5 Phút Lời Chúa Từ 21-31 Tháng 01/2021

print

5 Phút Lời Chúa Từ 21-31 Tháng 01/2021

 

21/01/21 THỨ NĂM TUẦN 2 TN
Th. A-nê, trinh nữ, tử đạo 
Mc 3,7-12

 

TÌM ĐẾN VỚI CHÚA

Từ miền Ga-li-lê,… từ miền Giu-đê, từ Giê-ru-sa-lem,… người ta lũ lượt đến với Người. (Mc 3,7.8)

Suy niệm: Khi Chúa Giê-su thi hành sứ vụ công khai, nhiều người tìm đến với Ngài, nhưng cũng vì thế Ngài trở thành cái gai trong mắt giới lãnh đạo Do Thái; thế nên Ngài và các môn đệ phải tạm lui về phía Biển Hồ Ga-li-lê. Dù vậy, hữu xạ tự nhiên hương, dân chúng vẫn tìm đến với Chúa Giê-su. Không khó để nhận ra lý do tại sao người ta lũ lượt đến với Chúa: Chúa có quyền năng trừ quỷ và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Tuy nhiên, Chúa không phải là thầy thuốc càng không phải là thầy phù thủy, mà là Con Thiên Chúa làm người. Bệnh tật là điều gắn liền với thân phận con người. Sinh, bệnh, lão, tử: có được chữa lành khỏi bệnh rồi một ngày kia cũng phải lìa bỏ cuộc sống này. Qua việc chữa bệnh, trừ quỷ, Chúa hướng con người đế sự sống đời đời, hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi.

Mời Bạn: Động cơ của chúng ta khi đến với Chúa không còn là ơn chữa lành bệnh tật phần xác, song ưu tiên hướng đến việc được thánh hóa xác hồn. Ki-tô hữu là người có Chúa, người mang Chúa trong mình. Đó chính là hệ quả việc chúng ta đi theo, làm môn đệ của Ngài. Bạn đang thờ phượng Chúa vì động cơ gì thúc đẩy?

Sống Lời Chúa: Điều làm đẹp lòng Chúa hơn cả là ta nhìn nhận Chúa Giê-su thực sự là Con Thiên Chúa, là Thiên- Chúa-làm-người đang ở giữa ta trong khung cảnh đời thường mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạỵ Chúa, chúng con ước mong có nhiều người tìm đến với Chúa vì nhận ra tình thương của Chúa qua cách ăn nết ở của chúng con. Xin biến chúng con trở thành khí cụ tình yêu.

 

22/01/21 THỨ SÁU TUẦN 2 TN
Th. Vinh-sơn, phó tế, tử đạo
Mc 3,13-19

 

CHÚA “MUỐN”

Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. (Mc 3,13)

Suy niệm: Khi suy niệm Lời Chúa hôm nay, thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su được đánh động bởi câu “Chúa chọn những kẻ Người muốn,” và thánh nữ rất thích lặp lại câu này. Quả thật, Thiên Chúa hoàn toàn tự do, không có ai làm cố vấn cho Ngài. Tình thương Chúa tuôn đổ trên ai là tùy ý Ngài. Chúa chọn những kẻ Người muốn. Chúa muốn, nhưng cũng rất tôn trọng sự tự do đáp lại của con người. Trước tiếng Chúa mời gọi, các tông đồ Phê-rô, An-rê, Gio-an, Gia-cô-bê hay Mát-thêu đã đáp lại, bỏ mọi sự theo Chúa ngay lập tức. Trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, Chúa Giê-su hỏi anh mù: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Mc 10,51). Và “phép lạ” đã xảy ra, ơn cứu độ tuôn trào khi “ý muốn” của anh mù trùng khớp với “ý muốn” của Chúa. Các môn đệ cũng thế, các ông đến với Chúa như “ý muốn” của Ngài.

Mời Bạn: Bí tích Thánh tẩy cho thấy đức tin là ơn Chúa ban cho không,  Chúa muốn và chọn chúng ta. Phần mình, chúng ta có cảm nhận niềm vui vì được nhận biết Thiên Chúa, rồi đáp lại như các môn đệ ngày xưa không?

