Tuyển Tập Các Bài Viết Của Cha Cố Antôn Nguyễn Mạnh Đồng: Bài 1 – Dẫn Nhập

print

BÀI 1.

DẪN NHẬP VÀO

TUYỂN TẬP MỪNG NGỌC KHÁNH

I. Dẫn vào:

  • Sau cấm phòng năm của các cha Cần Thơ năm 2020, Cha Long và anh Ngọc cựu tiểu chủng sinh Thánh Quý cho tôi biết: “Tập Tĩnh Tâm Linh Mục từ 21 đến 27 tháng 11 năm 2020” ở cuối có đăng tin: “Chúc Mừng Ngọc Khánh Linh Mục (1961 – 2021) Cha Antôn Nguyễn Mạnh Đồng” và hỏi “Cha có tính làm gì không?” Tôi trả lời: “Tôi mới bị đột quỵ, bất tỉnh cả tiếng đồng hồ, khi thức thì 9 giờ tối hôm 25 – 9 – 2020; tôi chưa nghĩ gì tới”… Được sống để mừng Ngọc Khánh quả là một hồng ân Chúa thương, mười năm trước đây khi mừng Kim Khánh rồi về hưu, lúc đó tôi còn chưa biết phải sống hưu làm sao, không biết bao lâu. Xưa khi đi tu, tôi phải qua thời gian đào tạo ở Tiểu chủng viện, Đại chủng viện để làm linh mục, nhiều năm, rồi mừng lễ bạc, mừng lễ vàng, rồi thế nào cũng phải về hưu nhiều năm nhưng lại chẳng được học hành gì về chuyện hưu cả. Tôi vẫn quen liên lạc với cha linh hồn cũ nên viết thư hỏi ngài, và may ngài lại đang được cử làm cha phụ trách các cha hưu đã già, vì ngài còn khoẻ, nên ngài đã gửi tặng tôi, dịp lễ Giáng Sinh 2007, một cuốn sách tiếng Pháp đầu đề là “La vie devant nous” của một cha người Pháp Henri Bissonnier, cha chịu chức linh mục năm 24 tuổi, làm tuyên uý các nhà điều dưỡng, rồi khuyết tật, 16 năm cuối đời ở Nhà Hưu, và viết cuốn sách đó rồi 92 tuổi qua đời. Đức Hồng Y Jean Marie Lustiger, tổng giám mục Paris giới thiệu “cuốn sách của cha có tính thực tế và thực dụng… nói thẳng nói thật… ai đọc cũng có thể rút ra được nhiều kết luận hữu ích”. Tôi đã viết cuốn “ Về cõi vĩnh hằng” (2010) 3558 lượt xem, chọn được trong sách của cha một câu châm ngôn để về hưu “Mieux vaux mourir usé que rouillé” (tạm dịch: chết vì được sử dụng còn hơn là như cục sét gỉ), có nghĩa là hưu để chờ chết mà vẫn được hữu ích thì hơn là hưu mà vô dụng như cục sét gỉ. Tôi cũng học nơi cha được cách sống trong thời gian hưu thế nào cho hữu dụng hữu ích chứ không như cục sét gỉ. Cha đã viết sách giáo dục, viết cả trăm bài viết về tuổi già… Vì thế tôi suy nghĩ và chọn lựa một lối sống cho hợp tình trạng của tôi. Theo kinh nghiệm của cha, tôi đã tuỳ theo sở trường và hoàn cảnh của mình để chọn sẵn cho mình một việc mà trước đây tôi quen làm: Là ở tiểu chủng viện Piô XII tôi viết bài cho tờ Bạn Đường của lớp tôi, ở Đại Chủng Viện Xuân Bích trong các dịp lễ giỗ tổ tôi thuyết trình giới thiệu sách tôi xuất bản: Đức Giêsu Đường Hạnh Phúc, Vào Đời, Chuẩn Bị vào Hôn Nhân Và Gia Đình; thuyết trình về căn tính linh mục, về chất Xuân Bích… được các cha hoan nghênh cảm phục. Do đó tôi quyết tâm tiếp tục viết, nhưng viết sao cho hợp với hoàn cảnh ở Nhà Hưu.

II. Các bài viết

Tôi đã suy nghĩ và chọn lựa, ngoài việc chu toàn các bổn phận buộc phải làm, hằng ngày tôi dành thời giờ nghe đài Vatican, đài Veritas, đài phát thanh; xem tin trong internet, báo chí… để biết tình hình thời sự của Giáo hội và xã hội, nhờ đó có thể Sentire cum ecclesia và cảm thông với xã hội, giúp tôi nhiều chất liệu để cầu nguyện với Chúa, trao đổi với nhau. Nhất là từ năm 2015, khi tác giả Đặng Hoàng Giang xuất bản cuốn “Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can”, gom lại 26 bài anh đã thuyết trình ở Hà Nội và được báo Tuổi trẻ Chúa Nhật bình luận và quảng cáo, tôi đã xem kỹ và học được một việc “Tử tế tốt lành” đó là: gặp việc bức xúc trong xã hội ta không bao giờ thờ ơ vô cảm, không tỏ ra vô can vô tội, không chịu trách nhiệm… nhưng vẫn quan tâm, lo lắng. Như thế là anh đã muốn thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm công dân, trách nhiệm trí thức trước hiện tình xã hội. Anh đã giải thích đầu đề sách của anh như vậy, và có người coi anh như: “con dao mổ lạnh, nằm trong những bàn tay ấm”. Các bài viết của anh không chỉ phân tích khách quan và bình luận sắc sảo, mà còn đề xuất những giải pháp bất ngờ và đầy trách nhiệm, khiến đã nhận được hàng trăm ngàn lượt xem…

