Bài 46: Gíang Sinh theo kinh thánh và truyền thống

Bài 46 : GIÁNG SINH theo Kinh Thánh và Truyền thống

------------------------------

Chúc mừng Giáng Sinh đến quý ông bà và anh chị em !

Trong tông huấn Dấu Chỉ Tuyệt Vời (Admirabile Signum), Đức Thánh Cha Phan-xi-cô có nhắc đến một truyền thống vô cùng tốt đẹp, và ngài mong ước truyền thống ấy đừng bao giờ bị mai một : đó là việc chuẩn bị và trưng bày Máng Cỏ mô tả cảnh Giáng Sinh tại tư gia cũng như nơi công cộng. Truyền thống tốt đẹp này có nguồn gốc từ thánh Phan-xi-cô Át-si-di, khi ngài cho dựng cảnh Hang đá đầu tiên vào năm 1223 tại Ghét-trô (nước Ý) để trình bày cách đơn sơ vẻ đẹp đức tin mà các tín hữu đang sống.

Cảnh Giáng Sinh được lấy cảm hứng từ Tin Mừng Lu-ca (Lc 2,1-14) và Tin Mừng Mát-thêu (Mt 2,1-11). Dựa vào hai sách Tin Mừng này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu Căn Cước của Hài Nhi theo Kinh Thánh và truyền thống.

1. THÁNH DANH GIÊ-SU

Trong Tin Mừng Mát-thêu, sứ thần truyền phải đặt tên cho Con Trẻ là Giê-su. Danh Giê-su được ký âm từ ngôn ngữ Híp-ri. Tên Giê-su được chuyển tự sang ngôn ngữ Hy-lạp của Tân Ước là Ἰησοῦς (Iēsous), và được viết tắt theo chữ in hoa của ba chữ cái đầu tiên là IHS.

Trong tiếng Híp-ri, Giêsu là danh từ riêng Giê-su-a (yēšûªʿיֵשׁוּעַ ) có gốc bởi danh từ Giơ-su-ah (יְשׁוּעָה) nghĩa là sự cứu thoát, sự cứu độ, và động từ Gia-sa (yāšaʿ יָשַׁע) nghĩa là cứu thoát, cứu độ (Xh 14,30 ; Đnl 33,29 ; 1 Sm 14,23 ; Tv 54,3 ; Is 60,16 ; Gr 17,14). Danh từ Giê-su-a (yēšûªʿ יֵשׁוּעַ) cũng có cùng gốc từ với Giơ-hô-su-a (יְהוֹשׁוּעַ/ yǝ-hô-šû-aʿ) có nghĩa là “Đức Chúa là ơn cứu độ”.

Danh Giê-su có liên hệ đến lịch sử cứu độ rất dài trong Kinh Thánh Cựu Ước (Mt 1,21-23 ; Lc 1,68-73), nhưng quy chiếu đặc biệt đến hành động cứu độ, giải thoát và chiến thắng của Đức Chúa trong biến cố Xuất Hành : “Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, Thiên Chúa là ơn cứu độ của tôi, chính Người cứu độ tôi” (x. Xh 15,2 ; Is 12,2). Theo sách Huấn ca, danh cũng chính là người, là tính cách (x. Hc 46,1), nên khi “ông Si-mê-ôn ẵm Hài Nhi Giê-su trên tay và chúc tụng Thiên Chúa “vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ” (x. Lc 2,25-30) thì cũng có thể hiểu là “vì chính mắt con được thấy Giê-su”.

Danh Giê-su là thánh danh có uy quyền (Cv 3,6 ; 9,34.40 ; Mc 16,17.18 ; Ga 16,23 ; Pl 2,10). Thánh Phê-rô đã long trọng công bố : “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).

2. SINH NHẬT

Ngay ở các thế kỷ đầu, theo các giáo phụ như Gio-an Kim Khẩu, thánh Âu-tinh, cũng như dựa vào một số tư liệu đã cho thấy Giáo Hội cử hành sinh nhật của Đức Giê-su vào ngày 25 tháng 12 dương lịch. Tuy ngày tháng năm sinh của Đức Giê-su không được nhắc đến một cách chính xác hay rõ ràng trong Kinh Thánh (Lc 1,24.37), nhưng có tính hợp lý khi đem ước tính với các cột mốc theo truyền thống (lễ Truyền Tin được cử hành vào ngày 25 tháng 3, lúc đó bà Êli-sa-bét đã mang thai Gio-an được sáu tháng (Lc 1,36). Đức Giê-su ra đời vào ngày 25 tháng 12, tức là chín tháng kể từ ngày 25 tháng 3, hoặc sáu tháng kể từ sinh nhật của Gio-an24 tháng 6).

Một số học giả gợi ý rằng có thể dựa vào các sách Sử biên niên, và tư liệu ở các cuộn sách ở Biển Chết để tính thời điểm ông Da-ca-ri-a dâng hương, thì có thể ước đoán được thời điểm giáng sinh của Đức Giê-su (1 Sb 24,1-4.7-19 ; 2 Sb 23,8). Các học giả xác định có 24 nhóm tư tế phục vụ đền thờ theo phiên một năm 2 lần. Vì vậy, nhóm tư tế A-vi-gia mà ông Da-ca-ri-a đến lượt dâng hương có thể phục vụ đền thờ vào hai thời điểm : tháng Xi-van (khoảng giữa tháng 5-6 dương lịch) và tháng Kít-lêu (khoảng giữa tháng 11-12 dương lịch).

Nếu chọn thời điểm ông Da-ca-ri-a dâng hương vào tháng Xi-van, thì khoảng tháng 12 (tháng Kít-lêu) sẽ là thời điểm Đức Giê-su được thụ thai trong lòng mẹ. Nếu chọn tháng Kít-lêu là thời điểm ông Da-ca-ri-a dâng hương, thì khoảng cuối tháng 12 (tháng Kít-lêu – Tê-vết) sẽ là thời điểm Đức Giê-su Giáng Sinh. Thời điểm này gần với thời điểm mà người Do-thái mừng lễ Cung Hiến (ḥănûḵāh) còn gọi là “lễ Ánh Sáng” vào ngày 25 tháng Kít-lêu (x. 1 Mcb 4,52-59).

Về phương diện lịch sử cho đến hôm nay vẫn chưa ai dám xác quyết cách chắc chắn về mặt niên đại, nhưng rõ ràng niềm vui trong ngày mừng mầu nhiệm ánh sáng thì thật thích hợp với ngày giáng sinh của Chúa. Vì theo Kinh Thánh Cựu Ước, Đức Giê-su chính là vì sao sáng xuất hiện từ nhà Gia-cóp (x. Ds 24,17), là “ánh quang huy hoàng của Đức Chúa” (Is 35,2 ; Is 9,1), là “Mặt Trời Công Chính sẽ mọc lên mang theo các tia sáng chữa lành bệnh” (Ml 3,21). Kinh Thánh Tân Ước làm chứng rằng Đức Giê-su là “Sao Mai sáng ngời” (Kh 22,16), “là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12), là “vầng đông soi sáng ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần” (Lc 1,78-79), là ánh sáng đem lại sự sống (Ga 8,12), và Người là “ánh sáng thật” (Ga 1,9).

3. NƠI SINH

Đức Giê-su sinh ra ở Bê-lem, thành vua Đa-vít (Lc 2,11 ; Mt 2,1). Bê-lem cũng là nguyên quán của Người, vì tổ tiên của vua Đa-vít là người Bê-lem, chính vua Đa-vít cũng sinh trưởng tại Bê-lem, vùng đất của chi tộc Giu-đa (1 Sm 16,1.4 ; 1 Sm 17,12 ; Mk 5,1). Địa danh Bê-lem trong tiếng Hy-lạp Βηθλέεμ (Béthleem) được ký âm từ tiếng Híp-ri là לֶחֶם בֵּית  (bêṯ leḥem / bet-le-khem), có nghĩa là nhà của bánh (nhà bánh).

Một hình ảnh mang nhiều gợi ý : Hài nhi Giê-su sinh ra trong nhà bánh và lại được đặt nằm trong máng cỏ (Lc 2,11-12). Hình ảnh này gợi liên tưởng đến câu nói nổi tiếng của Đức Giê-su : “Tôi là bánh (לֶחֶם leḥem) từ trời xuống (Ga 6,41) ; “chính tôi là bánh trường sinh” (Ga 6,35). “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).

4. ĐẶC ĐIỂM ĐỂ NHẬN DẠNG

Một trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ” chính là đặc điểm để nhận dạng, là dấu để nhận biết Đấng Cứu Độ, Đấng Ki-tô, Đức Chúa (Lc 2,7-12).

“Một trẻ sơ sinh bọc tã, đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7). Từ nhà trọ trong tiếng Hy-lạp καταλύμα (kataluma) cũng được tác giả Lu-ca sử dụng để mô tả căn phòng nơi Đức Giê-su ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ (Lc 22,11). Kataluma là một phòng rộng để ăn uống hoặc nghỉ ngơi. Một ngôi nhà trong đó có phòng lớn (kataluma) ở tầng hai hoặc tầng ba nơi gia đình sinh sống, còn tầng trệt là nơi nhốt động vật.

Bản văn của thánh Lu-ca có lẽ mô tả một tình huống trong đó một đại gia đình từ khắp nơi trở về nguyên quán, họ có thể ở trong một ngôi nhà duy nhất của tổ tiên để “khai tên tuổi theo lệnh kiểm tra dân số”. Có lẽ vì thế mà kataluma không có sự riêng tư để cho một ca sinh nở. Ma-ri-a và những người khác (có lẽ bao gồm cả bà đỡ) đã phải đi đến chỗ nhốt động vật phía dưới. Vì vậy, Đức Giê-su có lẽ đã được sinh ra tại tầng trệt chỗ nhốt các thú vật. Tin Mừng Mát-thêu dùng từ οἰκία (oikia) nghĩa là nhà : “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2,11).

Cầu nguyện

Lạy CHÚA,

xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa,

và ban ơn cứu độ cho chúng con.

Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán,

điều CHÚA phán là lời chúc bình an

cho dân Người, cho kẻ trung hiếu

và những ai hướng lòng trí về Người.

Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ

cho ai kính sợ Chúa,

để vinh quang của Người

hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta.

Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ,

hoà bình công lý đã giao duyên.

Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp,

công lý nhìn xuống tự trời cao.

Vâng, chính CHÚA sẽ tặng ban phúc lộc

và đất chúng ta trổ sinh hoa trái.

Công lý đi tiền phong trước mặt Người,

mở lối cho Người đặt bước chân (Tv 85,8-14).

print