Chia sẻ: Bạn hãy nói kinh nghiệm về sự giới hạn của bản thân, nhưng rồi Chúa muốn, và điều xảy ra ngoài sức mong đợi, hy vọng của bạn.

Sống Lời Chúa: Giáo Hội đã chọn Chúa Nhật III thường niên là Chúa Nhật suy tôn LỜI CHÚA. Bạn hãy chọn một câu Lời Chúa để làm ý lực sống cho đời mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con nhận ra ý Chúa muốn mỗi ngày qua lời ánh sáng của Chúa. Và xin giúp con đáp lại “con muốn” với thánh ý của Ngài. Amen.

 

23/01/21 THỨ BẢY TUẦN 2 TN
Mc 3,20-21

 

ĐÁM ĐÔNG SAY MÊ LỜI

Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. (Mc 3,20-21)

Suy niệm: “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến.” Đám đông cần gì nơi Ngài mà lại kéo đến? Họ đến với Ngài mong được chữa bệnh, trừ quỷ, nhưng cũng có rất nhiều người muốn được nghe lời rao giảng của Ngài, họ say mê lời Ngài. Họ đến đông đảo, liên tục, quấy rầy đến độ thầy trò không có thời giờ ăn uống nữa. Thế là Ngài lại vui vẻ gặp gỡ, loan báo Lời Hằng Sống cho họ. Cũng không lạ gì khi thân nhân Chúa Giê-su cho rằng Ngài bị mất trí. Họ không làm sao hiểu nổi lý do nào khiến Ngài bỏ một công ăn việc làm ổn định, đi lang thang rao giảng khắp ba miền, chọn các môn đệ ít học, giao du với các kẻ tội lỗi, giảng dạy những điều ngược với truyền thống xưa nay. Chúa hiểu nhu cầu sâu xa của con người: không chỉ đói cơm bánh, mà còn đói khát Lời Hằng sống, ý nghĩa cuộc đời, lẽ sống cho mình.

Mời Bạn: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mc 4,4). Có khi nào Lời an ủi bạn, mở cho bạn khung trời mới, Lời giải thoát bạn, để rồi bạn say mê Lời như đám đông, đến nỗi quên cả ăn ngủ? Hay có khi nào bạn để cho việc rao giảng Lời khiến bạn say mê và chiếm hết thời gian của bạn, đến nỗi bạn không có giờ ăn uống?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn dành ít phút để “ở lại” với Lời, để Lời nuôi dưỡng bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Lời Chúa qui tụ đám đông, Lời làm người ta say mê. Xin cho các Giáo hội Ki-tô được hiệp nhất nhờ say mê và được qui tụ nhờ Lời Ngài. Amen.

 

24/01/21 CHÚA NHẬT TUẦN 3 TN – B
Mc 1,14-20

 

ƯU TIÊN CHO TIN MỪNG

Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (Mc 1,14)

Suy niệm: Đức Giê-su đến trần gian để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa: Thiên Chúa là Cha yêu thương, muốn cứu độ tất cả nhân loại, ai tin vào lời rao giảng của Thầy Giê-su, chịu phép rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, bước theo Ngài trong cuộc đời, thì có được sự sống đời đời. Đức Giê-su đã nhiệt thành, tận tụy sống chết với sứ vụ, dành vị trí ưu tiên số một cho việc rao giảng Tin Mừng ấy: “Lương thực nuôi sống thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người’ (Ga 4,34). Không chỉ ưu tiên số một, mà sứ vụ ấy còn là lẽ sống của Ngài. Những giây phút cuối cùng trên thập giá cho thấy Tin Mừng ấy đã thành toàn: ‘Mọi sự đã hoàn tất’ (Ga 19,30); ‘khi nào Ngài về nước Ngài, xin nhớ đến tôi cùng’ (Lc 23,42); ‘quả thật ông này là Con Thiên Chúa (Mt 27,54).

