Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 6 Phục Sinh, Năm A

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 6 Phục Sinh, Năm A

Từ phần sau của mùa Phục Sinh chúng ta chuyển từ việc chiêm ngắm Chúa Phục Sinh trong các lần hiện ra với các môn đệ, sang việc suy niệm Đấng Kitô được tôn vinh hiện diện trong cộng đoàn Giáo hội qua Chúa Thánh Thần. Hoạt động của Chúa Thánh Thần được nhận thấy rõ qua việc loan báo Tin Mừng (Bài đọc  1), nỗ lực sống tư cách chứng nhân (Bài đọc 2), và việc tuân giữ các giới răn (Bài Tin Mừng).

 

BÀI ĐỌC 1: Cv 8:5-8, 14-17

Tin mừng lan đến miền Samaria

Câu chuyện trong sách Công vụ Tông đồ là sự loan truyền Tin mừng đến “tận cùng của trái đất”. Một vài chương đầu mô tả đời sống lý tưởng của cộng đoàn Giáo hội tại Giêrusalem. Nhưng tất cả những điều tốt đẹp này đã bất ngờ bị phá vỡ bởi cuộc bách hại dữ dội nổ ra dẫn đến cái chết của Stêphenô. Biến động này trở nên hết sức căng thẳng, Kitô hữu không thể ở lại đây để chờ cái chết đến. Họ đã tản mác đi khắp nơi, và đầu tiên đến Samari rồi Giuđê, những vùng tiệm cận nằm sát Giêrusalem. Như vậy, viễn ảnh mà Chúa Giêsu đã mở ra ngày Người lên trời đã bắt đầu hình thành. Ở đây cũng như ở nhiều đoạn khác, điềm gở đã trở nên điềm lành. Các Kitô hữu bị phân tán tuyên xưng đức tin của họ, lập nên những cộng đoàn Kitô hữu ở Samari. Sự bình yên của Vương quốc Thiên Chúa đến với người Samari dưới hình thức giải thoát khỏi bệnh tật và những đe dọa của nhiều căn bệnh khác nhau. Luca lưu ý cho chúng ta thấy niềm vui mà Tin Mừng mang đến nơi đây, niềm vui là dấu chỉ của thời thiên sai. Đáng chú ý hơn nữa, đó là sự phân biệt giữa hồng ân đức tin và ơn đầy đủ hơn qua việc các tông đồ đặt tay ban Thánh Thần. Điều này cho thấy ngay từ thời Giáo hội sơ khai đã có sự phân biệt này, cũng như hôm nay chúng ta cử hành hai bí tích riêng biệt Rửa tội và Thêm sức. Các tông đồ đến để cử hành việc đặt tay, cũng như ngày nay giám mục đến ban bí tích Thêm sức. Hình ảnh này cho thấy sự hiệp nhất trong Giáo hội và vị trí đặc biệt của những đấng kế vị các tông đồ.

 

ĐÁP CA: Tv 66:1-3a, 4-7a, 16, 20

Công trình cứu chuộc vĩ đại của Thiên Chúa

Trong Thánh vịnh 66, tác giả tập chú vào ơn cứu chuộc Chúa đã thực hiện cho dân Ngài xét như một dân giao ước hợp nhất và xét theo tư cách cá nhân. Thánh vịnh bắt đầu bằng một lời mời gọi tất cả trái đất hãy loan báo Danh Chúa rạng ngời (cc. 1-4). Với lời mời “Hãy đến mà xem” trong câu 5, ông mời gọi nhân loại hãy tin nhận Thiên Chúa bằng cách nhận biết những việc vĩ đại mà Ngài đã làm để cứu chuộc Israel. Ông đề cập đến phép lạ Thiên Chúa làm là phân rẽ nước Biển Đỏ để dân Israel vượt thoát khỏi sự truy đuổi của người Ai Cập (Xh 14,26-31), và làm khô nước sông Giorđan để dân giao ước có thể vượt qua mà vào đất Canaan, trong câu 6 (Gs 3,14-17). Sau đó, trong các câu 16-20, tác giả thánh vịnh chuyển từ những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho Israel trong quá khứ sang những gì Thiên Chúa làm cho riêng ông. Lời mời gọi tất cả những ai kính sợ Thiên Chúa “Hãy đến và nghe” trong câu 16, kết nối với “Hãy đến mà xem” ở câu 5. Cuối cùng, ông chúc tụng Thiên Chúa, Đấng lắng nghe lời ông cầu nguyện và mở rộng lòng thương xót của Ngài đối với tác giả thánh vịnh.