Phần tôi suốt 10 năm về hưu, tôi đã bắt chước tác giả “Bức Xúc Không Làm Tôi Vô Can” để với tinh thần là một thành phần trong Giáo hội và xã hội, tôi không được vô can, tôi phải đề cao giới thiệu những gì tốt hơn, đẹp hơn, thật hơn, bớt bức xúc hơn trong các vấn đề tôi thấy. Do đó, đây không phải là tuyển tập chỉ gồm những bài viết tự do tuỳ hứng, nhưng là loạt bài thời sự về Giáo hội nhằm giúp mọi người biết những giáo hoàng trong Giáo hội gần đây, từ khi tôi về hưu năm 2011, đã làm những gì để đổi mới bộ mặt của Giáo hội. Tôi đã viết khoảng hơn 50 bài, có bài google cho biết đã có 20.678 lượt xem, đó là bài “Vấn đề lạm dụng tình dục”. Ở đây chỉ ghi các lượt xem của một số bài chưa bị mất .

A. Triều Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II (1978 – 2005)

Gồm một số bài:

  1. Bài Dẫn Vào “Tuyển Tập Mừng Ngọc Khánh” (Ngày 20 – 05 – 2021).
  2. Bài Chia Sẻ Về Tiểu Sử Và Mừng Lễ Kim Khánh Ở Cần Thơ (20 – 05 – 2011).
  3. Bài Chia Sẻ Về “Sống Hết Mình Cho Thiên Chúa Trong Đức Giêsu Kitô” Tại Sài Gòn
  4. Bài Tóm Lược Về Đạo Công Giáo.
  5. Bài Chia Sẻ Về Căn Tính Linh Mục = 2009.
  6. Tìm Hiểu Về Căn Tính Linh Mục.
  7. Bài Chia Sẻ Về Truyền Thống Xuân Bích.
  8. Bức Xúc Về Truyền Giáo, Về Phúc Âm Hóa và Sứ Vụ = 2016.
  9. Cảm Nghĩ Đối Với Bài Tâm Sự Của Một Linh Mục Về Thời Sự Giáo Hội = 2016.
  10. Chứng Tá Về Cải Hóa = 2016 (Bài Của Một Bạn Học).
  11. Chút Duyên Với Thần Phụ Giáo Sư Linh Hướng = 2013 (Bài Của Cựu Chủng Sinh Võ Văn Vân).
  12. Cứu Rỗi Và Cứu Thế Khác Nhau Thế Nào = 2017 (Cha Phan Tấn Thành).
  13. Công Đồng Vatican II Góp Phần Rất Lớn Để Giải Phóng Phúc Âm.
  14. Dấn Thân Cam Kết Với Người Nghèo = 2014.
  15. Để Giải Phóng Phúc Âm = 2012.
  16. Làm Gì Để Đổi Mới Bộ Mặt Giáo Hội Tại Việt Nam = 2010.
  17. Lễ Đức Mẹ Mân Côi Và Tràng Hạt.
  18. Suy Gẫm 14 Chặng Đàng Thánh Giá Của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II = 2018.
  19. Đức Trinh Nữ Giữa Đáy Trưa = 2016.
  20. Đường Thiêng Liêng Thơ Ấu Và Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu = 2014.
  21. Giải Mã Tân Phúc Âm Hoá Bằng 5 Chữ = 2015.
  22. Tại Sao Học Hỏi Về Giáo Hội Mầu Nhiệm Hiệp Thông Và Sứ Vụ.
  23. Học Hỏi Về Giáo Hội Như Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – Sứ Vụ Để Đối Thoại Với Thế Giới.
  24. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Gương Mẫu Sống Giáo Hội Mầu Nhiệm Hiệp Thông Với Sứ Vụ = 2011. Bài này rất hay vì tóm lược đầy đủ cuộc đời đức thánh giáo hoàng lúc mới lên ngôi, Giáo hội và thế giới ngày càng tách biệt, thế giới ngả theo vô thần, duy vật, toàn cầu hoá…thế mà trong 27 năm với 17 điểm độc đáo, và 7 kỷ lục: chẳng hạn, xuất thân từ nước Ba Lan cộng sản, triều đại dài nhất trong các giáo hoàng, sống tập trung vào Chúa Kitô và Thánh Thể với “Thần học bàn quỳ”, bị mưu sát năm 1981 nhưng Đức Mẹ Fatima cứu sống, giám mục trong bí mật thứ ba của Fatima, làm cho cộng sản Ba Lan rồi Liên Xô sụp đổ năm 1989 và 1991, lập ngày thế giới giới trẻ năm 1984, cho soạn Sách Giáo Lý Công Giáo mới năm 1992, thêm Năm Sự Sáng vào Mầu Nhiệm Mân Côi năm 2002, lập lễ Lòng Thương Xót vào Chúa Nhật II Phục Sinh năm 2000. Đến lễ tang của ngài, toàn thế giới đạo đời cả triệu triệu người tới dự, và tôn vinh ngài như vị thánh.

