Suy Niệm Lời Chúa Tuần V Mùa Chay

print

Suy Niệm Lời Chúa Tuần V Mùa Chay

Lm Seoka

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY, NĂM A.

Thứ hai: Ga 8, 1-11.

Thứ ba: Ga 8, 21-30.

Thứ tư: Ga 8, 31-42.

Thứ năm: Ga 8, 51-59.

Thứ sáu: Ga 10, 31-42.

Thứ bảy: Ga 11, 45-56.

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY, NĂM A

ĐỔI MỚI ĐỜI SỐNG TRONG ĐỨC GIÊSU KITÔ.

(Ga 11, 1-45)

Hôm nay Chúa nhật cuối cùng của Mùa Chay. Đây là lúc chúng ta cần nhìn lại chặng đường mà phụng vụ lời Chúa đã dẫn ta đi trong suốt những tuần qua.

Chúa nhật I MC: Đức Giêsu mời chúng ta đi vào sa mạc với Ngài để chay tịnh tâm hồn, rèn luyện ý chí, nâng cao đời sống tinh thần. Luôn lấy Lời Chúa làm vũ khí để chiến đấu với ba thù là xác thịt, thế gian và ma quỷ, dưới sự hướng dẫn của CTT. Tin rằng ta cũng sẽ chiến thắng vẻ vang như Đức Giêsu.

Chúa nhật II MC: Đức Giêsu mời gọi chúng ta cùng lên núi cao với Người. Trên núi cao ta sẽ dễ dàng tiếp xúc thân mật với Chúa ngang qua đời sống cầu nguyện, nhờ đó ta được biến đổi mỗi ngày nên tốt đẹp hơn nếu quyết tâm thi hành lời Con yêu dấu của Chúa Cha chỉ dạy.

Chúa nhật III MC: Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ra đi đến vùng ngoại vi với Người, để gặp gỡ những người bất đồng tôn giáo, xa cách về quan niệm sống, mặc cảm về tội lỗi. Chính bên bờ giếng tổ phụ Gia-cóp, Chúa Giêsu đã đem đến nơi đây tinh thần hòa hợp dân tộc qua việc tiếp xúc chân tình với người phụ nữ và dân thành Samaria. Tại nơi đây Chúa Giêsu đã xác quyết việc tôn thờ TC không phải nơi này hay nơi kia mà phải trong Chân lý và Thần khí.  Và thật ngỡ ngàng, qua cuộc đối thoại với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng của tổ phụ Gia-cóp, Đức Giêsu tinh tế mạc khải cho chị và dân làng tin nhận ra Người chính là nguồn nước mới uống vào sẽ không còn khát nữa, nguồn nước trường sinh mang tên là “Giêsu”.

Chúa nhật IV MC: Chúa Giêsu lại mời gọi chúng ta theo chân Người rảo bước trên khắp nẻo đường đời, hòa nhập vào cuộc sống của những người đang gặp đau khổ do bệnh tật và tội lỗi gây nên, để đồng cảm và ra tay nâng đỡ, chăm sóc, cứu giúp họ bằng tất cả tấm lòng yêu thương với mong muốn đem lại ánh sáng niềm vui, hy vọng tươi sáng cho những ai tin nhận Đức Giêsu chính là Ánh sáng trần gian.

Chúa Nhật V MC hôm nay, phụng vụ Lời Chúa lại tiếp tục mời gọi chúng ta ra đi với Chúa Giêsu đến với những ai đang sống trong tình cảnh đau buồn vì mất đi người thân. Bằng tình thương và quyền năng, Chúa Giêsu đã phục sinh Lazarô mang lại niềm tin và hy vọng vào sự sống sau cái chết cho chị em Matta và Maria.

Như thế, Chúa Giêsu đã bước xuống trần gian và đã đi đến hết mọi nẻo đường, đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc đời. Ngài đã sống và cảm nếm hết mọi nỗi buồn-vui, sướng-khổ, vinh-nhục, giàu- nghèo, sang-hèn…của kiếp người.

