đạo
Linh mục Giuse Ngô Quang Trung