Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 29 Thường Niên, Năm C

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 29 Thường Niên, Năm C

Hôm nay chúng ta suy tư về một khía cạnh quan trọng của đời sống thiêng liêng là cầu nguyện. Các bài đọc hôm nay đưa ra nhiều khía cạnh khác nhau của việc cầu nguyện. Cầu nguyện là một kỷ luật thiêng liêng, rất cần thiết cho người môn đệ. Có chiều kích cộng đồng và có cả sự cam kết dấn thân phát xuất từ cầu nguyện.

 

BÀI ĐỌC 1: Xh 17,8-13

Kiên trì cầu nguyện

Cảnh chiến đấu này đối với chúng ta ngày nay hẳn là một hình ảnh kỳ quặc khi được đưa vào với bài Tin Mừng để nói về sự kiên trì cầu nguyện. Chúng ta vẫn còn cầu nguyện cho việc tàn sát kẻ thù sao? Tuy nhiên  chúng ta có thể ghi nhận về những đoạn Kinh Thánh Cựu Ước đẫm máu này là nhắc nhở chúng ta rằng mặc khải là tiệm tiến: chúng ta không thể tiếp nhận mọi thứ cùng một lúc. Trong tư thế của ông Môisen đứng trên đỉnh đồi, một tay cầm gậy và hai tay dang ra, với thân mình tạo thành một cây thập giá, và lời cầu thay nguyện giúp của ông dẫn đến chiến thắng kẻ thù cố hữu của Israel, người Amalếch, các Giáo phụ đã nhìn thấy ở đây một hình ảnh báo trước về Chúa Kitô cầu nguyện. Người đã cầu nguyện cho nhân loại trên đồi Gôlgotha với cánh tay dang rộng trên thập giá. Ở vị trí này, Chúa Giêsu đã cầu nguyện và cuối cùng đã chiến thắng trước kẻ thù truyền kiếp của nhân loại là Satan. Các Giáo phụ coi cây gậy bằng gỗ của ông Môisen như một máng dẫn quyền năng của Thiên Chúa trong việc đánh bại kẻ thù của Israel, giống như thánh giá bằng gỗ của Chúa Giêsu Kitô đã trở thành một kênh chuyển đạt quyền năng của Thiên Chúa trong việc đánh bại Satan (xem Tertullianô, Chống lại Marcion, 3,18; Cyprianô, Testimonia, 2,21; Grêgoriô Nazianzus, Oration 2.88).

 

ĐÁP CA: Tv 121,1-8

Xin Chúa che chở

Thánh vịnh này là một trong những “Bài ca lên Đền” mà những người hành hương đã hát hoặc cầu nguyện lớn tiếng khi lên thành thánh Giêrusalem, mà từ nơi xa họ có thể nhìn thấy (c. 1). Tác giả Thánh vịnh bắt đầu bằng cách bày tỏ lòng tin và lòng trông cậy của mình vào Đức Chúa, Đấng đã tạo dựng trời và đất (c. 2). Ông mô tả sự bảo vệ của Đức Chúa như một người canh giữ, che chở ông và dân của ông sáu lần (xem các câu 3, 4, 5, 7 hai lần và 8).

Lưu ý rằng trong câu 3, đại từ chuyển từ ngôi thứ nhất số ít sang ngôi thứ hai số nhiều (bạn / của bạn). Đức Chúa bảo vệ tác giả Thánh vịnh trong cuộc hành hương lên thành thánh, cũng giống như Ngài bảo vệ Israel trong hành trình xuyên suốt lịch sử (cc. 3-8). Chúa ban sự bảo vệ của Ngài cho người hành hương và dân Ngài khỏi điều ác hại giống như cách mà “bóng râm” che khỏi cái nóng thiêu đốt của mặt trời vào ban ngày (c. 5), và hướng dẫn họ bằng ánh sáng của mặt trăng về ban đêm (câu 6-7). Lời cầu thay nguyện giúp của tác giả cho dân của mình là các hoạt động hàng ngày của họ (“sự ra vào lui tới” trong câu 8) luôn được Chúa che chở bảo vệ..