B. Triều Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI (2005 – 2013 nghỉ hưu)

Gồm các bài:

  1. Giới thiệu sách Giáo Lý Youcat cho người trẻ (2013), 7987 lượt xem. Triều đại Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã làm rạng danh Giáo hội trước sân khấu thế giới, tuy nhiên Đức Bênêđictô XVI nối ngôi vẫn còn gặp những bóng tối. Chính ngài đã nói rằng “Vừa qua Giáo hội bị thương tích vì sự dữ tấn công.” Ngài bị “sốc” vì tầm vóc to lớn của việc giáo sĩ lạm dụng tình dục, ngài đã phải giải quyết 3000 vụ rắc rối khi làm việc ở Bộ Giáo Lý Đức Tin. Ngài khuyên các bạn trẻ đừng vì các gương xấu đó mà trốn chạy khỏi Thiên Chúa”. Ngay năm 2006 ngài nhờ Hồng Y Christoph Schonborn đã từng soạn Sách Giáo Lý Công Giáo mới năm 1992, soạn sách Giáo Lý cho người trẻ và đến năm 2011 đã phát hành lấy tên Youcat viết tắt của Youth Catéchism. Xin tóm tắt: Đây không phải là giáo lý cho con nít hay trẻ con nhưng là giáo lý cho người trẻ thời hiện đại. nó có đặc điểm là: Trình bày đức tin Kitô Giáo một cách tổng hợp, hữu cơ (có quan hệ không thể tách rời nhau để tồn tại) và ngắn gọn, với những định nghĩa, giải nghĩa và chứng từ phù hợp thời nay. Một sách giúp ta suy niệm và cầu nguyện, giúp ta hiểu biết đức tin sâu sắc hơn, giúp ta sống đức tin đích thực hơn, biết cách trả lời hoặc truyền bá đức tin, cũng như có những lời lẽ thích hợp để trình bày những vấn đề hóc búa, lắt léo về đức tin, về tình yêu, về xã hội, về nhân quyền, về sự sống… nhất là những vần đề của thời hiện đại mà xưa nay vốn được coi là cấm kỵ khó nói, như về tình dục, hôn nhân đồng tính, thông dâm, mãi dâm, thủ dâm, khiêu dâm… Youcat góp công rất lớn để làm đẹp Giáo hội. Thấy cuốn Youcat tuyệt vời như vậy mà cha Giuse Long chỉ in các câu hỏi thưa cho sinh viên Cần Thơ học, tôi xin cha chờ tôi dịch toàn bộ, và tôi cùng Cha Long với sinh viên làm việc 6 tháng thì hoàn thành, và in phổ biến cho toàn Giáo hội Việt Nam (Bản in năm 2016 là hoàn chỉnh) Youcat Cần Thơ cũng là công lao làm đẹp cho Giáo hội Việt Nam.
  2. Góp Ý Để Việc Tìm Hiểu Tông Huấn Verbum Domini Tốt Hơn = 2011.
  3. Xe Lăn Và Hy Lễ Ban Chiều (Nguyễn Thảo Nam).
  4. Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới thứ XIII năm 2012 về Tân Phúc Âm Hoá do đức Bênêđictô XVI. Ta nên nhớ thời Chúa Giêsu và các tông đồ, Giáo hội chỉ dùng “ loan báo Phúc Âm” hay sau này  “truyền giáo” để chỉ công việc các ngài và Giáo hội làm. Đến năm 1975 đức giáo hoàng Phaolô VI mới thay các cụm từ trên bằng “Phúc Âm Hoá”. Rồi trước sân khấu xã hội đổi mới,đức thánh Gioan Phaolô II nói tới “Tân Phúc Âm Hoá” nghĩa là đổi mới nhiệt tình, đổi mới phương cách, đổi mới cách diễn tả để Phúc Âm hoá. Khi đức Bênêđictô XVI nối ngôi đức Gioan Phaolô II thì năm 2010 ngài thiết lập Hội Đồng Toà Thánh, đặc trách Tân Phúc Âm Hoá, rồi năm 2012 ngài quyết định mở Thượng Hội Đồng Giám mục thứ XIII về Tân Phúc Âm hoá. Các ngài đã gửi sứ điệp cho toàn Giáo hội để chọn Tân Phúc Âm Hoá là tầm nhìn và khẩu lệnh cho hiện tại và tương lai của Giáo hội. Và Sứ Điệp mong nuốn cho Giáo hội đổi mới như là Giáo hội tại gia, Giáo hội của đại chúng, Giáo hội là bệnh viện dã chiến, là nhà chung, là cái giếng đầu làng, để mọi người dễ gặp nhau (như giếng Giacob).
  5. Vấn Đề Lạm Dụng Tình Dục = 2019. Sau này năm 2019 Đức Bênêđictô còn viết một tiểu luận, và năm 2018 Đức Phanxicô cũng viết một văn thư về vấn đề lạm dụng tình dục rất dài, không in lại ở đây, chỉ tóm tắt trong bài “Vấn đề lạm dụng tình dục”.