Ngài đã từng chiến đấu cam go với những cám dỗ do ma quỷ gây ra và đã chiến thắng nhờ vào sức mạnh Lời Chúa và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Ngài cũng vượt qua mọi khó nhọc để lên núi cao, tiếp xúc thân mật với Chúa Cha bằng đời sống cầu nguyện không ngừng nên dung nhan Ngài được biến đổi nên sáng ngời.

Ngài đã không ngần ngại ra đi đến vùng ngoại vi nhằm phá bỏ những bức tường ngăn cách, xây dựng lại nhịp cầu hiệp thông trong chân lý và niềm tin; nhất là ban cho họ nguồn nước trường sinh làm no thỏa mọi nỗi khát vọng vào chân lý.

Ngài cũng lân la vào những làng mạc, sải bước trên những con đường quanh co, gặp gỡ những con người đau đớn về thể xác và khổ sở về tinh thần, để chữa lành, phục hồi nhân phẩm, đem đến ánh sáng niềm vui và sự sống cho họ.

Ngài sẵn sàng hiện diện nơi những gia đình gặp hoạn nạn đau khổ, để an ủi, động viên đem lại niềm vui, hy vọng và khơi dậy lòng tin nơi họ. Với tấm lòng yêu thương, Ngài đã đến tận ngôi mộ chôn Lazarô để ban lại sự sống cho anh, bởi chính Ngài là Chủ của sự sống: “Ta là sự sống lại và là sự sốngAi tin vào Ta thì dầu có chết cũng sẽ được sống.” (Ga 11, 25).

Mùa chay, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy đi đến mọi ngã đường của cuộc sống, bước qua mọi ranh giới của nghi kị và đi vào tận bên trong tâm hồn của tha nhân, để nhận ra những lo toan, trăn trở, vất vả thường ngày của anh chị em mình; để chứng kiến những nỗi buồn, đau khổ và bất hạnh của những người già cả, bệnh tật, thiếu thốn, của những gia đình bất hòa, ly tán, thiếu vắng tình thân… mà cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ họ vượt qua mặc cảm tội lỗi, nghèo khổ, thiếu thốn…

Chúa cũng thiết tha mời gọi chúng ta đến với bất cứ ai, dù là lương hay giáo; người thân quen hay xa lạ; với người dễ thương hay khó thương, người đồng thuận hay kẻ chống đối, người đau khổ thể xác hay tinh thần; bạn hay thù… Ta hãy lên đường đi đến mọi nơi, gặp gỡ mọi người bất chấp đường xa, lắm chông gai, thuận tiện hay khó khăn; bất luận đêm hay ngày, mưa hay nắng để ta thăm viếng, giải hòa, xua tan mặc cảm, ban tặng niềm vui và hy vọng bằng chính tình yêu chân thành của ta theo tinh thần của Chúa Giêsu.

Làm được như vậy mùa chay thánh mới thật sự mang lại nhiều ích lợi liêng liêng cho đời sống đức tin của chúng ta.

Sống được như thế chúng ta mới làm cho ánh sáng Tin mừng tình thương của Chúa được lan tỏa đến mọi người và mọi nơi.

Khi thi hành những điều trên là chúng ta đang can tân đời sống theo tinh thần sám hối của mùa chay, để rồi như thánh Phaolô, ta có thể hãnh diện nói rằng: Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Amen.

Thứ hai: Ga 8, 1-11

Trong tình yêu, người ta có những sáng kiến bất ngờ. Khi yêu, người ta có thể quên hết những khuyết điểm, lầm lỗi của người mình yêu. Khi yêu người ta tìm mọi cách làm vui lòng người mình yêu. Khi yêu người ta sẽ không ngần ngại giúp đỡ người yêu của mình được tốt đẹp hơn. Tình yêu là động lực thúc đẩy sự thăng tiến và biến đổi đời sống. Đó chính là điều mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta những người đuợc Chúa yêu, qua bài tin mừng hôm nay.

