Ki-tô hữu là tác phẩm kỳ diệu của Chúa Ba Ngôi

print

Ki-tô hữu là tác phẩm kỳ diệu của Chúa Ba Ngôi – Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm B

Chúng ta vừa cùng với Giáo hội Hoàn vũ cử hành những mầu nhiệm căn bản của đức tin Ki-tô giáo: đó là cuộc khổ nạn và phục sinh vinh quang của Đức Giê-su; sự lên trời vinh hiển của Người; Chúa Thánh Thần hiện xuống khai sinh Giáo hội. Hôm nay, Phụng vụ mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Thiên Chúa, trong vinh quang viên mãn của Ngài. Ngài là Thiên Chúa duy nhất, nhưng không đơn độc. Giáo hội Ki-tô tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa là Cha, và Con và Thánh Thần.

Trong cuộc đời dương thế, Đức Giê-su nói về Chúa Cha là Đấng Sáng tạo và là cội nguồn của sự thánh thiện. Người nói về Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo trợ xuất phát từ nơi Chúa Cha. Đấng ấy sẽ ở cùng các môn đệ, để tiếp nối công cuộc loan báo Tin Mừng mà Đức Giê-su đã khai mở. Trong những lần tranh luận với người Do Thái, Chúa Giê-su gọi Thiên Chúa là Cha, và Người là Con Một của Chúa Cha. Tâm tình “Cha-Con” được diễn tả đặc biệt thân tình trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-su với Chúa Cha mà thánh Gio-an đã ghi lại (x. Ga 17). Dựa vào những chứng cứ trong Tin Mừng, Giáo hội Ki-tô ngay từ thuở ban đầu đã khẳng định: Đức Giê-su là Đấng được Chúa Cha sai đến trần gian; Chúa Thánh Thần là Đấng luôn hiện diện trong vũ trụ và đặc biệt trong Giáo hội do Đức Giê-su đã thành lập. Mặc dù có nhiều trào lưu khẳng định ngược lại (những bè rối ở thế kỷ II và thế kỷ III), tín điều Chúa Ba Ngôi đã được khẳng định bởi các Công đồng. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đã được công đồng La-tê-ra-nô (năm 1339) tuyên tín như sau: “Chúng tôi tin cách vững vàng và tuyên xưng cách đơn sơ rằng: “Chỉ có một Thiên Chúa chân thật, vĩnh cửu vô hạn và bất biến, vô phương hiểu thấu, toàn năng và khôn tả, là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi vị, nhưng chỉ có một yếu tính, một bản thể hoặc một bản tính toàn đơn nhất”.

Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo nói về Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi như sau: “Mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh là mầu nhiệm trung tâm của Đức tin và đời sống Ki-tô hữu. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể cho ta biết được mầu nhiệm ấy, khi Ngài tự mạc khải là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (số 261).

Như chúng ta thấy trong Phụng vụ, khi cộng đoàn Giáo hội dâng lời cầu nguyện, là Giáo hội cầu nguyện với CHÚA CHA, nhờ công nghiệp của CHÚA GIÊ-SU, trong sự hiệp nhất của CHÚA THÁNH THẦN. Như thế, lời cầu nguyện của cộng đoàn tín hữu quy hướng trực tiếp về Chúa Cha. Tuy vậy, vì con người bất xứng, nếu tự mình thì lời cầu nguyện không có giá trị, nên phải cậy nhờ công nghiệp của Đức Giê-su, tức là cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Người, để xứng đáng dâng lên Chúa Cha những ước nguyện. Và, những ước nguyện ấy được thân thưa trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần, tức là với ơn soi sáng phù trợ của Ngôi Ba Thiên Chúa.

Không chỉ trong Phụng vụ, mà trọn vẹn đời sống của người Ki-tô hữu đều được chìm ngập trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhờ vậy, chúng ta được chia sẻ sức sống thần linh với Đấng Tối Cao.

Đâu là mối tương quan giữa mầu nhiệm Ba Ngôi với cá nhân người tín hữu? Mỗi chúng ta, tuy nhỏ bé, nhưng là tác phẩm của Chúa Ba Ngôi. Giáo lý truyền thống dạy chúng ta: con người được Chúa Cha tạo dựng; được Chúa Con cứu chuộc và được Chúa Thánh Thần thánh hóa. Mỗi chúng ta đều là tác phẩm của Thiên Chúa, là hình ảnh sống động của Ngài. Chúa Ba Ngôi hiện diện trong tâm hồn người tín hữu từ khi được Thanh tẩy. Chúa Ba Ngôi cũng là đích điểm cuộc đời chúng ta, vì hạnh phúc thiên đàng chính là được chiêm ngưỡng Chúa Ba Ngôi trong hạnh phúc trường tồn.

Khi mừng lễ Chúa Ba Ngôi, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy nhận ra quyền năng cao cả của Đấng chúng ta tôn thờ (Bài đọc I). Hơn nữa, Ki-tô hữu còn là con Thiên Chúa và là đồng thừa kế với Đức Ki-tô, nhờ mầu nhiệm cứu chuộc của Đức Giê-su và nhờ Thánh Thần hướng dẫn (Bài đọc II). Đức Giê-su Phục sinh đã trao các môn đệ và chúng ta hôm nay sứ mạng làm chứng cho tình yêu của Chúa Ba Ngôi, bằng cách sống tốt lành thánh thiện và nhiệt tâm loan báo sứ điệp yêu thương của Đức Giê-su, Đấng luôn hiện diện giữa chúng ta.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên