Bài 11: Chút Duyên Với Thần Phụ Giáo Sư Linh Hướng Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

print

Bài 11:

CHÚT DUYÊN VỚI THẦN PHỤ GIÁO SƯ LINH HƯỚNG

 ANTÔN NGUYỄN MẠNH ĐỒNG

Vô hạ

NB. xin ghi lại đôi hàng những gì đã thấy, được và bị nghe đó đây, mà còn nhớ, theo kiểu thuật nhi bất tác. Trong Tự Điển Hán Việt, Đào Duy Anh, Trường Thi 1957, Duyên là noi theo, liên lạc, liên hệ, viền mối, nguyên nhân sinh ra sự việc …

  1. Trẻ đẹp. Tiểu Chủng Viện Á Thánh Phêrô Đoàn Công Quý dời từ Sóc Trăng về Cái Răng lễ Chúa Giáng Sinh – Noel 1961. Sau Tết 1962 cỡ tháng tư hay tháng năm, mình còn đang học mấy tháng cuối Lớp Nhứt tại trường Tây Đô, nhà thờ Cần Thơ. Mỗi ngày hai buổi sáng chiều, mình đi hầu bàn (cơm) cho tứ vị Thần Phụ sở phó, theo tập tục còn sót lại từ thời các cố sở Tây tại hầu hết Họ Đạo Nam Kỳ, để quí Ngài coi vi coi vây, hạnh kiểm, trước khi được gởi vào Nhà Tràng Latin. Lúc đó có vài ba lần mình nghe anh Bùi Công Thứ nói chuyện với bốn cha trong giờ ăn trưa, riêng Cha Nguyễn Văn Nhì và Nguyễn Công Định đặt vài câu hỏi vê một ông Cha, nghe nói, mới, trẻ, rất đẹp trai trong chủng viện vừa mới dọn về Cái Răng chưa có bao lâu.

            Anh Thứ, năm đó tuổi hơn 20 đương thời, phương phi sung sức, cao ráo trắng trẻo, khuôn mặt chữ điền thuộc hàng bảnh trai khó kiếm. Quê nhà anh, Họ đạo Cái Đôi, bờ bên kia nhìn từ mé sông Hậu tại chợ Long Xuyên. Anh được Cha Sở Nguyễn Tấn Đức lựa riêng và mang theo qua Họ Long Xuyên rồi xuống Cần Thơ. Anh là trưởng toán chỉ dẫn cho nhóm hầu bàn cùng lo những chuyện cần thiết như thuốc men cho riêng Ông Cố Năm bổn sở. Khoảng 1964 – 1967 anh nhập Tu Hội Truyền Giáo Thánh Phaolô Cái Khế rồi định cư tại họ đạo Hoà Thành, Cà Mau tới sau 1975 ít lâu. Tới đầu mùa nghỉ hè, anh Phiên, chủng sinh quê nhà họ đạo Hòa Hưng (Thác Lác, Giồng Riêng Kiên Giang, qua đời 1971) và anh Mân chủng sinh (Cái Đôi, LM 1972) ghé lại Cần Thơ thăm ông Cố Năm Nguyễn Tấn Đức là người bảo trợ riêng cho hai anh. Hai anh lớn nầy, từ Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn về, cùng đem cái nhân dáng hoàn hảo của anh Thứ ra, làm nên loại suy mà so sánh với ông Cha mới, quá trẻ, lại đẹp hơn nhiều, đang dạy chủng viện, mà không ai biết hay nhớ được tên của Ngài.

 

  1. Tới mùa chủng viện tuyển sinh, trong thánh lễ đầu tiên sáng hôm sau do Cha Giám Đốc Huỳnh Văn Mão cử hành, mình nhận ra ngay bộ mặt trẻ đẹp của một ông Cha phụ trao Mình Chúa, mà bàn cơm nhà cha sở Cần Thơ nhắc tới tháng trưóc. Hỏi thăm anh đội trưởng, mình biết được Ngài là Antôn Nguyễn Mạnh Đồng.