Thánh vịnh 121 cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là những khách hành hương trong cuộc đời này lên thành thánh Giêrusalem trên trời. Trong cuộc hành trình này chúng ta không chỉ cầu nguyện cho chính mình, mà còn phải nhớ cầu nguyện cho anh chị em trong gia đình nhân loại, những người cùng chung hành trình với chúng ta. Nói về sự che chở của Thiên Chúa, thánh Gioan Vianney nói: “Thiên Chúa không bao giờ để chúng ta khuất tầm mắt của Ngài; Ngài giống như một người mẹ luôn dõi theo con mình khi nó bước những bước đầu tiên…Điều an ủi mà Kitô cảm thấy khi biết rằng Thiên Chúa luôn dõi theo họ, luôn biết những thử thách và vất vả của họ, và luôn đồng hành với họ”. (St. John Vianney, Sermon on Corpus Christi).

 

BÀI ĐỌC 2: 2 Tm 3,14-4,2

Rao giảng Lời Chúa

Khi tiếp tục hướng dẫn Timôthê, Phaolô giải thích về tầm quan trọng của Sách Thánh và tính hữu ích của nó trong đời sống Kitô hữu (3,14-17). Bài đọc hôm nay là phần kết thúc lá thư với lời khích lệ công bố lời tuyệt vời này. Cả Phaolô và Timôthê đều là con dân Israel. Điều này có nghĩa là ngay từ khi còn nhỏ, họ đã được học biết các truyền thống tôn giáo của họ. Vào thế kỷ thứ nhất, một giáo sĩ Do Thái viết rằng khi được 5 tuổi, một đứa trẻ phải học Kinh Thánh (x. Pirke Aboth 5:21). Sách Thánh mà Phaolô đề cập đến là những gì chúng ta ngày nay gọi là Kinh Thánh Cựu Ước. Tất cả những lời khen ngợi mà Phaolô nói về Sách Thánh đều hướng đến truyền thống này. Điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra điều này, vì có những Kitô hữu suốt nhiều thế kỷ đã cho rằng Tân Ước đã làm cho sứ điệp của Cựu Ước trở nên lỗi thời. Đoạn văn này lập luận chống lại một lập trường như vậy. Nó cũng chứng tỏ rằng, mặc dù Phaolô nhấn mạnh rằng chỉ có đức tin vào Chúa Giêsu mới được cứu độ, nhưng ngài không có khuynh hướng chống lại Do Thái giáo. Sau khi giải thích về tầm quan trọng của Sách Thánh, Phaolô long trọng khuyên Timôthê trung thành với trách nhiệm thừa tác viên của mình. Sự nghiêm túc trong trách nhiệm mà Phaolô nói đến được thể hiện trong bầu khí cánh chung. Ngài kêu gọi Timôthê đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa và Chúa Kitô, Đấng mà ngài cho là cao cả. Ngài khẳng định rằng quyền thống trị của Chúa Kitô được nhìn nhận trong vai trò là thẩm phán và là vua của tất cả mọi người. Phaolô tin rằng Chúa Kitô sẽ trở lại và đưa triều đại của Người đến hoàn tất. Cho đến khi ngày đó ló dạng, Timôthê có trách nhiệm phải công bố lời Chúa, kiên quyết trong mọi lúc, sửa dạy những người mắc lỗi, quở trách những người đi lạc, và khuyến khích tất cả mọi người. Timôthê được sức mạnh của Chúa Giêsu Kitô để thực hiện điều này, vì vậy ông không được yếu lòng.

 

TIN MỪNG: Lc 18,1-8

Cầu nguyện kiên trì

Vào Chúa nhật 25 Thường niên, chúng ta đọc câu chuyện về người quản gia bất lương. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể chuyện dụ ngôn về một quan tòa bất chính (adikia). Ông hiện ra những đường nét tương phản với một góa phụ đến với ông để tìm công lý. Câu chuyện trước đã so sánh sự khôn ngoan thực tế của người quản gia bất lương với sự khôn ngoan của con cái ánh sáng, và nhận thấy những người này thiếu sót. Ở đây, sự minh oan của Thiên Chúa được so sánh với việc thực thi công lý của một ông quan tòa. Điểm mấu chốt của dụ ngôn là cần phải kiên trì cầu nguyện.