Nhờ mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa, Chúa Cha đã mở rộng lòng thương xót của Ngài cho loài người. Qua những việc Chúa Giêsu Kitô đã thực hiện, chúng ta được mời gọi vừa “đến mà xem” và “đến mà nghe” các công trình lớn lao mà Thiên Chúa làm để cứu chuộc nhân loại. Chúa Giêsu đã đánh bại tội lỗi và sự chết và ban sức mạnh ấy cho tất cả những ai đón ơn cứu độ của Thiên Chúa, để có thể băng qua sự đe dọa của cái chết mà vào Đất Hứa là Nước Trời. Tất cả những ai kính sợ Chúa hãy hoan hỉ ôm lấy món quà trọng đại ấy và hô vang trong niềm vui: “Hallelujah”, tiếng Hípri có nghĩa là: “Hãy chúc tụng Đức Chúa!”

 

BÀI ĐỌC 2: 1 Pr 3,15-18

Sống đức tin trong cơn bách hại

Đây là bài đọc cuối cùng của Thư 1 Phêrô được trích đọc trong Chúa nhật Phục sinh. Tác giả đưa ra những lời khuyên nhủ mời gọi các Kitô hữu theo gương Chúa Giêsu giữ vững đức tin trong cơn bách hại. Đây là đoạn văn súc tích nhất trong Kinh Thánh đề cập đến đức cậy Kitô giáo. Trong xã hội hiện đại, những mưu đồ bách hại đạo mặc một hình thức khác hơn ngày xưa, đó có thể là sự nhạo báng hoặc khinh miệt bằng lời nói, bằng chữ viết, bằng truyền thông… hơn là đổ máu. Thí dụ một lập trường Kitô giáo về các vấn đề đạo đức và luân lí nào đó có thể dễ dàng gây ra những chỉ trích, những cáo buộc cho là hẹp hòi, mù quáng. Không phải lúc nào người ta cũng luôn giữ được bình tĩnh và đưa ra một câu trả lời đúng đắn và hữu ích, cùng với thái độ lịch sự và tôn trọng, thể hiện niềm xác tín và niềm hy vọng Kitô giáo. Một cách đáp trả như vậy sẽ đi vào đúng vấn đề và tạo hiệu ứng thuyết phục, hơn là một phản ứng bùng nổ tức tối, cay cú và châm biếm đối lại, vốn sẽ chỉ đào sâu thêm hố chia cách. Giữ vững bình tĩnh và khiêm tốn, hiền hòa có thể là một cách làm chứng rất hữu hiệu và quan trọng mà Kitô hữu cần thể hiện trong bối cảnh văn hóa bạo lực hôm nay. Các câu cuối cùng của bài đọc rất phù hợp ở đây, tác giả nhắc lại biến cố Chúa chịu xét xử và chịu chết một cách bất công, oan ức để mời gọi Kitô hữu theo gương Chúa Giêsu, giữ sự bình tĩnh, sự hiền hòa và kính trọng đối với những cáo buộc bất công, để làm chứng cho niềm tin và niềm hi vọng của mình.

 

TIN MỪNG: Ga 14,15-21

Giữ các điều răn là thể hiện lòng yêu mến Chúa

Đoạn Tin Mừng này bao gồm một số chủ đề thần học chính yếu. Nội dung nhấn mạnh đến mối liên kết giữa tình yêu và sự tuân giữ các giới răn; bản văn cũng đề cập đến một quan điểm cánh chung rất sâu xa; đoạn văn còn nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa với người biết yêu thương; và bài đọc này cũng cung cấp cho chúng ta một phần nào cái nhìn về các mối tương quan trong Thiên Chúa Ba Ngôi.

Tình yêu là sứ điệp căn bản của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Người luôn mời gọi một tình yêu đòi hỏi, một tình yêu tự hiến như chính tình yêu Người đã thực hiện. Chỉ những người sống theo gương Chúa Giêsu, tuân giữ các lời mời gọi của Người mới có thể nói được là thực sự yêu, và những người yêu như Chúa sẽ được Chúa Cha yêu mến. Việc tuân giữ các giới răn không phải là đòi hỏi của tình yêu, mà là hệ quả của của hành động ấy. Nếu các môn đệ thực sự yêu mến Chúa Giêsu, họ sẽ giữ các điều răn của Người. Và nếu họ giữ các điều răn của Người, Chúa Giêsu sẽ xin với Chúa Cha sai một đấng bầu cử khác, Thần Chân Lí, Ngài sẽ không rời bỏ họ như Chúa Giêsu sắp phải xa họ, nhưng sẽ ở lại với họ mãi mãi.