Mời Bạn: Mỗi ngày Chúa Nhật, chúng ta vẫn thường đọc kinh Mười điều răn: ‘Thứ nhất: thờ phượng và kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự’. Nhưng liệu chúng ta đã dành ưu tiên hàng đầu cho việc thờ phượng và kính mến Ngài chưa? Bạn nghĩ sao khi cứ để Chúa đứng hàng thứ yếu, đứng sau những mối bận tâm hàng ngày của mình?

Sống Lời Chúa: Mỗi khi phân vân trước một sự chọn lựa, bạn hãy chọn Chúa, dù cảm thấy thiệt thòi, vì tin rằng “Tôi coi mọi sự là thua thiệt, trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô” (Pl 3,8).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con dám khẳng định ‘có Chúa là có tất cả,’ để không một lý do nào làm con mất Chúa, vì ‘mất Chúa là con mất tất cả.’ Amen.

 

25/01/21 thứ hai tuần 3 tn
Th. Phao-lô tông đồ trở lại
Mc 16,15-18

 

loan báo tin mừng

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,15)

Suy niệm: Nhìn lại chặng đường hơn 400 năm truyền giáo tại Việt Nam, biết bao vị thừa sai đã đặt chân lên dải đất này để gieo vãi hạt giống Tin Mừng. Họ là giáo sĩ Inêkhu mà ngày nay chỉ còn biết được cái tên, cha Buzomi, người Ý, cha Francesco de Pina người Bồ, thầy Paul Saito người Nhật, cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), gốc Tây Ban Nha, cha Juan de Santa Cruz người Tây Ban Nha, hai giám mục tiên khởi François Pallu và Lambert de la Motte người Pháp…. Họ đến từ những phương trời xa xôi để thực thi mệnh lệnh “đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” Họ là những người đã dám từ bỏ tất cả: quê hương, gia đình, sự nghiệp trần gian… để chuốc lấy những nhọc nhằn khổ đau và cả cực hình cũng như mạng sống mình, tất cả chỉ để loan báo Tin Mừng.

Mời Bạn: Chúng ta chưa cần phải đi “tứ phương thiên hạ” mới có thể loan báo Tin Mừng. Chúng ta đã được sai đi đến với những người hiện đang sống quanh mình đây. “Không ai có thể cảm thấy mình được miễn cộng tác với công cuộc Truyền Giáo của Giáo Hội! Quả thế, hơn bao giờ hết lệnh truyền của Chúa Giêsu thật khẩn thiết với thời đại của chúng ta hôm nay  biết bao nhiêu người chưa được biết Chúa” (Sứ điệp Truyền giáo 2009).

Sống Lời Chúa: Tham gia vào một hoạt động truyền giáo trong giáo xứ / cộng đoàn của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Cha xin thắp sáng ngọn lửa Tin Cậy Mến trong lòng chúng con, để chúng con noi gương các vị Chứng nhân Đức Tin, biết củng cố và lưu truyền gia sản đức tin cho các thế hệ tương lai. (Kinh Năm Thánh 2010)

 

26/01/21 THỨ BA TUẦN 3 TN
Th. Ti-mô-thê và Ti-tô, giám mục
Lc 10,1-9

 

SỨ ĐIỆP BÌNH AN

“Vào nhà nào, trước tiên anh em hãy nói: Bình an cho nhà này!” (Lc 10,5)

Suy niệm: Lời đầu tiên Chúa Giê-su truyền cho các môn đệ phải nói khi sai các ông ra đi rao giảng Tin Mừng là lời chúc bình an. Lời chúc bình an được gửi đến một cách vô điều kiện, không phải là kết quả của những cuộc thương thuyết lâu dài; cũng không tuỳ thuộc ở hoàn cảnh bên ngoài: người môn đệ vẫn nói lời bình an dù trong tư thế của “con chiên ở giữa bầy sói”. Dù lời chúc bình an có được đón nhận hay không, trước hết sự bình an ấy vẫn “quay về với người môn đệ” và tồn tại nơi họ, và như thế biến họ thành những nhân tố xây dựng một “môi trường hoà bình”. Tuyên ngôn Tám Mối Phúc Thật gọi đó là đặc điểm nhận biết người môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa”.

