5 Phút Lời Chúa Từ 01-06 tháng 9.2020

5 Phút  Lời Chúa   Từ 01-06 tháng 9.2020

  

01/09/20 THỨ BA TUẦN 22 TN
Lc 4,31-37

 

ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA

Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Lc 4,33-34)

Suy niệm: Dân thành Ca-phác-na-um “sửng sốt” “hết sức kinh ngạc” khi chứng kiến quyền năng của Chúa Giê-su. Nhưng ma quỷ thì không chỉ bày tỏ cảm xúc như một kẻ bàng quan hiếu kỳ mà thôi. Chúng “la to” lên điều mà chúng biết rõ: “Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” Chẳng phải ma quỷ muốn tuyên xưng niềm tin vào Chúa; chúng cũng không hề có ý quảng cáo không công cho Ngài. Chúng chỉ bộc lộ niềm thù hận và nỗi khiếp sợ đối với Chúa Giê-su: “Chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?” Chắc chắn đó không phải là thái độ mà Chúa muốn có nơi các môn đệ của Ngài. Đúng hơn Ngài muốn họ nói lên như Phê-rô lời tuyên xưng với trọn niềm xác tín và gắn bó với Ngài với tất cả tình yêu: “Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng Thầy chính là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,69).

Mời Bạn: Có “kiến thức” về Chúa Giê-su, hoặc có tên trong sổ rửa tội chưa đủ để tuyên xưng Ngài là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” với tất cả tình yêu và lòng xác tín. Bạn cần được nuôi dưỡng niềm tin và tình yêu bằng việc học hỏi và cầu nguyện với Lời Chúa và kết hiệp với Ngài trong bí tích Thánh Thể.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy sắp xếp chương trình sống hằng ngày sao cho có thời gian cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và tham dự Thánh lễ thường xuyên.

Cầu nguyện:Lạy Chúa, Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường con đi. Con hướng lòng quyết thực thi thánh chỉ, mãi mãi cho đến cùng” (Tv 119,105.112).

 

02/09/20 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 4,38-44

 

TẤT CẢ CHO SỨ MẠNG CỨU THẾ

Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. (Lc 4,40)

Suy niệm: Một ngày sống của Chúa Giê-su bận rộn với nhiều việc: cầu nguyện, rao giảng và chữa lành. Từ sáng sớm, Ngài đi ra nơi hoang vắng để kết hiệp với Chúa Cha. Suốt ngày, Ngài rao giảng ở các hội đường, chữa bệnh và trừ quỷ. Ngài không giới hạn sứ mạng ở một vài nơi mà còn “loan báo Tin Mừng cho các thành khác nữa, vì Ngài được sai đi cốt để làm việc đó.” Ma quỷ có tung hô Ngài là Con Thiên Chúa thì chỉ là xảo kế, cốt làm sai lệch sứ mạng cứu thế của Ngài; chính những lời rao giảng, những dấu lạ Chúa làm, và trên hết là “dấu lạ Gio-na” đủ minh chứng sứ mạng thiên sai đó (x. Ga 10,25; Mt 12,39).

Mời Bạn: Chúa vẫn đồng hành và cứu chữa ta nhưng ít khi ta nhận ra. Những khó khăn ta đã vượt qua, những cám dỗ đã chiến thắng, sự bình an và những điều tốt lành vẫn diễn ra, và ngay cả khi những khó khăn ập tới,… tất cả những điều rất bình dị đơn sơ đó đều là dấu chỉ Chúa vẫn tác động lên đời sống và chữa lành cho ta. Mời bạn chiêm ngắm mẫu gương hành động của Chúa để có thể nhận ra Ngài vẫn đang đồng hành và hoạt động nơi ta, và để chúng ta cũng biết hành động giống như Chúa.

Chia sẻ: Việc dành thời gian kết hiệp để cầu nguyện mỗi ngày để có tác dụng gì cho hoạt động tông đồ của bạn?

Sống Lời Chúa: Xét xem khung đời sống của bạn có tương hợp với khung đời sống mỗi ngày của Chúa Giê-su không.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương chữa lành con và cho con cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa để con sống bác ái yêu thương như chính Chúa đã yêu thương con. Amen.