Vấn đề lạm dụng tình dục (2019) bài này tôi đưa lên web gpcantho vào tháng 5 – 2019 mà nay máy tính cho biết đã có 20.660 lượt xem. Khi kết bài này tôi có đề nghị quý cha giáo Xuân Bích đã thành thạo vấn đề, trình bày cho đến nơi đến chốn, giúp các học trò cũ chưa được biết đầy đủ. Tới tháng 11 – 2019 thì cha Micae Phaolô Trần Minh Huy đã xuất bản cuốn “Linh Mục Và Tu Sĩ Sống Trưởng Thành tình cảm và tình dục trong bối cảnh Giáo hội và xã hội hôm nay” (nhà xuất bản Hồng Đức).

Đức Bênêđictô XVI bị coi là “Hồng y thiết giáp” ngài gặp nhiều khó khăn trong nội bộ, như hai vụ Vatileaks, các vụ lạm dụng tình dục và ngài chỉ tại vị 8 năm rồi xin từ nhiệm vì lý do tuổi cao sức yếu năm 2013.

  1. Để Hiểu Biết Và Thực Hiện Việc Tân Phúc Âm Hóa Theo Sứ Điệp Của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thứ XIII = 2017.
  2. Phóng Sự Đặc Biệt Về Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội Khai Mạc Hôm 21/2 Tại Phòng Họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Tại Vatican.
  3. Mãi Mãi Là Noel = 2015.
  4. Một Định Nghĩa Và Linh Đạo Cho Gia Đình Công Giáo Tại Châu Á = 2017.
  5. Mừng Lễ Phục Sinh Theo Định Hướng = 2015.
  6. Nhớ Về Mái Trường Xưa 1960 = 2010.
  7. Mắc Bệnh Ghiền.
  8. Mừng Lễ Noel Theo Định Hướng Tân Phúc Âm Hóa = 2014.
  9. Những Kỷ Niệm Không Bao Giờ Quên = 2020.

C. Triều Đức giáo hoàng Phanxicô lên ngôi 13 – 3 – 2013.

Ngài là giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ dòng Tên, năm 2011 được tấn phong hồng y ngài đã nổi tiếng là gần gũi dân chúng và người nghèo. Làm giáo hoàng đã 8 năm, ngài được nhiều người coi là nhà lãnh đạo như thánh Phêrô, là tông đồ như thánh Phaolô, là tu sĩ khó nghèo như thánh Phaxicô Atxidi, là người loan báo Phúc Âm như thánh Phanxicô Xavie… một luật sư tóm kết việc lên ngôi giáo hoàng của ngài như là kế nghiệp thánh Phêrô thuyền chài, chứ không kế nghiệp hoàng đế Constantinô, bởi vì ngài thích hoạt động, khiêm tốn, đơn giản, thích ăn nói với chút khôi hài, dí dỏm, hài hước, chẳng hạn nói “các chủ chăn phải mang vào mình mùi chiên, đừng như chủ chiên hết dầu hay khô dầu, đừng chỉ truyền giáo theo lối cỡi ngựa xem hoa…” Ngài nặng lòng thương xót và trắc ẩn đối với những hoàn cảnh hoạn nạn, thiên tai, chiến tranh, sẵn sàng chia buồn bằng điện thoại, chia sẻ tiền bạc trợ giúp. Đối với hàng giáo sĩ, ngay khi còn là hồng y ở Argentina ngài đã muốn họ chấm dứt lối sống clericalisme mà chính ngài đã giải nghĩa rõ ràng, đó là một manière d’ être, manière d’ existence nghĩa là lối sống giáo sĩ trị (ỷ mình là giáo sĩ mà cai trị người khác). Thế mà nay ở Việt Nam vẫn còn các đấng tiến sĩ dịch theo người đời là “chủ nghĩa tăng lữ, chủ nghĩa giáo sĩ, chủ thuyết duy giáo sĩ”, không hiểu nó là gì… Tất cả những chuyện vừa kể đều được lượm lặt từ các Tông Thư, Thông Điệp, Huấn Dụ, và ghi trong các bài viết ở sau. Ta có thể tóm tắt trong bốn điểm độc đáo, khác hẳn các giáo hoàng đi trước ngài.

Điểm độc đáo thứ nhất là: Ngài chọn làm chủ chăn thì phải có mùi như chiên, ngài đứng về phía người nghèo, không thích là đại gia quan chức ở dinh thự, không thích Giáo hội triều đình, luôn ở nhà trọ Matta, dùng áo quần đơn giản bình dân…

Điểm độc đáo thứ hai là: Thích làm việc theo cộng đoàn công nghị, ngài lập một Uỷ ban hồng y đại diện 5 châu lục làm Ban Hồng Y tư vấn để cải tổ giáo triều và điều hành Giáo hội trong việc Tân Phúc Âm Hoá mà thượng hội đồng giám mục vừa mới quyết định năm 2012.