Nếu có ai đó còn nghi ngờ về tình yêu Thiên Chúa, thì sứ điệp lời Chúa hôm nay là lời giải đáp có sức thuyết phục, xua tan hết những nghi ngại trong lòng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa.

Biết trước mình là tội nhân, bị liệt vào bản án tử hình, ai lại không cảm thấy run sợ khi đứng trước tòa xét xử. Đó là tâm trạng của người phụ nữ phạm tội ngoại tình trong bài Tin mừng hôm nay.

Vì không kiềm chế được bản năng sinh lý đòi hỏi và không tự chủ trước những nhu cầu hưởng thụ khoái lạc sai lầm, người phụ nữ trong bài Tin mừng hôm nay đã phạm trọng tội và phải lãnh lấy khung hình phạt cao nhất là bị tử hình.

Trước mắt chị bây giờ chỉ là 1 màn đêm vây kín. Cuộc đời chị coi như sắp kết thúc. Mạng sống của chị như ngàn cân treo sợi tóc vì bản án tử hình đã rõ. Bó tay!

Bó tay vì theo luật Môsê, ngoại tình công khai thì lãnh lấy án tử, không còn cách nào khác.

Bó tay vì không ai dám đứng về phía chị để bênh đỡ.

Bó tay vì những búa rìu dư luận nặng nề bổ lên đầu chị mà không ai có thể ngăn cản.

Nhưng trước những trói buộc của lòng người hiểm ác, của dư luật độc hại, của luật lệ cứng ngắt, tưởng chừng như không thể thoát khỏi, thì với Chúa Giêsu mọi bó buộc đã được tháo cởi.

Trước hết Chúa tháo cởi lòng người hiểm ác. 

Bằng khoảng lặng và cách đặt vấn đế: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!”. Tự vấn lương tâm, ai cũng nhận ra mình là tội nhân. Thay vì kết tội người khác họ quay về kết tội chính mình. Thế là Chúa đã cởi bỏ tính tự mãn, kiêu căng nham hiểm nơi lòng họ.

Tiếp đến, Chúa Giêsu tháo cởi được những hành vi tiểu nhân: bởi những ánh mắt giận dữ, những lời nói độc ác, những búa rìu dư luận và lời kết án nặng nề trút lên người phụ nữ. Trong khoảng lặng mọi người đều nhận ra mình là tội nhân nền từ từ được họ rút lui. Khi ấy Chúa Giêsu mới lên tiếng hỏi người phụ nữ: “Họ đâu rồi? không ai lên án chị sao?”.  Người đàn bà đáp:“Thưa ông, không có ai cả”.

Cuối cùng là lời tha thứ :“Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” Chúa Giêsu cởi trói tội lỗi cho chị và mở ra bầu trời hy vọng sáng ngời.

Sau khi cởi hết những trói buộc, Chúa Giêsu không quên khuyên bảo: “Thôi chị cứ về đi,  và từ nay đừng phạm tội nữa!”. Giờ đây tất cả những gánh nặng tội lỗi xưa nay của chị đã được trút bỏ. Từ đây chị có thể nhẹ nhàng tiến bước trong hân hoan với niềm vui và hạnh phúc của con người mới được Chúa yêu thương. Đồng thời từ nay chị cũng luôn quyết tâm đổi mới cuộc đời cho xứng đáng với tình yêu và ơn tha thứ của Chúa.

Chúng ta là những tội nhân đáng chết, nhưng được Chúa yêu thương tha thứ qua bí tích giao hoà. Xin cho mùa chay này, chúng ta can đảm từ bỏ đi những tính hư nết xấu và tội lỗi, canh tân đời sống, hầu xứng đáng với tình thương ơn tha thứ mà Chúa dành cho ta.

Thứ ba: Ga 8, 21-30

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta biết Ngài là ai, đến từ đâu và con đường nào Ngài phải đi. Xin cho chúng ta luôn vững tin vào Chúa và vững bước theo Ngài.

Một lần nữa, Chúa Giêsu lại kiên nhẫn cố gắng giúp cho những người Biệt Phái cứng lòng tin nhận biết Ngài là ai, đến từ đâu và còn đường Ngài đi là gì?

– Đức Giêsu cho biết Ngài bởi thượng giới mà đến. Ngài không thuộc về thế gian này.

– Ngài Hằng Hữu. Những lời Ngài nói là những lời của Thiên Chúa nói. Ai không tin nhận sẽ bị xét đoán và mang tội nơi mình mà chết.

– Con đường nào Ngài đi, người Do Thái nếu không chấp nhận sẽ không thể đi được. Nên có lần Chúa Giêsu nói với các môn đệ, con đường Ngài đi hiện giờ các ông không theo được. Vậy đó là đường nào? Người Do Thái cho rằng Ngài sẽ đi tự vẫn. Nhưng Ngài không xác định rõ ràng, còn trong bí ẩn. Giống như Ngài đã trả lời với các môn đệ: “sau này anh em sẽ hiểu”.

Ngày nay chúng ta đã hiểu con đường ấy là con đường thập giá. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói về con đường ấy trong bài tin mừng hôm nay: “khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết tôi là Tôi Hằng Hữu”. Con đường thập giá là con đường đẹp ý Chúa Cha. Nhưng lại ngược với tư tưởng và cảm nghĩ lựa chọn của con người tự nhiên.

Ai mà chẳng mong muốn được sống tiện nghi và giàu có. Ai mà chẳng mong được danh vọng chức quyền. Chẳng ai muốn thập giá của nghèo khổ, vất vả và cay đắng. Thực tế cho thấy, dù không muốn vẫn không tránh khỏi. Vì thế Chúa bảo chúng ta nếu tin vào Ngài và cầu xin với Ngài, Ngài sẽ ban ơn trợ giúp để chúng ta đủ sức mạnh vác lấy thập giá đời mình.

Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần kêu gọi: “Ai muốn theo ta hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo”. Đã rõ, Đức Giêsu là Đấng Hằng Hữu đến từ Thiên Chúa và con đường cứu độ của Ngài là con đường Thập Giá. Vì thế để được cứu độ thì không có con đường nào khác mà ta chọn lựa ngoài con đường thập giá mà Chúa đã đi qua.

Xin cho chúng ta biết:

– Từ bỏ ý riêng không hợp ý Chúa để vâng nghe và thực thi ý Chúa.

– Vui vác thập giá mình bằng việc đón nhận những hy sinh vất vả khó khăn thử thách trong cuộc sống mà không kêu than, oán trách với niềm tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa.

– Sẵn sàng bước đi theo Chúa Giêsu chứ không theo một ai khác, sao cho mỗi ngày ta thấy mình được gần Chúa và gần anh chị em hơn, bởi biết rằng chính Người là Đấng đã chết và sống lại vì yêu thương ta.

Sống được như thế chúng ta sẽ không bị luận phạt và không mang tội nơi mình mà chết. Trái lại sẽ được sống trong Chúa với niềm hạnh phúc viên mãn.

Thứ tư: Ga 8, 31-42

Thấy niềm tin của một số người Do Thái chưa trọn vẹn lắm nên Chúa Giêsu đề nghị họ cần phải “sống lời Chúa”. Để lời Chúa giải thoát họ khỏi nô lệ tội lỗi và xứng đáng trở thành môn đệ của Ngài. Nhưng những người này chưa đủ khiêm tốn để chấp nhận lời đề nghị của Chúa. Họ tự phụ cho mình là con cháu Abraham và không cần tiếp nhận thêm điều gì nữa. Xin cho chúng ta biết khiêm tốn lắng nghe và làm theo lời dạy của Chúa, nhờ đó ta được giải thoát khỏi xích xiềng tội lỗi, xứng đáng là môn đệ Chúa Giêsu.

Bài tin mừng hôm nay, Chúa kêu gọi những người Do Thái mới tin Chúa hãy: “Ở lại trong Lời Chúa”, vì Lời Chúa là lời chân lý có sức mạnh giải thoát họ. Nhưng những người Do Thái cho rằng: “Chúng tôi là dòng dõi ông Abraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ”. Thế là họ hiểu sai lời Chúa. Không phải Abraham làm cho họ tự do nhưng tự do trước Chúa là sự sạch tội. Còn ai phạm tội là trở nên nô lệ.