            Mùa thi tuyển tháng 6 nhằm mùa mưa dầm tầm tả rả rích. Thí sinh từng đám năm sáu chục tên, vào giờ chơi chiều cùng đá chỉ một trái banh trong bãi ngập bùn sân sau Chủng Viện, bên cạnh đám sậy năm mười công đất, um tùm mọc trên mồ mả hoang vu. Cũng có những buổi chiều tà chơi giựt cờ đuôi mà không ít anh em bị tuột quần cụt. Ngày đó mình đã thấy Cha Đồng hay ra chơi với nhóm học sinh hoặc đứng gần quan sát. Nét tươi vui thâm trầm hiển hiện trên làn da mặt trắng ngà như có một lớp phấn mịn bao phủ.

 

  1. Mình vào lớp Đệ Thất B, học giáo lý hệ số 3 với Ngài liên tục sáu bảy năm, kèm theo ba tháng đi linh hướng một lần trong bảy năm và mỗi tuần nghe Ngài huấn đức tám năm. Trong Tám năm huấn đức, Ngài đã chỉ dạy anh em khu A rất nhiêu đề tài đa dạng, trong đó có môn tìm hiểu tính tình. Sau khi biết đại khái thế nào xếp loại tính tình, riêng tính thần kinh ngộ nghĩnh dễ nhớ, anh em lớp mình bèn thực hành ngay, xếp loại bạn nào tính khí bộp chộp bốc đồng, ăn nói hành động phản ứng không cần suy nghĩ, vào loại thần kinh. Ngôn từ “thần kinh” lúc đó trong nước không có nghĩa “mental health” (hai rưỡi, ba trợn, điên điên, khùng khùng) mà Anh Ngữ định nghĩa như bây giờ. Anh em trong lớp ngày ấy hay chọc ghẹo nhau cho vui vào giờ được phép nói chuyện, chớ không có ý nghi kỵ hay úp bộ chụp mũ ác ý. Nhưng sau nầy anh em dặn dò nhau cẩn thận; muốn nói chơi phải nhìn trước ngó sau, vì nếu để Bề Trên lớn nhỏ nghe được lối giỡn chơi ấy, e rằng anh em mình có thể bị đưa vào bộ não cấp trên in trí ít nhiều.

 

  1. Lúc anh em vừa bị bể tiếng kháp kháp như vịt Xiêm trống, thì Cha Đồng rất nhạy cảm, nhận ra ngay giai đoạn tăng trưởng của từng học sinh. Trong một hai lần đi gặp linh hướng, cha mở sách giáo dục sinh lý có in hình bộ phận sinh dục nam nữ và hướng dẫn những điều cần thiết mà một chủng sinh lớn lên phải biết để giữ vệ sinh cá nhân và hướng thượng tâm hồn. Mình hiểu rằng cha dạy những gì ích lợi cần thiết cho mình. Mình thấy đó là những sinh hoạt nhân sinh thường tình.

            Nhưng một người bạn bên cạnh tên Hoà (Sài Gòn) sau lần đi gặp linh hướng hôm ấy, về lớp nhăn mặt nhíu mày, lắc đầu lia lịa, lầm bầm than rằng: linh hướng nói chuyện tục tĩu dơ bẩn quá xá. Có lẽ anh Hoà bị gia đình, xã hội và môi trường anh sống đóng khung trong cái cũi tội của thời Trung Cổ về trước. Thời ấy tại VN, ít có nơi nào hướng dẫn lành mạnh môn nầy, nhưng chủng viện của mình có một vị thầy thấy xa hiểu rộng hoặc được học trước, mà truyền thụ kiến thức cần thiết cho thế hệ sau, không thua gì nên giáo dục của chân trời Âu Mỹ.