Sự ra đi của Chúa Giêsu sẽ khiến các môn đệ cảm thấy bị bỏ rơi. Chúa Giêsu biết rõ điều này và đảm bảo với họ rằng Người sẽ trở lại. Người nói về sự trở lại nào đây? Có phải Người nói đến sự phục sinh của mình, mà sau biến cố đó mối liên kết giữa Thầy và các môn đệ được củng cố một cách vững chắc để có thể vượt qua mọi thử thách? Hay là sự trở lại được nhìn nhận qua việc trao ban Thánh Thần mà Người đã cầu nguyện, ơn ban ấy là lời hứa sự hiện diện của Người? Hoặc là Chúa có thể nói về ngày quang lâm của mình vào lúc kết thúc thời gian, khi các môn đệ sẽ được kết hợp với Người mãi mãi? Thật sự, có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng ta không chọn một cách giải thích duy nhất bằng cách loại bỏ hai cách còn lại, vì mỗi trường hợp sẽ mở ra cho chúng ta một chiều kích trong mối tương giao với Chúa Giêsu. Kết hợp lại, tất cả trình bày cho chúng ta một cái nhìn thần học phong phú.

Hai chủ đề khác được kết dệt trong suốt bài đọc này: thế gian bất khả đón nhận những sự việc của Thiên Chúa, và chiều kích cánh chung. Ở đây thuyết nhị nguyên của Gioan thể hiện khá rõ khi ngài đặt cả thế giới chống lại cả Thần Chân Lí và các môn đệ của Chúa Giêsu. Thế gian bị giam cầm bởi vật chất, nó chỉ hướng đến những gì là hữu hình, là khả giác. Nó không thể đón nhận Thánh Thần, mà sau khi Chúa Giêsu ra đi (chịu chết), nó sẽ không nhìn thấy Người nữa. Điều này xảy ra là bởi vì Chúa Giêsu đã chuyển sang thế giới thuộc linh. Còn các môn đệ, được thôi thúc bởi tình yêu Chúa Giêsu, họ sẽ ở lại trong Người qua việc tuân giữ các giới răn. Cụm từ “ngày đó” (c. 20) mang ý nghĩa cánh chung rõ rệt. Nó nói đến thời gian mọi sự được hoàn tất vào điểm kết thúc. Được sử dụng ở đây, từ ngữ ấy ngụ ý rằng ngày Chúa trở lại quả thực là sự khởi đầu của thời đại cánh chung.

Mặc dù đoạn văn này không cung cấp cho chúng ta một chủ đề giáo lý hoàn chỉnh về Chúa Ba Ngôi, nó vẫn có thể trình bày cho chúng ta một số hiểu biết về mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chắc chắn có một mối tương quan mật thiết giữa Chúa Giêsu và Cha của Người. Chính hình ảnh về người cha, mà Chúa Giêsu đã dùng để nói về Thiên Chúa rất nhiều lần, là bằng chứng về điều này. Mặc dù mối tương giao giữa Ba Ngôi rất thân mật, nhưng lại khác biệt nhau. Chúa Giêsu cầu nguyện với Cha của Người và Chúa Cha lắng nghe lời cầu nguyện của Người. Và Thần Khí, Đấng được Chúa Cha sai đến, không phải là Vị thay thế Chúa Giêsu nhưng được sai đến để ở lại với các tín hữu.

Có lẽ sự kỳ diệu thực sự của bài Tin Mừng này được tìm thấy trong phần mô tả về sự ở lại trong nhau. Chúa Giêsu ở trong Chúa Cha; Chúa Giêsu ở lại trong các môn đệ và họ ở lại trong Người; cả Chúa Thánh Thần và Chúa Giêsu sẽ ở lại trong các môn đệ. Đây là sự hiển dung của tình yêu đã được nói đến, lúc bắt đầu và kết thúc bài đọc này.

—-

            THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG 2746-2751: Chúa cầu nguyện trong Bữa Tiệc Li

+ GLHTCG 243, 388, 692, 729, 1433, 1848: Chúa Thánh Thần, Đấng Bầu Cử/ Đấng An Ủi

+ GLHTCG 1083, 26702672: Xin ơn Chúa Thánh Thần

Lm. Giuse Ngô Quang Trung