 

03/09/20 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Th. Ghê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ HT
Lc 5,1-11

 

TỪ BỎ VÀ VIỆC TÔNG ĐỒ

“Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” (Lc 5,5)

Suy niệm: Người đi theo Chúa càng từ bỏ dứt khoát người ấy càng trở nên tông đồ đích thực của Chúa. Việc từ bỏ càng triệt để hiệu quả của việc tông đồ càng lớn. Ông Si-mon đã từ bỏ triệt để như thế. Bên ngoài, Si-mon bỏ lưới bỏ thuyền là phương tiện nuôi sống gia đình ông và cái góp phần làm nên cuộc đời ông. Si-mon từ bỏ người thân để ưu tiên chọn yêu Chúa. Bên trong, Si-mon bỏ kinh nghiệm đánh cá chuyên nghiệp của mình, để nghe theo lời chỉ dẫn của bác thợ mộc Giê-su: “Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Hôm ấy Si-mon bắt được một mẻ cá nhiều đến nỗi kéo lên muốn rách cả lưới, đổ lên hai thuyền nặng gần chìm! Mẻ cá ấy là dấu chỉ báo trước mẻ cá còn lạ lùng hơn mà Si-mon sẽ bắt được sau nay. Quả vậy, sách Công Vụ Tông Đồ kể lại chuyện Si-mon Phê-rô giảng cho người Do Thái trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, hôm đó có khoảng 3.000 người xin rửa tội gia nhập Giáo Hội (Cv 2,41).

Mời Bạn: ĐHY Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận thấy rõ mối tương quan giữa từ bỏ và việc tông đồ nên ngài viết: “Cái tôi càng bành trướng, việc tông đồ càng thất bại; cái tôi càng tan biến, việc tông đồ càng kết quả” (Đường Hy Vọng, 320). Nếu ta dám bỏ tất cả con người của mình và chỉ làm theo ý Chúa, chúng ta cũng sẽ là người tông đồ có thể đưa vô số người vào trong Giáo Hội.

Chia sẻ: Bạn cảm nhận được điều tích cực gì khi bỏ mình?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày nhắc mình làm một việc hy sinh từ bỏ ý riêng để cầu cho việc tông đồ được kết quả.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con theo Chúa. Xin cho chúng con dám can đảm từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa và chỉ làm những gì Chúa muốn.

 

04/09/20 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 5,33-39

 

CHÀNG RỂ GIÊ-SU

Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?” (Lc 5,34)

Suy niệm: Nhiều lần Chúa Giê-su dùng hình ảnh tiệc cưới, đặc biệt qua các dụ ngôn, để nói về Nước Trời, mà trong đó Ngài là chàng rể, nhân vật chính của tiệc vui ấy; cũng tại bữa tiệc đó, mọi dân tộc, không riêng gì dân Do Thái, đều là khách quý. Gio-an Tẩy giả, vị Tiền hô của Đấng Cứu thế, cũng “vui mừng hớn hở” được là “bạn của chàng rể Giê-su.” Bản thân mình “lu mờ đi”, nhưng Gio-an vui vì mình được “nghe tiếng nói của chàng rể;” “vui trọn vẹn” “Ngài được nổi bật lên” (x. Ga 3,28-30). Niềm vui cứu độ ấy phải toả lan cho mọi người: Niềm vui được hồi phục nhân phẩm, niềm vui được làm bạn với Đức Ki-tô, và trên tất cả, được làm con cái Thiên Chúa. Trong phép lạ “đầu tay” tại tiệc cưới Cana, tuy Chúa Giê-su không tuyên bố nhưng Ngài đã ngầm báo trước sứ vụ cứu thế của Ngài là đem lại niềm vui, “niềm vui trọn vẹn” cho muôn người, niềm vui vì được cứu độ.

Mời Bạn: Ki-tô giáo là đạo của Tin Mừng, của niềm vui. Khi ví mình là chàng rể, Chúa Giê-su muốn nói Hội Thánh tại thế chính là Tiệc Cưới Nước Trời đã khởi đầu, nơi đó những khách mời được tràn đầy hoan lạc, niềm hoan lạc phải được chia sẻ cho nhau để được hưởng trọn vẹn trên Thiên quốc. Bạn đã ý thức và hành động để làm chứng cho “niềm vui của Tin Mừng” chưa?

Chia sẻ về lời cảnh tỉnh của ĐGH Phan-xi-cô: “Có những Ki-tô hữu sống đời mình giống như chỉ có mùa Chay mà không có mùa Phục Sinh” (số 6)?

Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi quyết làm việc phục vụ để đem niềm vui cho gia đình, cho cộng đoàn tôi đang sống.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.

 

05/09/20 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Th.
Tê-rê-xa Can-cút-ta, nữ tu
Lc 6,1-5

 

SỐNG CÓ LÝ CÓ TÌNH

“Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.” (Lc 6,3-4)

Suy niệm: Trong các mối tương quan xã hội, vẫn thường xảy ra xung đột giữa tình và lý, lắm khi rất gay gắt và nan giải. Vì thế một cuộc sống hài hoà có lý có tình là một lý tưởng mà người ta mong ước đạt được. Người Pha-ri-sêu được cho là không có “tình” khi họ bắt bẻ các môn đệ vi phạm luật ngày sa-bát chỉ vì các ông bứt vài bông lúa chà xát trong tay để ăn cho đỡ đói. Khi hành xử “vô tình” như vậy, họ đã đánh mất cái “lý” đích thực qua việc vận dụng lề luật cách nệ hình thức, hẹp hòi và hà khắc. Chúa Giê-su nhắc lại câu chuyện tư tế A-khi-mê-léc cho vua Đa-vít và thuộc hạ ăn bánh tiến trong đền thờ, thứ bánh mà chỉ tư tế mới được ăn (x. 1Sm 21,1-7) và Ngài cho biết “chìa khoá” để hành xử “thấu tình đạt lý” đó là “vì Con Người”; “Con Người” ở đây là chính Ngài, “chủ của ngày sa-bát,” mà ngày sa-bát được đặt ra là vì con người, tức là vì hạnh phúc của chúng ta (x. Mc 2,23-18).

Mời Bạn: Nếu bạn giữ luật cách nghiêm túc, đó là điều đáng khen nhưng nếu bạn chỉ giữ luật theo hình thức bên ngoài mà trong cuộc sống lại cư xử vô cảm nghiệt ngã với anh chị em, đó lại là điều đáng trách. Mời bạn học mẫu gương của Chúa, Đấng “hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, luôn đầy lòng khoan dung và thương xót đối với chúng ta, nhờ đó bạn hành xử với nhau cho “thấu tình đạt lý” giống như Ngài, bạn nhé!

Sống Lời Chúa: Thường xuyên xét mình xem các hành động của mình có phát xuất từ động lực là tình yêu không.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.

 

06/09/20 CHÚA NHẬT TUẦN 23 TN – A
Mt 18,15-20

 

SỬA LỖI HUYNH ĐỆ

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.” (Mt 18,15)

Suy niệm: Kinh nghiệm nhận thấy trong tương quan với người thân cận, chúng ta thường cứ thích tự nâng mình lên và hạ thấp người khác. Hơn nữa, khi thấy các khuyết điểm của người anh em thì chúng ta hay chụp lấy cơ hội để nói xấu, dèm pha, chê bai, chống đối hay loại trừ người thân cận. Điều này gây tổn thương và làm xáo trộn cho đời sống huynh đệ giữa chúng ta. Lời dạy của Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay là một phương thuốc tốt để chữa trị cho căn bệnh này: Đó là sống đức bác ái để biết thương yêu và tôn trọng người thân cận. Từ đó chúng ta sẽ có những hành động phù hợp trong tương giao, biết nâng đỡ sẻ chia, biết chỉ bảo, nhắc nhở và thậm chí sửa sai khuyết điểm cho anh chị em mình.

Mời Bạn: Chúa Giê-su đã truyền cho chúng ta giới luật yêu thương của Ngài, đó là lối sống, là dấu hiệu của người Ki-tô hữu. Điều đó có nghĩa là người Ki-tô hữu phải lấy đức bác ái làm qui tắc ứng xử cho mình trong tương quan với người khác: Trong mọi việc, từ lời ăn tiếng nói cho đến việc góp ý sửa lỗi cho nhau, chúng ta phải khởi đi từ một động lực duy nhất là đức bác ái.

Chia sẻ: Bạn có cảm thấy khó khăn khi phải góp ý sửa lỗi cho người anh em? Mặt khác, bạn có dễ dàng đón nhận lời góp ý của người khác không?

Sống Lời Chúa: Khi kiểm điểm đời sống, tôi xét xem tôi đã để những tâm tình giận hờn, ghen ghét, ganh tị tác động đến suy nghĩ và việc làm của tôi như thế nào.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.

print