 

  1. Bảy năm sau trên nhà trường lớn, mình có hỏi anh em lớp mình thuộc hai địa phận kia, thì được trả lời, không ai chỉ dẫn anh em tính dục lành mạnh như anh em Cái Răng đã may mắn được linh hướng chỉ dạy. Sau nầy khi ra xứ người, nhiêu lần đi họp đề tài giáo dục tính dục với phụ huynh học sinh đa chủng nhiều loại màu da, mình cũng nói với mọi người những kinh nghiệm quí báu năm xưa, được học từ cha Nguyễn Mạnh Đồng và mình cũng làm y như vậy cho hai con trai khi hai đứa tới tuổi dậy thì.

 

  1. Mình còn nhớ người bạn đồng song tên Lê Thanh Trào, con cháu dòng họ của Cha Giám Thị Lê Phong Thuận (GM 1975 -2011) quê nhà của bạn là họ đạo Cồn Phước, Chợ Mới, An Giang. Vào năm học Đệ Thất A hay Đệ Lục, đã có những lúc vào giờ chơi sáng thứ năm, hai đứa rủ nhau tới sân sau căn phòng Cha Đồng tại biệt thự chính và bắt chuyện với Ngài. Mình và Trào hay giúp cho con Rùa vàng của cha ăn rau càng cua. Rùa ăn xong thì được đặt dưới gốc dây dưa Ba Đinh và đắp cỏ lại. Vài tháng sau rùa lớn mau thấy rõ, nhưng bị mất tích, rồi Trào hồi hương nên mình chỉ đến gặp cha trong giờ linh hướng và những lúc cần thiết.

 

  1. Khoảng sau 1965, Đại học Cần Thơ khai giảng, Cha Đồng tới trường và tốt nghiệp cử nhân Anh Văn ưu hạng. Ngày ấy, nhìn cha linh hướng nói chuyện lưu loát với Father Campbell mà mình phát thèm. Biết bao giờ mình khỏi quơ tay giơ chân khi tiếp chuyện với người Âu Mỹ.

 

  1. Những gì Ngài dạy về khoa đạo đức và nhân đức thì nhiều lắm trong tám năm, ghi sao cho hết. Mình còn nhớ trong vài tiết huấn đức 1968-1970, có lần Ngài thông tin vê Hội Đồng Giám Mục Hoà Lan, 6 địa Phận đê nghị Toà Thánh cho LM lập gia đình, nhưng Toà thánh không hoặc chưa trả lời. Với thông báo nầy, mình suy đoán mò rằng thế nào rồi đây chủng sinh sẽ bị thử thách dai hơn, dài hơn cho “cứng hơn” (từ của Cha Giám Học Nguyễn Tấn Thinh). Mà quả là đúng vậy, mười ba Địa Phận phía nam vĩ tuyến 17, quyết định từ niên khóa 1972 trở đi, chủng sinh sau phần triết lý, giúp xứ hai năm bắt buộc. Nhưng thực ra những vị ký tên vào bản kiến nghị bên trên của xứ Hoà Lan và trong khắp cả và thiên hạ, thường là trong tuổi hồi xuân cỡ bốn mươi mấy tới dưới sáu mươi, lúc mà đầu thánh hiến ngày thụ phong Linh Mục đã bị trở mùi.

Ngài cũng nói về sắc lệnh tự do tôn giáo của Công Đồng Vatican II, làm cho nhiêu Nghị Phụ bị “sốc”, vì nếu chủ trương tự do tôn giáo thì đi truyền giáo làm chi thêm nữa’.    Sau nầy, đôi  lần mình lập lại câu trên, cũng khiến một số anh em phản kích luôn vì anh em không biết xuất xứ, mà tưởng kẻ viết bịa đặt ngôn từ dị ứng cho quí nghị phụ.  Theo tinh thần tự do tôn giáo, con người phải chọn lựa cho mình phần nào cái nào tốt nhất. Vì theo lương tri (bon sense) lành mạnh, nếu mình thấy đạo mình không tốt cho bằng một đạo khác, mà mình cố tình ở lại đạo mình, thì Chúa/Trời không thưởng cho mình vì mình chọn cái dở mà không chịu lựa cái tốt nhất. Chính dòng của tư tưởng nầy cũng đã ghi rõ trong bộ sách Triết Lý An Vi của Cố Thần Phụ Triết Gia Đông Phương Lương Kim Định.