Điểm độc đáo thứ ba là: Suốt bảy tháng mới lên làm giáo hoàng ngài không ngừng đưa ra đường lối cải tổ cách quản trị đặc biệt là của hàng linh mục, giám mục, trong giáo triều Rôma, chẳng hạn ưu tiên số 1 là chấm dứt lối sống giáo sĩ trị, số 2 là không khép kín nhưng gần gũi niềm nở với mọi người, nhất là người nghèo khổ bệnh tật, Giáo hội phải giống hơn một bệnh viện dã chiến bên chiến trường, số 3 Giáo hội phải từ bỏ lối sống thủ cựu cứng ngắc, số 4 Giáo hội phải sửa lại lối cai quản ở giáo triều Rôma, ngài lập nhóm 8 hồng y từ 5 châu làm cố vấn để sửa đổi Tông huấn Pastor Bonus…

Điểm độc đáo thứ tư là: ngài đã chấp nhận quyết định của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới năm 2012 là chọn Tân Phúc Âm Hoá như khẩu lệnh cho  Giáo hội hôm nay và tương lai, và ngày 24 -11- 2013 ngài ra một Tông huấn đầu đời là Niềm vui Phúc Âm, nhưng điểm độc đáo là ngài không lặp lại trình bày của Tài liệu làm việc rất phong phú mà chỉ quan tâm nhấn mạnh đến một số suy nghĩ riêng của ngài về Tân Phúc Âm Hoá, trong đó ngài chú ý đến chữ Tân là mới mẻ khác với cũ, và chữ Hoá là biến đổi, chuyển động, tiến bước; nghĩa là ngài muốn đưa ra trong Tông Huấn đầu đời giáo hoàng này năm việc chính cần phải thực hiện: Năm việc đó là:

  • Giáo hội phải biến đổi, hoán cải, ra đi, ra khơi, không dậm chân tại chỗ, phải khởi đi từ tâm điểm của sứ điệp Phúc Âm là chính Chúa Giêsu, Giáo hội mở rộng cửa cho hết mọi người.
  • Giáo hội phải chống lại những thách đố : kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu, văn hoá loại trừ người nghèo, thờ phượng tiền bạc, toàn cầu hoá thói vô cảm, dễ tiến tới bạo lực; chống lại những cám dỗ để mất nhiệt tình và niềm vui đi rao giảng Phúc Âm và tình huynh đệ.
  • Giáo hội dành ưu tiên tuyệt đối cho sứ vụ Tân Phúc Âm Hoá bằng gặp gỡ, đối thoại, loan báo Phúc Âm, soạn Kinh Thánh, dạy giáo lý, dạy sự thật, sự thiện và cả cái đẹp…
  • Giáo hội quan tâm đến xã hội bao gồm mọi người trong đó có nhiều người nghèo, bệnh tật, bỏ rơi, di dân, tị nạn… mà Giáo hội có sứ vụ Phúc Âm Hoá và thực thi bác ái với họ. Giáo hội phải phục vụ công ích và hoà bình, phải đối thoại với xã hội, với các tôn giáo.
  • Giáo hội muốn thực thi Tân Phúc Âm Hoá nghĩa là làm tốt bốn việc trên thì phải nhờ Chúa Thánh Thần. Nhờ Chúa Thánh Thần nghĩa là cầu nguyện Chúa Thánh Thần, và chuyển cầu cho mọi người, là có Chúa Thánh Thần hiện diện trong mình, là được năng động của Phúc Âm, bao gồm những sức thiêng của Chúa cùng góp vào một tiến trình và làm cho nó tiến hoá tốt đẹp. Người Tân Phúc Âm Hoá, phải là một dụng cụ của năng động Phúc Âm. Đức Phanxicô kể cho ta một kinh nghiệm liên quan với Chúa Thánh Thần: “Chúa Thánh Thần như gió, Ngài hành động như Ngài muốn. Để có lòng tin vững chắc vào Chúa Thánh Thần, đức Phanxicô thú thật rằng: Tin tưởng vào Đấng vô hình này có thể làm ta chóng mặt như lao mình xuống biển mà không biết mình sẽ gặp phải những gì. Chính tôi đã kinh nghiệm như vậy nhiều lần”. (Tông huấn Niềm Vui số 280)

Đức Phanxicô đã tiếp tục ra những tài liệu để thi hành việc Tân Phúc Âm Hoá theo như Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm đã đề ra, đó là Tông Huấn Niềm Vui Của Tình Yêu (2016), Tông Huấn Hãy Vui Mừng Hớn Hở (2018), Tông Huấn Chúa Kitô Hằng Sống (2019), Thông điệp về Tình Huynh Đệ (2020)…

Các bài tôi viết trong triều đức giáo hoàng Phanxicô:

  1. Cảm Nghĩ Về Bài Giảng Lễ Dầu Của Đức Phanxicô = 2014.
  2. Cảm Nghĩ Về Mấy Bản Dịch Tông Huấn “Hãy Vui Mừng Hớn Hở” = 2018.
  3. Cùng Tân Phúc Âm Hóa Với Đức Giáo Hoàng Phanxicô = 2018.
  4. Đức Giáo Hoàng Phanxicô Bắt Tay Vào Việc Tân Phúc-Âm-Hóa.
  5. Đức Giáo Hoàng Phanxicô Người Tân Phúc Âm Hóa Với Thánh Thần = 2017.
  6. Một Vài Suy Nghĩ Khi Đọc Thư Của Đức Thánh Cha Phanxicô Gửi Cho Dân Chúa Về Những Tội Phạm Tình Dục Trong Hàng Giáo Sĩ = 2018.
  7. Mười Hai Bức Xúc Của Đức Phanxicô… = 2013.
  8. Những Người Phúc Âm Hóa Với Thánh Thần = 2017.
  9. Phúc Âm Hóa Và Truyền Giáo = 2016.
  10. Phúc Âm – Tin Mừng – Cứu Độ = 2016.
  11. Phúc Âm Hóa Bản Thân Theo Tông Huấn = 2018.
  12. Thư Ngỏ Gửi Các Giáo Lý Viên = 2016.
  13. Tìm Hiểu Tại Sao Tân Phúc Âm Hóa = 2013.
  14. Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Thứ XIII: Khuyến Khích Các Giáo Hội Tại Á Châu Tân Phúc Âm Hóa Bằng Ba Cuộc Đối Thoại.
  15. Từ Loan Báo Phúc Âm Đến Truyền Giáo Và Tân Phúc Âm Hoá = 2020.
  16. Trọng Kính Đức Cha Về – “Đề Tài Thanh Tẩy” = 2018.
  17. Trọng Kính Đức Cha, Và Quý Cha Cựu Sinh Viên Xuân Bích, Con Xin Chia Sẻ Vài Cảm Nghĩ Về Vấn Đề Đào Tạo Linh Mục = 2018.
  18. Xây Dựng Gia Đình Thành Cộng Đoàn Cầu Nguyện = 2014.

III. Các bài viết của tôi có kết quả ra sao?

Các bài viết của tôi được viết theo đường lối: trình bày các bức xúc theo tinh thần trách nhiệm, khiến ta bức xúc mà không vô can, nhưng mạnh dạn “can vô” để đề cao cái hay cái tốt và hạ bệ cái xấu cái tồi; nên được độc giả hưởng ứng và thích thú. Kết quả có thể thấy ở hai việc là lượt xem và hồi âm.

  • Về lượt xem: Ở trang web gpcantho có mục Giới thiệu tác giả, ghi tên tác giả, đầu đề bài viết và lượt xem. Tôi đã viết trong 10 năm khoảng 80 bài. Nhưng bây giờ xem chỉ còn 16 bài có lượt xem. Bài nhiều lượt xem nhất là bài “Vấn đề lạm dụng tình dục” hôm nay 16-2-2021 đã được 20.730 lượt xem, “Youcat Việt Nam chào đời” 7.987 lượt xem. “Đức Maria và Tràng Hạt” 7.868 lượt xem, “Đức Trinh Nữ Giữa Đáy Trưa” 6.578 lượt xem, “Giới thiệu Youcat Việt Nam” 3.936 lượt xem…Tôi hỏi cha phụ trách về trang web thì ngài cho biết năm 2018 máy chủ hư, ngài phải làm lại trang web nên các bài từ 2018 về trước bị mất…
  • Về hồi âm. Tôi có gửi email các bài tôi viết cho riêng khoảng 40 người, thường được họ hồi âm rất nhiều và đầy thích thú. Ở đây tôi chỉ xin ghi lại 7 hồi âm về một bài viết sau chót có vấn đề là “ Từ loan báo Phúc Âm đến Truyền giáo và Tân Phúc Âm hoá” đăng vào cuối tháng 11-2020 có 340 lượt xem tính đến hôm nay.
  • Đức cha Stêphanô Thiên, Cần thơ, có thư hồi âm cho biết “ngài đã nhận được bài viết và rất cám ơn. Ngài sẽ cho in và phát cho tất cả các cha vào dịp cấm phòng năm, cuối tháng 11-2020”. Ngài có nói chuyện với tôi cố gắng kiếm cụm từ nào dễ hiểu thay thế cụm từ “Tân Phúc Âm hoá”, tôi đã cố gắng vắt óc nhưng không tìm được cụm từ nào thích đáng hơn với nội dung như từ Phúc Âm hoá.
  • Đức cha Phêrô Khảm, Mỹ Tho, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam hồi âm: “Kính thăm cha, con đã nhận được bài cha mới gửi. Con sẽ gửi cho Bản tin Hiệp thông để đăng vào số tới”.
  • Đức cha Anphong Long, chủ tịch Uỷ Ban Loan báo Tin Mừng của Hội đồng Giám mục Việt Nam:

“Con đã đọc ba lần bài viết này…bản thân con rất đồng ý với việc dùng từ Phúc Âm Hoá thay vì loan báo Tin Mừng, vì từ sau chỉ diễn tả một động thái là “annoncer” hay “proclamer” Phúc Âm cho người khác biết, chứ chưa bao trùm toàn vẹn ý nghĩa của sứ mạng này là làm cho Phúc Âm của Chúa Kitô “thấm nhập” (hoá) vào mọi cơ cấu và đời sống của cá nhân hay xã hội, như “muối” ướp đời như “men” làm dậy bột…bài viết của cha rất công phu, cho biết lịch sử sứ mạng Phúc Âm hoá qua giòng thời gian và có thể coi như một bài dạy trong môn Missiologie. Con xin được sử dụng bài này khi phải diễn giải về lịch sử của việc thi hành sứ mạng.