Đức thánh cha Bênêđictô 16 trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 13/03/2011 đã nói: “Nô lệ nghiêm trọng và sâu xa nhất là nô lệ cho tội lỗi”. Đúng vậy, hể ai phạm tội tất nhiên là nô lệ cho tội. Bởi khi phạm tội là ta xua đuổi Chúa ra khỏi lòng mình và rước ác thần Satan vào cư ngụ thay thế cho Thiên Chúa. Để khỏi nô lệ cho tội hay ma quỷ, điều kiện là ta phải “ở lại trong Lời Chúa”. Bởi lẽ khi ở lại với Lời Chúa là chúng ta giữ Lời Chúa. Mà giữ lời Chúa là dấu hiệu nói lên lòng ta yêu mến Chúa, cũng đồng nghĩa là ta để cho Chúa ở lại trong ta. Vì “Chúa chính là đường là sự thật và là sự sống”, ai ở lại trong Chúa thì sự thật chiến hữu và giải thoát người ấy khỏi ràn buộc của tội lỗi, được đón nhận sự sống của Chúa.

Tin mừng cho ta biết sở dĩ họ không chịu ở lại trong lời của Chúa đó là vì họ tự mãn cho mình là con cháu Abraham là con cái Thiên Chúa. Tự mãn kiêu căng là tội đầu trong các tội. Chính vì kiêu căng tự mãn muốn bằng Chúa nên nguyên tổ đã đánh mất thiêng đàng và trở nên nô lệ cho ma quỷ. Chính kiêu căng tự mãn, thiên thần Luxiphe đã chống đối lại Chúa và bị trừng phạt trở nên Satan.

Ta cũng thường tự mãn vỗ ngực xưng tên là người Công giáo, nhưng nhiều lúc chúng ta không sống đúng với danh xưng ấy. Thay vì sống theo lời Chúa dạy, làm theo ý Chúa muốn, thì chúng ta lại làm theo ý riêng mình, sống theo những đam mê dục vọng mình. Thay vì làm tôi Chúa chúng ta lại làm tôi ma quỷ, xác thịt, thế gian.

Xin Chúa tha thứ những lầm lỗi chúng ta. Cho chúng ta biết vâng nghe và làm theo Lời Chúa để được tự do làm con cái Chúa.

Thứ năm: Ga 8, 51-59

Trong những cuộc đối thoại với người Do Thái, Chúa Giêsu kiên nhẫn mạc khải cho họ biết về thân thế của Ngài; cũng như về nếp sống phải có của những ai tin nhận Ngài. Nhưng với cái nhìn và kiến thức hạn hẹp và ỷ vào kinh nghiệm sống của mình, họ không thể nhận biết thân thế của Chúa Giêsu nên không chấp nhận sống theo Lời Chúa chỉ dạy.

Xin cho chúng ta đừng ỷ vào kiến thức và nếp sống đạo lâu nay của mình mà chối từ Lời chỉ dạy của Chúa và giáo huấn của Giáo Hội. Nhưng xin cho chúng ta biết khiêm tốn lắng nghe, thực hành lời Chúa và sự hướng dẫn của Giáo Hội để có được cuộc sống ngay chính.

Tin mừng hôm nay có hai điểm cần lưu ý:

– Thứ nhất, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến mối tương quan giữa Ngài với Chúa Cha.

– Thứ hai, Chúa Giêsu nói đến giá trị cao quý của việc tuân giữ Lời Chúa.

  1. Tin mừng hôm nay thánh Gioan cho biết: Chúa Giêsu quả quyết Ngài biết Thiên Chúa Cha, nhưng những người khác thì không biết. Chính Chúa Cha sai Ngài đến trần gian. Những lời Ngài dạy bảo là Lời của Chúa Cha. Chúa Giêsu không hề tìm vinh danh cho chính mình mà chỉ tìm vinh danh cho Đấng đã sai mình. Vì thế mà Ngài được Chúa Cha tôn vinh.
  2. Mà Lời của Chúa Cha chính là “Lời ban sự sống đời đời”, vì thế Chúa Giêsu cho biết: “Nếu ai tuân giữ Lời Ngài, thì sẽ không bao giờ phải chết”.