 

  1. Những ngày còn tại Cái Răng, khoảng lớp Đệ Nhị – Đệ Nhất 1968-1970, có đôi lần anh bạn Nguyễn Đình Thịnh mang vào trong lớp Tập San Đồng Huớng in rônêô (gói ghém sinh hoạt và bài viết của Linh mục tu sĩ địa phận sau ngày cấm phòng/tĩnh tâm) hai ba tháng một lần, lưu hành nội bộ tu sĩ nam nữ có chức, chứ không phân phát cho tu sinh hay giáo dân. Hôm đó đặc biệt, bạn Thịnh có tập Đồng Hướng, chắc là do vị chức sắc nào trao cho. Bạn mình hôm ấy mở ra gặp ngay bài viết của LM Nguyễn Mạnh Đồng đề tài Dạy Học Trong Chủng Viện.

Bạn Thịnh đọc lớn vài đoạn cho anh em chung quanh trong lớp. Đại ý mình còn nhớ được: mục đích của chủng viện nhỏ lớn là đào tạo linh Mục coi sóc giáo xứ mà không huấn luyện giáo sư chủng viện. Cho nên không có ít vị, sau khi chịu chức, mà được gởi vào chủng viện, thì cũng ráng chịu đựng sự thể “khốn khó” cho bằng lòng mà không mấy chú tâm dạy học/giáo dục. Thời gian lưu trú chủng viện, quí vị thầy cả giáo sư nầy, đã không qua trường lớp sư phạm thì chớ, mà lại chỉ làm vừa đủ dùng như trong sách vở, chờ ngày ra coi giáo xứ. Khi anh em mình nghe vậy, liên hiểu ngầm rằng chủng viện ít có bổng lộc mà giáo xứ thì có cơ may nhiều hơn. Đó là chuyện thị phi xảy ra ngày xưa, còn sau nầy chắc phải có nhiều thứ tiến bộ khác cùng theo ngày tháng biến trôi mà mình không biết được hết.

Ngay chính thiên chức trồng người của trường ngoài đời, đã được quí thầy cô và ngành giáo dục coi rất trọng đại và nâng cao lên hàng khoa học, buộc người nhập cuộc phải chuyên cần nghiên cứu, tu nghiệp thường xuyên cùng trao dồi học hỏi suốt đời. Dạy học với cái tầm và trên hết với “chữ tâm bằng ba chữ tài” (Kiều). Còn quí Ngài làm công tác đào tạo kỹ sư/mục tử linh hồn con người thì chỉ đã làm được ngần ấy mà ai ai cũng thấy rõ ràng, nhưng không dám nói. Chỉ có Cha Đồng là người đã đặt vấn đề lên trên bàn mổ, nhưng không mấy ai ai dám chịu ra tay mổ xẻ mà tìm cho được phương thuốc trị liệu.

 

Đề cập việc nầy, có lần khoảng 1967, Cha Giáo Sư Giám Thị Nguyễn Thiện Tư trong một lớp công dân đức dục vê lòng tự trọng và biết ơn, có đặt câu hỏi tại sao sau khi ra khỏi chủng/tu viện thì không mấy khi có được mấy chú chịu khó trở về thăm lại chốn cũ? Câu trả lời thầm kín là học trò phần lớn vẫn kính trọng quí vị thầy cũ, vì quí ngài thuộc hạng tu hành; nhưng lòng thì viễn chi, vì anh em không thấy được bao nhiêu mối dây nối kết, lưu luyến hội tụ.

Trong khi quí vị thầy cô trường đời được đa số học trò quí trọng, biết ơn. Mỗi lần đại hội trường cũ: Phan Thanh Giản, Đoàn Thị Điểm, Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Bá Tòng, Hồ Ngọc Cẩn, Tabert Lasan … thì rất nhiêu thầy cô và học trò trước 1975 mà nay thuộc hàng lão ông lão bà, đêu chịu cực chịu khó vui lòng tìm về với nhau, không ít người xa xôi từ gốc bể chân trời của châu lục khác. Cả ngàn thầy cô và học trò người ta trần tục ngoài đời, rất hân hoan nô nức gặp nhau, cùng ôn lại bao kỷ niệm thân ái của mái trường xưa như vậy. Người ta gieo hột, vun trồng và bón phân thế nào, mới có kết quả hôm nay. Rõ ràng con cái thế gian làm nghề giáo dục khéo hơn con cái sự sáng!?

