Niềm Vui Bắc Cầu

print

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM A 2019

Niềm Vui Bắc Cầu

Lm. Giuse Nguyễn

“Ai đem bắc nhịp cầu tre, cho chàng là chàng làng bên ấy thương em là thôn ở bên này”. Nhịp cầu của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trở thành niềm vui cho chàng làng bên ấy và nàng ở thôn bên này. Hay người lính trẻ mong nối “nhịp cầu tri âm” với người em gái thành đô của nhạc sĩ Hoài Linh, để nhịp cầu trở thành niềm vui cho đôi lứa. Cầu còn là một phương tiện nối liền 2 hay nhiều điểm khác nhau, giúp việc di chuyển giữa các vị trí ấy được dễ dàng hơn. Cầu là một công trình giao thông được bắc qua các chướng ngại như: rãnh nước, dòng suối, dòng sônghồbiểnthung lũng, hay các chướng ngại khác như: đường bộđường sắt… đảm bảo cho giao thông được liên tục.

Chúa Nhật III Mùa Vọng luôn luôn là Chúa Nhật của niềm vui. Niềm vui mà phụng vụ lời Chúa hôm nay gởi đến chúng ta là niềm vui bắc cầu.

Tiên tri Isaia trong bài đọc thứ nhất (Is 35, 1-6a.10) đã kêu gọi “Vui lên nào!”  vì chính Thiên Chúa sẽ đến cứu dân. Dân chúng lầm than, đau khổ. Thiên Chúa là niềm an vui, hạnh phúc. Hai phạm trù này sẽ gặp gỡ nhau và đau khổ buồn sầu của dân chúng sẽ được hóa giải bởi niềm hoan lạc trong Chúa. Để có thể thực hiện điều đó, Thiên Chúa cần một nhịp cầu.

Nhịp cầu này dân chúng khao khát mong chờ. Chính Gioan với sứ mạng dọn đường cũng phải thắc mắc về nhịp cầu mang tên Giêsu. Vì vậy ông đã sai họ đến để hỏi về sứ mạng của Ngài: “Thầy có thật là Đấng phải đến không hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11, 3). Thầy có phải là cây cầu kiên cố mà Thiên Chúa đã bắc để đến với con người hay chúng tôi còn phải đi trên những cây cầu khỉ, những cây cầu lắc lẻo không an toàn?  Đức Giêsu không trả lời trực tiếp mà gián tiếp bằng những vật liệu xây chiếc cầu kiên cố để Thiên Chúa đến với con người: “Các ngươi cứ về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11, 5).Chính Đức Giêsu đã làm thực hiện những điều đó.Vì vậy Ngài là nhịp cầu để Thiên Chúa đến với con người. Nhịp cầu đó là nhịp cầu yêu thương.

Quả thật trong cuộc đời, ở đâu và những ai xây đắp được tình yêu thương là ở đó và họ đang bắc nhịp cầu để Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau, để trời và đất giao duyên.

Trong Tông huấn Christus Vivit (Chúa Kitô đang sống) của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi những người trẻ và cộng đoàn dân Chúa, Ngài khẳng định: “Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới này. Tất cả những gì Người chạm đến đều trở nên tươi trẻ, mới mẻ, tràn đầy sức sống. Thế nên, lời đầu tiên cha muốn nói với mỗi Kitô hữu trẻ là: Chúa Kitô đang sống và Người muốn chúng con cũng được sống!” (Christus Vivit Số 1).

Chúa Kitô đang sống, Ngài vẫn đang bắc những nhịp cầu để mỗi người chúng ta đến với Thiên Chúa. Và những ai giúp người khác đến được với Thiên Chúa thì họ cũng đang sống trong niềm vui bắc cầu.

Mùa Vọng này chúng ta thấy rõ điều đó nơi Gioan Tẩy Giả, một người bắc cầu bằng sự ngay chính, bằng lối sống nghiêm khắc, đàng hoàng tử tế, để qua đó dân chúng hoán cải mà trở về với Thiên Chúa.

Chúng ta còn thấy nhịp cầu của Đức Maria được bắt bằng tấm lòng mở rộng qua tiếng “xin vâng” để Thiên Chúa đến với con người trên cây cầu thênh thang của Mẹ và để con người được gặp Thiên Chúa bằng sự sẵn sàng cho đi tất cả những gì là của mình, như Mẹ.

Người dân Việt Nam vẫn còn ngất ngây men chiến thắng với thành tích xếp thứ hai của đoàn thể thao Việt Nam tham dự Sea Games 30, nhất là 2 tấm huy chương vàng của bóng đá cả nam lẫn nữ. Ít ai biết rằng trong số những vận động viên đó có những bạn trẻ đã bắc nhịp cầu để người khác đến với Chúa. Lần đầu tiên thủ môn Văn Toản được biết đến với tên gọi đầy đủ là Phaolô Nguyễn Văn Toản, một bạn trẻ của Giáo phận Hải Phòng, là một con chiên ngoan đạo. Thủ môn này đã bắt nhịp cầu giữa Thiên Chúa và con người bằng chính khả năng của mình.

Một vận động viên khác là kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đạt thành tích 2 huy chương vàng và 2 huy chương bạc. Bạn trẻ Công Giáo quê ở Quảng Bình này đang tập luyện cùng với Ánh Viên tại Cần Thơ đã dùng một phần tiền thưởng và kêu gọi nhiều người ủng hộ cho mái ấm Hướng Phương- Quảng Bình, nơi các Sơ đang nuôi dạy những người khuyết tật. Một nhịp cầu nữa đã được bắc để nhiều người được đến với Thiên Chúa bằng lợi thế của một vận động viên bơi lội người Công giáo. Còn nhiều, nhiều lắm những vận động viên Công giáo trong đoàn thể thao Việt Nam tham dự Sea Games 30, họ đã bắc cầu để Thiên Chúa đến với con người bằng chính tên gọi của mình.

Như vậy chúng ta đều có thể trở thành nhịp cầu cho Thiên Chúa và con người gặp gỡ. Nhịp cầu này chính là đức tin để giúp ta ý rằng Chúa Kitô đang sống “Người ở trong con, Người ở với con và không bao giờ bỏ rơi con. Dù con có rời xa Người, Đấng Phục Sinh vẫn ở bên con. Người kêu gọi và chờ đợi con bắt đầu lại. Khi con cảm thấy mình già đi vì buồn sầu, thù hận, vì lo sợ, nghi ngờ hay thất bại, Người vẫn luôn ở đó để ban lại cho con sức mạnh và hy vọng” (Ib Số 2).

Với ý thức Chúa Kitô đang sống, chúng ta sẽ cùng với Ngài bắc cầu “trong sự thánh thiện và sự dấn thân trong ơn gọi riêng của mình” (Ib Số 3). Sống được như vậy ta sẽ có niềm vui sâu thẳm trong đời sống đức tin.

Sự thánh thiện khởi sự bằng việc ý thức Chúa Kitô đang sống nên ta sẽ cùng sống với Ngài. Vì vậy ta sẽ thân thưa với Ngài trong cầu nguyện; ta sẽ gặp gỡ Ngài trong Lời Chúa và các Bí tích, nhất là qua Thánh lễ; khi ta sai lỗi, ta sẽ xin lỗi Ngài nơi tòa giải tội; ta sẽ ứng xử với người khác bằng cung cách của Chúa, vì Chúa đang ở bên và muốn tôi làm vậy.

Dấn thân trong ơn gọi riêng của mình nghĩa là dù làm gì, ở đâu cũng làm sáng danh Chúa. Biết sử dụng khả năng Chúa ban để giới thiệu Chúa cho nhiều người.

Gioan Tẩy Giả, mẹ Maria, thủ môn Văn Toản, kình ngư Huy Hoàng, các nghệ sĩ, nông dân, công nhân, học sinh, sinh viên, lao động phổ thông… đều là những người bắc cầu bằng chính đời sống của mình.

Thế nhưng: Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi. Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài. Vì sao không thương mến nhau còn gây khổ đau làm lỡ nhịp cầu. Ước thề chờ sang ngày nào nối lại nhịp cầu đẹp đời mai sau. (Chuyện chiếc cầu đã gẫy, Trầm Tử Thiêng)

Đừng để nhịp cầu bị gẫy vì thiếu yêu thương, nhiệt huyết, hoặc sức nặng của thử thách gian nan trong cuộc đời, hay đơn giản chỉ vì sự chia rẽ, nói hành, nói xấu nhau.

Niềm vui của Kitô hữu chính là niềm vui bắc cầu. Vì vậy ước mong cuộc đời của mỗi người sẽ trở thành nhịp cầu để Thiên Chúa và con người gặp gỡ bằng nhiều hình thức khác nhau.