  • Cha Phanxico Xaviê Bảo Lộc, Văn phòng Đối thoại Liên Tôn Và Đại kết Hội Đồng Giám mục Việt Nam. “Con chân thành cám ơn cha về món quà đầu xuân ý nghĩa này. Thật tế nhị để nói như một người con của Hội Thánh tại Việt Nam, con mạo muội chia sẻ vài suy tư cá nhân với bậc trưởng lão là cha. Dường như chúng ta chưa “dốc toàn lực cho công cuộc truyền giáo” như cha nghĩ. Quan niệm truyền giáo (modèle de mission) của phần lớn hàng giáo sĩ xem ra chưa theo kịp thần học truyền giáo Tây phương và hội nhập hướng loan báo Tin Mừng tại Châu Á (FABC) với cuộc đối thoại tam diện. Khi xem tín đồ của các Tôn giáo hay lương dân là thành phần ở phía khác, cạnh tranh thì khó loan báo Tin Mừng. Ở tâm thế đối kháng thì khó đối thoại. Còn cuộc đại kết chưa được khởi động thì việc loan báo Tin Mừng chưa khả tín. Một Giáo hội “đi ra” theo hiệu triệu và gương của đức Giáo hoàng Phanxicô khẩn thiết biết bao.”
  • Sơ Đặng Thị Loan, cố vấn dòng thánh Phaolô Đà Nẵng

“Con thật vui mừng và cùng với Nhà Hưu Cần Thơ hãnh diện về cha. Bài viết thật có giá trị, vừa thức thời lại vừa mang tính lịch sử … Mỗi lần nhận bài của cha là con thường in ra và đọc cho chị em trong cộng đoàn cũng như giới thiệu cho những ai có liên hệ với con nữa, con nghĩ đó cũng là một chút truyền giáo đấy cha nhé.”

  • Sơ Thiên Ái, nữ tu Bác ái thánh Vinh Sơn.

“ Con rất vui nhận được tin cha và tài liệu quí báu cha chia sẻ…con rất tâm đắc với cha, phải Tân Phúc Âm hoá chính mình đã rồi mới Phúc Âm hoá người khác được, nếu không chỉ là rỗng tuếch. Con đọc ngấu nghiến và sẽ nghiền ngẫm sau…Con thích điều dốc quyết cụ thể của cha ở phần kết nữa.”

  • Anh Michel Nguyễn Khắc Lại, cựu chủng sinh Tiểu chủng viện Thánh Quí, Cần Thơ, đang ở Mỹ :

“Con vừa nhận được bài viết mới của cha, và gởi ngay cho mọi người. Con rất vui khi biết cha giáo vẫn khoẻ, vẫn viết để làm gương cho học trò. Con gởi cho anh em với lời nhắc nhớ “Hãy cố gắng viết như…cha giáo”, để được “Mens sana in corpore sano”.

IV. Để kết:

Được sống 10 năm trong Nhà Hưu và năm nay mừng Ngọc Khánh, tôi đã chọn lối sống hữu dụng và hữu ích bằng cách chịu khó hàng ngày nghe đài Vatican, Veritas, phát thanh truyền hình, internet, báo chí…để có dịp gặp gỡ nhũng bức xúc trong Giáo hội hoặc xã hội, mà mình theo tinh thần trách nhiệm của Kitô hữu, không được vô can, nhưng tuỳ tiện can vô, trước hết để cầu nguyện, để chuyển cầu, rồi viết ra những gì tốt đẹp để đề cao phổ biến, hoặc những gì tồi tệ bất cập để chấm dứt từ bỏ, chia sẻ cho nhiều người để cùng nhau góp phần làm đẹp bộ mặt Giáo hội và xã hội hơn. Nhiều bài tôi viết được đăng trong các tập Bài Giảng Chúa Nhật, Toà Tổng Giám Mục Thành Phố Hồ Chí Minh, trong các tập Tin Mừng Chúa Nhật của Truyền Thông Công Giáo Việt Nam, và trong Bản Tin Hiệp Thông của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Tôi cảm thấy hài lòng hạnh phúc và phải biết ơn cảm tạ Thiên Chúa. Tôi làm tuyển tập này để Kỷ niệm những việc đó và mong mọi người thấu hiểu như cụ Nguyễn Du đã kết thúc Truyện Kiều:

  Thiện căn ở tại lòng ta

  Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.

  Lời quê góp nhặt dông dài

  Mua vui cũng được một vài trống canh.

 

Tái Bút: Tôi còn hai việc cần nói với độc giả thì lương tâm tôi mới yên, đó là việc tôi về làm cha xứ Trà Cú năm 1975 thì năm 1977 được chứng kiến Đức Mẹ hiện ra chữa bệnh cho em Trần Thị Hữu bị tê liệt ở họ Trà Cú; và việc tôi khám phá ra thiếu sót về Bí Tích Thánh Thể trong Bản Toát Yếu về Giáo Lý Công Giáo, in năm 2006 và tái bản năm 2012; và trong Bản Hỏi Thưa Giáo Lý Công Giáo 2013.