 

  1. Năm 1970-1971 mình có nghe một đàn anh Lê Đoài … nói rằng anh em (quí thầy) không thích cha Đồng vì cái vẻ lập dị, hanh hách, kên kên, lên mặt … Thí dụ 1966 và vài năm tiếp liên sau đó, xe Honda Nhật Bổn mới vào VN. Chỉ có một số không lớn mới có khả năng mua loại xe sang đẹp lạ tân thời so với Cyclo máy dầu của Pháp và Sachs Gobel của Đức.

Có một lần Cha Đồng tới Vĩnh Long bằng xe Honda đàn ông mới mua chưa lâu? Có lẽ dịp 21 tháng 11, Lễ Đức Mẹ Dâng Mình vào Đền Thánh, ngày giỗ tổ truyền thống tốt lành hằng năm của mọi thành viên Xuân Bích. Đó là ngày mà quí vị tu hành chung nguồn tụ họp trường cũ, cùng dâng thánh lễ, cùng hát kinh Magnificat tái dâng mình cho Đức Trinh Nữ Maria là mẫu gương tận hiến và là bổn mạng của     đời Tu sĩ Linh Mục. Cách thức giáo dục Chủng sinh nhân bản và đạo hạnh của Tu Hội nầy đã làm cho Linh Mục Giáo Sư Vũ Huy Chương (GM Hưng Hóa 2003, Đà lạt 2011) cảm kích và ước gì Ngài cũng đã tới đó học hành.

Sau lúc quí khách được hướng dẫn tập trung xe gắn máy tại phòng để xe, thì nhiều anh em chủng sinh (quí thầy) có dịp dừng lại ngắm nghía, trầm trồ, ước mơ, rờ rẫm nữa, chiếc này chiếc nọ.

Sau đó một mảnh giấy lưu ý xuất hiện trên chiếc Honda của cha Mạnh Đồng: ‘người lịch sự xem xe bằng mắt, không bằng tay’. Năm 2012, anh Đợi có hỏi cha Đồng chuyện nầy, nhưng cha trả lời không có viết dòng dị ứng trên đây. Lời đồn thôi từ kẻ nầy người nọ nhiêu năm mà chưa ai biết chắc bắt nguồn từ đâu. Và anh em mình tin lời cha nói, chính là thật. Tại sao đã có xảy ra cái cớ sự đó? Đọc ba đoạn dưới, có thể suy đoán.

 

  1. Bạn Phan Văn Đợi (cùng lớp với Đức Vít vồ Tri Bửu Thiên, đang ở Mathis, TX, US) mới kê’ cho mình năm trước rằng khi Cha Nguyễn Mạnh Đồng mới được bổ nhiệm vào trong chủng viện thì chung quanh trước sau có tiếng đồn rằng một người non quá, mới quá, trẻ quá, lại dân bắc kỳ… làm sao có đủ kinh nghiệm mà lo mà dạy cho các chú được… nhưng mình hiểu rằng Đức Cha Nguyễn Kim Điền thời điểm bấy giờ đã phải cân thận hỏi ý kiến quí Ngài cố vấn kỳ cựu và đã đọc kỹ lý lịch vị Thầy, trước khi quyết định gởi Ngài vào công tác trồng người gieo giống Tin Mừng cho GH cách chung và riêng biệt cho Địa Phận mình miền cuối nước Việt.