Mời Bạn: Không cần những hành động to tát, bạn có thể đặt những viên đá đầu tiên xây dựng nền hoà bình thế giới bằng cách gửi đến những người anh em chung quanh bạn những lời nói bình an. Công việc này lắm khi lại đơn giản tới mức bạn chỉ cần loại trừ ra khỏi môi miệng bạn những lời gắt gỏng, chua cay, thoá mạ, thô tục…

Chia sẻ: Thử đưa ra một phương thế giúp nhau chữa thói quen hay nói tục.

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn hãy chủ ý nói một lời bình an thực sự với một người đang sống gần bạn hoặc đang công tác cùng với bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thông ban cho con sự hiền lành dịu dàng của Chúa, để con trở nên con cái của sự bình an góp phần xây dựng nền văn minh tình thương cho thế giới hôm nay.

 

27/01/21 THỨ TƯ TUẦN 3 TN
Th. An-giê-la Mê-ri-si, trinh nữ
Mc 4,1-20

 

CUNG CÁCH ĐÓN NHẬN LỜI CHÚA

“Ai có tai để nghe thì hãy nghe.” (Mc 4,9)

Suy niệm: Lời Chúa là Lời Hằng sống, nghe bằng đôi tai chưa đủ, còn phải nghe bằng cả trái tim nữa. Chỉ nghe bằng tai thì âm thanh có vang vọng, nhưng sứ điệp, nội dung lắm khi lại không đi vào cõi lòng, tựa như nước đổ đầu vịt. Nghe bằng trái tim, từng âm thanh đi qua đôi tai, sứ điệp, nội dung vang vọng nơi sâu thẳm của cõi lòng, gợi lên những ước ao, khát khao, nôn nao thực hiện, chứ không phải chỉ là âm thanh lao xao bên ngoài. Nghe bằng trái tim cần sự chuẩn bị, việc lắng đọng tâm trí, nhất là sự khao khát vươn tới đỉnh cao toàn thiện. Hiểu biết hai loại nghe như vậy, ta dễ đi vào ý nghĩa của bốn loại người được Chúa phân chia trong bài Tin Mừng hôm nay. Nghe bằng đôi tai sẽ là loại tâm hồn vệ đường, sỏi đá, bụi gai. Chỉ có người nghe với quả tim mới là tâm hồn đất tốt cho Lời Chúa. Khi Chúa phán “ai có tai để nghe thì hãy nghe,” Ngài muốn ta chú ý lắng nghe, không phải bằng thái độ hời hợt, nhưng bằng tâm hồn nhạy bén trước các nhu cầu của đời sống làm con cái, người môn đệ Chúa.

Mời Bạn: Sáng tai họ, điếc tai cày vốn là cố tật của con người. Ước chi hôm nay nghe tiếng Chúa, bạn chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe với trọn con tim, để là mảnh đất tốt cho Lời Chúa sinh hoa kết hạt!

Sống Lời Chúa: Bạn đã chọn câu Lời Chúa nào làm kim chỉ nam cho đời sống mình chưa? Mời bạn chọn một câu Lời Chúa để sống mỗi ngày, một câu để định hướng cả đời Ki-tô hữu của mình.

Cầu nguyện: Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con trong cuộc sống. Xin cho con biết thực hành Lời Chúa đã truyền rao, vì đó là nguồn sức sống của con. Amen.

 

28/01/21 THỨ NĂM TUẦN 3 TN
Th. Tô-ma A-qui-nô, linh mục, tiến sĩ HT
Mc 4,21-25

 

ĐỂ LÀ NGỌN ĐÈN ĐỂ TRÊN ĐẾ

“Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới gầm giường? Nào chẳng phải là đặt trên đế sao?” (Mc 4,21)

Suy niệm: Thiên Chúa có một kế hoạch tuyệt vời dành cho tất cả con cái của Người. Khám phá được kế hoạch ẩn giấu của Nước Trời là một ân ban cho không. Ánh sáng Tin Mừng Nước Trời phải được toả lan cách quảng đại để ai ai cũng có cơ hội đón nhận, khám phá, làm cho tăng trưởng trong cuộc sống của mình. Đến lượt mình, những người đã lãnh nhận ánh sáng đó, cũng phải trở nên chiếc đèn chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng cho người xung quanh. Nhiều người viện cớ Chúa dạy “đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (x. Mt 6,3) để sống theo kiểu “ngọn đèn dưới gầm giường” mà quên rằng Ngài còn mời gọi chúng ta đã là ánh sáng thì “phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Mời bạn: Chúa ban cho bạn khả năng, tái khéo, Chúa ban cho bạn cuộc sống, đức tin để nhờ đó bạn thực hiện những việc tốt đẹp ngõ hầu chiếu toả ánh sáng tình yêu của Chúa và làm vinh danh Ngài ở giữa muôn dân. Mỗi một việc thiện bạn làm dù được người khác nhận biết hay không đều góp phần đem Chúa đến cho tha nhân và đưa tha nhân đến gần Ngài hơn. Vì vậy bạn hãy kiên tâm “làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí” (2Tx 3,13).

Chia sẻ: Bạn nghĩ gì khi “ngại” làm việc tông đồ, thể hiện mình là Ki-tô hữu?

Sống Lời Chúa: Tôi chú ý hơn trong việc sử dụng khả năng để phục vụ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn ý thức mình là ánh sáng, có nhiệm vụ chiếu sáng và tỏa lan niềm vui, sức sống nơi Chúa đang sai phái con đến.

 

29/01/21 THỨ SÁU TUẦN 3 TN
Mc 4,26-34

 

KIÊN NHẪN TRONG HY VỌNG

Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, … người ấy không biết. (Mc 4,27)

Suy niệm: Chúng ta đang sống trong thời đại thức ăn nhanh, mì ăn liền, cà phê hoà tan 3 trong 1 uống ngay, thức ăn chế biến sẵn, vài phút kết nối mạng hay điện thoại, là có thể liên lạc với cả thế giới. Nhịp sống hối hả này phần nào ảnh hưởng đến cái nhìn về toàn bộ cuộc sống, đặc biệt cuộc sống tinh thần. Có những bậc cha mẹ nổi nóng khi thấy con cái không tiến bộ ngay về học vấn hoặc tính nết. Có những hội viên các tổ chức tông đồ buồn lòng khi nhìn các nỗ lực truyền giáo chưa đạt kết quả. Và cũng có bao tâm hồn thiện chí dao động sau vài năm tháng tập luyện nhân đức, sống Lời Chúa, mà sao ‘vũ như cẩn’. Đức Giê-su nhắc nhở chúng ta cần kiên nhẫn tựa như người nông dân, sau khi gieo giống và chăm sóc, kiên nhẫn chờ mùa gặt, bởi vì ông không thể đốt giai đoạn.

Mời Bạn: Mayakovski, nhà thơ Nga nói: “Trên đường đời, hành lý con người cần mang theo là lòng kiên nhẫn và tính chịu đựng.” Đối với người Ki-tô hữu, đúng hơn là lòng kiên nhẫn niềm hy vọng, bởi vì tin tưởng vào Thiên Chúa quyền năng và cũng là Cha nhân lành, Ngài sẽ làm mọi sự có kết quả, qua thời gian.

Chia sẻ: Tôi sẽ làm gì để điều chỉnh nếp suy nghĩ muốn đốt giai đoạn?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ bắt đầu sửa chữa một tính xấu nổi cộm, kiên trì tập mỗi ngày và hy vọng từng giây phút.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã dạy chúng con bài học kiên nhẫn để thành công trên đời và nhất là thành người con Chúa. Xin cho chúng con không nóng vội đốt giai đoạn, nhưng kiên trì hoạt động trong hy vọng và phó thác vào Chúa. Amen.