Người Do Thái tự hào là con cháu Abraham nên họ xứng đáng thừa hưởng lời chúc phúc mà Chúa đã hứa với tổ phụ Abraham trước đây. Nhưng Chúa Giêsu cho họ biết là con cháu Abraham thôi chưa đủ điều kiện, mà còn phải là con cháu có đức tin giống như Abraham mới xứng đáng thừa hưởng gia nghiệp nước trời.

Tin Chúa nên Abraham đã nghe Lời chỉ dạy của Chúa mà sẵn sàng ra đi, dù không biết đi đâu. Như thế tin Chúa thì phải nghe lời Chúa. Mà Lời Chúa thì mang lại sự sống đời đời, nên ai tuân giữ Lời Chúa thì không chết bao giờ. Giống như cành nho gắn liền với thân nho, cành nho được sống vì tiếp nhận nhựa sống từ thân nho nuôi dưỡng. Gắn kết với Lời Chúa ta sẽ được Chúa thông truyền sự sống. Mà Chúa là sự sống vĩnh cửu, nên ta sẽ được tham dự vào sự sống đời đời của Chúa.

Xin cho chúng ta xác tín được giá trị cao quý Lời của Chúa và cố gắng thi hành để đón nhận sự sống đời đời Chúa thương ban.

Thứ sáu: Ga 10, 31-42

Trong suốt những ngày qua, chúng ta đọc Tin mừng của thánh Gioan ghi lại các cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Do Thái không tin vào Ngài. Cũng như các cuộc tranh luận trước, cuộc tranh luận trong tin mừng hôm nay, một lần nữa Chúa Giêsu muốn mạc khải sự thật quan trọng đó là: Ngài chính là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Xin cho mọi người chúng ta hằng tin tưởng vào Đức Giêsu chính là Thiên Chúa làm người và là Đấng cứu độ chúng ta.

Bài tin mừng hôm nay Chúa Giêsu mạc khải hai chân lý đức tin rất quan trọng đó là: “Tôi là Con Thiên Chúa” và “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong chúa Cha”. Qua đây Chúa Giêsu cho biết Ngài chính là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Đây là một giáo lý rất quan trọng. Bởi vì nếu Chúa Giêsu chỉ là một người như bao người, thì lời giảng dạy của Ngài cũng chỉ là để nghe cho vui tai và chỉ được khen là hay ho cũng như lời giảng dạy của những nhà hùng biện, hay như các đấng hiền triết, hoặc như các vị sáng lập các tôn giáo khác mà thôi. Nhưng Ngài là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa nên lời giảng dạy của Ngài quý giá hơn bất cứ người nào trên trần gian. Nhưng mà người Do Thái không chấp nhận điều đó. Những phép lạ cả thể, những lời giảng dạy khôn ngoan nơi Chúa Giêsu, vậy mà không làm họ tin. Lý do vì họ cứng lòng và cố chấp.

Ngày nay không chỉ có những người cứng lòng tin như người Do Thái xưa mà còn đó những con người vô thần. Lối sống của họ chỉ nghĩ đến hưởng thụ vật chất, chỉ thích vui cuồng sống vội. Họ xem giáo huấn của Chúa thật rắc rối, là chướng ngại vật, là bức tường cản ngăn lối sống phóng túng, trụy lạc, tội lỗi của họ. Để rồi họ sẵn sàng ném đá tiêu diệt nhằm lọai bỏ Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn và cuộc sống họ như người Do Thái xưa.