12.Cha Đồng thường ra sân đánh bóng chuyền và đá banh với anh em chủng sinh. Có lần anh Nguyễn Văn Cường (quê nhà họ đạo Vị Thanh, Chương Thiện cũ) đá trúng chân Ngài, khiến xương cổ chân của cha bị thương, phải bó bột nhiều tháng trong niên khóa 1969-1970. Và Cha Chung phụ trách y tế những ngày sau đó, giúp chở cho Ngài đi thăm thầy thuốc. Cha Chung cùng lớp với Ngài, di tản khỏi VN 1975, nhập Địa phận Boston, MA, Hoa Kỳ. Qua đời 1978 bệnh ung thư?, an giấc ngàn thu tại đất thánh Lorain, Bang Massachusetts. Mình đã có dịp cùng với anh Nguyễn Văn Phán và đàn em Hồ Công Tiên viếng mộ của ngài năm 2001.

 

  1. Mình thuộc lớp đầu tiên học tại Tiểu Chủng Viện Á Thánh Quý suốt 8 năm trời. Mới nhập học 60 em, xong lớp Đệ Nhất còn chẳn 20, được gởi qua Đại Chủng Viện Vĩnh Long 1970. Năm đó Tu Hội Giáo Sư Xuân Bích với Cha Giám Đốc Gastine vừa trao quyền quản trị Đại Chủng Viện lại cho ba địa phận Vĩnh Long, Cần Thơ và Mỹ Tho, nhưng vẫn còn cần Quí Cha Xuân Bích gạo cội giúp đỡ: Adrien Villars, Louis Bouiller, Hồng Kim Linh và nhiêu Cha Giáo từ nơi khác tới nữa. Lớp mình năm dự bị, có chừng 40 anh em gom chung từ 3 nguồn Địa Phận. Mình có nghe quí thầy đàn anh đàn em kể rằng so ra, anh em Cần Thơ có hạnh kiểm và đời sống nội tâm khá hơn, học hành và giữ nội qui mà quí Ngài thấy được.

Thực ra, nhận xét của loài người chỉ ghi nhận được những gì biểu kiến bên ngoài vì  “dò sông dò biển dễ dò” còn đời sống nội tâm thì “nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Nhưng là con người, làm sao đo được cái bề trong mà không thông qua cái bề ngoài. Chính cái danh thơm đời sống nội tâm biểu lộ ra bên ngoài đó, tầm nguyên luận ra, phải do ban giáo sư và riêng cha linh hướng địa phương vun trồng, nên mình được nghe có một dự tính mời cha Linh hướng nhà mình qua Vĩnh Long giúp sức. Tin tức nầy thuộc loại khá mật, nhưng không gây thiệt hại, nên bị bật mí do một Vị Thầy cho riêng mấy con linh hướng và bạn mình chia sẻ lại trong bàn cơm khi có dịp nhắc tới.

 

  1. Sau 3 năm triết tại Vĩnh Long, mùa nghỉ hè vừa tới, lớp mình về Cần Thơ ngay, chào Đức Giám Mục nhà, sẵn sàng được sai đi giúp xứ hai năm liên tục bất cứ nơi đâu theo chương trình đào tạo thời ấy. Ngay sau đó, anh em rủ nhau lên Dòng Con Đức Mẹ Bình Thủy thăm cha Linh Hướng cũ. Ngài rất thân ái vui vẻ cởi mở không ngờ, so với những ngày nghiêm túc khi anh em còn là học trò tại tiểu chủng viện trước kia. Mình có cảm tưởng Ngài coi anh em mình là linh mục sẽ thành như Ngài trong 6 năm tới, nếu không có gì lôi thôi xảy ra và sẽ thay ngài trong tuơng lai xa gần.

 

  1. Khi biết Ngài được sai đi Tuyên Úy dòng nữ 1972 anh em tiếc rẻ vì kinh nghiệm và tài năng linh hướng của ngài rất quí cho linh mục tương lai hơn là đi làm một số bí tích cho chị em nữ tu, một công việc mà nhiều cha khác cũng làm được. Hơn nữa khi mình còn ngồi từ lớp nhỏ tới lớp lớn, đã có cha giáo sư Nguyễn Quốc Tuý và những cha khác nhiều lần chia sẻ kinh nghiệm và lẽ khôn ngoan nhiều đời, rằng cấp trên thường chọn tuyên uý cho Dòng nữ những linh mục một là đạo đức và hai là nhân dáng vừa phải, ba là tuổi đời vào hàng cao trung. Tại sao?

 Thí dụ cấp trên khôn ngoan khi bổ nhiệm quí cha Huỳnh Văn Mão, Văn Công Phong và Nguyễn Văn Chính làm Tuyên úy Dòng Chúa Quan Phòng trước sau 1975, Cha Tri Bửu Nhơn lo Mến Thánh Giá Sóc Trăng đến khi qua đời 1974. Nhưng khi chuyển  Cha Linh Hướng của anh em mình lên Dòng Con Đức Mẹ thì mình thấy uổng cho chủng sinh quá chừng chừng. Hơn nữa một nam nhân với thể chất hoàn hảo và kiến thức thuộc hàng thượng thừa, mà người Roma ngàn năm nói tới và còn mãi đến ngày hôm nay qua thành ngữ danh ngôn: “mens sana in corpore sano” tinh thần minh mẫn trong thê’ xác tráng kiện, cũng có thể là cái cớ gây áy náy tâm thần cho người nữ nào yếu lòng (thí dụ có tính yếu đuối như mình) mà gặp ngài thường xuyên sáng trưa chiều tối. Nhưng Ngài đã đứng vững với ơn Chúa và trở nên guơng mẫu cho nhiều người, vì suốt đời không bị tai tiếng theo như mình biết được.

 

16. Một năm trước đây bạn Văn Đợi có gọi Cha Đồng thăm hỏi chuyện xưa chuyện nay, đồng thời cũng có hỏi Ngài còn nhớ mình không, thì Ngài trà lời:

– Nhớ chứ, V cũng học cùng thầy với cha.

 Câu nói thân thiết khiêm tốn của vị thầy cũ, làm mình cảm động, nhớ ngài nhiều hơn . Thật ra, 3 năm ngắn ngủi tại Vĩnh Long, với những vị thầy Xuân Bích còn lại cuối mùa, mình chỉ mới học được cách mở sách, đó là cách nói của LM.Vũ Hùng Tôn, di cư 54, Giáo Hoàng Học Viện 1966, nhập ĐP. Huế. du học Hoa Kỳ 1973, thời Đức Cha Nguyễn Kim Điền.

17. Gói gọn.

Đa số thần phụ sinh bắc, khi hưu trí thường trở vê nhà hưu dưỡng của địa phận gốc thiết lập chung quanh Sài gòn, là nơi có nhiêu giáo dân gốc Bắc quyến luyến quí mến cha cụ với thái độ cũng như lời nói. Nhưng Cha Linh hướng của mình sống hơn 2/3 cuộc đời tại vùng đất Nam Kỳ Cần Thơ và tự chọn ở lại có thể cho tới mãn đời. Những nơi Ngài đã sống qua và thi hành sứ vụ :

Chủng viện 1960-1972;  Dòng Con Đức Mẹ 1972-1975;Trà cú 1975-1995;Trung Hải 1995-2011;Nhà Hưu Dưỡng tại Tham Tướng A, 2011 – hôm nay.Cái luật sinh lão bệnh vài thứ mà tuổi cao niên khó tránh, đã tới và đang làm hao mòn một cơ thể tuổi ngoài 80 mươi. Nhưng ngài đã dùng kiến thức có sẵn và sức khỏe còn lại để viết và dịch sách để lại đời sau:

Đức Giêsu Kitô Đường hạnh phúc

Giáo lý chuẩn bị vào đời

Chuẩn bị vào đời sống Hôn nhân và gia đình

Đến với Chúa Giêsu (giáo lý dự tòng) Tìm hiêu sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo

Vê cõi vĩnh hằng

Dịch YOUCAT từ tiếng Pháp, 2013

 Xin Chúa  cho sức khỏe của Ngài thật tốt để tiếp tục cống hiến cho Giáo Hội đến hơi thở cuối cùng. Mong thay!