 

30/01/21 THỨ BẢY TUẦN 3 TN
Mc 4,35-41

 

NGÀI LÀ ĐẤNG QUYỀN NĂNG

“Vậy Người là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mc 4,41)

Suy niệm: “Tôi là người Do Thái, nhưng bị khuôn mặt ngời sáng của Người Na-da-rét mê hoặc. Không ai đọc sách Tin Mừng mà không cảm nhận được sự hiện diện đích thực của Ngài. Tính cách của Ngài rung cảm trong từng lời từng chữ. Không huyền thoại nào đầy sức sống như vậy. Theseus cũng như các anh hùng khác thiếu sức sống thật sự của Đức Giê-su” (Thiên tài khoa học  A. Einstein). Tựa bao vĩ nhân trên thế giới, các môn đệ Đức Giê-su cũng đã bày tỏ lòng khâm phục Ngài. Không khâm phục sao được khi chứng kiến chỉ cần nói một lời, Ngài làm cho cả sóng gió phải yên lặng! Người bình thường đâu có quyền thế như vậy! Chỉ có Đấng vừa là Thiên Chúa, vừa là con người mới có thể làm được những việc kỳ diệu để cứu giúp con người.

 

Mời Bạn: “Đức Giê-su là nhà xã hội chủ nghĩa đầu tiên, người đầu tiên tìm một cuộc sống tốt hơn cho nhân loại” (Nguyên Tổng bí thư Liên Xô M. Gorbachev). Không chỉ vậy, Ngài đem sự sống đời đời của Thiên Chúa đến cho con người. Vấn đề là bạn có đón nhận Ngài để có sự sống vĩnh cửu ấy không? Mời bạn để tâm suy nghĩ và nỗ lực thực hiện bí quyết “luyện” sự sống vĩnh cửu của Ngài qua điều răn mến Chúa yêu người bạn nhé!

Sống Lời Chúa: Tôi xác quyết niềm tin vào Chúa Giê-su qua việc dành cho Ngài thời gian cầu nguyện với Ngài mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Chúa bày tỏ quyền năng trên mọi sự, đem lại an vui hạnh phúc cho con người. Xin cho con nhận ra Chúa đang bày tỏ quyền năng yêu thương ấy mọi ngày trong đời thường của con. Amen.

 

31/01/21 CHÚA NHẬT TUẦN 4 TN – B
Mc 1,21-28

 

TIN VÀO SỨC MẠNH LỜI CHÚA

“Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh.” (Mc 1,27)

Suy niệm: Người ta nói rằng triết gia Socrates dạy học trong 40 năm, Platon trong 50 năm, Aristotle trong 40 năm, còn Đức Giê-su chỉ vỏn vẹn trong ba năm. Thế nhưng, tác động ba năm sứ vụ của Ngài vượt xa ảnh hưởng 130 năm giảng dạy của những người được xem là các triết gia vĩ đại nhất của thời cổ đại. Tin Mừng hôm nay cho thấy một trong những tác động của Ngài trên cử tọa tại hội đường Ca-phác-na-um. Ngài giảng dạy giáo lý mới mẻ với uy quyền tự mình, chứ không dựa trên sách vở truyền thống. Kèm theo lời giảng dạy là sức mạnh của lời Ngài: chỉ cần một mệnh lệnh ngắn gọn, quỷ phải xuất ra khỏi người bị ám, đem lại an vui cho con người. Chẳng lạ gì cử tọa vừa ngạc nhiên, thích thú, thán phục, và bị chinh phục trước sức mạnh của lời ấy. 

 

Mời Bạn: “Ngay cả Đức Ki-tô cũng không làm theo ý mình. Ngài hoàn toàn chịu hao tổn vì lòng nhiệt thành với Nhà Cha mình. Là con người, Ngài luôn hành động cho Chúa. Là Thiên Chúa, Ngài luôn hoạt động cho con người” (G. Bull). Đọc Tin Mừng, bạn có được đánh động trước lời của Chúa Giê-su không? Mong bạn nhìn ngắm Ngài, và thêm lòng tin tưởng, cậy trông, để vững bước theo Ngài trên đường đời.

Sống Lời Chúa: Tôi thay đổi cái nhìn mới về đời Ki-tô hữu qua việc dành thời gian sống với Chúa thân mật hơn, để sống với tha nhân thân ái hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, bao người bị lôi cuốn, mê hoặc bởi cuộc đời của Chúa, và nhờ vậy đã trở nên thánh. Xin cho con cũng biết dành nhiều thời gian, năng lực, quan tâm cho việc tìm hiểu và yêu mến Chúa hơn. Amen.