  • Việc thứ nhất: khoảng 9 giờ tối Chúa Nhật Phục Sinh năm 1977, gia đình em Hữu đang cùng lần chuỗi với em trong nhà thì em cho biết Đức Mẹ hiện ra và nói chuyện với em, như anh chị đã kể. Việc em hữu bị tê liệt từ mấy năm trước 1975 thì ai ở chung quanh cũng biết, cả một số nhân viên xã đóng quân cách đó vài nhà đều biết rõ. Họ không biết làm gì và nói gì. Còn dân chúng thì kéo đến xem tấp nập. Nhà em ở ngay bờ kinh sáng Phụng Hiệp – Cà Mau nên tàu ghe ghé lên xem việc lạ, suốt nhiều ngày sau đó, tuy tụ họp rất đông nhưng an ninh trật tự rất tốt đẹp. Chỉ có một chi tiết anh chị không nhớ đúng, là khi em hữu đi ghe đến bến Nhà Thờ Trà Cú, em đã đi bộ, leo thang lên phòng tôi trên lầu, để báo tin cho tôi Đức Mẹ đã cho em khoẻ đi lại được, em xin tôi cám ơn Đức Mẹ cho em rồi em ra nhà thờ đi lễ sáng thứ hai sau phục sinh do cha J.B Mẫn làm, dịp ngài về thăm các thầy Trà Cú. Cha Mẫn đã cho em Hữu rước lễ chứ không phải tôi, vì tôi không làm lễ. Lễ xong em về nhà xứ gặp gỡ quý cha quý thầy và kể lại việc Đức Mẹ hiện ra với em, như anh chị Dziễm Hoàn đã kể. Thời gian em khoẻ, em đi lễ hàng ngày, vào ca đoàn tập hát. Hàng ngày vào buổi tối, nhiều người thân thuộc vẫn đến nhà em lần chuổi cầu nguyện. Khi em trở lại bệnh tê liệt không đi lại được nữa, thì tôi đến đem Mình Chúa, rồi xức dầu cho em và em chết vào cuối mùa Phục Sinh năm 1977. Tôi sắp xếp cho em được chôn cất ở một khu mới chưa chôn cất ai gần nhà thờ. Tôi cũng có viết một tờ tường trình việc Đức Mẹ hiện ra với em Hữu, để lại trong hồ sơ họ đạo, và gửi về tường trình với Đức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, Giám mục Cần Thơ. Tôi nghĩ rằng đây là một ơn lành mẹ ban cho em Hữu, để củng cố và an ủi giáo dân Trà Cú, đã đón tiếp các thầy về tu học: 16 thầy về ở Trà Cú năm 1975 thì sau đó đã 7 thầy được làm linh mục (khoá 1 + 2). Và anh chị kể lại phép lạ cũng để tạ ơn Đức Mẹ đã cứu gia đình thoát nạn.
  • Việc thứ hai: Là năm 2006 tôi khám phá trong Bản Catéchisme de l’église catholique abrégé editions du cerf, phần trình bày về Phép Thánh Thể, không nói đến một trong 3 ý nghĩa quan trọng của Bí Tích Thánh Thể là: 1 tạ ơn và chúc tụng, còn 2 ý nghĩa kia thì có. Tôi có viết thư hỏi Editions du cerf thì được trả lời rằng họ chỉ in lại đúng với bản của Vatican, họ vui mừng vì Việt Nam đã khám phá. Tôi có viết thư cho Editions Vatican nhưng không được trả lời. Tôi là bạn học của đức cha Phaolô Nguyễn văn Hoà, nên nhờ ngài liên hệ với bộ giáo lý đức tin ở Vatican về việc thiếu sót trên. Bộ đã trả lời ngay là cám ơn đức cha đã cho biết và sẽ xem xét. Nhưng đến nay chưa thấy xem xét và giải quyết. Tôi nghĩ đến giới trẻ và các em VN học Bản Toát yếu Giáo lý Công giáo (2012) và Bản Hỏi Thưa Giáo lý Hội thánh công giáo (2013) về Bí Tích Thánh Thể mà không biết ý nghĩa quan trọng của Bí Tích Thánh Thể là Tạ ơn và chúc tụng, thì ai phải chịu trách nhiệm? Tôi đã nhờ Ban Giáo lý giáo phận Cần Thơ, nêu khám phá của tôi cho Uỷ Ban giáo lý đức tin của Hội Đồng Giám mục Việt Nam (thời đức cha Đọc), nhưng không thấy giải quyết gì. Và hai năm trước đây, tôi có gom tài liệu thư từ liên quan đến vấn đề và nhờ đức giám mục Cần thơ đi họp trao tận tay tập tìa liệu cho đức cha Uỷ Ban Giáo lý đức tin, nhưng vẫn thấy chỉ là “tiếng kêu trong rừng vắng”. Tôi chưa được an tâm vì khám phá sai sót của mình vẫn còn nguyên đó, các bạn trẻ học giáo lý không biết ý nghĩa quan trọng thứ nhất của Bí Tích Thánh Thể là gì, bởi vì Sách Giáo lý quên sót ở Việt Nam.

 

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà Hưu Dưỡng linh mục Cần thơ 2021