Ông quan tòa được mô tả là không kính sợ Thiên Chúa và không coi ai ra gì. Kính sợ Thiên Chúa là đức tính hoàn hảo của người đạo đức. Qua sự thừa nhận chính mình, ông quan tòa không có lòng đạo đức như vậy. Đây là cách nói rằng ông không tuân giữ các điều răn quan trọng về lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người lân cận. Ông ta bất chính không phải vì ông là một con người tích cực chống lại người khác mà vì ông đã không bảo đảm cho công lý được thực hiện trong cuộc sống của mọi người. Đây là một cáo buộc đặc biệt nghiêm trọng đối với một quan tòa, người có trách nhiệm rất lớn là bảo đảm công lý cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Tội thiếu sót cũng có thể tồi tệ như tội hành động.

Mặt khác, người phụ nữ là một góa phụ, một thành viên thuộc một trong những giai cấp bị áp bức nhất trong xã hội Israel. Có vẻ như bà không chỉ góa bụa mà còn cô đơn trong xã hội, vì theo thông lệ, một thành viên nam trong gia đình của bà sẽ xuất hiện trước quan tòa để bào chữa cho vấn đề của bà. Văn bản không xác định các chi tiết cụ thể trong sự khiếu nại của bà, nhưng có thể chắc rằng nó có liên quan đến tài sản hoặc của cải. Nói cách khác, bà có nguy cơ trở nên không thể tự bảo vệ. Mặc dù dễ bị tổn thương, người phụ nữ này rất táo bạo. Bà ấy đã là nạn nhân của sự bất công, nhưng bà xuất hiện ở đây trước quan tòa, thúc ép ông ta xét xử. Có vẻ như quan tòa thờ ơ với trường hợp của bà, vậy nên bà vẫn kiên trì trước những yêu cầu của mình đối với ông. Ông ta sẽ không nhượng bộ; bà ấy sẽ không bỏ cuộc.

Chúng ta không được biết sự bế tắc này kéo dài trong bao lâu, nhưng nó đủ lâu để khiến ông quan tòa phải bực dọc. Cuối cùng ông ta cũng chịu, và với một chút hài hước cường điệu, ông ta tuyên bố rằng ông ta sẽ trả lại công lý cho bà ấy trước khi bà ấy làm cho ông “nhức đầu nhức óc”. Hôm nay ông có thể nói: “Bà ấy đang đối mặt với tôi!” Tại điểm này trong bài giảng của mình, Chúa Giêsu đưa ra một lập luận rõ ràng: Nếu quan tòa bất chính cuối cùng sẽ minh oan cho những người bị ngược đãi, thì Thiên Chúa cũng sẽ minh oan cho những người được chọn, những người liên tục cầu nguyện và kêu gào tới Ngài cả ngày và đêm? Sự kiên trì của người phụ nữ trở thành hình mẫu về thái độ kiên quyết cho những người được Chúa chọn. Giống như người phụ nữ trong dụ ngôn, họ không thể chắc khi nào Thiên Chúa đáp lại, vì vậy họ phải kiên trì.

Các môn đệ của Chúa Giêsu được khuyên bảo hãy kiên trì cầu nguyện cả ngày lẫn đêm, bất kể Thiên Chúa như tỏ ra khép kín như thế nào trước lời cầu xin của họ. Dụ ngôn này cho họ thấy rằng đối với Thiên Chúa, vấn đề không phải Ngài không quan tâm, mà là về thời gian. Chúa sẽ đáp trả theo thời gian của Ngài. Ghi chú cánh chung này dẫn đến câu nói cuối cùng. Sử dụng cách thế mà Người thường xác định bản thân và đặc tính của sứ vụ cứu thế của Người, Chúa Giêsu ngụ ý rằng Người là Đấng cuối cùng sẽ đến để thực thi công lý. Câu hỏi mà Người đặt ra rất nghiêm túc: “Liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” Theo như nội dung câu chuyện dụ ngôn, điều này có thể có nghĩa là: Liệu có những người vẫn kiên trì cầu nguyện không? Người bỏ ngỏ câu hỏi để các môn đệ có thể suy ngẫm.

 —

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 2574-2577 : Ông Môsê và lời chuyển cầu

+ GLHTCG 2629-2633 : Lời kinh cầu xin

+ GLHTCG 2653-2654 : Lời Chúa, nguồn mạch của việc cầu nguyện

+ GLHTCG 2816-2821 : “Nước Cha trị đến”

+ GLHTCG 875 : Cần phải rao giảng

Lm Giuse Ngô Quang Trung

 

print