Chúng ta hãy cầu xin cho những người vô thần. Vô thần trong tư tưởng, trong lập trường cũng như vô thần trong lối sống, biết nhìn vào thiên nhiên, nhìn vào vạn vật, nhìn vào các biến cố xảy ra nhất là nhìn vào bản thân mình mà khám phá ra sự hiện hữu của Chúa mà tin vào Chúa Giêsu. Với chúng ta cũng rất cần nhìn lại cách thế sống và thể hiện niềm tin vào Chúa như thế nào?

Thứ bảy: Ga 11, 45-56

Sự đố kị và lòng hận thù khiến người ta mù quáng không còn nhận ra lẽ phải và bất chấp mọi thủ đoạn, ngay cả giết người. Đó là cách thế hành xử của các Thượng Tế và Biệt Phái đối với Chúa Giêsu trong bài tin mừng hôm nay.

Jean de La Fontaine từng viết bài thơ ngụ ngôn “Le Loup et l’Agneau” kể về con chó sói và con cừu non cùng ra suối uống nước. Con sói muốn ăn thịt con cừu bèn tìm đủ cách buộc tội con cừu.

Đầu tiên con sói bảo con cừu làm bẩn nước suối của con sói.

Bị con cừu bẻ: “Thưa ông, ông uống ở thượng lưu, tôi uống ở hạ lưu, thì chỉ có ông làm bẩn nước của tôi chứ làm sao tôi có thể làm bẩn nước của ông được?”

Con sói nói: “Năm ngoái mày đã phỉ báng tao!”

Con cừu trả lời: “Thưa ông, năm ngoái tôi chưa ra đời.”

Con sói nói: “Thế thì thằng anh mày đã phỉ báng tao!”

Con cừu đáp: “Thưa ông tôi là con một.”

Con sói rống lên: “Thế thì một đứa trong lũ chúng mày đã nói xấu tao, thằng chăn chúng mày đã nói xấu tao, con chó chăn chúng mày đã nói xấu, tao phải trả thù!” Thế rồi con sói vồ con cừu nhai ngấu nghiến.

La Fontaine kết luận: “Lý lẽ kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”

Đọc Tin mừng hôm nay, ta có cảm tưởng các Thượng Tế và Biệt Phái giống như con sói vậy. Họ tìm mọi cách, viện đủ mọi lý do để tiêu diệt Chúa Giêsu. Họ đã triệu tập một công nghị để bàn tính với nhau cách đối phó với Chúa Giêsu ra sao. Vì thấy Chúa làm được nhiều việc lành, có nhiều người tin theo Chúa, sợ mất ảnh hưởng nên họ ghen ghét muốn khử trừ Ngài cho xong. Sau khi viện đủ mọi lý do tôn giáo để kết tội Chúa Giêsu như: Chúa đã lộng ngôn phạm thượng xưng mình là Con Thiên Chúa. Rồi lại công khai tuyên bố phá hủy đền thờ Giêrusalem, nhất là đã liên tục vi phạm ngày sabát…nhưng những cáo buộc ấy không thành. Vì thế, họ chuyển sang ghép Ngài vào tội chính trị. Họ vu cáo Ngài vi phạm tới luật lệ của nhà nước và quyền của hoàng đế Rôma. Rồi họ ra chỉ thị truy nả Ngài trong toàn dân. Với lời khích động: “Thà một người chết thay cho toàn dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”

Quyết định giết Chúa Giêsu để thay cho toàn dân quả là một quyết định do lòng ghen tỵ, hận thù… thật là bất công. Nhưng trong chương trình của Thiên Chúa, thì cái chết của Chúa Giêsu là để cho mọi người được sống đời đời. Thay cho hành động hận thù và bất công của các Thượng Tế và Biệt Phái là hành động bao dung và yêu thương của Thiên Chúa, nhằm quy tụ con cái tản mác khắp nơi về một mối, trong tình hiệp nhất yêu thương.

Xin cho chúng ta đừng vì ghen ghét, hận thù mà tìm đủ mọi cách để hãm hại người khác. Nhưng xin Chúa ban cho chúng ta có được lòng quảng đại, yêu thương tha thứ và sẵn sàng hy sinh, chịu gian lao khốn khó như Chúa Giêsu.